Dương Quốc Chính - Lịch sử mối quan hệ Nga/Liên Xô-Trung Quốc
dimanche 26 mars 2023
Thuymy
Khi Stalin chết, Khrushchev lên thay sau cuộc đấu tranh giành quyền lực kế vị. Ông này chủ trương chung sống hòa bình với bọn đế quốc, trái với quan điểm của Mao. Vì thế, Trung Quốc và Liên Xô xung đột chửi lẫn nhau và còn tranh chấp lãnh thổ. Nhưng Trung Quốc vẫn là phận nhược tiểu so với Liên Xô.
Kể từ năm 1964, Việt Nam trở thành vị trí đặc biệt, là nơi hội tụ của hai thế lực cộng sản đang xung đột, cùng muốn lấy số má với thế giới tự do, bằng cách cùng viện trợ cho Bắc Việt chống Mỹ. Lúc đó, trong thâm tâm, cả hai ông anh đều không muốn VNDCCH thống nhất cả nước, họ muốn duy trì một nước Việt chia đôi để có thể dùng Việt Nam làm con bài để gây sức ép với Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, VNDCCH đã tận dụng được thế mạnh con bài đó để đu dây giữa hai ông anh, khiến cả hai cùng phải giữ mối quan hệ với mình và có được sự tự chủ nhất định với mỗi đại ca. Hơn nữa, dựa vào cái thế đó, Bắc Việt đã thực hiện được mong muốn giải phóng miền Nam, nhưng cũng từ đó, thế mạnh của con bài đã chấp dứt. Việt Nam quyết định rời bỏ Trung Quốc để đi theo Liên Xô khi Trung Quốc gây sức ép phải chọn một. Cho tới khi Mao chết, Trung Quốc vẫn chỉ nghèo nàn so với Liên Xô (khi đó đang là đại cường anh cả của phe xã hội chủ nghĩa).
Kể từ từ năm 1972, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, rồi tới khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình thực thi cải cách bằng cách học theo Mỹ để cải cách kinh tế, đồng thời siết chặt kiểm soát chính trị sau sự kiện Thiên An Môn, đã dần dần khiến Trung Quốc trỗi dậy 30 năm liên tục với tốc độ tăng trưởng khoảng 10 %/năm.
Trải qua ba đời chủ tịch Giang, Hồ, Tập, Trung Quốc không còn ẩn mình chờ thời (như mong muốn của Đặng nữa) mà vươn mình trỗi dậy gây ảnh hưởng khắp toàn cầu và ra mặt đối đầu với Mỹ. Chiến tranh Ukraine chính là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc nắm lấy vai trò anh cả của phe độc tài, làm cực đối lập với Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó, Liên Xô do chậm cải cách và dân chủ hóa song song với cải cách kinh tế thời Gorbachev đã trở thành bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không qua nổi đợt xạ trị của Gorby. Liên Xô sụp đổ cùng với sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Nước Nga, hậu thân của Liên Xô trở nên suy kiệt trong 10 năm nắm quyền của Yeltsin. Cho đến khi Putin (cựu sĩ quan KGB) kế vị, ông này đã vực dậy phần nào bóng hào quang quá khứ của Liên Xô, kích động được tinh thần đại Nga của dân Nga. Đỉnh điểm của sự khuếch trương tinh thần đại Nga đó chính là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chống lại Ukraine. Nhưng cuộc chiến không cho thấy sức mạnh quân sự như thời Liên Xô. Nga đã rất khó khăn để xâm lược và bảo vệ thành quả xâm lược của mình ở Donbass và phải đương đầu với việc cấm vận gần như toàn diện, không thua gì thời chiến tranh lạnh, của phương Tây.
Vì đơn độc trước cấm vận của phương Tây và sự yếu kém về kinh tế cũng như quân lực. Nga tự biến mình thành đàn em của Trung Quốc để có thể sống sót. Nếu không có Trung Quốc và Ấn Độ (với dân số bằng một nửa thế giới) tiêu thụ dầu mỏ, kinh tế Nga có lẽ đã sụp đổ và không thể duy trì cuộc chiến. Nga đã trở thành cây xăng của Trung Quốc và biến mình thành con bài của Trung Quốc.
