Tuesday, March 7, 2023

VNTB – Người đẹp Mai Phương Thúy đang bị vạ lây?
Hà Nguyên
07.03.2023 6:00
VNThoibao



(VNTB) – “Thúy thấy F88 rất tiềm năng trong việc phát triển thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam”

 10 tỷ đồng ‘tiền tươi’ của hoa hậu ‘rót’ vào dịch vụ cầm đồ

Đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 2016, Mai Phương Thuý hoạt động nghệ thuật và ghi dấu ấn với khán giả là Hoa hậu tri thức. Tuy nhiên năm 2013, Mai Phương Thuý tuyên bố giải nghệ, tập trung vào kinh doanh mà chủ yếu là đầu tư chứng khoán. Thậm chí có thời điểm, Mai Phương Thuý được mệnh danh là “Hoa hậu chứng khoán” với loạt chia sẻ về những đợt đầu tư khủng vào các tập đoàn lớn.

Năm 2019, Mai Phương Thuý công khai tin tức đã chi 10 tỷ đồng mua trái phiếu của hệ thống cầm đồ F88 sau khi doanh nghiệp này (Công ty cổ phần Kinh doanh F88) phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Chia sẻ với truyền thông thời điểm đó Mai Phương Thúy cho biết: “Tiêu chí đầu tư của Thúy là lựa chọn các công ty chú trọng phát triển về công nghệ, được định hướng phát triển bài bản và phải đặt tính trung thực lên hàng đầu. Chính vì vậy mà Thúy đã tìm hiểu về công ty F88 rất lâu rồi, từ hồi Mekong Capital đầu tư. Thúy thấy F88 rất tiềm năng trong việc phát triển thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam nên khi thấy có cơ hội đầu tư là Thúy đầu tư ngay”.

Người đẹp sinh năm 1988 này còn trải lòng rằng: “Khi tôi đầu tư cổ phiếu, rất muốn mua cổ phiếu của doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Mọi thứ trông có vẻ hơi lộn xộn xấu xí nhưng lại thấy như thế thoải mái và tôi thường thành công ở những thương vụ ấy, tức là mua giá thấp sau này giá lại lên rất cao mình kiếm được lợi nhuận nhiều”.

Một hình thức ‘đánh bóng’ thương hiệu?

Trong đợt phát hành nói trên, trái phiếu của F88 có kỳ hạn 2 năm với lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 12,3%/năm và năm thứ 2 là 13%/năm. Lãi được thanh toán 6 tháng/lần. Tính trên giấy, khi trái phiếu đáo hạn  năm sau, Mai Phương Thúy nhận về 2,53 tỷ đồng tiền lãi. Mức này được coi là tốt nếu so sánh với lãi tiết kiệm gửi ngân hàng, nhưng lại rất bình thường nếu so với trái phiếu các doanh nghiệp các ngành khác, nhất là khi trái phiếu của chuỗi cầm đồ lại nhiều rủi ro hơn hẳn.

Chưa kể, với người nổi tiếng như Mai Phương Thúy, việc đầu tư bao nhiêu tiền vào đây sẽ không hẳn là con số công bố, sẽ không có gì lạ nếu trong số 10 tỷ Thúy tuyên bố đầu tư thì chuỗi cầm đồ phải chi số tiền không nhỏ để đổi lại danh tiếng của người đẹp để gây chú ý trên thị trường.

Tại sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIPF) 2019 Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy cũng từng tuyên bố đầy cao ngạo rằng cô chưa thua lỗ trong đầu tư chứng khoán và cũng muốn biết giảm giác lỗ như thế nào (?!).

Cảm giác ấy giờ có lẽ Mai Phương Thúy bắt đầu thấm thía trong nỗi lo âu liệu có xảy ra chuyện “cháy thành vạ lây”?

Nói thêm, sau Mai Phương Thúy chọn rót vốn vào F88, thì hoa hậu Ngọc Hân cũng đầu tư vào hệ thống cầm đồ T99 với số tiền tươi lên đến 20 tỷ đồng.

