VNTB – Điếc không sợ súngNgọc Linh Lan
28.03.2023 2:05
VNThoibao
(VNTB) – Sếp lớn ‘điếc không sợ súng’
Bạn đọc viết
Tôi tin rằng ông Võ Văn Thưởng không chút nghiệp vụ gì về tòa án, do đó chuyện ông ‘phát biểu chỉ đạo’ Tòa án nhân dân tối cao, là một tấn tuồng hài hước.
Báo chí nhà nước lên “bản tin đồng phục” về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội ngày 27-3-2023.
Ông Thưởng còn đồng thời làm việc với tư cách tân Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Về phía Tòa án nhân dân tối cao, dàn ban bệ góp mặt cũng toàn ‘tai to mặt bự’ ở chốn pháp đình: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao, và các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng, Dương Văn Thăng; các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Trợ lý, Thư ký Chánh án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Sau những phần báo cáo thành tích, nêu những kiến nghỉ và các hướng hẹn phấn đấu ở thời gian tới của phía chủ nhà Tòa án nhân dân tối cao, thì theo một biên bản ghi nhận mà người viết được đọc qua về buổi làm việc này, khá bất ngờ là tân Chủ tịch nước, tân Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đã rất nhanh cho đưa ra “chỉ đạo phát biểu”, đại khái như sau:
Thứ nhất, cấp ủy và lãnh đạo Tòa án các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương; tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Trọng tâm là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Áp dụng hiệu quả thủ tục tố pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại toà án. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện.
Thứ ba, coi trọng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, kịp thời, nhất là những vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; chú trọng việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản của nhà nước, tập thể.
Thứ tư, tích cực tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp thành các quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đặc biệt trong xét xử, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thứ năm, mỗi phán quyết, quyết định của Tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vì thế không được để xảy ra oan, sai; phải góp phần giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tạo môi trường xã hội, môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ.
Mỗi vụ án, vụ việc đưa ra xét xử, không chỉ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, mà còn phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc ta.
Thứ sáu, để thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới, điều kiện tiên quyết là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán có đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có lương tâm, tấm lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, tinh thông pháp luật, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học – công nghệ.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các đoàn thể trong ngành Tòa án thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tòa án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án. (dừng trích)
Trong phút chốc của buổi làm việc, dù tài năng đến đâu – thậm chí cả khi cậy đến ứng dụng ChatGPT, thì chắc chắn đội ngũ thư ký báo chí của Chủ tịch nước cũng không kịp thời gian chắp bút soạn thảo bài “phát biểu chỉ đạo” để ông Thưởng đăng đàn sau khi nghe các ý kiến từ Tòa án nhân dân tối cao.
Và với diễn biến đó cho thấy một kịch bản quen thuộc của “soạn án trước nghị án” đã được áp dụng trong trường hợp với một chính khách còn ‘chân ướt chân ráo’ khi ngồi vào ghế quyền lực Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
No comments:
Post a Comment