Phúc Lai - Viết tiếp về câu chuyện xe tăng Leopard 2 cho Ukraine
vendredi 27 janvier 2023
Thuymy
Những tổn thất này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho công nghệ, hiển nhiên một xe chiến đấu chống bộ binh chuyên dụng sẽ cung cấp sự hỗ trợ giá trị trong một môi trường đô thị. Trong khi đó, giải pháp tạm thời đã được sử dụng là dùng pháo phòng không tự hành (AA) ở Chechnya.
Tuy nhiên, các phương tiện này vốn không có lớp giáp dày cũng như thiếu khả năng cơ động mạnh như những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT). Chính vì vậy, đòi hỏi phải phát triển một loại xe tác chiến mới đặt trên khung gầm xe tăng, được trang bị hệ thống phòng vệ chí ít cũng phải bằng hoặc hơn hẳn so với hầu hết các loại xe tăng chiến đấu chủ lực.”
Câu chuyện cần được mở rộng ra về trước nữa: trong cuộc chiến tranh của Liên Xô ở Afghanistan. Xe tăng Liên Xô cũng đã bị thiệt hại rất nhiều bởi các chiến binh Mujahideen khi họ phục kích và bắn từ các vị trí trên núi cao xuống đội hình đoàn chiến xa Xô-viết. Điểm yếu của xe tăng Xô-viết bộc lộ rõ ràng bởi góc tầm của pháo không ngẩng lên được đủ độ cao cũng như không gục xuống đủ thấp, đã đưa đến cho họ nhiều thiệt hại. Cũng chính những trận phục kích này cho thấy bộ binh đi kèm đoàn chiến xa không đủ sức mạnh để hỗ trợ đoàn xe chống lại lực lượng phục kích.
Đó là nhu cầu cho một loại xe mới. Có lẽ “Kẻ hủy diệt” là một ý tưởng sáng tạo và duy nhất trên thế giới và khi nó được đem trình diễn, những người quan sát đều thấy choáng vì tính hiệu quả của nó: được bảo vệ như xe tăng, nhưng có số lượng đạn dược mang theo lớn (850 viên đạn pháo 30 mm), tốc độ bắn nhanh tạo hỏa lực ghê gớm. Với khả năng xuyên phá của loại đạn này, nếu bộ binh đối phương nấp sau tường gạch cũng bị bắn thủng và tiêu diệt.
Trước đây, “Kẻ hủy diệt” đã được đưa tới chiến trường Syria thử nghiệm với số lượng hạn chế và kết quả của nó được giữ bí mật đến bây giờ. Cho đến nay kết quả tham chiến của nó ở chiến trường Ukraine, cụ thể là ở trong trận đánh chiếm thành phố Severodonetsk vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng nhiều nguồn tin cho biết Nga tung vào trận khoảng 10 xe và một vài trong số các nguồn tin đó cho biết số liệu của người Ukraine thu được là có 3 xe bị bắn hỏng, 1 xe bị tiêu diệt tại chỗ.
Sự tham chiến của “Kẻ hủy diệt” trong trận đánh chiếm Severodonetsk đã không mang lại kết quả mong muốn như nó được kỳ vọng khi được thiết kế. Đầu tiên, do nặng hơn xe tăng nên nó trở nên ì ạch và động cơ trở nên không đáng tin cậy, chóng hỏng. Đây là một điều kỳ lạ vì đáng nhẽ ra không có khẩu pháo 125 mm trên tháp pháo nữa, về lý thuyết nó phải nhẹ hơn xe tăng, nhưng hai khẩu pháo 30 mm đã nặng hơn một khẩu 125 mm bởi chính cái tháp pháo không có người điều khiển của nó. Người Nga, do những điểm yếu về công nghệ của mình đã phải tích hợp hệ thống cơ khí điều khiển từ xa, các màn hình hiển thị, máy tính điện tử... không chỉ cho hai khẩu pháo mà còn một khẩu súng máy 7,62 mm cũng bắn tự động, ngoài ra còn 4 ống phóng tên lửa chống tăng.