Lúc chưa xảy ra vụ việc hàng loạt trụ sở, điểm kinh doanh tại TP.HCM của F88 bị khám xét hôm 6-3-2023, phía F88 thông tin nhân sự là hơn 5.000 người; phục vụ hàng triệu khách hàng; quy mô dư nợ 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 88% so với cùng kỳ năm trước. “Trong kế hoạch chung, đến năm 2024, F88 sẽ chính thức IPO với quy mô vốn hoá kỳ vọng đạt 1 tỷ USD”, thông tin công bố trên website chính thức của F88 nêu.

Tuy nhiên, ngoài tăng trưởng về quy mô dư nợ, mạng lưới hoạt động kể trên, các số liệu tài chính khác không được F88 cập nhật cụ thể.

F88 đứng trước nguy cơ… hình sự

Tin tức cho hay, tính đến cuối giờ chiều 6-3-2023, Công an TP.HCM vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Bộ Công an khám xét trụ sở Công ty cổ phần kinh doanh F88 trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng khám xét nhiều chi nhánh của F88 ở TP.HCM. Cụ thể, công an khám xét chi nhánh F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1; chi nhánh của F88 trên đường Đỗ Xuân Hợp, thành phố Thủ Đức; chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Quá, quận 12; chi nhánh trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú…

Theo một nguồn tin, F88 có 80 chi nhánh, địa điểm kinh doanh ở TP.HCM. Một số địa phương có nhiều địa điểm F88 như thành phố Thủ Đức, các quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh với trung bình từ 5 đến 7 địa điểm; hoạt động trong lĩnh vực tài chính cho vay, cầm đồ…

Một nguồn tin cho biết F88 bị nghi ngờ thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản. Việc khám xét nhằm phục vụ điều tra về hành vi trên.

Thời gian gần đây, Bộ Công an và công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây thu hồi nợ kiểu xã hội đen và chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, cơ quan chức năng cho rằng hàng trăm ngàn người đã bị các băng nhóm vu khống, khủng bố, đe dọa buộc trả tiền.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), F88 hiện còn lưu hành 8 mã trái phiếu với 1.709 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Số dư nợ trái phiếu chưa thanh toán ở mức 1.170,9 tỷ đồng. Một số khoản trái phiếu hết hạn trong tháng 2, 3 và tháng 5 tới đây.

Lách luật để “hút máu” người vay

Theo Khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 6 điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, lãi suất cầm cố tài sản tại các tiệm cầm đồ tối đa là 20%/năm. Tuy nhiên, các cửa hàng cầm đồ thường lách luật bằng cách thu thêm phí thẩm định, phí quản lý tài sản, phí lưu kho bãi (nếu có).

Có thể thấy, khách hàng vay tiền ở những cửa hàng cầm đồ nói chung đều là những người nghèo, họ cần một món vay “nóng” để giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt, ngoài ra là tài sản không có giấy tờ đầy đủ để thế chấp ngân hàng. Đây cũng là nhóm khách hàng bị “hút máu” nhiều nhất khi vay tiền thông qua dịch vụ cầm đồ.

Ghi nhanh từ ý kiến của một số khách hàng đang mượn nợ, cầm cố ở F88 tại TP.HCM, thì lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 về lý thuyết quảng cáo là đều nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký cho người có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí.

Cụ thể, các loại phí như thẩm định điều kiện cho vay là 1,4%/tháng; phí quản lý tài sản cầm cố từ 2 đến 3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản; phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo… Với cách này, tổng số tiền phí và lãi khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả là rất cao.

Hiện nay, do cho vay với lãi suất (đã cộng thêm các khoản phí) cao ngất ngưởng, thường vượt quá khả năng trả nợ của các con nợ, các cơ sở cầm đồ thường sử dụng đội quân thu nợ xã hội đen, trấn áp và khủng bố con nợ, thậm chí nhiều vụ án mạng liên quan tới cho vay cầm đồ đã xảy ra…


No comments:

Post a Comment