Tuesday, January 31, 2023

Tập giao Vương Hỗ Ninh thiết kế chiến lược mới để thu hồi Đài Loan
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi puts top brain in charge of Taiwan unification strategy,” Nikkei Asia, 26/01/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
31.01.2023
NghiencuuQT

Vương Hỗ Ninh đã được giao nhiệm vụ tạo ra giải pháp thay thế cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ.”

Một nguồn thạo tin về hoạt động nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hé lộ bí mật về cuộc cải tổ lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình vào tháng 10 năm ngoái.

Tại sao một số nhà lãnh đạo được giữ lại để phục vụ thêm một nhiệm kỳ, trong khi những người khác bị loại bỏ thẳng tay?

Trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, có ba thành viên đã 67 tuổi, về mặt kỹ thuật thì họ chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Cả ba người đều có thể ở lại, nhưng chỉ một người làm được điều đó.

Những người bị phế truất bao gồm nhân vật số 2, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhân vật số 4, Uông Dương. Chỉ có số 5 Vương Hỗ Ninh được ở lại và thăng tiến trong đội hình mới.

Nguồn tin lưu ý rằng sự thay đổi trong dàn lãnh đạo cấp cao gợi ý về chiến lược chính trị của Tập khi ông hướng tới nhiệm kỳ thứ tư. “Nhiệm vụ của Vương Hỗ Ninh là đặt nền móng cho sự thống nhất với Đài Loan.”

Nếu Vương Hỗ Ninh được giữ lại để giải quyết vấn đề Đài Loan, thì đó là do sự thất bại của chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong.

Sau làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ làm rung chuyển Hong Kong vào năm 2019, Bắc Kinh đã nhanh chóng ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu hành chính này, và một Hong Kong tự do đã không còn nữa.

Hơn một triệu người đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong vào ngày 9/6/2019. (Ảnh của Takeshi Kihara)

“Một quốc gia, hai chế độ” được tạo ra khi Hong Kong do Anh cai trị được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, đảm bảo mức độ tự trị cao cho đặc khu. Công thức – vốn bắt nguồn từ thời của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình – là một chiến lược quan trọng cho sự thống nhất trong hòa bình với Đài Loan trong tương lai.

Nhưng sau khi Tập lên nắm quyền và chỉ đạo giữ lập trường cứng rắn đối với Hong Kong, dư luận Đài Loan đã thay đổi đáng kể. Rõ ràng, kế hoạch “một quốc gia, hai chế độ” sẽ không còn hiệu quả nữa.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu biết rõ điều này. Bản thân Tập đã ngừng đề cập đến công thức này, kể cả tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nơi ông giành được nhiệm kỳ thứ ba.

Đối với Tập, điều này không hoàn toàn xấu. Nó mang đến cho ông một cơ hội vàng để từ bỏ di sản thời Đặng và vạch ra chiến lược thống nhất Đài Loan của riêng mình. Và đối với nhiệm vụ quan trọng này, ông đã lựa chọn Vương Hỗ Ninh.

Ngày 18/1, Tân Hoa Xã công bố các thành viên mới của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước. Việc bổ sung Vương Hỗ Ninh báo hiệu rằng ông sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Chính Hiệp, kế nhiệm Uông Dương.

Một trong những vai trò của Chính Hiệp là thiết lập các chiến lược cho “công tác mặt trận thống nhất” của Trung Quốc, bao gồm cả việc kéo Đài Loan về phía Trung Quốc.

Theo khuôn khổ này, Vương Hỗ Ninh cũng được cho là sẽ trở thành Phó ban Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng về chính sách Đài Loan của Trung Quốc. Người đứng đầu cơ quan này là Tập.

Vương Nghị (phải) sẽ báo cáo với Vương Hỗ Ninh về chính sách an ninh liên quan đến thống nhất Đài Loan và quan hệ với Mỹ (Nguồn ảnh Reuters).

Vậy Vương sẽ đóng vai trò gì trong việc xây dựng chính sách Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập?

