VNTB – Thư số 135: gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt NamPhạm Bá Hoa
02.01.2023 3:06
VNThoibao
(VNTB) – Tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng chậm lại trong khi kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á tăng lên
Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930, phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, lãnh đạo Việt Cộng đẩy tôi vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc từ ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987, rời khỏi Việt Nam tháng 4/1991 tị nạn cộng sản trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ.
Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. Và khi lãnh đạo Việt Cộng tự suy yếu, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Là Người Lính trong Quân Đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, cũng là bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì cộng sản là chế độ độc tài và độc ác. Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ.
Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nửa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài và độc ác không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với lá Thư này, tôi sưu tầm và chọn lọc những tin tức liên quan đến hồ sơ Ấn Độ – Thái Bình Dương: (1) Tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng chậm lại trong khi kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á tặng lên. (2) “Một Vành Đai Một Con Đường” của Trung Cộng đang khựng lại. (3) Trung Cộng vẫn đứng bên rìa nhóm quốc gia sản xuất chip điện tử toàn cầu
(1) Tăng trưởng kinh tế Trung Cộng chậm lại trong khi Ấn Độ tăng lên.
Trung Cộng.
Gần đây, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế & Ngân Hàng Thế Giới công bố dự báo về tăng trưởng kinh tế ở Châu Á. Theo đó thì trong 40 năm qua, đây là lần đầu tiên Trung Cộng không còn là đầu tàu kinh tế Châu Á nữa, mà Ấn Độ và Đông Nam Á đang vươn lên mạnh mẽ sẽ thay thế vị trí của Trung Cộng.
Ngày 29/10/2022, chuyên gia Hubert Testard có bài viết trên trang Á Châu (Asialyst) và đài RFI Pháp quốc giới thiệu. Xin tóm lược:
Theo dự báo hồi tháng 10/2022 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tăng trưởng năm 2022 của Trung Cộng sẽ không vượt quá 3,2%, cùng thời gian Ngân Hàng Thế Giới dự báo là 2,8%. Trong khi Trung Cộng loan báo tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng thứ 3 là 3%. Những con số này từ năm 1976 đến nay mới xảy ra lần đầu, cho thấy mức tăng trưởng của Trung Cộng trong năm 2022 không còn vượt trội về kinh tế nữa.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới cùng dự báo là Trung Cộng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 4,5% từ năm 2023 đến năm 2027, trong khi Đông Nam Á và Ấn Độ có khả năng hồi phục nhanh, dù mức tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại. Nhưng dự báo đó cũng chưa đến hồi kết thúc giai đoạn phát triển nhanh. Nguyên nhân chính là trong vài năm qua, Trung Cộng đã hai lần “tự bắn” vào chân mình:
Lần một, với chính sách Zero Covid, Trung Cộng phải trả giá rất đắt vì đã mất từ 1 đến 2% GDP. Và lần hai, là từ năm 2020 đã thắt chặt điều kiện tài trợ cho lãnh vực bất động sản, đã đẩy một số công ty bất động sản trong nước vào tình trạng khốn đốn, đến mức các chỉ số về bất động sản suy giảm rất nhanh.
Ngân hàng Thế giới nhắc lại rằng, các nước Đông Nam Á trong năm 2020 và 2021 rất khó khăn vì đại dịch, nhưng đầu năm 2022 đã hồi phục nhanh chóng. Các nước xuất cảng ròng năng lượng, nhất là Indonesia và Malaysia đã tận dụng tối đa việc năng lượng tăng giá.
Ấn Độ.
Ấn Độ bị tác hại nặng nề do đại dịch vào năm 2020 -GDP giảm 7,6%- nhưng sau đó kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 –GDP tăng 8,7%- và các dự báo hồi đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng như vậy, dù chiến tranh Nga – Ukraine ảnh hưởng ít nhiều đến Ấn Độ vì nhu cầu nhập cảng năng lượng.
Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hồi tháng 10/2022, mức tăng trưởng của Ấn Độ sẽ là 6,8%. Dù vậy, mức tăng trưởng của Ấn Độ vẫn năng động, và lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế 50 năm qua, tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo cao gấp đôi so với Trung Cộng. Dòng vốn chảy ra từ Ấn Độ chỉ ở mức vừa phải, đồng rupi của Ấn Độ giảm giá 12% trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ bằng một nửa so với mức sụt giảm của đồng yen Nhật, nhưng cái giá phải trả là dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ giảm đáng kể.
