Monday, January 30, 2023

VNTB – Công an và chính trị trấn áp từ giai cấp quyền lực TS. Phạm Đình Bá

VNTB – Công an và chính trị trấn áp từ giai cấp quyền lực
TS. Phạm Đình Bá
30.01.2023 12:07
VNThoibao

(VNTB) – Công an là công cụ để giới cầm quyền để trấn áp và bóc lột xã hội

 Trong bài trước, tôi đề nghị bạn đọc xem xét cơ chế độc tài độc đảng toàn trị dựa vào năm cột trụ chính: chính trị trấn áp, kinh tế đục khoét, xã hội ngăn chận cơ hội, văn hóa nói láo và đối ngoại ăn theo cách làm bên Tàu. [1] Trong khung chính trị trấn áp, bài nầy xem xét cột trụ thứ nhất – công an là lá chắn và lưỡi gươm của giới cầm quyền để trấn áp và bóc lột xã hội.

Trên quê hương, cuộc sống hàng ngày của người dân bị chính quyền giám sát chặt chẽ, bộ máy an ninh đặc biệt hiệu quả trong việc kiềm chế bất đồng chính kiến, đàn áp các cuộc biểu tình và khiếu kiện của dân oan bị mất nhà mất đất, và các nhà báo và nhà văn bị kiểm duyệt hoặc bỏ tù. [2] Hệ thống công an được xây dựng ban đầu bởi sự hỗ trợ của bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, còn được gọi là Stasi, một trong những cơ cấu bị căm ghét và sợ hãi nhất của cộng sản Đông Đức, lúc chúng chưa bị triệt.

Hiện nay, cứ mỗi 1000 dân ở Việt Nam (VN) là có 15 công an, chưa kể đến những người làm việc cho công an không ăn lương toàn phần, như những người đứng đầu tổ dân phố ở thành thị và công an xã ở nông thôn. [3] Tính ra có từ 1,5 đến 2 triệu người làm cho công an trong tổng số dân là 96 triệu người. Ở Gia Nã Đại (GND), có 2,67 cảnh sát cho mỗi 1000 dân, tương đương với 1 phần 6 lượng triển khai công an ở VN.

Khi tiền thuế từ dân là rất giới hạn, chi tiền cho công an ở VN có nghĩa là không chi tiền cho phúc lợi trẻ em và người già, không chi tiền cho y tế và giáo dục và hàng hàng dịch vụ cần thiết khác mà người dân đóng thuế và họ có quyền để đón nhận những dịch vụ nầy. Chi tiền thật lớn vào cơ cấu công an cũng đưa ra một tín hiệu rất sai lầm về ưu tiên của nhà nước.

Việc phân bổ ngân quỹ vừa đúng và hợp lý cho cảnh sát ở GND là để phục vụ dân, trong cách đáp ứng những dịch vụ cạnh tranh nhau mà chính phủ và người dân thường thương thảo qua các cuộc bỏ phiếu, tự do ứng cử và tự do bầu cử. Đó là trách nhiệm giải trình giữa công dân, chính phủ do dân bầu lên và cảnh sát, được xem như là một tổ chức chuyên nghiệp. Ngược lại ở VN, giai cấp cầm quyền chi lớn cho công an để mua chuộc lòng trung thành của công an trong việc bảo vệ giai cấp cầm quyền, mặc mẹ người dân.  

Ở GND, có ba đảng chính cạnh tranh với nhau để được phiếu của mỗi người dân. Cứ tưởng tượng là một đảng hống hách tuyên bố là đảng nầy sẽ tổ chức cảnh sát theo chiều dọc từ trên xuống dưới, chính trị hóa cơ cấu công an để công an là lưỡi kiếm và lá chắn để bảo vệ độc nhất một đảng. Thế thì cái gì là trật lất trong cách làm ấy?

Thứ nhất, làm như thế là trái với hiến pháp. Thứ hai, đảng ấy sẽ bị dân bầu ra rìa trong bầu cử. Thứ ba, cảnh sát sẽ cho như vậy là trái với chuyên nghiệp của ngành cảnh sát và trái với nguyên tắc độc lập giữa cảnh sát và chính trị. 

Cảnh sát ở GND chịu trách nhiệm trước công chúng và được quản lý bởi các cơ quan chính quyền thành phố, tỉnh và liên bang. Cảnh sát ở các cấp có phân chia nhiệm vụ rõ ràng, không hệ thống hóa từ trên xuống dưới. Các cấp có liên lạc và cộng tác với nhau theo những giao thức định trước. Tất cả dịch vụ cảnh sát đều chịu trách nhiệm trước công chúng thông qua các văn phòng “đánh giá cảnh sát độc lập” ở mọi cấp. Cảnh sát hoàn toàn độc lập với các đảng chính trị. Nhưng các dịch vụ cảnh sát chịu trách nhiệm giải trình đầy đủ trước công chúng thông qua các văn phòng giám định độc lập.

