Nguyễn Hồng Lam - Nghiêm túc về một chuyện thị phivendredi 27 janvier 2023
Thuymy
Kịch bản “Chuyện trong nhà ngoài phố” là một sự pha trộn giữa chính kịch và hài kịch. Nó không nhắm đến lập thuyết, không tạo ra tranh luận xã hội gay gắt, không cố đi tìm các triết lý thâm sâu mà chủ yếu khai thác tình huống, dùng chi tiết hài hước, tình tiết chệch chuẩn, lệch pha tạo ra tiếng cười…
Nó phê bình, chế giễu, đả phá, các thói hư tật xấu, các biểu hiện không đẹp trong cuộc sống và thói quen ứng xử, một cách dí dỏm. Nó vừa là một sản phẩm giải trí thú vị cuối tuần, vừa là một chương trình khoa giáo nhẹ nhàng. Nói cách khác, một kiểu dùng nghệ thuật uốn nắn đạo đức, tác phong cho mọi giới, mọi tầng lớp xã hội và chủ yếu cho…người lớn.
Trở nên nổi tiếng, ăn khách, chương trình tạo nên một loạt tên tuổi nghệ sĩ được công chúng ái mộ qua nhiều thế hệ: Bảo Quốc, Duy Phương, Quốc Hòa, Mỹ Chi, Hữu Châu, Hữu Lộc, Thành Lộc, Việt Anh, Kim Xuân, Mạc Can, Phú Quý, Hồng Vân, Hồng Đào, Thúy Nga, anh em Tấn Beo – Tấn Bo, Kim Chi…
Nhiều người trong số họ nổi tiếng trong chính kịch, cải lương, điện ảnh, ca nhạc nhẹ, chuyển sang diễn hài vẫn tiếp tục tỏa sáng. Bởi, tuy chỉ diễn tiểu phẩm hài, song họ - nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng - đều lao động nghệ thuật một cách cần mẫn, nghiêm túc; kịch bản từng tiểu phẩm đều được đầu tư, chăm chút. Mỗi tuần, dàn diễn viên ngôi sao lại thay đổi một lần cho từng tiểu phẩm khá đơn giản chỉ cần 4- 5 diễn viên. Sân khấu “Chuyện trong nhà ngoài phố” vì thế luôn mới, có sức sống hàng chục năm trời.
Vừa hỗ trợ mảng miếng, vừa cạnh tranh giữa các nhóm với nhau, các nghệ sĩ hài đã thật sự tạo ra một “đặc sản văn hóa giải trí phương Nam”, sức lan tỏa được nối dài từ sóng truyền hình ra tận các sân khấu ca nhạc, tụ điểm giải trí của thành phố. Trong nhiều thập niên, khi điều kiện tiếp cận văn hóa nghe nhìn của xã hội chưa phong phú, nó là một phần không thể thiếu của sân khấu ca nhạc – tạp kỹ tràn về phục vụ tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến, họ được náo nức đón chờ. Đi, họ để lại nhiều nhớ nhung luyến tiếc.
Về nguồn gốc, “Chuyện trong nhà ngoài phố” có lẽ bắt nguồn từ các màn diễn hài song song với hát xiệc, ảo thuật, hô lô tô...của miền Nam một thời xa ngái. Nó được gọi là “hề kéo toong”, tức phần diễn trám chỗ giữa hai tiết mục chính trong các buổi hội chợ hay sân khấu tạp kỹ lưu động, nhằm giữ chân khán giả để họ không “rời bãi”, “vãn tuồng”, nhằm có thời gian cho “các diễn viên chính” của buổi diễn chuẩn bị cho các tiết mục khác.
Câu chuyện truyền tải vì thế khá hiện đại, gần gũi với hơi thở nhân sinh đương đại, chủ yếu trông chờ vào khả năng diễn xuất duyên dáng, ngẫu hứng, khả năng khai thác tình huống ngay tại chỗ của nghệ sĩ biểu diễn (nhất là trong các trường hợp độc diễn). Màn diễn thường được đầu tư đơn giản, thậm chí sân khấu có thể sơ sài, vì các đoàn nghệ thuật tạp kỹ đa số đều của tư nhân, hầu như đều nghèo. Khán giả thường trực cũng không khác, chung một chữ nghèo.
Đầu thập niên 1990, “Chuyện trong nhà ngoài phố” và các màn tấu hài trên sân khấu tụ điểm bước vào buổi hoàng kim. Rất nhiều diễn viên điện ảnh, cải lương, chính kịch…cũng rẽ ngang sang tấu hài, diễn hài kịch và đều mong ước được góp mặt trong “Chuyện trong nhà ngoài phố” của HTV, xem đó như môt "bảo chứng thương hiệu", để từ đó có “vốn liếng” chạy show tại các tụ điểm. Từ trước đó rất lâu, để tri ân khán giả, đồng thời đáp ứng nguyện vọng xuất hiện, góp mặt của nghệ sĩ, ngay từ Tết 1982, HTV đã dàn dựng một chương trình dài hơi, đầu tư sân khấu hoành tráng, có nội dung tổng kết các điểm nhấn văn hóa – nghệ thuật nguyên cả năm dưới hình thức “Sớ táo quân” báo cáo với Ngọc Hoàng.