Và dự báo cho năm 2023 vẫn lạc quan cho Ấn Độ, với mức tăng trưởng sẽ là từ 6 đến 7%, trong khi đài CNBC cho biết công ty tài chánh S&P Global dự báo mức tăng trưỏng của Ấn Độ năm 2023 là 6,3%. Với dân số đông thứ 2 trên thế giới, đang thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, trong số đó nhiều nhà đầu tư từ Trung Cộng đã và đang chuyển sang Ấn Độ. Điển hình là gần đây công ty Foxconn đã quyết định cho lắp ráp điện thoại iPhone 14 tại Chennai, Ấn Độ.
Hai nhà phân tách thuộc ngân hàng Morgan Stanley là Ridham Desai và Girish Acchipalia, thì Ấn Độ có các điều kiện để đạt được sự thịnh vượng kinh tế nhờ hoạt động thuê ngoài, đầu tư vào sản xuất, chuyển đổi năng lượng, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tân tiến, giúp nền kinh tế nước này có thể nhảy lên vị trí thứ 2 thế giới trước năm 2030.
Dữ liệu cho thấy, Ấn Độ được hưởng lợi từ nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong ngành dịch vụ. Chỉ số GDP của Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2022 đã tăng 13,5 % và từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2022 tăng 6,3%, cao hơn một chút so với mức 6,2% mà Reuters dự đoán. Đặc biệt là mức tăng trưởng GDP kỷ lục từ tháng 3 đến giữa tháng 6 năm 2021 là 20,1%.
Công ty S&P Global đề cập rằng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc vào việc tiếp tục tự do hóa thương mại và tài chánh, cải cách thị trường lao động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và nguồn nhân lực của Ấn Độ. Chánh phủ Ấn Độ có mục tiêu trở thành một cường quốc sản xuất, bao gồm việc khởi động chương trình khuyến khích liên kết sản xuất vào năm 2020, dành ưu đãi bằng cách giảm thuế cho các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoại quốc vào đầu tư.
Theo bài báo của South China Morning Post, Ấn Độ đang trở thành người hưởng lợi từ việc thay thế quyền bá chủ của Trung Cộng, khi các nước phương Tây ngày càng lo lắng về việc bị phụ thuộc quá nhiều vào lục địa này. Thống kê cho thấy, sự đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào Ấn Độ đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 81 tỷ mỹ kim trong năm 2020 – 2021, cao hơn gấp đôi so với mức 39 tỷ mỹ kim trong năm 2017.
Một số quốc gia Á Châu trong cơn khủng hoảng.
Ngoài Trung Cộng, một số quốc gia đang khủng hoảng. Đó là: “Sri Lanka và Pakistan ở Nam Á, Miến Điện và Lào ở Đông Nam Á, Mông Cổ ở Đông Á, Kazakhstan ở Trung Á. Trong năm 2022, các quốc gia này trong tình trạng lạm phát trên 15%. Tỷ lệ này lên tới 60% ở Sri Lanka, 36% đối với đồng rupi Pakistan, và các nước phải nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó.
Nhìn chung. Toàn cảnh kinh tế năm 2022 của các quốc gia đang phát triển ở Á Châu là chưa từng có. Vì vậy, Trung Cộng không còn là động lực vượt lên được nữa, nhưng phải cần thời gian vài năm trước mắt mới có thể đánh giá chính xác.
(2) “Một Vành Đai Một Con Đường” của Trung Cộng đang khựng lại.
Năm 2002, trong Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa lần thứ 16, Trung Cộng chánh thức xem các quốc gia bắt đầu phát triển là nền tảng ngoại giao đối với họ, và chính sách “Một Vành Đai Một Con Đường” trong “Chiến Lược Phương Nam” nhắm vào mục tiêu giúp các quốc gia này trong mục đích hình thành “Thế Giới Thứ Ba” dưới hình thức viện trợ kinh tế và đầu tư (từ Trung Cộng).
