Wednesday, March 8, 2023

Hợp thức hóa dạy thêm do không thể tăng lương cho giáo viên?
2023.03.08
RFA

Ảnh minh họa một học sinh đang học bài
AFP

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mới đây khẳng định, sẽ tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau đó sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm cho phù hợp thực tế.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường là vấn đề lớn được xã hội quan tâm từ mấy chục năm qua với nhiều ý kiến trái chiều. Một số giáo viên cho rằng, mức lương giáo viên từ nhiều năm qua không đủ sống, nếu không dạy thêm thì không đủ tiền trang trải chi phí cho gia đình.

Có giáo viên lại cho rằng, chương trình trong sách giáo khoa quá nặng, những giờ dạy chính khóa không đủ để truyền tải hết cho học sinh. Học sinh muốn hiểu cặn kẽ thì phải học thêm. Ngành giáo dục không có giải pháp để giải quyết tận gốc nên phải tìm cách hợp thức hóa chuyện dạy thêm. Thầy giáo Ngọc Sơn ở TP.HCM nêu quan điểm của ông với RFA:

“Cấm dạy thêm thì nói chung là không thể, bởi vì cái đó thực ra là nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Nhu cầu đó từ đâu ra? Từ những công việc của mấy ông viết sách. Mấy ổng tạo ra cái nhu cầu đó. Bây giờ sách vở họ viết rất là nặng nề. Nó tạo ra một áp lực rất lớn cho học sinh và giáo viên, cho nên thời gian chuyển tải trong lúc ở trên lớp, một tiết học bốn mươi lăm phút không thể chuyển tải hết được. Vì thế phải dạy thêm và bây giờ họ làm như thế là hợp thức hóa chuyện dạy thêm, học thêm.”

Những chuyên gia giáo dục mà RFA trò chuyện đều cho rằng, trước năm 1975 không có chuyện học sinh phải học thêm sau giờ học như bây giờ. Đây không phải là lỗi của giáo viên hay lỗi của học sinh. Lỗi là ở ngân sách cho ngành giáo dục quá thấp. Việc hợp thức hóa hoạt động dạy thêm không là giải pháp tốt.

Sự thực thì đây là giải pháp nửa vời. Một giải pháp tận gốc cho vấn đề này không thể tìm ra được khi mà thu nhập của thầy cô vẫn cứ thấp; khi mà đại đa số người nghèo vẫn cứ phải học trường công. Chính vì vậy và nó gần như là một thực trạng chưa tìm được giải pháp. Quan điểm chắc chắn của tôi là phải lập lại được như ngày xưa. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, phải cải cách được tận gốc ngành giáo dục để làm sao cho thầy cô đủ lương và tận tâm với giờ dạy chính thức. Dạy học sinh đừng tính đến chuyện dạy thêm. Ông phân tích thêm vào sáng 8/3/2023:

“Sự thực thì đây là giải pháp nửa vời. Một giải pháp tận gốc cho vấn đề này không thể tìm ra được khi mà thu nhập của thầy cô vẫn cứ thấp; khi mà đại đa số người nghèo vẫn cứ phải học trường công. Chính vì vậy và nó gần như là một thực trạng chưa tìm được giải pháp. Quan điểm chắc chắn của tôi là phải lập lại được như ngày xưa. Tức là thầy cô ăn lương đủ sống để dạy trong giờ học chính thức. Đừng có chuyện dạy thêm. Việc cho phép dạy thêm sẽ dẫn tới chuyện người ta dạy giờ chính không nhiệt tình để tâm sức dạy thêm thì mới kiếm đủ tiền. 

Tuy vậy, Nhà nước cũng phải nhìn vào một thực tế không khác được là chất lượng học sinh thì có kém; thu nhập của thầy cô thì rất là thấp. Chính vì vậy mới tìm cách đưa dạy thêm như một hoạt động nhưng phải chịu một số cái điều kiện quản lý nhất định.”

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thừa nhận với báo chí nhà nước rằng, dù đã có quy định cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Còn với cấp trung học thì không để xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm chính học sinh của lớp mình. Nhưng không thực hiện được.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lúc đương chức cũng từng cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của nhiều học sinh và giáo viên nên chỉ cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm.

Giáo sư Mạc Văn Trang thì có quan điểm khác. Ông nói với RFA sáng ngày 8/3/2023:

“Rất xấu. Tôi đã nhiều lần nói rằng, đi học thêm là phải tự nguyện và tổ chức ở ngoài nhà trường mà xã hội nào cũng có. Tức là nhà trường đã dạy rồi thì không phải học thêm nữa. Muốn học thêm thì ra các trung tâm ngoài xã hội, ngoài cộng đồng học các lớp dạy tiếng Anh, dạy võ, dạy toán lý hóa hay khoa học kỹ thuật, sáng tạo gì đó. Ai thích thì đi, học theo yêu thích, học theo năng khiếu, học theo sở trường thì học sinh mới say mê. Đằng này, hợp thức hóa dạy thêm thì dễ sinh tiêu cực, cả lớp phải đi học thêm thì nó rất vô lý, rất phản khoa học, phản giáo dục.

Nếu giáo viên sống được nhờ lương thì đâu có ai muốn đi dạy thêm làm gì. Ép học sinh học thêm để mình kiếm tiền thì xấu hổ với học sinh, xấu hổ với cha mẹ học sinh, xấu hổ với xã hội. Nhưng đáng buồn là những cái xấu hổ đó dần dần nó quen. Nó trở thành trơ lỳ đi”

Nhà giáo Mạc Văn Trang nhận định, ban đầu, việc dạy thêm, học thêm ở trong trường xuất phát từ việc giáo viên thấy học sinh nào giỏi thì bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh nào kém thì cho học phụ đạo. Giáo viên coi đó là nhiệm vụ của mình và không lấy tiền.

Nếu giáo viên sống được nhờ lương thì đâu có ai muốn đi dạy thêm làm gì. Ép học sinh học thêm để mình kiếm tiền thì xấu hổ với học sinh, xấu hổ với cha mẹ học sinh, xấu hổ với xã hội. Nhưng đáng buồn là những cái xấu hổ đó dần dần nó quen. - Giáo sư Mạc Văn Trang

Dần dần chuyện phụ đạo biến tướng thành dạy thêm, học thêm. Nó khiến cho việc chính giáo viên dạy học sinh của mình xong rồi lại dạy thêm chính học sinh của mình. Nó trở thành chuyện tiêu cực, chuyện rất không hay mà người ta nói vui là làm nghề nào "ăn" nghề đó. Thầy giáo "ăn" vào học sinh của mình.

Mấy năm qua, cử tri của các địa phương cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đồng tình với đề xuất này.

Thực tế lâu nay cho thấy vấn đề gì Chính phủ Hà Nội không quản được thì cấm. Bây giờ quản không được thì hợp thức hóa.

Tin, bài liên quan

No comments:

Post a Comment