Những tham vọng này đã dẫn đến cái gọi là... tham lam trong thiết kế, muốn cho ra được một thứ vũ khí ôm đồm được nhiều việc, nhiều nhiệm vụ... nên nó đã không đáp ứng được kỳ vọng. Ngoài ra khi tham chiến ở Severodonetsk, vai trò của nó chưa kịp thể hiện mấy vì trận đánh đã hoàn toàn không giống như những kịch bản trước đây.
Người Ukraine đã không phòng ngự thành phố theo kiểu tử thủ bảo vệ từng ngôi nhà – có nhưng không phải là kỳ cùng, mà thường xuyên cơ động và giữ khoảng cách với đội hình tấn công của Nga. Với các phương tiện cơ giới, thiết giáp Nga, người ta dùng phương án tiêu diệt bằng pháo binh. Đó cũng là thời gian mà người Ukraine cạn kiệt pháo binh của Xô-viết cũ để lại vì phải chơi đôi công với pháo binh Nga.
Các BMPT của Nga đã bị tiêu diệt hoặc bắn hỏng cùng với xe tăng Nga ở Severodonetsk chủ yếu bằng pháo binh, chứ không mấy khi phải đối đầu với bộ binh Ukraine. Do vậy nó được rút về để tránh thiệt hại thêm, và có thể cuộc chiến tranh ở Ukraine cũng là dấu chấm hết cho loại vũ khí “độc đáo” này. Theo kế hoạch trình lên Bộ Quốc phòng Nga (năm 2005), lục quân Nga dự định trang bị 100 “Kẻ hủy diệt” với tổng chi phí là 250 triệu đô-la Mỹ.
Hiện nay, nó được dùng để phòng ngự ở Kreminna, người ta nhìn thấy ở đó có khoảng vài chiếc. Nếu như nó được sử dụng như lô cốt và có thể vận động không nhiều, thì cũng là một vũ khí phòng thủ chống bộ binh rất tốt. Tuy nhiên nếu gặp các vũ khí chống tăng của người Ukraine thì số phận của nó cũng sẽ không mấy sáng sủa, chẳng khác gì các loại xe tăng khác.
Trong chương này, tôi đã viết một đoạn về “băn khoăn của giới quân sự Nga giữa xe tăng và pháo binh” – thì bây giờ đã đến lúc viết tiếp. Cuộc chiến tranh của Putox tiến hành ở Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến băn khoăn cho người Nga: tiếp tục sản xuất xe tăng theo kiểu Xô-viết cũ với số lượng lớn (tái khởi động và duy trì sản xuất cũ) hay phát triển xe tăng kiểu mới?
Tôi tin rằng không chỉ đến cuộc chiến tranh này người Nga mới nhận ra những quan niệm cũ không còn phù hợp nữa. Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất đã cho thấy sự lép vế rõ ràng của xe tăng hệ Xô-viết trước xe tăng phương Tây. Xe tăng T-72 không chỉ thua thiệt về khả năng bảo vệ của vỏ giáp, mà khi đối mặt với Abrams và Challengers được trang bị đầy đủ vỏ giáp tổng hợp, kính ngắm ảnh nhiệt và thiết bị ngắm ban đêm thụ động, đạn pháo tốt hơn: bắn xa hơn, sức xuyên lớn hơn và trên hết là hệ thống hỏa lực – pháo dựa vào điều khiển bằng máy tính tiên tiến, cho phép bắn chính xác vượt xa tầm bắn hiệu quả của T-72 của Iraq.
Lúc này người ta mới nhận thấy rằng quan niệm cũ là xe tăng phải được thu nhỏ, càng thu nhỏ càng tốt: thu nhỏ mục tiêu để khó bị ngắm bắn và khó bị bắn trúng, đã không còn đúng nữa. Với các hệ thống nhận diện mục tiêu và ngắm bắn tiên tiến, thì các vũ khí chống tăng mới có thể tiêu diệt mục tiêu bé hơn cái xe tăng rất nhiều lần. Điều này thể hiện rất rõ trong nhận thức của các nhà thiết kế xe tăng Nga khi cho ra lò chiếc Armata T-14.