Vào cuối nhiệm kỳ 2002-2012 của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Cộng tự đánh giá là họ đi đúng hướng của “Chiến Lược Phương Nam”, khi một số quốc gia vừa nhỏ vừa nghèo cắt đứt bang giao với Đài Loan, và xoay qua bang giao với Trung Cộng, trong khi nền kinh tế Trung Cộng vượt qua Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Năm 2012, ông Tập Cận Bình nắm chức Chủ Tịch Trung Cộng, ông đã sử dụng khoảng 1.000 tỷ mỹ kim cho 150 quốc gia dọc theo “Một Vành Đai Một Con Đường” vay nợ, và từ đó Trung Cộng trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới. Chủ Tịch Tập Cận Bình luôn ca ngợi sáng kiến “Một Vành Đai Một Con Đường” (BRI) là dự án của thế kỷ, và dự án này sẽ thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.
Nhưng thời gian gần đây, Chủ Tịch Tập Cận Bình ít khi khoe khoang về dự án BRI, và khi nói thì nói một cách khiêm tốn về dự định cải tổ và cắt giảm BRI. Vậy là, sáng kiến này dường như không đạt được mục tiêu ban đầu, vì nó gây nguy hại cho các quốc gia trong khu vực, dẫn đến việc Hoa Kỳ cũng như khối Liên Hiệp Âu Châu bàn đến kế hoạch đối phó để bảo vệ các quốc gia ấy.
Ngay từ đầu, “Một Vành Đai Một Con Đường” của Trung Cộng luôn có cảm giác giống như Mafia. Với kế hoạch mà Trung Cộng gọi là giúp đỡ các quốc gia nghèo khó ở Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu, Trung Đông, và ngoại vi Âu Châu, bằng cách cung cấp các khoản vay để thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở, như: “Các hải cảng. Đường xe lửa. Các đập nước. Hệ thống đường sá cầu cống. ..v..v…”
Các ngân hàng quốc doanh của Trung Cộng sẽ là “chủ nợ”, và các nhà thầu Trung cộng sẽ thực hiện các dự án, và khi các dự án này hoàn thành thì họ sẽ quản trị đến khi “con nợ” trả dứt nợ, dĩ nhiên là cộng với tiền lời cao hơn bất cứ quốc gia nào cho vay. Nếu “con nợ” không thể trả nợ, thì Trung Cộng trở thành chủ của các dự án đó.
Dù bằng cách nào, thì Trung Cộng vẫn giành được ảnh hưởng và đòn bẩy đáng kể đối với các quốc gia lầm tưởng mình được Trung Cộng hào phóng giúp đỡ.
10 quốc gia bên bờ vực phá sản đều là thành viên “Một Vành Đai Một Con Đường”.
Theo hãng tin AP, Sri Lanka không phải là nền kinh tế duy nhất bị phá sản. Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm: Lào, Pakistan, Venezuela, Guinea, và Việt Nam, đều trong tình trạng rất khó trả các khoản nợ.
Áp lực kinh tế đã thúc đẩy làn sóng biểu tình, việc vay nợ lãi suất cao ngắn hạn, để cung cấp tiền cho các gói cứu trợ Covid 19 đã chồng chất thêm nợ cho các quốc gia, vốn đang phải vật lộn để lo trả nợ. Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới, có hơn một nửa quốc gia đang lâm vào tình cảnh khó mà trả nợ, đến mức nguy cơ vỡ nợ rất cao.
Nhìn vào tình hình trả nợ của các nước nghèo trong năm 2022 vừa qua, tài liệu từ Ngân Hàng Thế Giới cho thấy, các nước nghèo nhất thế giới phải trả tổng cộng 35 tỷ mỹ kim cho các chủ nợ là nhà nước cũng như tư nhân trong năm 2022, trong đó, chỉ riêng trả cho chủ nợ Trung Cộng lên đến 14 tỷ mỹ kim. Đây là con số chỉ thấy ở bề mặt, còn các khoản nợ tích lũy ẩn của Trung Cộng thì khó mà ước tính được.
Liệu có quốc gia nào phá sản như Sri Lanka không? Theo hãng tin AP điểm tên 10 quốc gia, gồm: Ai Cập, Afghanistan, Argentina, Lào, Lebanon, Myanmar, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, và Zimbabwe, với nền kinh tế cũng đang trên bờ vực phá sản.
Trong số đó, dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Argentina thấp đến mức nguy hiểm, và tỷ lệ lạm phát năm 2022 ước tính sẽ vượt quá 70%.
Trong khi Ai Cập, gần 50% trong số 103 triệu người dân sống trong cảnh nghèo đói. Dự trữ ngoại tệ ròng của nước này tiếp tục giảm, và các nước như Ả Rập Xê Út, Qatar, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã cam kết cung cấp 22 tỷ mỹ tiền gửi, viện trợ, và đầu tư trực tiếp.
