Đảng, nhân sự và làm đến đâu... nát đến đó! (P4)Trân Văn
27/04/2024
VOA
(tiếp theo)
Trừ ông Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực), lý do khiến các ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế BCH TƯ đảng CSVN khóa 13), Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước), Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước) mất tất cả chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là đã giúp sức cho một số doanh nghiệp thu lợi bất chính. Ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) – nhân vật vừa nối gót ba ông vừa kể cũng cùng lý do. Tuy nhiên, nếu vô tình hay hữu ý, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức cho doanh nghiệp tư nhân thu lợi bất chính là nghiêm trọng tới mức phải xử lý thì ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an) vô sự là hết sức vô lý...
***
Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này bị một số thành viên Mobifone tố cáo cả bằng đơn, thư gửi cho các cá nhân, cơ quan hữu trách lẫn bày ra trên Internet nhằm tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào bận tâm đến những tố cáo và cảnh báo ấy. Đầu năm 2016, thương vụ hoàn tất. Tố cáo vẫn không ngừng. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra vụ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Dù Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng TTCP vẫn không công bố Kết luận Thanh tra (KLTT).
Thế rồi ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đột nhiên nhất trí hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Hai hôm sau – 14/3/2018 – TTCP công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra vụ AVG chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone.
Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên, trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Công an…, đã cùng tham gia, để AVG nâng giá trị của doanh nghiệp này lên 7.000 tỉ nữa.
Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi TTCP chính thức công bố kết luận được xem là có... đạo diễn lành nghề giúp sức! Nhờ sự chủ động từ bỏ khoản chênh lệch lên tới 7.000 tỉ trước khi TTCP công bố KLTT hai... ngày, tuy là chủ mưu nhưng ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù. Còn những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng TTTT) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù!
Cần lưu ý là trong KLTT vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, TTCP xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản: “Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định”[1]. Những công văn đó mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an cho là “hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị”, nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để AVG nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này.
Nếu chịu khó dành thời gian ngó qua ba công văn của Bộ Công an mà TTCP đề cập, hiện có trên trang web của Tiếng Dân [2] tất sẽ nhận ra sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm. Có công văn tính từ lúc Bộ TTTT ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền ở Bộ Công an xem xét - chỉ đạo - soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu chỉ vỏn vẹn... bốn ngày. Sự can dự được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên.
Không có ai, nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại “Mật”, yêu cầu Bộ TTTT “chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này” (Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015 – xếp loại “Tối mật”) .
Không phải tự nhiên mà trong KLTT, TTCP kiến nghị: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II. Khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị đảng xử lý kỷ luật vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này không xảy ra với Thượng tướng Tô Lâm dù lật lại vụ án Mobifone – AVG tự nhiên sẽ thấy, trách nhiệm của “đồng chí” tương đồng với các bị cáo.
***
Quy hoạch nhân sự đã nâng Thượng tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Công an lên Đại tướng – Bộ trưởng Công an, đưa ông vào Bộ Chính trị. Các quy định về quy hoạch nhân sự hứa hẹn sẽ đưa những người ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ vươn tới đỉnh của quyền lực, ông Tô Lâm cũng thế và đột nhiên chỉ trong vòng hai tháng, hai trong số vài ứng cử viên cho vị trí Tổng Bí thư phải từ nhiệm vì những “vi phạm, khuyết điểm” mà bản chất chẳng khác gì hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Có bao giờ hành vi ấy trở thành... “vi phạm, khuyết điểm”. Không thể nói có cũng chẳng thể nói không vì sự “phức tạp” của quy hoạch nhân sự... còn xa hơn nữa!
(còn tiếp)
Chú thích
No comments:
Post a Comment