Vì sao Nga do dự mua tên lửa đạn đạo của Iran ?Minh Anh
Đăng ngày: 07/03/2023 - 13:26
RFI
Cuộc chiến tại Ukraina có nguy cơ kéo dài khiến quân đội Nga lo lắng về nguồn cung cấp tên lửa và đạn pháo có điều khiển đang cạn dần. Tuy nhiên, theo nhiều giới chức phương Tây, Nga tỏ ra ngần ngại về việc mua tên lửa đạn đạo từ Iran, vì cho rằng có thể các đồng minh của Ukraina sẽ trả đũa bằng cách cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev.
Cho đến lúc này, Iran đã cung cấp hàng trăm chiếc drone « tự sát » giúp quân đội Nga bắn phá các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraina. Dù vậy, cho đến hôm 06/03/2023, Iran vẫn nhất mực phủ nhận đã cung cấp vũ khí hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina và cho đấy là những lời cáo buộc « vô cớ ».
Tuy nhiên, hồi tháng 2/2023, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby cảnh báo nguy cơ Matxcơva cung cấp cho Teheran các loại chiến đấu cơ hiện đại và các trang thiết bị quân sự tiên tiến khác để đổi lấy đạn pháo và xe tăng, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Còn theo Lầu Năm Góc, dường như Nga cũng đang quan tâm đến « năng lực tên lửa đạn đạo » của Iran.
Financial Times nhắc lại, nhờ vào sự hỗ trợ công nghệ của Nga trong những năm 1990, Iran đã xây dựng được hạm đội tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông theo một chương trình mà bộ Quốc Phòng Mỹ năm 2019 từng đánh giá là « ngày càng chính xác » và « tinh vi ».
Giờ đây, cuộc chiến xâm lược Ukraina buộc Nga tìm nguồn cung ứng vũ khí. Các loại tên lửa đạn đạo Fateh-313 và Zulfiqar của Iran có tầm bắn lần lượt là 500 km và 700 km, bay nhanh hơn và có tải trọng chất nổ lớn hơn. Loại vũ khí này có thể bổ sung cho kho tên lửa đạn đạo của Nga, được cho là đã cạn mất đến một nửa.
Theo nhiều quan chức và một số nhà phân tích phương Tây, Nga và Iran đã có những cuộc thảo luận trao đổi : Nga cung cấp vũ khí hiện đại, đổi lại, Iran giao các loại tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã bị đình trệ. Ali Vaez, giám đốc dự án Iran thuộc tổ chức tư vấn Crisis Group giải thích sở dĩ kế hoạch này được thực hiện, là do châu Âu đe dọa Nga và Iran sẽ « lãnh những hậu quả nghiêm trọng ». Hoa Kỳ thậm chí còn vạch một lằn ranh đỏ.
Financial Times lưu ý, tuy đã hỗ trợ 10 tỷ đô la vũ khí cho Ukraina kể từ khi xung đột bùng phát, nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn từ chối đòi hỏi của Kiev muốn có hệ thống tên lửa ATACMS. Hệ thống tên lửa này có tầm bắn 300 km xa gần gấp 4 lần so với hệ thống Himars cũng do Mỹ cung cấp, đủ để tấn công sâu vào những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Dù vậy, các nhà phân tích quân sự phương Tây cũng thừa nhận, những lời cảnh cáo công khai đối với Iran có tác dụng hạn chế, do Teheran phải chịu các áp lực trừng phạt quá lớn. Và « Iran là một trong số ít quốc gia sẵn sàng bán vũ khí cho Nga » theo như lời một quan chức quốc phòng Mỹ.
Về phía Nga, tuy hiện tại nước này có phần do dự, nhưng lập trường cũng có thể thay đổi vào lúc tình trạng thiếu các loại tên lửa dẫn đường có độ chính xác ngày càng thiếu trầm trọng và nhịp độ sản xuất trong nước đang chững lại.
Trong bối cảnh này, khả năng Nga và Iran gia tăng hợp tác quân sự ngày một lớn. Đây là điều khiến nhiều nước phương Tây lo lắng. Đại sứ Mỹ bên cạnh NATO, Julianne Smith cảnh báo mối quan hệ này sẽ là « một tình huống rắc rối lớn » cho phương Tây và khối liên minh quân sự NATO.
No comments:
Post a Comment