Với Việt Nam, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam đã lên cao, khiến đời sống của nhiều người lâm vào cảnh khốn khó.
Lào cũng rất thê thảm. Theo Ngân Hàng Thế Giới, thì dự trữ ngoại tệ của Lào hiện tương đương với giá trị nhập cảng chưa đầy hai tháng. Giá cả gia tăng, và tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ dẫn đến gia tăng nghèo đói.
Lebanon là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới, và nền kinh tế của nước này suy giảm 18% trong năm 2021. Dự báo năm 2022 gần như sẽ không tăng trưởng.
Tỷ lệ lạm phát ở Zimbabwe đã vượt quá 130% khiến đời sống của nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2008, quốc gia này đã xảy ra siêu lạm phát lên tới 500 phần trăm (500%). Liệu tình trạng hiện nay có lặp lại hay tình trạng năm 2008 không? Có thể lắm.
Đảo quốc Sri Lanka, quốc gia được nhiều người biết đến vì rơi vào bẫy nợ “Một Vành Đai Một Con Đường”, và dẫn đến sự sụp đổ kinh tế trầm trọng. (Nguồn: Brahma Chellaney, “China’s Debt Trap Diplomacy”, Project Syndicate 23/01/2017.)
Các ngân hàng Trung Cộng với các quốc gia vỡ nợ.
Trong quá khứ, khi nền kinh tế Trung Cộng trên đà phát triển nhảy vọt, Trung Cộng đã giúp trang trải các vụ vỡ nợ bằng chính nguồn lực của mình, nhưng bây giờ thì không thể, ngay cả khi ngân hàng Evergrande phải đối phó những vụ vỡ nợ bất động sản trong nước.
Vì vậy mà chủ nợ Trung Cộng trở nên cởi mở hơn trong các cuộc đàm phán về tái cấu trúc nợ với các quốc gia “con nợ” là Chad, Ethiopia, và Zambia. Giờ đây, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình nhìn nhận “Một Vành Đai Một Con Đường” ngày càng phức tạp, và cần sự hợp tác cũng như kiểm soát rủi ro mạnh mẽ hơn. Đúng là một bước lùi.
BRI của Trung Cộng không biến mất, nhưng trong một khoảng thời gian phía trước tương đối ngắn, sáng kiến này đã mất nhiều động lực. Các biện pháp kiểm soát rủi ro mới, sẽ làm cho BRI không còn hấp dẫn đối với các quốc gia vay nợ. Trung cộng đã có một bước thụt lùi về uy tín và tài chánh. Vậy là, sáng kiến “Một Vành Đai Một Con Đường” không còn gọi là “dự án của thế kỷ” nữa.
(3) Trung Cộng vẫn đứng bên rìa nhóm quốc gia sản xuất chip điện tử toàn cầu.
Đài RFI của Pháp có bài phân tách trên chuyên san Pháp Asialyst, xin tóm lược như sau:
Chuỗi cung ứng chip điện tử cho Hoa Kỳ.
Ngày 6/12/2022, tập đoàn “Taiwan Semiconductor Manufacturing Co” (TSMC) của Đài Loan, chánh thức thông báo xây dựng một nhà máy khổng lồ thứ hai sản xuất chip điện tử tại tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, với khoản đầu tư trị giá 12 tỷ mỹ kim. Nhà máy thứ hai của TSMC sẽ sản xuất chip điện tử thế hệ mới nhất. Các khoản đầu tư của nhà sản xuất Đài Loan trên đất Hoa Kỳ, tổng cộng lên đến 40 tỷ mỹ kim. Từ nay, tập đoàn TSMC có trụ sở chánh tại Đài Bắc, Đài Loan, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử bang Arizona.
Sự hiện diện của TSMC tại Hoa Kỳ càng được quan tâm hơn, trong khi Hoa Kỳ đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của chip điện tử. Tổng Thống Hoa Kỳ đã ban hành luật “Chips and Science Act” hồi tháng 8/2022, dự trù đầu tư hằng trăm tỷ mỹ kim vào lãnh vực này, trong đó có 157 tỷ mỹ kim khuyến khích các nhà sản xuất chip điện tử tại Hoa Kỳ.
