Vì sao quyết định trả tự do cho tiếp viên Việt Nam xách ma túy gây sốc và bức xúc?
VOA Tiếng Việt
27/03/2023
VOA
Hình ảnh 4 tiếp viên Vietnam Airlines viết lời khai sau khi bị bắt vì vận chuyển ma túy được đăng trên báo chí Việt Nam vào ngày 17/3/2023.Trước thực tế này, vào chiều 23/3, lãnh đạo TPHCM đã phải tổ chức một cuộc họp báo để giải thích về quyết định này. Theo đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM lý giải rằng trong trường hợp này, yếu tố lỗi về mặt chủ quan của tội phạm chưa được chứng minh và quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ không chứng minh được yếu tố này.
Theo ông Hà, việc điều tra, xử lý một con người “phải rất thận trọng và tập hợp đầy đủ cơ sở chứng cứ” và nếu quá trình điều tra phát hiện dấu hiệu, chứng cứ khác mà củng cố được hành vi vi phạm thì cơ quan điều tra vẫn áp dụng biện pháp xử lý, chứ không phải đã kết thúc vụ án.
Để làm rõ thêm khía cạnh pháp lý của vụ việc, VOA có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Văn Đài, một luật sư nhân quyền hiện đang ở Đức. Mời quý vị theo dõi sau đây.
VOA: Xin chào Luật sư Nguyễn Văn Đài. Anh theo dõi thông tin mấy ngày qua chắc để ý thấy dư luận Việt Nam đang rất bất bình trước quyết định của cơ quan điều tra trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không bị bắt vì vận chuyển ma tuý. Nhiều người còn cho rằng các cô có “thế lực đỡ đầu” nên mới được xử lý nhẹ nhàng đến mức chưa có tiền lệ như thế. Anh nhận xét thế nào? Tội phạm ma tuý, theo luật và trên thực tế ở Việt Nam, có phải lúc nào cũng bị xử án nặng hay không?
LS. Nguyễn Văn Đài: Thưa chị Khánh An và quý khán thính giả, đối với luập pháp Việt Nam, tội vận chuyển ma tuý trái phép được quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Khung hình phạt cao nhất của nó lên đến mức án tử hình khi người vận chuyển đấy vận chuyển trên 100 gam ma túy tổng hợp (tinh chất) hay 300 gam ma túy dạng rắn. Theo thông tin báo chí thì cả 4 cô tiếp hàng không này đều mang tối thiểu trên 1 kg ma túy tổng hợp, tức là họ đều mang vượt quá ngưỡng bị áp dụng hình phạt tử hình theo Điều 250 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Điều 250 cũng quy định là cơ quan điều tra phải chứng minh được là những người vận chuyển này họ biết rằng hàng hóa vận chuyển là ma túy mà họ vẫn cố tình vận chuyển thì họ mới có cơ sở để khởi tố cũng như điều tra những tội phạm này.
Làm sao để chứng minh được người vận chuyển ma tuý đấy là họ cố tình? Thông thường, những người vận chuyển ma tuý thì họ luôn luôn phủ nhận rồi. Họ nói rằng họ không biết, hàng hóa họ vận chuyển ở trong vali hay gì đó là ma túy, mà họ chỉ được người này nhờ hay người khác nhờ vận chuyển hộ thôi, thì cơ quan điều tra phải yêu cầu người đó khai ra ai là người thuê và lượng hàng hóa này sẽ được vận chuyển cho người nào. Nếu như người vẫn chuyển đấy không thể chứng minh, không khai được tên tuổi và địa chỉ của người thuê mình, mà cũng không xuất trình được địa chỉ mà mình sẽ giao số hàng đó cho họ, thì đương nhiên người vận chuyển đó buộc phải biết hàng trong vali hay trong tuýp kem đánh răng đấy là ma tuý.