Lấy ví dụ, sự kiện cảnh sát tấn kích nông dân tờ mờ sáng vào Đồng Tâm và bắn chết cụ Lê Đình Kình không thể xảy ra ở GND. Theo luật bên nầy, mỗi cảnh sát tham gia một vụ tấn kích như vậy phải đeo máy ảnh trên cơ thể và ghi lại diễn biến của tất cả các sự kiện quan trọng.

Ở đây, cảnh sát không thể loại bỏ kẻ thù có thật hay tưởng tượng của giới cầm quyền chỉ để bảo vệ giới cầm quyền. Cảnh sát không thể làm việc theo mệnh lệnh của giới cầm quyền. Ở đây, không có tổ trưởng tổ dân phố hay tổ trưởng của thôn làng và các lượng lượng bán quân sự do công an điều hành như ở VN. Hơn nữa, ở đây không có các lực lượng không chính quy trong dân chỉ với mục đích để buộc dân phải ngoan ngoãn với giai cấp quyền lực.

Ở VN, học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội có tượng ông Felix Dzerzhinsky, người Ba Lan làm lãnh đạo đầu tiên của ngành công an Liên Xô, người nỗi tiếng về “Người cán bộ công an phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch”. [4] Công an VN vẫn tôn sùng Dzerzhinsky nhưng ở Ba Lan năm 1989, công nhân đã lật đổ bức tượng của Dzerzhinsky trước sự cổ vũ và bài hát của hàng ngàn người xem.

Công an VN vẫn tôn xưng Dzerzhinsky môt phần vì y khởi xướng ý tưởng rằng công an phải là lá chắn và thanh bảo kiếm bảo vệ đảng cộng sản. Thế thì thực tế cách làm việc nầy là sao?

Tính tới giữa năm 2018 bộ Công an có 205 tướng lĩnh. Trong khi đó, trước năm 1975, không có một sĩ quan cảnh sát và an ninh nào được phong tướng. [5]

Ở GND, không có tướng trong cơ cấu cảnh sát. Các cấp ở GND thường là cảnh sát trưởng và phó, giám đốc hay giám thị nhân viên, thanh tra, trung sĩ tham mưu hay thám tử. Các cấp tướng chỉ dùng trong quân đội ở GND. Ở VN, giai cấp quyền lực mua sự trung thành của công an bằng cách phong hàm tướng cho giới quyền lực trong công an.

Năm 2020, Quốc hội VN thu hút sự chú ý của công luận khi một đại biểu quốc hội phát biểu công khai tại nghị trường “Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, lực lượng công an quá đông”. Đây là từ đại biểu Sùng Thìn Cò thuộc đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang, nói với người đứng đầu ngành Công an, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, trong một phiên thảo luận liên quan đến lực lượng công an. [3]

Góp ý về vụ việc trên, cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công an, bày tỏ mong muốn có thêm nhiều tiếng nói ‘mạnh dạn’ hơn góp ý cho ngành này: “Theo tôi, việc một đại biểu quốc hội nêu vấn đề ngành Công an “đông quá”, rồi báo chí đăng lên, rõ là một chuyện hiếm có. Xưa nay, mặc định đây là ngành hầu như không được bàn sâu tới những bất hợp lý bên trong nó, từ khâu đào tạo, tổ chức bộ máy, ngân sách, cho tới công tác nghiệp vụ.” [3]

Theo trang mạng Wikipedia về bộ CA (mà tôi nghĩ là có đóng góp từ cơ quan truyền thông của bộ), có bốn cơ cấu tổ chức chính ở bộ hiện nay. [5] Thứ nhất, Cơ quan “An ninh Điều tra” điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thứ hai, Cơ quan “Cảnh sát Điều tra” có nhiệm vụ điều tra các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương. Thứ ba, “Cơ quan quản lý thi hành án hình sự” trực tiếp quản lý các trại giam thuộc bộ CA, kiểm tra công tác thi hành án hình sự. Thứ tư, “Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam” thực hiện việc quản lý nhà nước về tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước.

Cứ đọc trang Wikipedia nầy, bạn có thể thấy là cách tổ chức các cơ cấu chính ở bộ CA có vẻ thiếu tổ chức và chồng chéo lắm.