Một nguồn am hiểu về quan hệ Trung Quốc-Đài Loan lưu ý rằng Vương sẽ được giao nhiệm vụ viết một chiến lược thống nhất về mặt lý luận phù hợp cho thời đại của Tập.

“Người ta có thể tin rằng mối đe dọa từ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan là sắp xảy ra, nhưng thực tế không phải vậy. Bước đầu tiên là đưa ra một lý thuyết mới để thay thế ‘một quốc gia, hai chế độ’ của Đặng. Sau đó, áp lực lên Đài Loan sẽ được điều chỉnh dựa trên lý thuyết mới,” nguồn tin giải thích.

Nguồn tin hy vọng lý thuyết này sẽ trở thành cơ sở để đo lường tiến độ và quyết định xem liệu một chiến dịch quân sự có cần thiết hay không.

Vương là một chính trị gia hiếm có. Ông đã phục vụ ba thế hệ lãnh đạo tối cao liên tiếp – Giang Trạch Dân, người vừa qua đời ở tuổi 96; Hồ Cẩm Đào, 80 tuổi; và Tập Cận Bình, 69 tuổi – và luôn được tái bổ nhiệm với tư cách là bộ não của nhà lãnh đạo.

Về các vấn đề an ninh, Tập được cho là tôn trọng lời khuyên của Vương, một người dày dạn kinh nghiệm.

Mỗi khi Tập hội đàm với Donald Trump, Vương luôn ngồi bên cạnh để đưa ra lời khuyên. Chẳng ai biết Trump sẽ nói gì, và Tập cần một người có thể suy nghĩ nhanh nhạy.

Kinh nghiệm của Vương trong việc viết các tài liệu quan trọng có liên quan đến an ninh và quá khứ từng là giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán đã giúp ông có sự chuẩn bị rất tốt.

Khả năng viết theo cách làm hài lòng nhà lãnh đạo cao nhất của từng thời kỳ, dù nội dung có thể không rõ ràng đối với người ngoài cuộc, có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất cần có trong ĐCSTQ.

Chủ tịch Tập Cận Bình gặp đại diện các sĩ quan và binh sĩ của trung tâm chỉ huy hợp đồng tác chiến của Quân ủy Trung ương, gửi lời chúc chân thành tới tất cả các thành viên, và có bài phát biểu quan trọng trong chuyến thị sát tới trung tâm này vào ngày 8/11/2022 © Tân Hoa Xã/AP

Vương Hỗ Ninh sẽ được hỗ trợ bởi Vương Nghị, cựu ngoại trưởng 69 tuổi, người đã được đề bạt vào Bộ Chính trị. Việc thăng chức của ông đã đi ngược lại quy tắc nghỉ hưu truyền thống của đảng, quy định rằng các quan chức không được đảm nhận các chức vụ mới, cao hơn sau khi họ 68 tuổi.

Vương Nghị cũng sẽ trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng, nghĩa là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.

Chắc chắn, nhà ngoại giao hàng đầu sẽ báo cáo với Tập về các vấn đề đối ngoại và an ninh. Nhưng đối với các chính sách liên quan đến thống nhất Đài Loan và quan hệ với Mỹ, Vương Hỗ Ninh cũng là người nhận báo cáo từ Vương Nghị.

Lý do là vì Vương Nghị sẽ trở thành Tổng Thư ký của Ban Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan, cơ quan mà Vương Hỗ Ninh sẽ giữ chức Phó ban. Vương Nghị từng là Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện, chính phủ Trung Quốc.

Với tư cách là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Vương Hỗ Ninh thuộc một trong bảy lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc, và có quyền hạn cao hơn nhiều so với Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị.

Tập muốn đạt được một thành tựu liên quan đến Đài Loan bằng bất cứ giá nào trong vòng 5 năm tới, điều sẽ giúp ích cho nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là người đứng đầu đảng vào năm 2027.

Các chính sách liên quan đến Đài Loan của Trung Quốc sẽ do bộ đôi họ Vương này dẫn dắt.