Một lý do nữa, tôi không nắm rõ được điều này nhưng do một số bạn Facebook nói: Nga không có khả năng chế tạo được động cơ công suất lớn, ví dụ như ở mức 1.500 mã lực của Leopard 2, do đó xe tăng không nặng hơn 50 tấn. Một phép so sánh: tỉ số công suất/khối lượng của Leopard 2 là 27,8 (mã lực/tấn) còn của T-90 là 26,1; cho thấy sự thua kém hẳn hoi về công nghệ. Với xe tăng Armata, nếu thông tin trên đây là đúng thì có lẽ nó sẽ còn phải “đứng đường” rất lâu.
Tôi nghĩ đến thời điểm cuộc chiến gần một năm có thể kể chuyện này được rồi: trước đây tôi có quen trên mạng một cậu thanh niên người Nga, cậu ta khoe là làm việc trong một công ty chuyên nhập khẩu động cơ và bộ truyền động cho xe tăng, trong đó có động cơ cho Armata. Bộ truyền động của nó cũng phải nhập khẩu, vì Nga chưa có khả năng chế tạo nhất là khi Armata đã được áp dụng hệ thống lái bằng vô-lăng chứ không còn là lái bằng cần lái như máy ủi đất nữa. Cậu ta còn khoe cả công ty sản xuất và bán cho công ty cậu ta những thứ hàng độc đáo đó nữa.
Tất nhiên là nếu một người như tôi ngồi ở tận Việt Nam biết được chỗ cung cấp động cơ, thì có lẽ cả thế giới này biết, và chắc chắn nó sẽ có trong danh sách cấm vận như những thiết bị khác. Hiện nay Armata T-14 dù được lắp động cơ và bộ truyền động nhập ngoại, vẫn bộc lộ khuyết điểm, mà người ta đang nghi rằng nó vẫn quá nặng và động cơ không đáp ứng được, dù cũng loại đó kéo Leopard 2 chạy băng băng, dù lý thuyết hiện nay nó chỉ 48 tấn, còn nhẹ hơn Leopard 2 đến 14 – 15 tấn. Giải pháp động cơ 2.000 mã lực cũng chưa hẳn là tốt, vì sẽ dẫn đến yêu cầu về hậu cần rất ghê gớm.
Nếu duy trì xe tăng kiểu cũ, thì thời hậu chiến người Ukraine sẽ phát triển xe tăng theo hướng phương Tây: đoạn tuyệt với các kiểu xe tăng Xô-viết, đầu tiên là mua xe tăng Leopard 2 các kiểu đang tồn kho và sau đó sẽ tự phát triển xe tăng mới – khi đó xe tăng Nga không có cửa đấu với xe tăng Ukraine. Nếu người Nga sau thất bại ở cuộc chiến này muốn phục thù, thì sẽ rất khó khăn.
Nếu người Nga phát triển xe tăng mới, chẳng hạn Armata thì không biết đến bao giờ tự chế tạo được động cơ công suất lớn mà phải đảm bảo độ tin cậy, độ bền... Đồng thời nếu phát triển một lượng đáng kể xe tăng kiểu này, đòi hỏi một hệ thống hậu cần kỹ thuật khác hẳn và một nguồn lực to lớn. Chẳng hạn nếu chưa bị cấm vận, giá thành một chiếc Armata là 3,7 triệu đô-la Mỹ, nếu Nga sản xuất được 500 chiếc như thế sẽ cần 1 tỉ 850 triệu đô-la, hệ thống hậu cần kỹ thuật cũng sẽ đòi một con số gần gần như thế. Lính xe tăng và chỉ huy cần 2.000 bác, lính kỹ thuật phục vụ ít nhất cũng cần 2 – 3.000 người.