Ngoài các cơ cấu nêu trên, bộ CA còn có 43 cục đứng đầu bởi những thiếu tướng, trung tướng hay thượng tướng. [5] Ví dụ như “Cục Đối ngoại” quản lý, điều hành về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Tôi chắc Cục nầy điều hành việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức trở về, hành động hoàn toàn trái với luật lệ nước ấy. Vụ nầy tạo khủng hoảng bang giao Việt Đức. [6] Tôi nghĩ Cục nầy cũng có đóng góp và trách nhiệm giải trình về việc gần đây tổng thống Đức đột ngột hủy bỏ chuyến thăm VN ngày 13-2-2023. [7]  

Ngoài ra có 2 Cục lạ. [5] “Cục An ninh nội địa” tham mưu cho đảng và nhà nước về công tác đảm bảo an ninh nội địa. “Cục An ninh chính trị nội bộ” tham mưu cho đảng và nhà nước về công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ. Tôi chắc có tới 2 cục chồng chéo nhiệm vụ của nhau như thế bởi giai cấp quyền lực tự cho là họ có vô số kẻ thù và giặc nội xâm trong trí tưởng tượng của họ.  

Tôi không biết trong 2 cục nội địa nầy thì cục nào nghe lén điện thoại của dân. Bộ CA có cơ cấu giám sát điện thoại, email và internet. [8] Năm 2002, bộ mua lại hệ thống giám sát điện thoại di động của Verint. Năm 2005, bộ đã mua thêm thiết bị giám sát được gọi là hệ thống Silver Bullet bao gồm các thiết bị giám sát điện thoại di động. Ở GND, nghe lén điện thoại của dân (mà không có sự duyệt xét và chấp thuận của tòa án) là một vi phạm pháp luật rất trầm trọng, dễ dẫn đến việc cách chức hàng loạt những người liên hệ.

Bộ CA còn lấy bệnh tâm thần làm lý do để bức hại những tù nhân lương tâm mà bộ giam giữ. Một nhà hoạt động và blogger với Hội Nhà Báo Độc Lập, vào giữa năm 2020,  báo tin từ bệnh viện ra ngoài cho biết, do không chịu uống thuốc tâm thần của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, nên anh đã bị đánh đập dã man, bị trói vào giường bệnh và tiêm thuốc tâm thần. [9] Ở GND nơi tôi ở, cách làm việc y tế dựa vào các nguyên tắc sau: 1) tôn trọng bệnh nhân, 2) quan tâm đến phúc lợi của họ và 3) đảm bảo công lý trong mọi dịch vụ y tế.

Ở đây, người không đối xử với người như kiểu giai cấp quyền lực và công an trấn áp tù nhân lương tâm như chuyện kể ở trên.

Thứ nữa, công an có làm giàu không? Năm 2019, ông Bùi Văn Thành, cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an bị tòa án Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù và ông Trần Việt Tân, cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an bị phạt 36 tháng tù trong vụ án Phan Văn Anh Vũ. Về vụ án nầy, luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài gòn nói với BBC như sau.

“Vụ án xét xử hình sự hai tướng công an, đồng thời là thứ trưởng bộ công an liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ đã làm hé lộ ra cho công chúng thấy nhiều góc khuất của nền kinh tế nước nhà. Trong đó, ngành công an đã tham gia kinh doanh dưới danh nghĩa các công ty bình phong chiếm rất nhiều ưu quyền để chiếm giữ, sử dụng công sản quốc gia trục lợi bất hợp pháp cho cá nhân.” [10]

Ở GND, cấu trúc của nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng như các quy luật kinh tế khiến cho những hoạt động bất hợp pháp như vụ Phan Văn Anh Vũ không thể thực hiện được. Nếu ai đó cố gắng làm ẩu, họ sẽ bị phát hiện và truy tố ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động. Một lý do nữa là cơ cấu cảnh sát ở GND được dàn dựng để họ không có đầy quyền lực như cơ cấu công an ở VN.

Cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công an, trong đó có 5 năm “trở lại”, ở giữa lòng nó – nhưng ở vai tù nhân – nói như thế nầy. Các vị trí chủ tịch nước, thủ tướng, phó thủ tướng thường trực, thường trực ban bí thư, trưởng ban tổ chức trung ương đều có người từng là công an lâu năm hoặc từng qua ngành này. Theo ông Vinh, một khi quyền lực quá lớn, thiếu cơ chế kiểm soát, mà tri thức, năng lực, phẩm chất lại yếu thì rất dễ nẩy sinh nhiều hệ lụy khôn lường. [11]

Vẫn theo ông Vinh, đặt yêu cầu hàng đầu là lòng trung thành tuyệt đối thì dĩ nhiên tiêu chuẩn về chuyên môn-năng lực dễ bị coi là thứ yếu. Hơn nữa, tới khi đất nước “đổi mới”, “kinh tế thị trường”, thì “đồng tiền” lại là động lực mới để thủ lợi cá nhân. [11] Bởi vậy theo ông Vinh, tình trạng công an “lấn sân” sang lĩnh vực dân sự và kinh tế ngày càng phổ biến, đến độ từ xã hội cho tới giới truyền thông, rồi hệ thống chính quyền cũng như quen dần, lặng lẽ chấp nhận.