Báo Nikkei Asia trích dẫn nhận định của ông Ronnie Chatterji, Phó Giám Đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Economic Council): “Trong vài năm nữa, khi hai nhà máy của TSMC đi vào hoạt động thì mức sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ”.
Trong buổi lễ được tổ chức ở Phoenix (ngày 6/12/2022) tại nơi xây dựng nhà máy của TSMC, với sự hiện diện của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ Tịch tập đoàn TSMC -ông Trương Trung Mưu (Morris Chang)- giới thiệu các kế hoạch phát triển tập đoàn ra quốc tế, được xem là chìa khóa phát triển của tương lai. Financial Times trích dẫn nhận định của ông Trương: “Các doanh nghiệp như TSMC đã gặp phải hằng loạt vấn đề, cuối cùng thấy được sự cần thiết một kế hoạch thích hợp với chuỗi cung ứng sản phẩm. Đây cũng là điều mà không chỉ các nhà chính trị gia kêu gọi thực hiện, mà cả phía khách hàng cũng vậy”
Giám Đốc Điều Hành của Apple -ông Tim Cook- cũng có mặt trong buổi lễ, và phát biểu: “Sự kiện sản xuất chip điện tử trên lãnh thổ Hoa Kỳ, để giảm bớt chi phí là đều quan trọng. Từ nay, nhờ vào thành quả lao động không mệt mỏi của nhiều người, những con chip này có thể được gắn mác Made in America. Đây là một thời khắc rất có ý nghĩa, là một cơ hội cho Hoa Kỳ.”
Phát biểu trên đây cũng là suy nghĩ của ông Jensen Huang, lãnh đạo tập đoàn Nvidia, Hoa Kỳ, đang có mặt tại buổi lễ.
Tập đoàn Nvidia và Apple là trong số những khách hàng chính của tập đoàn TSMC.
Căng thẳng giữa Đài Loan với Trung Cộng về chip điện tử.
Một yếu tố khác góp phần dẫn đến kế hoạch của tập đoàn TSMC xây dựng nhà máy sản xuất bên ngoài Đài Loan để bảo đảm tương lai. Yếu tố đó là vì Trung Cộng luôn gây áp lực chính trị lẫn quân sự với Đài Loan dưới tên gọi “thống nhất lãnh thổ”, mà thật ra mục đích chính của Trung Cộng là chiếm Đài Loan để nắm được những tập đoàn sản xuất chịp điện tử, từ đó giúp Trung Cộng thực hiện tham vọng trên chính trường thế giới.
Vì vậy mà Hoa Kỳ sử dụng nhiều biện pháp để cô lập Trung Cộng trong lãnh vực kỹ nghệ tân tiến, nhất là kỹ nghệ chip điện tử. Cũng có nghĩa là đặt Trung Cộng vào tình trạng phụ thuộc vào phương Tây nói chung, và nhóm quốc gia sản xuất chip điện tử nói riêng. Vì chip điện tử là nguyên liệu chính để sản xuất 5G, các loại xe, điện thoại, máy tính, các máy chủ, bệnh viện, và các ứng dụng trong quân sự, cũng như bộ nhớ đám mây và các thiết bị điện tử kết nối thông minh, hoặc đơn giản là Internet và kỹ thuật số.
Tập đoàn TSMC Đài Loan hiện cung cấp chip điện tử khoảng 52% trên thị trường thế giới. Tỷ lệ này lên đến 90% đối với loại chip tối tân nhất, có độ dày chỉ 5 nanomet. Tập đoàn này có thể sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ mỹ kim trong 3 năm tới. Lợi nhuận của doanh nghiệp Đài Loan tăng 20% trong năm 2022, và ước tính sẽ tăng ít nhất 15% trong những năm tới.
Cuộc chạy đua chip điện tử trên thế giới.
Ngoài hai nhà máy đang xây dựng tại Hoa Kỳ, tập đoàn TSMC Đài Loan đã thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử đầu tiên ở Nhật Bản, trong chương trình hợp tác với tập đoàn Sony của quốc gia này. Ông Mark Liu -đồng Chủ Tịch TSMC- nhấn mạnh rằng: “Nhà máy với khoản đầu tư khoảng 100 tỷ mỹ kim, có thể cho phép 2 tập đoàn đáp ứng nhu cầu về chip điện tử của thế giới”.
Trong khi đó, đối thủ chính của TSMC là tập đoàn Samsung của Đại Hàn. Những năm qua, Samsung đã thành công trong việc thu nhỏ chip điện tử.