Hiện nay với thiệt hại của xe tăng Nga trên chiến trường, các chuyên gia quân sự tính ra họ sẽ cần từ 5 đến 6 năm để phục hồi được lực lượng thiết giáp như trước chiến tranh, nhưng với điều kiện không bị cấm vận. Còn nếu phát triển xe tăng mới thì... chưa biết thế nào.
Đó chính là những lý do mà người ta cho rằng các xe tăng Phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ đem lại bước ngoặt của cuộc chiến. Vào thời điểm Phương Tây, đặc biệt là người Đức quyết định cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thứ vũ khí này từ các nước đang sử dụng, nhà máy Uralvagonzavod của Nga, nơi đang sản xuất xe tăng T-90 cho quân đội Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Andrei Alekseyevich Soldatov (Андрей Алексеевич Солдатов, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1975 tại Mátxcơva là một nhà báo điều tra người Nga và chuyên gia dịch vụ an ninh Nga. Cùng với nhà báo đồng nghiệp Irina Borogan, ông là người đồng sáng lập và biên tập viên của trang web Agentura.Ru.) nói với Erin Burnett của CNN ngày hôm nay 27/01/2023: nhà máy này đã phải đi tìm lao động trong các nhà tù.
Hóa ra không phải chỉ Wagner tuyển lính trong tù, mà bây giờ đến công nghiệp quốc phòng Nga cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
TIN THÊM VỀ CHIẾN SỰ Ở UKRAINE HÔM NAY
Hôm qua – 26/01 người Ukraine dùng thứ vũ khí gì không rõ bắn vào doanh trại lính Nga ở Mariupol làm chết khoảng 250 cháu. Thiệt hại nặng và không có nhiều khả năng sống sót cho lính Nga vì họ ở ngay cùng với kho đạn dược. Một thứ quân đội rất kỳ quái.
Ở Bakhmut người Nga vẫn tấn công, chiến sự tập trung ở cả hai hướng bắc và nam thị xã. Hướng bắc, đánh nhau chủ yếu vẫn ở Krasna Hora.
Như ngày 25/01 bác NXB viết: “Ở phía bắc thành phố, Quân Nga đã vượt sông Bakhmutka, chiếm được khu vực cửa hàng bán dụng cụ làm vườn, chỉ cách ngã ba đường M03, (từ Kramatorsk đến Bakhmut) và T0513 (từ thành phố này đi Sieviersk), có chưa đầy 1 km. Nghĩa là, tuyến đường tiếp tế từ phía bắc tới Bakhmut, đã nằm trong tầm đe đọa trực tiếp của quân Nga.”
Ở phía nam quân Nga vẫn tiếp tục cố gắng đe dọa trục đường T-0513 mà trên thực tế nó gần như không còn tác dụng gì trong tiếp tế cho thị xã, vì nằm ngay trên giới tuyến. Hiện nay phía Ukraine dùng trục đường T-0504 đi qua Chasiv Yar để tiếp tế, vì vậy hướng đánh phía nam của quân Nga là nhằm mục tiêu cắt trục đường này.
Để đánh chiếm Soledar và Bakhmut, Wagner của Prigozhin đã tuyển thêm từ 45.000 đến 50.000 tù nhân, những “người lính dùng một lần” và đến nay chỉ còn khoảng 10.000 người còn sống. Số còn lại đã hoặc bỏ trốn, hoặc đầu hàng và phần lớn là chết trận. Mới đây, Putox lớn tiếng khẳng định vai trò của quân đội Nga trong cuộc chiến đã cho thấy sự rạn nứt lớn trong nội bộ chóp bu quân sự Nga. Để chứng minh vai trò, Prigozhin nhiều khả năng sẽ lại tuyển thêm lính và xua quân của mình đánh nhau điên cuồng hơn nữa.
PHÚC LAI 27.01.2023
No comments:
Post a Comment