Chương trình Táo quân đầu tiên quy tụ trên dưới 30 nghệ sĩ, có hồi có lớp như một vở kịch, chia theo nhiều mảng miếng khác nhau. Tình huống “Táo quân báo cáo với Ngọc Hoàng” chỉ là cớ hội tụ, mỗi màn diễn, kịch bản đều được “đo ni đóng giày” để khai thác tối đa khả năng diễn, nhấn, nhá, nhả…của từng cá nhân và từng nhóm nghệ sĩ hài.
Thủ pháp cơ bản của nó là vận dụng kỹ năng “cập vật hóa động từ bất cập vật”, thể hiện các triết lý đời sống thành hành vi, tình huống, lời thoại mang tính hoạt kê. Vì mang nội dung tổng kết, dù còn bị bó hẹp, Táo quân 1982 cũng đề cập rộng, sâu hơn đến các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa tiêu biểu và nổi cộm. Chương trình thành công vang dội, trở thành một “Gala hài” cuối năm không thể thiếu của HTV mỗi độ Tết đến Xuân về.
Thành công của sân khấu hài kịch phương Nam đã kích thích sự trỗi dậy của mảng miếng hài kịch phương Bắc từ khoảng đầu thập niên 1990. Điểm khác cơ bản: miền Bắc không có sân khấu “tấu hài” kiểu hội chợ truyền thống. Các màn diễn hài, nhân vật hề là không thể thiếu, nhưng chỉ là một phần “phụ thêm” của sân khấu Chèo – một bộ môn nghệ thuật kinh điển vẫn đòi hỏi tính nệ quy, nặng những ước lệ. Diễn viên tham gia không thể tự phát, thường kinh qua đào tạo, truyền nghề khá dài hơi, bài bản.
Hài miền Nam thời hoàng kim phát triển quá nhanh, quá ồ ạt ngày càng có phần dễ dãi, phóng túng, trở nên nhạt dần. Đua nhau chạy show, các nhóm hài gia đình, bè bạn diễn ở các tụ điểm bộc lộ rõ sự sơ sài, thậm chí cẩu thả trước hết là trong ý tưởng kịch bản (do diễn viên tự viết). Tiếng cười của khán giả tại các tụ điểm, trên các chuyến xe đò đường dài, với yêu cầu duy nhất là xả stress, đôi khi chỉ bật ra từ vô thức, cơ học sau những màn diễn cương, diễn lố của nghệ sĩ. Hình ảnh xuất hiện trên sân khấu trở nên bội thực, thừa mứa những chuyện khai thác khiếm khuyết hình thể, nhầm lẫn giới tính, thiểu năng ngôn ngữ, cường điệu thói quen, cố ý hiểu nhầm do bất đồng ngôn ngữ, phương ngữ, giả giới tính...
Trong bối cảnh đó, tính ước lệ, kinh điển của hề - chèo miền Bắc tỏ ra có chất thâm thúy, sâu sắc, có nhiều góc cạnh để suy nghĩ hơn, lấn dần ưu thế của tấu hài miền Nam. Ngay cả khán giả bình dân miền Nam, khi năng lực tiếp nhận văn hóa đã được nâng dần, cũng có một bộ phận ngã sang yêu thích chất hài sâu, hài cay miền Bắc hơn là mê mẩn “tấu hài hội chợ” miền Nam như một thời.
Đại khái, đó chỉ đơn giản là một sự dịch chuyển của thị hiếu tiếp nhận, có thể cũng chỉ mang tính nhất thời và không đủ điều kiện để kéo đến dài lâu. Nó cũng tương tự như chuyện giới thợ thuyền, các bà nội trợ từ yêu thích phim tình cảm truyền hình dài tập lê thê chuyển sang mê truyện ngôn tình ngắn gọn, thỉnh thoảng có thể gặp một triết lý đương nhiên là như đúng rồi nhưng rất…bá đạo!
Thế nhưng, cũng phải mất thêm cả vài chục năm, sân khấu hài miền Bắc mới thật sự soán ngôi, khẳng định được vị trí “dẫn đầu” của nó trong thị trường nghe nhìn giải trí. Vào trước giao thừa 2003, Đài truyền hình Việt Nam VTV đã lặp lại cách làm của Đài HTV 21 năm trước đó, mượn hình thức sân khấu hóa việc báo “Sớ Táo quân” để quy tụ cùng lúc hàng chục nghệ sĩ trong chương trình cũng có tính chất Gala với một tên gọi khác là “Gặp nhau cuối năm”.