Ngày 8/12/2022, Chủ Tịch tập đoàn Tata của Ấn Độ -ông Natarajan Chandrasekaran- đã tuyên bố với Nikkei Asia rằng: “Tập đoàn Tata có ý định sản xuất chip điện tử cho thị trường Ấn Độ trong những năm tới, với việc thành lập một công ty con là Tata Electronics. Tập đoàn cũng dự định hợp tác với các nhà sản xuất Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, và Đài Loan. Nhu cầu của Ấn Độ đối với kỹ nghệ cao này tăng gấp đôi từ 2021-2026, trị giá lên đến 64 tỷ mỹ kim. Cho đến nay, Ấn Độ chưa có bất cứ cơ sở sản xuất chip điện tử nào. Nếu như sáng kiến này được thực hiện, Ấn Độ hy vọng có được vị trí nào đó trong khu vực Nam Á”.
Ngày 8/2/2022, Ủy Ban Châu Âu trình bày đạo luật “Chips Act” cho phép Châu Âu bảo đảm nguồn cung cấp chip điện tử để giảm mức phụ thuộc vào các nhà sản xuất Châu Á (hiện tại là 80%). Liên Hiệp Châu Âu gồm 27 quốc gia, đánh giá cao về sự phát triển kỹ thuật cao này trong tương lai. Kế hoạch của Châu Âu có thể so sánh với chương trình phát triển sản xuất chip điện tử của Hoa Kỳ, dự trù đầu tư 53 tỷ mỹ kim từ nay đến năm 2026.
Châu Âu đã thương thảo với Đài Loan và TSMC từ nhiều năm qua để tập đoàn này xây dựng cơ sở sản xuất trên lãnh thổ của Châu Âu. Nhưng đàm phán vấp phải một thực tế là Đài Loan yêu cầu Châu Âu phải đáp lại bằng hành động chính trị để giúp Đài Loan có vị thế rõ ràng trên trường quốc tế. Đây là một chủ đề ngoại giao rất tế nhị mà nội bộ Châu Âu khó đạt đồng thuận.
Nhật Bản thông báo sẽ đầu tư 8 tỷ mỹ kim.
Đại Hàn sẽ đầu tư 450 tỷ mỹ kim vào nghiên cứu và phát triển sản xuất chip điện tử từ nay đến năm 2030.
Trung Cộng bị bỏ lại phía sau.
Trước những hạn chế của Hoa Kỳ về việc xuất cảng sản phẩm kỹ nghệ tân tiến -nhất là chip điện tử- sang Trung Cộng, được một số quốc gia khác cũng thực hiện như vậy, vì chip điện tử là linh kiện chính trong ngành sản xuất vũ khí, nhất là hỏa tiễn + tiềm thủy đỉnh + chiến hạm + phản lực cơ chiến đấu.
Khi nhìn lại những chính sách đầu tư chiến lược cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia và khu vực nói trên, Trung Cộng vẫn vắng mặt do các biện pháp hạn chế mà Hoa Kỳ đã đưa ra từ những năm qua. Thêm vào đó, tập đoàn SMIC của Trung Cộng chỉ sản xuất được chip điện tử từ 15 nanomet trở lên, trong khi chip điện tử của tập đoàn TSMC Đài Loan và Samsung của Đại Hàn là 5 nanomet, và tương lai trước mắt hai tập đoàn này sẽ ra mắt chip điện tử 2 nanomet.
Ngày 13/12/2022, từ 3 nguồn tin khác nhau, hãng tin Reuters cho biết: “Trung Cộng đang dự trù đầu tư nội địa khoảng 142 tỷ Euro để phát triển sản xuất chip điện tử. Kế hoạch này có thể được thực hiện từ năm 2023 và kéo dài 5 năm. Theo giới chuyên gia, thì Trung Cộng đã dấn thân vào cuộc chiến chip điện tử làm nền tảng cho sức mạnh kỹ nghệ tân tiến này, giúp họ cạnh tranh với thế giới.
Kết luận.
Tôi tin là Các Anh đã nhận ra sự suy yếu của Trung Cộng trong hiện tại, và còn suy yếu thêm nữa trong tương lai trước mắt.