Một khía cạnh nữa với dữ liệu không nhiều là việc công an – có khi dân gọi là xã hội đỏ – bảo kê cho xã hội đen – các nhóm có tổ chức xử dụng tống tiền và các phương pháp tội phạm khác. [12] Mối quan hệ cộng sinh, dựa vào nhau để cướp bóc giữa xã hội đen và xã hội đỏ thường rất hiệu quả.

Trong dân gian, người ta nói rằng cứ nhìn những kẻ xăm trổ, hung hãn gây sự, đánh người, phá tài sản dân những khi có cưỡng chế và cướp đất được đảng và nhà nước chủ xướng là thấy hiệu quả của quan hệ cộng sinh nầy. Trong các cuộc biểu tình của dân chống Formosa, chống luật đặc khu, luật an ninh mạng, đóng góp của xã hội đen cho xã hội đỏ là rất lớn. Ngược lại, xã hội đỏ bảo kê, chống lưng, đưa dự án, đưa việc, chỉ chỗ cho xã hội đen kiếm ăn phi pháp để cưa thành quả cướp được. Nếu có liên quan đến vi phạm pháp luật, xã hội đỏ sẽ đứng ra lo liệu và bỏ qua. [13]

Để tạm dừng, bài nầy tóm lược về chính trị trấn áp qua cơ chế công an trị. Bài tiếp sẽ tìm hiểu thêm về chính trị trấn áp khi giai cấp cầm quyền xử dụng quân đội để cũng cố quyền lực và trấn áp dân khi họ coi dân như kẻ thù. 

_____________

Nguồn:

1. Phạm Đình Bá. VNTB – Vẽ ra cơ chế quyền lực ở Việt Nam từ 1945 đến 2040. 27/01/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-ve-ra-co-che-quyen-luc-o-viet-nam-tu-1945-den-2040/.

2. the Vietnamese – Jason Nguyen. The Sword and Shield of the Party: How the Stasi Helped Build Vietnam’s Public Security Forces. 25/01/2023; Available from: https://www.thevietnamese.org/2023/01/the-sword-and-shield-of-the-party-how-the-stasi-helped-build-vietnams-public-security-forces/.

3. BBC, Khi Đại biểu Quốc hội VN “xin lỗi” và nói rằng Công an “đông quá”. 26/11/2020.

4. BBC. Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai? 21/01/2017; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/world-38697777.

5. Wikipedia. Bộ Công an (Việt Nam). Available from: https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99_C%C3%B4ng_an_(Vi%E1%BB%87t_Nam).

6. RFA. Vụ Trịnh Xuân Thanh: bị cáo thứ hai bác bỏ cáo buộc khiến toà Đức trưng nhiều bằng chứng mới. 03/01/2023; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/txt-case-the-second-defendant-denied-all-allegation-01032023130124.html.

7. Hiếu Bá Linh. VNTB – Tổng thống Đức đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Việt Nam ngày 13-2-2023. 28.01.2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-tong-thong-duc-dot-ngot-huy-bo-chuyen-tham-viet-nam-ngay-13-2-2023/.

8. London, J.D. and C.A. Thayer, The apparatus of authoritarian rule in Vietnam. 2014: Springer.

9. RFA. Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị đánh đập trong Bệnh viện Tâm thần. 16/07/2020; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/blogger-activist-le-anh-hung-beaten-and-forced-to-be-injected-with-unknown-medication-07162020081619.html.

10. BBC. Vụ Vũ ‘nhôm’: Hai tướng công an bị phạt 2 năm rưỡi và 3 năm tù. 30/01/2019; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47052788.

11. BBC – Nguyễn Hữu Vinh. An ninh công an VN: “Thanh bảo kiếm liệu đã bị mẻ cùn”? 31/01/2020; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51321650.

12. Báo Điện tử Chính phủ. Kiên quyết chống ‘bảo kê’; không để ‘xã hội đen’ lộng hành. 21/10/2018; Available from: https://baochinhphu.vn/kien-quyet-chong-bao-ke-khong-de-xa-hoi-den-long-hanh-102246595.htm.

13. Việt Luận – Bùi Văn Thuận. Mối quan hệ cộng sinh giữa xã hội đen và xã hội đỏ. Available from: https://vietluan.com.au/20183/moi-quan-he-cong-sinh-giua-xa-hoi-den-va-xa-hoi-do/.


 

No comments:

Post a Comment