Thực tế ở Việt Nam, đặc biệt những người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…, họ thường xuyên nạn nhân của những vụ vận chuyển ma túy thuê này. Những người dân ở đó thường rất nghèo nên những người buôn ma tuý chuyên nghiệp thường lợi dụng tình trạng nghèo của người H’Mong và họ buôn ma tuý từ Lào về.
Tất nhiên, trong khoảng 100 vụ vận chuyển ma tuý của những người H’Mong thì chỉ khoảng 60% là họ biết chắc chắn nhưng họ vì lợi ích nên vẫn vận chuyển. Còn lại 40% trong các vụ án là họ bị lừa, nhưng các cơ quan cảnh sát điều tra phòng chống ma tuý của Việt Nam họ đều xử lý như nhau hết. Cùng lắm thì chỉ những người H’Mong mà kêu khóc, kêu oan từ đầu đến cuối thì họ không bị áp dụng mức án tử hình thôi, chứ còn thường là chung thân đối với những người vận chuyển trái phép ma tuý. Đấy là thực tế mà tôi từng chứng kiến ở Việt Nam. Đặc biệt có những vụ, khi tôi bị giam trong tù, tôi chứng kiến rất nhiều người họ hoàn toàn không biết thật, bị bạn bè lợi dụng thì khi xử lý vẫn bị coi như là đã biết trong đó là ma tuý.
Vụ bốn tiếp viên hàng không này đã được Cục Hải quan thành phố Hồ Minh điều tra và chính bản thân ông Cục trưởng tuyên bố đây là vụ việc đã được theo dõi từ trước, tức là các tiếp viên này đã có vận chuyển rồi, và khi các tiếp viên mang về thì họ đã chủ động soi. Tất cả những người ở Việt Nam ở trong hay ngoài nước mà từng đi qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, thì chúng ta thấy rất rõ ràng là hải quan rất hiếm khi họ chặn hành khách lại để họ soi hành lý. Hầu như là họ cho đi qua. Chỉ một số ít những người họ theo dõi thấy có quá nhiều hành lý cồng kềnh thì họ mới chặn lại để kiểm tra hành lý thôi. Chứ còn trong 100 hành khách, tôi cho rằng chưa đến 5% bị kiểm tra hành lý. Đặc biệt, các tiếp viên hàng không thì họ quá thân thuộc với hải quan rồi nên việc chặn lại để kiểm tra hành lý là nó phải có một sự việc gì cụ thể, bị theo dõi hay bị trình báo từ trước. Nhưng trên thực tế thì rất hiếm khi xảy ra trường hợp như vậy. Do đó, tôi tin lời của ông Cục trưởng Hải quan rằng đây là một chuyên án đã được hải quan theo dõi từ trước.
Sau khi họ chuyển qua cho phòng Cảnh sát điều tra chống tội phạm ma tuý của TPHCM thì sau mấy ngày điều tra, họ lại thả ra. Họ cho rằng không có cơ sở để khởi tố vụ án, thì đây là điều không chỉ gây ngạc nhiên đối với những người hành nghề luật mà những người dân bình thường cũng sốc trước quyết định như vậy.
VOA: Như vậy theo luật sư, có những điểm mấu chốt nào trong thông báo quyết định thả các tiếp viên ra của cơ quan công an đã khiến cho người dân bị “sốc” và bức xúc?
LS. Nguyễn Văn Đài: Vấn đề ở đây là khi cơ quan cảnh sát phòng chống ma tuý của Công an TPHCM đưa thông tin lên báo chí, họ chỉ nói một câu ngắn gọn là “không đủ cơ sở để khởi tố vụ án”, chứ họ không nói trong quá trình điều tra, những người này đã khai thế nào, người nhờ họ vận chuyển là ai, địa chỉ họ vận chuyển cho ai… Nếu như, họ trình bày rõ ràng, mạch lạc ra để người dân biết là anh nói như thế nào là “không có căn cứ” thì người dân sẽ hiểu vấn đề. Nhưng cơ quan cảnh sát đã mập mờ ở đây.