Trung Quốc tự dưng có thế lực để mặc cả với Mỹ và phương Tây, trở thành anh cả của phe đối lập với Mỹ. Nói cách khác, nước Nga trở nên có vị thế lép vế nhất trong lịch sử mối quan hệ với Trung Quốc. Lưu ý rằng ngay từ thời Nga hoàng, nước Nga đã cùng các đại cường phương Tây xâu xé lãnh thổ của nhà Thanh (lúc đó bị coi là Đông Á bệnh phu).
Thế là Putin tự dưng biến nước Nga thành Tây Á bệnh phu, cô độc đương đầu với phương Tây và tự biến mình thành đàn em của Bắc Kin. Dù trong cuộc gặp mấy hôm trước, hai vị lãnh đạo Nga-Trung cho rằng mối quan hệ giữa hai nước đang là hữu hảo nhất. Thực tế, Nga đã tự biến mình trở thành sân sau của Tàu và Tàu đánh Mỹ tới người Nga cuối cùng. Thế là nước Nga đang từ vị trí kẻ chơi bài trong chiến tranh Việt Nam trở thành con bài trong cuộc chiến Ukraine. Bởi vì nếu Trung Quốc quay xe, thì chỉ sau 1-2 tháng, Nga sẽ sụp đổ kinh tế và buộc phải chấp dứt chiến tranh.
Chính vì mục tiêu ngư ông đắc lợi đó, Bắc Kinh sẽ chơi lại bài cũ bất thành ở cuộc chiến Việt Nam. Đó là ra sức duy trì cuộc chiến để cho cả Nga và phương Tây cùng suy yếu. Trung Quốc sẽ không bao giờ để Nga thua trận nhục nhã, mà sẽ tìm cách tài trợ cho cuộc chiến khiến cho nước Nga sống lay lắt, phải lệ thuộc mình.
Hẳn chúng ta còn nhớ, Trung Quốc hy sinh xương máu hỗ trợ Bắc Việt từ cuộc chiến chống Pháp, với mục đích lấy số với quốc tế. Vai trò quốc tế đầu tiên khiến Bắc Kinh có chỗ ngồi đàm phán với các đại cường chính là từ hội nghị Geneva, với vai trò tài trợ cho cuộc chiến Việt Nam và Triều Tiên. Có thể thấy, Trung Quốc trỗi dậy là nhờ xương máu của các đồng chí và lần này, họ vẫn chơi bài cũ với nước Nga. Đây chính là mối nhục với nước Nga do Putin tạo ra, chứ không phải vinh dự gì cho mối quan hệ mèo mả gà đồng này.
Từ đó, chúng ta có thể thấy, cuộc chiến Ukraine sắp tới sẽ phức tạp vô cùng, do đã bị biến thành cuộc chiến ủy nhiệm. Ban đầu thì không, do Nga còn tự lực được, nhưng bây giờ thì Nga không còn đủ sức mạnh để đơn độc đương đầu.
Đứng trước thực tế phương Tây cam kết hỗ trợ vũ khí ngày càng nặng cho Ukraine thì chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ bơm vũ khí cho Nga qua ngả Bắc Triều Tiên. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến việc Liên Xô từng bơm vũ khí cho VNDCCH thông qua Trung Quốc trong trận Điện Biên Phủ, và Trung Quốc bơm vũ khí cho Khmer đỏ qua ngả (Hoa kiều) Thái Lan.
Như vậy là kịch bản kéo dài cho cuộc chiến này là khá cao, có lẽ chỉ khi Putin chết thì mới là cái kết vui vẻ nhất cho tất cả các bên. Mỹ chắc chắn cũng không thể bỏ rơi Ukraine, vì đây cũng là nơi để phương Tây chứng tỏ sức mạnh.
Nếu Putin thắng, khả năng cao là Ba Lan, ba nước Baltic và Phần Lan cũng bị đe dọa. Vừa rồi người ta đã công bố kế hoạch thôn tính Moldova (nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ) từ vài năm trước. Nếu Ukraine thua, khả năng lớn Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan và chiếm Trường Sa. Vì thế, Ukraine đang ở vị trí tiền đồn giống Việt Nam thời chống Mỹ.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 26.03.2023
No comments:
Post a Comment