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức vừa đảm nhận chức chủ tịch Đảng Dân Tiến cầm quyền tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 18/1.

Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử vào tháng Giêng năm sau để chọn người kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn. Sau hai nhiệm kỳ bốn năm, bà sẽ nghỉ hưu vào tháng 5 cùng năm và không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền và Quốc Dân Đảng (KMT) đối lập đã khởi động quá trình vận động tranh cử.

Bà Thái vừa từ chức lãnh đạo DPP sau khi đảng này thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây. DPP đã chọn Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, 63 tuổi, còn gọi là William Lai, làm người đứng đầu mới. Ông hiện đang là người dẫn đầu trong cuộc đua giành ghế tổng thống.

Không giống như các cuộc bầu cử địa phương, vốn chịu ảnh hưởng bởi các cấu trúc chính trị khu vực, cử tri Đài Loan lựa chọn tổng thống của họ dựa trên chính sách của người đó đối với Trung Quốc. DPP và KMT đã sẵn sàng cho một cuộc khẩu chiến khốc liệt.

DPP cảnh báo rằng nếu KMT lên nắm quyền, Đài Loan sẽ trở thành “một Hong Kong không có tự do.” Phía KMT đáp trả bằng cách nói rằng nếu DPP vẫn nắm quyền, Đài Loan sẽ rơi vào chiến tranh.

Tập vừa nhận được quyền lực tối cao vào tháng 10 năm ngoái. Dù việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan không được cho là sắp xảy ra, ông vẫn có thể phát động một cuộc tấn công chỉ trong tích tắc.

Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan và cho bắn nhiều tên lửa. Hành động biểu dương sức mạnh này là để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosi tới hòn đảo. Kể từ đó, Đài Loan ngày càng lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine cũng đã gây sốc cho hòn đảo này.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được cho là đang chuẩn bị thăm Đài Loan. © AP

Trung Quốc hy vọng DPP có khuynh hướng thiên về độc lập cho Đài Loan sẽ bị lật đổ vào năm 2024. Nhưng do quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang hết sức căng thẳng, nên rất khó để quyết định thời điểm xây dựng chiến lược thống nhất Đài Loan mới.

Nếu Đài Loan xem nội dung của chiến lược mới đơn thuần là một lời đe dọa, thì nó có thể phản tác dụng. Dù Trung Quốc muốn hỗ trợ KMT, nhưng sau cùng có thể người họ giúp lại là DPP.

“Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ thái độ chờ-và-xem trong thời điểm hiện tại,” một chuyên gia cho biết. “Thời điểm công bố chiến lược thống nhất Đài Loan mới có lẽ vẫn chưa được xác định. Có thể vẫn còn rất lâu nữa.”

Giờ đây, Kevin McCarthy, người kế nhiệm Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện, được cho là đang chuẩn bị thăm Đài Loan.

Một số người cho rằng một chuyến thăm như vậy sẽ đến sớm nhất là vào tháng 4. Nếu McCarthy thực hiện chuyến đi, rất có khả năng ông sẽ khiêu khích Trung Quốc một lần nữa bao vây hòn đảo bằng các cuộc tập trận quân sự.

Trong cuộc diễn tập quân sự sau chuyến thăm của Pelosi, Trung Quốc đã bắn 5 quả tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản gần Đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa. Hòn đảo này thuộc biển Hoa Đông, điểm cực tây của Nhật Bản, cách Đài Bắc hơn 150 km một chút.

Tháng 4 sẽ là thời điểm cuộc đua đề cử tổng thống bắt đầu nóng lên đối với cả hai đảng của Đài Loan.

Nếu McCarthy, một thành viên Đảng Cộng hòa, đến thăm Đài Loan, thì chuyến đi đó có thể ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống của Đài Loan như thế nào? Ban Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan mới của Trung Quốc – và cử tri Đài Loan, sẽ phản ứng ra sao?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

No comments:

Post a Comment