Chắc chắn có những khuất tất ở đây làm cho người dân bức xúc. Người ta không thể tin được chuyện đó bởi vì khi đọc trên báo chí, những lời khai ban đầu của các tiếp viên đã quá mâu thuẫn với nhau rồi.
Mâu thuẫn đầu tiên họ nói rằng có một người đến gửi họ hành lý với tiền công là 10 triệu đồng và họ không biết người đó là hai. Mâu thuẫn thứ hai quan trọng hơn là họ nói rằng sau một chuyến bay mệt mỏi, họ không đủ sức khoẻ để kiểm tra tất cả hành lý người ta nhờ vận chuyển. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi vì tôi là người biết rất rõ mỗi đoàn tiếp viên sau khi chuyến bay hạ cánh, họ có tới 72 tiếng để nghỉ ngơi trước khi họ bay chuyến bay trở về. Không thể nói vừa mới xong chuyến bay tới rồi lại phải bay về Việt Nam ngay. Chuyện đó rất phi lý! Từ lời khai của các tiếp viên đã chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn rồi, mà cơ quan điều tra lại không làm rõ điều đó, thì chính sự mập mờ, không rõ ràng của cơ quan điều tra đã khiến người dân Việt Nam càng bức xúc.
VOA: Vâng. Trên báo chí khi đưa tin về vụ bắt các tiếp viên, nhiều người dân đã chú ý đến tấm ảnh cả 4 cô ngồi cùng trong một bàn để viết tờ khai. Họ cho rằng cơ quan điều tra đã làm sai trong bước này. Nhận xét của họ có đúng không?
LS. Nguyễn Văn Đài: Chính xác. Đáng lý ra họ phải tách 4 người ra. Xưa nay tất cả đều phải như vậy chứ không phải chỉ riêng vụ này. Nguyên tắc là trong một vụ án, khi họ bắt được hai người trở lên, thì luôn luôn họ tách hai người đó ra các phòng khác nhau, thậm chí là hai điều tra viên khác nhau. Cho nên việc họ để cho 4 cô này ngồi cùng phòng và cùng viết thì đương nhiên họ thông cung với nhau rồi.
Tấm ảnh chụp có khuôn hình khá rộng, hoàn toàn không thấy xuất hiện một nhân viên hải quan hay cảnh sát điều tra nào thì hoàn toàn họ có thể trao đổi với nhau rõ ràng, thống nhất với nhau về lời khai. Điều này làm cho những người hiểu biết về quy trình điều tra càng bất bình.
Tiền lệ nguy hiểm
VOA: Khi họp báo, đại diện của Cục Hải quan TPHCM nói rằng vụ bắt giữ này diễn ra trong khi cơ quan này đang nỗ lực trấn áp tội phạm ma tuý, và bây giờ loại tội phạm này đã được mở rộng ra nhiều giới khác, kể cả đội ngũ nhân viên hàng không. Như vậy, theo luật sư, liệu tuyên bố về nỗ lực của hải quan Việt Nam và quyết định trả tự do cho các tiếp viên có xung khắc nhau không? Tác động của quyết định này thế nào?
LS. Nguyễn Văn Đài: Nói về nỗ lực phòng chống buôn lậu ma tuý nói riêng hay buôn lậu các loại hàng hoá khác nói chung qua đường hàng không và qua các tiếp viên, phi công, thì tôi không tin lắm vào tuyên bố của hải quan. Bởi vì ở Việt Nam, ai cũng biết giữa hải quan với phi công, tiếp viên thường là họ có thông đồng, móc ngoặc với nhau trong việc đưa hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam. Nhưng không hiểu sao ông Cục trưởng Hải quan TPHCM lại mạnh miệng tuyên bố như vậy. Nó không đúng với thực tế và bản chất của ngành hải quan Việt Nam.