Bây giờ tôi muốn Các Anh nhận ra sự suy yếu của lãnh đạo Việt Cộng, mà những đoạn dưới đây do tôi trích dẫn trong bài viết “Lời Bộc Bạch Của Một Đảng Viên” -tác giả xin giấu tên vì rất nguy hiểm- mà tôi nghĩ là Các Anh sẽ dễ cảm thông với tác giả, vì tôi tin là từ chiều sâu tâm hồn của Các Anh cũng giấu kín một tâm trạng như vậy, mà cũng có thể là hơn thế nữa để tiến đến phối hợp với xã hội dân sự, chớ không phải chống lại.
Vào bài, người đảng viên này “bộc bạch” nhưng nỗi sợ hãi vẫn hiện rõ: “…Tôi nghe được những thằng bạn làm bên an ninh nói rằng, đang thực hiện những chỉ thị của cấp trên rất quyết liệt để tìm ra dấu vết tông tích của những blogger “có vấn đề” để có cách xử lý thích đáng. Tôi thực sự sợ, có lẽ là tôi hèn nhát”.
Nhưng, sau phút sợ hãi, người đảng viên tác giả tỏ ra cứng rắn, dù sợ hãi vẫn còn đó: “Hôm nay tôi muốn viết. … Tôi cảm nhận rõ ràng một sự thôi thúc phải nói ra những gì mình suy nghĩ cho nhiều người đọc, … nhưng thật tình là tôi rất run sợ khi post bài này. Tôi không phải là người dũng cảm, nhưng tôi thấy mình cần làm điều đó. Và tôi cũng chỉ có nơi này để viết, để nói ra được sự thật, blog là nơi duy nhất ở xã hội này người ta có thể nói thật, còn lại đều là dối trá. Dối trá với chính mình, và dối trá với mọi người”
“Tôi đã gần 50 tuổi đời, trong đó có 15 tuổi đảng, đang làm cho một viện nghiên cứu của nhà nước. Thật lòng là tôi đã nghĩ đến việc ra khỏi Đảng nhưng lại không dám thực hiện, vì tôi không đủ can đảm….. Lương hai vợ chồng cộng lại hơn chục triệu. Riêng tôi mỗi năm được thêm vài công trình nghiên cứu, chia ra cũng được khoảng 30-40 triệu đồng. Số tiền này là bổng lộc mà cấp trên ban phát, vì nghiên cứu cho có, xong là cho vào tủ, điểm chính là viết theo ý muốn cấp trên, rồi lập hội đồng khen nhau mấy câu là xong.
Giàu thì chủ yếu là các sếp lớn, vì đề tài nghiên cứu nào các sếp cũng có tên để chia tiền dù chẳng làm gì, có khi cũng chẳng nhớ nổi cái tên đề tài.
Nếu lên được trưởng phòng thì không phải lo tiền bạc, vì người ta “cúng” cho mình. Do vậy mà trong nội bộ đấu đá giành giật nhau ghê lắm…. Muốn ngoi lên phải có nhiều thủ thuật, phải biết luồn cúi thật giỏi, chà đạp người khác mà lương tâm không hề cắn rứt.… Chuyên viên như tôi –dù là được xếp vào ngạch cao cấp– bây giờ toàn phải nói dối như vẹt, nói dối đến mức mất tư cách mà chẳng biết phải làm sao. Giờ mới thấy mình hèn nhưng đã muộn.… Đảng viên như tôi, bây giờ chiếm đến 95%, đa số tuyệt đối trong Đảng.
“.… Tôi đang đứng trước một trạng thái chông chênh, giữa những lựa chọn không dễ dàng: theo thói xấu của xã hội để sống, hay tham gia vào những sự thay đổi của người khác làm xã hội tốt hơn, nhưng nhiều lần tôi đã không vượt qua được chính mình. …. Gần đây tôi bắt đầu tin dần vào những gì vô hình như là định mệnh, số phận, vận nước… nhưng có lẽ niềm tin là tâm linh không phải biện chứng khoa học. Do vậy, tôi hy vọng như nhiều người dân đang hy vọng, hồn thiêng sông núi sẽ phù hộ cho vận mệnh của đất nước”.