Đầu tư lớn, nghệ sĩ tên tuổi, mảng miếng tập dượt kỹ càng, kịch bản được chăm chút, nội dung đụng đến nhiều vấn đề lớn, bao trùm của đất nước, xã hội trong suốt năm, “Gặp nhau cuối năm” 2003 đã thành công vang dội và chinh phục được khán giả cả nước như một sản phẩm văn hóa giải trí đặc sắc, đáng chờ đợi. Táo miền Bắc, cũng là táo…quốc gia (vì chương trình được phát trên đài truyền hình quốc gia) đã lấn át, làm lu mờ dần Táo miền Nam của Đài truyền hình HTV.
Thậm chí, ngươi xem cũng quen dần, không ai thắc mắc gì chuyện “bản quyền format”. Chính thị, chương trình Táo quân cuối năm, bản quyền là của HTV. Dù thành công, chương trình Táo quân cuối năm của VTV vẫn chỉ là những phiên bản có nhiều cải tiến, vì đi sau những hơn hai chục năm. Vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng mờ nhạt hơn, đến Tết 2019, chương trình Táo quân cuối năm của HTV đã lặng lẽ rời sóng truyền hình, được xếp vào...kỷ niệm. Táo VTV trở nên độc tôn.
Sau 4-5 mùa đầu được coi là đặc sắc, Chương trình “Gặp nhau cuối năm” của VTV cũng không thoát khỏi sự dễ dãi, lạm dụng trong cách khai thác nội dung, hình ảnh, chi tiết, kỹ năng biểu diễn, nhất là khi dàn diễn viên suốt 20 năm gần như không hề thay đổi, chỉ vắng đi một đôi người cũ. Gần 10 năm trở lại đây, do chạy theo thị hiếu của công chúng, thiếu người viết kịch bản sắc, sự sâu sắc kinh điển của chương trình rơi dần. Thay vào đó, "Gặp nhau cuối năm” của VTV lại gần như vơ vào tất cả những gì gọi là “thụt lùi nghệ thuật” của tấu hài miền Nam đoạn thoái trào.
Thay vì kịch thoại sâu cay, thâm thúy, diễn viên lên sân khấu diễn cảnh chửi nhau như hát hay. Thay vì tìm tình huống chệch chuẩn trong không gian giả định linh thiêng, nghiêm cẩn (sân chầu Thượng giới, trước mặt Ngọc Hoàng), các Táo quân cũng được dàn diễn viên thể hiện như một lũ đầu đường xó chợ, ưa ngồi lê đôi mách, hở ra là bài xích móc mỉa, dẫn đến cãi vả nhau loạn xạ. Nói, cãi, mắng, chửi quá nhiều. Cũng không thiếu cả những cặn bã nghệ thuật nói ngọng, nói lắp, cố ý bộc lộ khiếm khuyết ngoại hình, đến diễn cẩu thả trong vai trò, tư cách nhân vật. Kịch bản xuất hiện cho các Táo đã cạn kiệt, trở nên nhàm chán, cũ kỹ, thậm chí rẻ tiền, không đáng để thành nội dung được đề cập (dù chỉ để gây cười) trên sóng truyền hình quốc gia.
Cũng chính vì cố kéo cho “đầy đủ”, cố theo thời thượng, bắt khuynh hướng… nên nội dung của hơn 3 giờ đồng hồ biểu diễn là cố nhồi nhét cho kỳ hết những gì đã ồn ào trên…mạng xã hội, vốn phần lớn chỉ là chuyện nghiêng về thị phi, tọc mạch, nhiều khi là vô bổ và không phải chuyện gì được đề cập cũng là…văn hóa. Câu chuyện khao khát “ngò gai” được đề cập trong chương trình Xuân 2023 là một ví dụ.
Nhắc lại cả một tiến trình dài như thế để thấy rằng, bất cứ sự tồn tại và phát triển nào cũng cần đúng, phù hợp với không gian, thời gian của nó. Đổi mới (để phát triển) là yêu cầu bắt buộc. Tiến trình đi đến “độc quyền” của “Gặp nhau cuối năm” cũng một phần (rất quan trọng) nhờ được phát vào “giờ vàng” trên sóng truyền hình Đài quốc gia. Đêm cuối năm, trước khi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết, mang ý nghĩa thông điệp quốc gia, có tính định hướng, người ta sẽ được xem môt chương trình có tính vui vẻ, xả hết ấm ức, khó chịu trong suốt năm.
