Wednesday, January 25, 2023

Tiếng nói của người Việt trong chính phủ Cộng hòa Czech
24.01.2023
BBC
"Ngạc nhiên là chính phủ Czech chọn tôi, không chọn người Sứ quán VN đề cử"

BBC: Xem video

"Câu chuyện của người Việt bắt đầu từ năm 2013, khi chính phủ Czech quyết định công nhận thêm hai cộng đồng là cộng đồng người Việt và cộng đồng Belarus," ông Phạm Hữu Uyển nói với BBC News Tiếng Việt.


Là sinh viên sang Tiệp Khắc học từ đầu thập niên 1980, ông Phạm Hữu Uyển sống và làm việc tại Prague từ đó đến nay, là một trong những nhân chứng chứng kiến những biến động chính trị, xã hội mạnh mẽ của đất nước này từ một quốc gia cộng sản trải qua Cách mạng Nhung 1989 để trở thành một nền dân chủ ở châu Âu.


Ông Phạm Hữu Uyển là thành viên chủ chốt của nhóm Văn Lang, một nhóm hoạt động xã hội dân sự của người Việt tại Cộng hoà Czech, và trở thành gương mặt đại diện cho cộng đồng người Việt tại Hội đồng các Dân tộc Thiểu số trong chính phủ Cộng hoà Czech ngay từ những ngày đầu tiên.


Ông kể về quá trình cộng đồng người Việt đạt vị trí trong chính phủ Cộng hoà Czech:


"Việc người Việt Nam được công nhận là dân tộc thiểu số, ban đầu là do Hội người Việt ở đây đệ đơn gửi lên chính quyền.


"Quá trình xét duyệt diễn ra tương đối lâu. Khi chuẩn bị ra quyết định công nhận, chính phủ Czech yêu cầu các tổ chức của người Việt ở đây giới thiệu đại diện của mình để họ lựa chọn.


"Tôi được nhóm Văn Lang đề cử. Lúc ban đầu, ở vòng 1, nhóm Văn Lang không tham gia đề cử, nhưng về sau chúng tôi được biết Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Czech đã tổ chức rất chặt chẽ để chọn người vào vị trí đại diện.


"Chúng tôi thấy như vậy là không ổn, bởi đây là việc đại diện cho cộng đồng người Việt [chứ không phải là đại diện của chính quyền Việt Nam] trong chính quyền của nước sở tại. Do đó nhóm Văn Lang quyết định đề cử người để thể hiện thái độ của mình.


"Đáng ngạc nhiên là sau đó chính phủ Czech đã lựa chọn người mà Văn Lang đề cử.


"Quyết định của chính phủ Czech gồm hai phần. Một là công nhận cộng đồng Việt Nam là cộng đồng thiểu số. Hai là chọn tôi làm đại diện cho cộng đồng người Việt tại Hội đồng Dân tộc Thiểu số của nước này. Hiện nay tôi đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ hai."

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo Nguyễn Giang (bìa phải) trò chuyện với ông Phạm Hữu Uyển và các nhân chứng người Việt về những thay đổi của Tiệp Khắc / Cộng hòa Czech trong hơn ba thập niên qua

Vai trò của người đại diện dân tộc thiểu số trong chính phủ Czech


Hội đồng Dân tộc Thiểu số là một cơ quan tư vấn cho chính phủ Czech, với thành phần gồm các thành viên đại diện cho chính phủ, và các thành viên đại diện của từng dân tộc thiểu số được công nhận.


"Hiện có 14 dân tộc thiểu số được công nhận tại Czech," ông Uyển giải thích. "Có một số dân tộc thiểu số có số lượng người đông hơn, có lịch sử lâu đời ở đây thì họ có hai đại diện."


"Về phía đại diện chính quyền, thường thì chủ tịch Hội đồng là một ông bộ trưởng hoặc là thủ tướng. Trong hai nhiệm kỳ vừa rồi, gồm cả nhiệm kỳ này, ông thủ tướng là chủ tịch Hội đồng.