“…. Nhà cầm quyền hiện nay làm ra vẻ chống đối và mạnh tay với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nhưng thực ra họ rất mong những người đấu tranh này lao vào những mục tiêu như vậy… Những gì thiết thực đối với quần chúng thì rất nhiều, nhiều vô kể, không thể nhắm đến tất cả trong một lúc được. Những con người sáng suốt sẽ nhận ra một vài điểm thật quan trọng từ những nhu cầu đó, nhấn mạnh nó, giương cao nó lên làm ngọn cờ để tạo ra động lực cho đa số dân chúng, tạo ra lực lượng và thế lực thay đổi xã hội hiện nay. Điều đáng mừng là một vài năm gần đây đã thấy xuất hiện những người có tầm nhìn như vậy, nhìn được những mấu chốt từ những gì rất thiết thực. Tôi có hân hạnh được trao đổi với những người như vậy trên blog, và cảm nhận được sức mạnh của họ cho dù họ không nói gì về điều đó”.
Tôi bảo đảm rằng, khi có một sự thay đổi thì bọn người này sẽ trốn chạy đầu tiên,hoặc quay ngoắc lại để theo lực lượng mới.… Sự sụp đổ và thay đổi là không thể tránh khỏi, nhiều người bảo rằng sẽ rất nhanh, nhưng cũng có người bảo rằng sẽ chưa thể trong một hai năm nữa. Tôi thì nghĩ điều đó không tùy thuộc vào Đảng, vào Nhà Nước nữa, vì ngoài khả năng của họ rồi. Nó tùy thuộc vào lực lượng thay đổi có thể hành động lúc nào thì lúc đó sẽ có sự thay đổi... Tạm biệt mọi người, cũng có thể là tôi vĩnh biệt…. Tôi đã thực sự ân hận vì đã vào Đảng”.
Đau lắm phải không Các Anh? Các Anh hãy suy nghĩ với các góc cạnh của tác giả, rồi nhìn vào những sự thật trong cuộc sống, Các Anh dễ dàng nhận ra sự thật, hoàn toàn thật. Khi nhận ra sự thật đắng cay chua chát với dân tộc nói chung, và đối với tuổi trẻ Việt Nam nói riêng, bị lãnh đạo Việt Cộng gian manh dối trá lừa gạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, tự khắc Các Anh sẽ nhận ra trách nhiệm của người cầm súng bảo vệ đồng bào, bảo vệ tổ quốc.
Với tôi, trong hoàn cảnh hiện nay, khi lãnh đạo Việt Cộng không thể dựa vào Trung Cộng được nữa, thì đó là cơ hội mà Các Anh cùng đồng bào đứng lên giành lại Quyền Làm Người cho Các Anh + cho thân nhân thân quyến Các Anh + và cho toàn thể đồng bào. Bởi, không quốc gia nào hành động thay cho Việt Nam mình đâu Các Anh à, mà họ chỉ sẵn sàng trợ giúp Việt Nam mình thực hiện trách nhiệm cao cả đó.
Vậy, Các Anh hãy luôn luôn sẳn sàng, khi cơ hội chợt đến là lập tức đứng lên, toàn dân sẽ đứng cạnh Các Anh, cùng Các Anh làm nên lịch sử bằng cách triệt hạ chế độ cộng sản độc đảng, độc quyền, độc tài, độc đoán, và độc ác nhất suốt dòng lịch sử Việt Nam oai hùng từ khi lập quốc hơn 4.000 năm trước.
Từ đó, người Việt Nam trong nước và người Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại, cùng nhau vá lại mảnh giang sơn đã “rách loang lỗ” bởi những Hiệp Ước của Việt Cộng giao đất giao biển cho Trung Cộng, xóa tan những “vệt da beo trên da thịt quê hương” mà hiện nay là những làng mạc có công nhân hay quân lính Trung Cộng mà người Việt bị cấm vào. Cùng nhau khôi phục lại nền văn hoá nhân bản và khoa học dù phải trải qua hai ba thế hệ mới thành công, và cùng nhau phát triển một xã hội dân chủ pháp trị mà mọi người được hưởng một cách tự nhiên những quyền căn bản của mình.
Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Muốn được sống trong Tự Do, chính chúng ta phải tranh đấu, vì Tự Do Dân Chủ không phải là quà tặng./.
Texas, ngày 1 tháng 1 năm 2023
***
Nhân ngày đầu năm dương lịch 2023, xin chúc quý Anh Chị và quý Bạn cùng gia đình luôn được an lành hạnh phúc, và thành công trong xã hội, riêng các Cháu thành đạt trong học đường.
Chúc Mừng Năm Mới – Chúc Mừng Năm Mới – Chúc Mừng Năm Mới.
Phạm Bá Hoa.
No comments:
Post a Comment