Dĩ nhiên, Tết đến, Xuân về, không ai định ôm trĩu suy tư. Đêm giao thừa, chẳng ai mong phải chì chiết, đả kích, giữ mãi bực dọc với người khác. Tiếng cười của “Gặp nhau cuối năm”, nếu giữ được sự nhẹ nhàng sảng khoái, nó sẽ là một “sắc xuân” góp vào năm mới. Vô tình, một chương trình giải trí đã trở nên một phần không thể thiếu, được chờ đợi trong buổi năm cùng tháng tận. Người làm chương trình, nghệ sĩ tham gia, hơn ai hết, phải hiểu rõ điều đó, để biết ơn khán giả, để có trách nhiệm trong lao động sáng tạo.
Giờ phát là giờ vàng, giờ mà các gia đình quây quần sau một năm... Nhiều người không định xem, nhưng vẫn cứ phải ngồi ở ghế khán giả. Hiểu điều đó, làm chương trình tốt, diễn hay thì đó là đóng góp văn hóa, được khen ngợi và yêu thích. Bằng ngược lại, cũ, rất dở, nhảm, mà vẫn kéo 20 năm, đó là chiếm dụng không gian - thời gian văn hóa, là cưỡng bức văn hóa. Nghệ sĩ, Đài đã thủ lợi (thời gian, danh tiếng, tiền bạc...) nhờ sự chiếm dụng đó, nên họ phải cảm ơn và có trách nhiệm với người xem mới phải đạo.
Không thể viện vào cớ kinh tế, chương trình vẫn đem lại thu nhập cao cho Đài, cho nghệ sĩ mà vẫn cố duy trì một chương trình đã trở nên cũ kỹ, nhàm chán, lạc lõng với đời sống. Đã trở nên vô bổ với thị hiếu, nhu cầu của người xem, của xã hội, nhất là khi nó là một chương trình giải trí cho toàn quốc.
Tin chắc, các nghệ sĩ đều đã hết sức cố gắng, đều mong cống hiến và sáng tạo hết mình, nhưng lực bất tòng tâm. Cả nội dung, hình thức của chương trình có lẽ đã không còn phù hợp. Sau 20 năm, nếu không thể làm mới, không còn đất cho sự sáng tạo thì đã đến lúc xếp chương trình vào kho, xem nó như một kỷ niệm văn hóa. Sóng đài truyền hình quốc gia cần một sự thay thế mới mẻ, trẻ trung, hấp dẫn và phù hợp với thời đại hơn.
Nói như thế là để tách bạch chuyện thị phi, tranh cãi ồn ào suốt tuần qua. Việc Xuân Bắc phát ngôn bừa bãi không phải là nguyên nhân để đề cập đến chuyện dừng chương trình Táo quân – Gặp nhau cuối năm trên sóng truyền hình. Bài viết sai trái và sai lầm của Xuân Bắc, đã quá nhiều người đề cập và chỉ trích, tôi không định nói dài thêm, chỉ vắn tắt mấy lời.
Là nghệ sĩ, Xuân Bắc có quyền lên tiếng bảo vệ thành quả sáng tạo của mình, nhưng tất nhiên không thể bằng cách hỗn láo đá thẳng vào mặt khán giả cả nước bằng sự ví von kém hiểu biết và không đúng mức. Xuân Bắc đã ụp nguyên chiếc bánh chưng để quá lâu, đã ôi thiu, bốc mùi chua vào mặt khán giả. Đó là hành vi thiếu văn hóa, vô trách nhiệm trong vai trò người sáng tạo sau nhưng khen chê, là vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghệ sĩ, là vô ơn, vô lễ với khán giả.
Y phục bất xứng kỳ đức, kể cả không ai kỷ luật, Xuân Bắc cũng đã tự “đinh đóng vào săng” cho cả sự nghiệp, danh tiếng cá nhân, làm hại cả nỗ lực và thanh danh của nhiều nghệ sĩ khác. Lên tiếng một cách hỗn láo, Xuân Bắc không cứu được một chương trình đã chết mòn trong lòng khán giả mà đã tự tay đậy nắp quan tài cho nó. Trừ khi Đài truyền hình cố tình bịt mắt bịt tai, nếu không chẳng ai còn dám mời Xuân Bắc tham gia, kể cả chương trình Táo quân cuối năm hay hình thức gì đó na ná vẫn còn có thể tồn tại và chiếm sóng.
Đã đến lúc nên dừng lại, cất cả Táo cuối năm lẫn Xuân Bắc vào kho đồ cũ cho bụi quên dần phủ. Đề nghị này nếu những người có trách nhiệm vẫn quyết không nghe, ai biết xin chỉ đường, để tôi, như mọi khi, còn tìm gặp đề đạt với Ngọc Hoàng!
Mùng 6 Tết Quý Mão, 27/1/2023
NGUYỄN HỒNG LAM
No comments:
Post a Comment