"Đại diện của chính quyền bao giờ cũng có số lượng ít hơn đại diện của các sắc tộc thiểu số. Bởi vậy nên khi biểu quyết, nếu tất cả các sắc tộc cùng đồng ý về một vấn đề nào đó thì phía chính quyền sẽ 'thua'.


"Sứ mệnh của Hội đồng là cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề chính sách sao cho có lợi cho các sắc tộc thiểu số. Hoạt động của Hội đồng rất quan trọng trong vấn đề ra chính sách luật pháp.


"Các nhà lập pháp có thể không ý thức hết được các khía cạnh có thể đụng chạm tới một sắc tộc nào đó, gây bất lợi cho một sắc tộc nào đó.


"Hội đồng là nơi sẽ nêu ra những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho các sắc tộc thiểu số. Các thành viên Hội đồng sẽ xem xét, góp ý về các nội dung pháp luật trước khi giới chức ban hành, để có thể góp ý, đưa ra khuyến nghị, đề nghị sửa đổi kịp thời."


Ông Uyển cũng nêu một ví dụ gần đây về vai trò của người đại diện và Hội đồng Dân tộc Thiểu số trong đời sống chính trị, xã hội Czech:


"Sau khi Nga đưa quân đánh Ukraine hồi đầu năm 2022, Hội đồng châu u ra quyết định chấp nhận người tị nạn từ Ukraine sang Cộng hoà Czech sẽ được bảo hộ.


"Văn bản của Hội đồng châu u viết 'công dân Ukraine và những người trong gia đình' nhưng bản thảo số 1 của Czech đưa ra, vì lý do gì đó mà đã bỏ đi chữ 'những người trong gia đình'.


"Điều này dẫn tới việc một số người Việt từ Ukraine sang sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ở lại Czech, khi mà chỉ con cái họ, những đứa trẻ gốc Việt mang quốc tịch Ukraine, thì được bảo hộ còn bản thân họ, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, thì không.


"Hôm đó chỉ còn một ngày rưỡi nữa là có cuộc họp bàn về văn bản này, tôi gọi điện cho Hội đồng, đề nghị phải đưa vào đúng như văn bản của châu Âu.


"Hội đồng đã trực tiếp gọi điện cho ông thủ tướng. Ngày hôm sau, khi văn bản được đưa ra đã có đủ phần nội dung dành cho gia đình, giống như quy định của EU."

Cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu


Sau nhiều năm người Việt được công nhận là sắc tộc thiểu số ở Cộng hoà Czech, tại Slovakia cộng đồng cũng đã đạt thành tựu tương tự vào tháng 8/2022.


Theo ông Phạm Hữu Uyển, kết quả này không chỉ dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân cộng đồng tại mỗi nước, mà còn liên quan tới chính sách pháp luật của nước sở tại nữa.


"Với các nước Tây Âu, ví dụ như ở Pháp, tôi không biết điều này có thể trở thành trào lưu hay không," ông nói.


"Theo tôi biết thì ở các nước đó không có cơ quan tương đương như Hội đồng Dân tộc Thiểu số của Cộng hoà Czech.


"Ở Ba Lan và Hungary thì có, nhưng cũng có sự khác biệt so với ở Czech. Luật của Cộng hoà Czech quy định rằng một cộng đồng có thể xin được công nhận 'nếu có lịch sử lâu dài', trong khi luật của Ba Lan và Hungary có ghi cụ thể lịch sử đó phải "ít nhất là 100 năm". Vậy nên quá trình có lẽ sẽ khác so với ở đây."





Tin liên quan
9:22


"Câu chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi chính phủ Czech quyết định công nhận thêm hai cộng đồng là cộng đồng người Việt và Belarus," ông Phạm Hữu Uyển nói với BBC News Tiếng Việt.8 giờ trước


Tin chính




No comments:

Post a Comment