Logic của sự thoái hoáTrần Ngọc Vương
26-4-2024
Tiengdan
Bạn ấy vừa mất tất cả! Viết về bạn ấy bằng giọng điệu hả hê, nhiếc móc, mỉa mai… dường như là một thái độ tầm thường, không phải vì hành vi té nước theo mưa, đòn hội chợ đập vào kẻ ngã ngựa, người ra đòn cũng chẳng vẻ vang gì.
Nhưng, trước một trường hợp khá điển hình, từ góc nhìn nào đó, là tiêu biểu, tiêu biểu bậc nhất, khiến hầu như tất cả những ai từng có khát vọng – cá nhân hay xã hội – đều nên coi đó là rất đáng ngẫm ngợi.
Tuổi trẻ của bạn ấy (giá như bạn ấy chẳng may mất sớm chẳng hạn) chắc chắn sẽ có thể dựng lên một tấm gương điển hình cho rất nhiều người noi theo! Há chẳng phải đa số trong chúng ta, từ hồi đi học cho tới khi thành tài, dù quen biết hay không, nói ra hay không, đều dễ thừa nhận, rằng hồi trẻ, bạn ấy thật đáng ngưỡng mộ!
Thôi không nhắc lại những chuyện cổ tích, mà đám bút nô tởm lợm đã hư cấu lên, vô lý đến mức người có lý trí lành mạnh đều phì cười, chỉ nói rằng từ lúc bắt đầu có một địa vị xã hội, được nhắm đưa nhanh vào “cơ cấu và địa vị chiến lược”, người quan sát tỉnh táo đã nhanh chóng phát hiện ra “lỗ thủng”! Những “điều tiếng” bắt đầu dày lên từ thời làm Tổng kiểm toán (cấp lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở một trường đại học thì còn có thể coi là “đầy triển vọng”). Rồi từ đó, mỗi bước “tiến lên”, là thay đổi một gam màu, “bảng thành tích” dần dà trở nên nham nhở.
Rồi cả trong “vòng bí mật”, bạn ấy “lập chiến công” thần tốc. Vào Bộ Chính trị, vào chân Bí thư thủ đô, vụt lên hàng “ tứ trụ”. Theo dõi tiểu sử của các “lãnh tụ khởi nghĩa nông dân”, cả ở ta lẫn ở Tàu, có lẽ chỉ có một người, “phất” lên nhanh đến thế: Đó là người chốt danh là thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc, ngẫu nhiên (?) trùng tên với bạn ấy.
Nhưng sự đứt gãy của mỗi người thì hết sức khác biệt! Người thì để lại niềm nuối tiếc, niềm kính trọng và nhớ tiếc sâu sắc, người thì hoà nhanh vào hàng bầy sâu bự, vào hàng phản bội lợi ích dân tộc và cộng đồng. Biết nói sao khác được.
Cần tổ chức nghiên cứu kỹ hiện tượng này, một bài học quá lớn cho mọi hoạt động trong nhà nước và đảng cầm quyền. Các hiện tượng “phản ví dụ” khác không “ngang tầm” được. Cảm nhận cuối cùng của tôi, là chia sẻ một [cụm] từ mà người anh đồng môn đã nhiều lần thốt ra: “thật là đau xót”!
P/S: Giá như từng quen biết cá nhân, tôi sẽ nói từ rất sớm với bạn ấy những suy nghĩ của tôi. Có thể là cả những lời khuyên, vì dù sao, cũng thật đáng tiếc! Nhưng không, tôi không là bạn quen, không cùng tuổi, không là “đồng” gì hết!
No comments:
Post a Comment