VNTB – Thời gian ‘cưỡng chế chữa bệnh’ có được tính là ‘thi hành án’?
Cát Tường
26.01.2023 1:18
VNThoibao
Sau hơn bốn năm bị tạm giam và buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần, ông Lê Anh Hùng bị đưa ra xét xử vào ngày 30-8-2022 trong một phiên tòa không có luật sư và người thân. Ông bị kết án năm năm tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong phiên tòa không có luật sư biện hộ. Hiện có tin là ông đang thi hành án tại trại giam Nam Hà, hay còn gọi là trại giam Ba Sao nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Theo Điều 49 của Bộ luật hình sự năm 2015, thì biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với 3 trường hợp: Đối với người mắc bệnh trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; đối với người có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Hay nói cách khác đối với bị can, bị cáo hoặc người bị kết án phạt tù bị mắc bệnh mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Viện kiểm sát, Tòa án quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh không bị hạn chế, người được đưa vào các cơ sở điều trị chuyên khoa sẽ được điều trị cho đến khi khỏi bệnh. Việc xác định người phạm tội đã khỏi bệnh hay chưa phải căn cứ kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần của hội đồng giám định có thẩm quyền.
“Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù” – trích khoản 3 Điều 49 “Bắt buộc chữa bệnh”, Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên trên thực tế thì việc áp dụng khoản 3 Điều 49 kể trên là tùy vào cơ quan thẩm quyền.
Trong trường hợp ông Lê Anh Hùng, rất có thể nhà chức trách sẽ không tính thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, vì họ cho rằng đồng ý khoản 3 Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”, nhưng đó là áp dụng đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù; còn đối với trường hợp người bị khởi tố (bị can), người trước khi bị kết án (bị cáo) bị mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình bị Viện kiểm sát, Tòa án quyết định bắt buộc chữa bệnh, thì thời gian bắt buộc chữa bệnh không được trừ vào thời gian chấp hành án.
Tình tiết thi hành án cho biết, vào ngày 1-4-2019, ông Lê Anh Hùng, người bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5-7-2018 năm ngoái với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào bệnh viện tâm thần Trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.
Đến ngày 9-5-2022, ông Lê Anh Hùng bị chuyển từ bệnh viện tâm thần Trung ương 1 về lại trại giam theo quyết định của cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội.
Trước đó nữa, hồ sơ liên quan ông Lê Anh Hùng cho biết vào năm 2009, ông Lê Anh Hùng bị cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Vu khống” theo Điều 122 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, sau khi xác minh “bị can thực hiện hành vi sai phạm trong tình trạng bị bệnh tâm thần hoang tưởng, mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, Công an tỉnh Quảng Trị đã “chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, tạm giam và ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can Lê Anh Hùng”.
Như vậy nếu áp dụng theo các mốc thời gian phân định trên khi ông Lê Anh Hùng còn là “bị can” – “bị cáo”, thì rất có thể ngày 5-7-2023 tới đây ông vẫn chưa được trả lại quyền tự do.
Trong một lập luận khác cũng liên quan từ “hồ sơ bệnh án” của ông Lê Anh Hùng, thì ông phải được trả lại tự do vào ngày 5-7-2023, vì ông nằm trong trường hợp người đang bị khởi tố, điều tra, truy tố (bị can), người trước khi bị kết án (bị cáo) có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng trước khi bị kết án đã bị mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi bị Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định bắt buộc chữa bệnh.
Sau khi điều trị khỏi bệnh, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu người phạm tội bị kết án phạt tù, thì thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù kể cả giai đoạn điều tra, truy tố (bị can), giai đoạn xét xử (bị cáo) và giai đoạn thi hành án.
No comments:
Post a Comment