Còn việc cơ quan cảnh sát phòng chống ma tuý TPHCM trả tự do cho 4 tiếp viên này chắc chắn nó tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, bởi vì nó sẽ làm cho các tiếp viên, phi công và những người dân bình thường khác vận chuyện hàng cấm thì họ đều vẽ ra một cái tên nào đó mà họ không biết danh tính, thậm chí họ có thể ghi một địa chỉ ất ơ nào đó. Nếu trót lọt thì họ “trúng quả” và được một số tiền công rất lớn, hoặc nếu là người buôn thì họ sẽ có một khoản lợi nhuận khổng lồ. Còn nếu không may bị bắt thì họ nói “Tôi không biết có gì bên trong cả. Tôi chỉ có người nhờ vận chuyển thôi” và họ thoát tội. Như vậy, nó đã tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm kể từ ngày hôm nay trở đi.
Mất niềm tin, uy tín
VOA: Có một số người đặt câu hỏi về tính “nghiêm minh” và “công bằng” của luật pháp và lực lượng thực thi pháp luật tại Việt Nam khi so sánh quyết định thả các tiếp viên mang ma tuý và những án tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến. Là một luật sư, cũng là một người được xếp vào giới “bất đồng chính kiến”, anh nhận định thế nào về so sánh này?
LS. Nguyễn Văn Đài: Vụ này tạo ra một sự bất bình ở người dân rất lớn. Họ bình luận là nếu người dân bình thường làm như vậy thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ bất chấp là cố ý hay không cố ý, biết hay không biết, nhẹ nhất là chung thân, nặng thì tử hình. Có người còn ví dụ có người dân ăn cắp một con vịt thôi thì có người 3 năm tù, người 7 năm tù, trong khi vận chuyển một số lượng ma tuý khủng khiếp như thế mà nó trót lọt, đưa vào tiêu thụ tại TPHCM thì không biết bao nhiêu tầng lớp thanh niên trẻ tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực, và việc sử dụng ma tuý có thể dẫn đến những tội phạm cướp của, giết người, hiếp dâm…, người ta còn nói như vậy, sẽ có bao nhiêu tội phạm phát sinh từ hơn 11 kg ma tuý này.
Nói chung, vụ việc này không dừng lại hôm nay hay ngày mai, mà nó tạo một tâm lý không còn tin cậy vào hệ thống pháp luật của chế độ nữa. Chưa kể, nếu so sánh với những người bất đồng chính kiến hay phản biện xã hội, thì đáng lẽ ra chính quyền phải khen họ, bởi vì thông qua những phản biện đó, chính quyền biết được mình sai ở đâu, mình còn điểm gì yếu để khắc phục, giúp cho chế độ vững mạnh hơn. Nhưng họ lại cho rằng điều đó đe doạ chế độ thì đó là một sự nhận thức rất mù quáng, một nhận thức ngược so với những tư tưởng văn minh và tiến bộ trên thế giới.
VOA: Vụ bắt các tiếp viên đã được nhiều cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế đưa tin. Theo anh, liệu quyết định thả các tiếp viên của chính quyền Việt Nam có gây ra ảnh hưởng quốc tế nào không, trong khi trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ người nước ngoài vận chuyển ma tuý ở Việt Nam và bị kết án tử hình?
LS. Nguyễn Văn Đài: Việt Nam xưa nay cũng được quốc tế khen ngợi vì làm khá tốt trong việc hợp tác với cảnh sát hình sự quốc tế hay theo dạng đa phương, song phương với cảnh sát chống ma tuý của các quốc gia khác. Nhưng vụ việc này sẽ làm mất uy tín của ngành cảnh sát Việt Nam rất nhiều. Tôi cho rằng trong tương lai, phía Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế để chống tội phạm ma tuý.
VOA: Vâng, cám ơn Luật sư Nguyễn Văn Đài đã dành thời gian cho VOA.
No comments:
Post a Comment