Monday, April 1, 2024

Cẩm Hồng - Sài Gòn trong ký ức trước 1975
dimanche 31 mars 2024
Thuymy


Gia đình bên ngoại tôi có cơ ngơi làm ăn vững chắc ở Sài Gòn. Ai đã từng ở trung tâm Sài Gòn mà không biết đến nhà hàng Thanh Thế nổi tiếng một thời.

Ông chủ nhà hàng Thanh Thế là con trai của chủ quán Trung Thành trong vùng Gia Định cũng nức tiếng không kém. Ông chủ Thanh Thế cũng là anh em cô cậu với má tôi. Tôi gọi ông Thanh Thế là cậu vì mẹ cậu và bà ngoại tôi là hai chị em ruột. Ba tôi làm việc cho nhà hàng từ buổi đầu khai trương.

Má tôi có sở thích yêu văn học nghệ thuật nên hay đọc truyện, báo chí văn nghệ, thích coi kịch, mê cải lương. Thời đó những tên các đoàn hát: Hoa Anh Đào Kim Chưởng, Kim Chung 1,2,3 và đặc biệt Thanh Minh Thanh Nga là má thuộc nằm lòng tên từng nghệ sĩ, và mê nhất những vở cải lương xã hội của đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Tôi nhớ đâu hồi tôi ba, bốn tuổi. Mỗi lần ba đọc báo thấy có chương trình diễn của các đoàn má yêu thích ba thường  mua vé cho cả nhà đi coi.

Nhà tôi trong Gia Định. Cải lương chỉ diễn ở các rạp ngoài Sài Gòn như rạp Olympic, Quốc Thanh, Hưng Đạo hay rạp Lux. Các rạp này ở xa nên mỗi lần đi coi phải đi bằng taxi của chú Chín hàng xóm.

Dù còn nhỏ, ngồi trong xe nhìn ra Sài Gòn nhưng tôi cảm nhận được nét đẹp của Sài Gòn về đêm thật tráng lệ. Hai tòa nhà mà tôi chú ý nhiều nhất là tòa nhà Thượng nghị viện (hiện là Nhà hát thành phố) và Tòa đô chính Sài Gòn (nay là Ủy ban nhân dân Thành phố) ; và còn rạp chiếu phim Rex, Thương xá Tax, nhiều cửa hiệu đèn đóm sáng choang. Khi ấy tôi ước gì có một ngày được ra dạo hết phố Sài Gòn.

Và rồi điều mơ ước này cũng đến, không những tôi được dạo ngắm gần hết khu trung tâm một ngày mà còn được lưu lại thủ đô gần nửa năm trời.

Chẳng là mồng Ba Tết Mậu Thân 1968 (khi đó tôi chưa đầy năm tuổi) xảy ra cuộc chạm súng với những người phía bên kia ngay tại vùng tôi ở. Theo lệnh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, người dân phải tản cư. Mọi người gồng gánh dắt díu nhau chạy giữa trưa trong tiếng bom gầm đạn xé mà không biết điểm đến là nơi đâu ?

Ba tôi chẳng may bị trúng đạn ở chân hàng xóm giúp băng bó vết thương, tôi cũng bị một mảnh mortier sướt qua bàn tay. Thấy máu nhiều tôi ngất xỉu. Hàng xóm vừa chạy vừa cõng hai cha con đưa ra đầu hẻm. May thay có xe Hồng Thập Tự chạy ngang vớt cả gia đình tôi lên trực chỉ nhà thương Sài Gòn. Đến nơi, má tôi bồng nhỏ em mới sáu tháng tuổi sang nhà hàng gặp cậu. Thế là cả nhà sau đó được người cậu tử tế cho ở một phòng khá rộng  trên lầu một của nhà hàng.

Lúc đầu chị em tôi còn bỡ ngỡ nhưng dần rồi cũng quen. Phận ăn nhờ ở đậu nên việc giải trí tạm thời gác qua. Chỉ có những hôm chiều gió mát ba tôi cho phép chị em tôi đi dạo vòng  quanh khu vực nhà hàng. Phía đường Nguyễn Trung Trực có thương xá Tam Đa với những tủ kính trưng bày hàng hóa thời trang đèn đóm lộng lẫy,  tiếp đón những khách hàng sang trọng ra vào tấp nập. Mặt tiền đường nhà hàng số 1 và 3 đường Tạ Thu Thâu là nơi lý tưởng cho giới văn nghệ sĩ ngồi nhâm nhi cà-phê hóng mát, tha hồ mua sắm ở các cửa hiệu.

Gần đó có tiệm bánh mứt Hòa Lợi thơm ngon. Đi một vòng ngang qua cửa Tây chợ Bến Thành là đường Phan Chu Trinh có những hàng quà vặt. Cứ mỗi ngày đi dạo một chút, dần dần thuộc những con đường xung quanh nhà hàng ba mặt tiền Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Tạ Thu Thâu. Nói đến đường Lê Lợi không thể thiếu tiệm bánh Nguyễn văn Đắc, góc Lê Lợi - Pasteur có nước mía Viễn Đông lâu lâu được ba cho tiền mua về uống thơm mát ngọt lịm ; và kể cả nhà sách Khai Trí rộng thênh thang với nhiều tuần báo, tựa sách đọc hoài không chán.

Không được đi coi cải lương, bù lại ba cho phép coi ciné ở những rạp gần đó như Casino Sài Gòn, Vĩnh Lợi, cứ một xuất chiếu là hai phim coi đã đời. Lâu lâu còn được má dẫn đi dạo chợ Bến Thành cho biết.

Chỉ sáu tháng thôi mà chị em tôi vô cùng thích thú. Đầu tiên phải kể đến công ơn của cậu mợ tôi cho đến toàn bộ nhân viên nhà hàng ai cũng tử tế hết lòng, kế đến là ba tôi hết giờ làm hay nghỉ ngày Chủ nhật là dẫn chị em tôi du lịch gần như hết khu trung tâm. Sáu tháng chúng tôi sống trong sự bao bọc, che chở bình an của gia đình cậu mợ, được vui thỏa thích quên hẳn cuộc chiến khốc liệt trước đó ở nhà cũ.

Chiến cuộc tàn, giặc bị đẩy lui. Chia tay cậu mợ chúng tôi trở về ngôi nhà cũ. Vẫn còn không ít vết tích chiến tranh trên vách nhà, trên bàn chân của ba và ngón tay của tôi. Nhưng có hề gì so với chiến công của những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu bất chấp hiểm nguy để bảo vệ người dân tránh bom đạn giặc, và điều quan trọng hơn nữa là mong muốn cho Sài Gòn luôn xứng danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” !

CẨM HỒNG 31.03.2024

Ảnh : Nhà hàng Thanh Thế trước 1975

No comments:

Post a Comment