Wednesday, September 25, 2024

Hoàng Quang - Chẳng lẽ sự thiện lương cũng phân chia giai cấp
mercredi 25 septembre 2024
Thuymy


Cũng định chẳng viết gì thêm về tình trạng quyên góp cứu trợ đồng bào vùng bão lũ. Nhưng tối qua, trong lúc chờ cơm đọc được một cái tin khiến lặng người bỏ cả bát đũa lên gác nằm.

Đó là việc trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Quận Gò Vấp, TPHCM) trong một buổi lễ đã tuyên bố chỉ có giấy khen đối với những học sinh đóng góp từ 100 nghìn đồng trở lên, còn dưới mức đó thì thôi.

Trời ạ, thời buổi nào rồi mà những người nhân danh nhà giáo suốt ngày rao giảng cho học sinh về đạo đức, lối sống, tình yêu đối với đồng loại lại có lối ứng xử kỳ quặc như vậy. Các thầy cô có biết hành động đó của họ sẽ tạo ra sự đố kỵ, ganh ghét, sự mặc cảm trong lòng mỗi đứa trẻ hay không.

Sau buổi lễ đó, những đứa được nhận giấy khen sẽ có cái nhìn kẻ cả, coi thường đối với các em vì hoàn cảnh gia đình không có tiền nộp đủ số đó. Còn các em không được nhận giấy khen sẽ rúm ró túm tụm vào nhau với trái tim quặn đau chứa đầy sự tự ti. Rồi chúng sẽ về nhà đòi cha mẹ cho thêm. Nếu chẳng may vì nghèo không có, chúng sẽ oán hận cha mẹ, ông bà. Vết hằn này sẽ theo chúng suốt cuộc đời. Đây là một dạng lùa gà, trấn lột mềm.

Chẳng lẽ vì bệnh thành tích, vì muốn đẹp lòng cấp trên mà họ bất chấp tất cả hay sao?

Chẳng lẽ sự thiện lương cũng có sự phân chia giai cấp hay sao? Chẳng lẽ danh dự cũng mua được bằng tiền hay sao?

Được biết trường Lô mô nô xốp ở Hà Nội cũng vận động học sinh quyên góp nhưng không quá 30 nghìn đồng mỗi em. Rồi chính quyền Hải Phòng, nơi chịu thiệt hại cực lớn sau bão số 3 vừa qua đã cấm tiệt các trường không được quyên góp của học sinh dưới mọi hình thức. Đó là hành động đúng đắn, đẹp đẽ đáng hoan nghênh.

Nếu là hiệu trưởng một trường nào đó, tôi sẽ tập trung học sinh lại thông tin cho các em rõ tình hình mất mát sau cơn bão, về những cái chết và sự thiếu thốn của đồng bào, của các bạn vùng lũ, rồi kêu gọi các em tùy theo sức của mình đóng góp giúp đỡ bà con. Vật ủng hộ có thể là quần áo cũ, sách vở, đồ chơi, tuyệt đối không được về xin tiền bố mẹ. Sau đó nhà trường sẽ tổ chức một ngày hội tiếp nhận đồ cứu trợ, thầy trò cùng nhau đóng gói kịp thời gửi đi.

Học sinh sẽ nhớ mãi những ngày hội của tấm lòng tương thân tương ái như thế. Và kể từ sau giây phút đó, các em chắc chắn sẽ đoàn kết hơn, sẽ sống nhân ái với đồng loại hơn. Những bài học đầu đời như thế là hết sức quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Các nhà giáo dục và quản lý giáo dục nên lấy sự việc của trường Lê Quý Đôn nói trên làm bài học kinh nghiệm cho mình.

HOÀNG QUANG 25.03.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment