Nghệ sĩ Nhà nước không cần khán giả?2023.01.25
RFA
AFP
Quan hài “vô lễ” với khán giả?
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết trên Facebook cá nhân của ông rằng (xin trích đăng): “Xuân Bắc ngụ ý người chê chương trình “Táo quân” ăn cháo đá bát là rất nhầm. Anh diễn thì anh lấy cát-xê, nhà đài thu tiền quảng cáo. Khán giả, người trả tiền sóng, tiền mạng hoặc thẩm thấu quảng cáo mới là người nuôi các anh.
Các anh mới là ăn cháo đá bát, đang phận con phận cháu, có chút hư danh còm cõi đã “bánh chưng của mẹ” là anh quá hỗn. Anh xứng đáng ăn tát của dư luận cho tỉnh ra!”
Nhận định về “câu chuyện” của Xuân Bắc, nhạc sĩ Lê Thiệu nói với RFA:
“Những dạng nghệ sĩ như Xuân Bắc là nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa. Họ chỉ có một mục tiêu, một tư duy là làm hài lòng Nhà nước thôi, chứ còn với Nhân dân - tức là khán giả - thì họ mặc kệ. Họ sống trong cái khuôn đó rồi. Họ không được khán giả ủng hộ thì đó là chuyện họ gạt sang một bên, không phải mục đích của họ. Đó là nói chung về giới nghệ sĩ của Nhà nước. Còn nói riêng trường hợp Xuân Bắc thì anh quá coi thường khán giả. Nghệ sĩ Nhà nước thì họ chỉ vậy thôi. Họ không phải là nghệ sĩ thực thụ.”
Câu chuyện của Xuân Bắc khiến người ta nhớ lại câu chuyện liên quan đến nghệ sĩ hài Trấn Thành cách đây vài năm. Trấn Thành bị dư luận cho là có thái độ ngạo mạn, nói năng khiếm nhã khi phát biểu: “Nếu thấy chúng tôi diễn hài nhảm, hãy tắt tivi… Hãy thử nghề của chúng tôi một lần thì sẽ biết cái nghề này khó và trí tuệ như thế nào”. Nhiều người lúc bấy giờ cũng bình luận rằng nghệ sĩ hài này cho rằng khán giả không hiểu được lợi ích mà một chương trình giải trí mang lại.
Những dạng nghệ sĩ như Xuân Bắc là nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa. Họ chỉ có một mục tiêu, một tư duy là làm hài lòng Nhà nước thôi, chứ còn với Nhân dân - tức là khán giả - thì họ mặc kệ. Họ sống trong cái khuôn đó rồi. - nhạc sĩ Lê Thiệu
Quay lại với status trên Facebook của Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương nói với RFA sáng 25 tháng 1:
“Cũng một phần là do Xuân Bắc đã diễn chương trình này mấy chục năm rồi, và có một lượng fan lớn rồi, vì vậy nó giống như là một cái sức mạnh của anh ta, cho nên anh ta mạnh mồm.
Người nghệ sĩ hành xử như thế nào là do cái nhân cách, cái đạo đức của cá nhân đó. Tôi nghĩ rằng, đó là bài học cho những thế hệ sau rút kinh nghiệm về cách ứng xử. Phải cẩn trọng hơn đối với khán giả, đối với công luận. Nói chung, anh có thể ở vị trí này, vị trí kia, có kinh nghiệm hay danh tiếng. Nhưng không phải vì những điều đó mà có thể dễ dãi trong cái cách hành xử, nói năng với công chúng được.”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nói thêm rằng, trong xã hội Việt Nam bây giờ, rất nhiều người hành xử vô lễ với công chúng khi họ chỉ có chút quyền lực trong chính quyền. Đó là một thực tế.
Quyền lực của nghệ sĩ nằm ở đâu?
Theo thông tin từ báo chí Nhà nước, Xuân Bắc là một Nghệ sĩ ưu tú, diễn viên, người dẫn chương trình, nghệ sĩ hài. Nổi tiếng với vai Núi trong bộ phim truyền hình Sóng ở đáy sông, vai trò diễn viên hài của Gặp nhau cuối tuần trên VTV3, Gặp nhau cuối năm của Đài Truyền hình Việt Nam và dẫn chương trình trò chơi truyền hình Đuổi hình bắt chữ của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Hiện Xuân Bắc là Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam.
Từ trước đến nay, người dân đã quá quen tai với các danh hiệu được phong cho giới nghệ sĩ như Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là hai danh hiệu được nói là do Nhà nước trao tặng cho những nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật. Danh hiệu này phổ biến ở hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Năm 2013, nữ nghệ sĩ Kim Chi đã viết thư cho Hội Điện Ảnh từ chối làm thủ tục đề nghị Thủ tướng khen thưởng. Lúc đó bà nói: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”.
Người ta phải nhìn thấy một điểm thú vị là ở phương Tây hay những nước phát triển, quyền lực của nghệ sĩ đối với công chúng nó hoàn toàn dựa trên khả năng của mình. Chinh phục khán giả bằng khả năng của mình qua độ dài công việc của mình. Còn quyền lực nghệ sĩ ở Việt Nam đôi khi nằm ở chỗ tựa lưng vào chính quyền. - Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội cho rằng, cách hành xử của Xuân Bắc không có gì lạ. Nó là sản phẩm của một chế độ dùng văn nghệ để tuyên truyền. Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ ý kiến của ông với RFA về việc này như sau:
“Sự việc Xuân Bắc nó chỉ là câu chuyện khởi đầu trên bề mặt câu chuyện là sự bất mãn của đời sống dân chúng khi mà chất lượng chương trình quá tệ thôi. Nhưng một cái khác nằm ở dưới lòng cho thấy những loại giải trí mang tính giả hiện thực đã lộ ra nhược điểm là, đến lúc mà mối căng thẳng trong hệ thống cầm quyền đi tới cực điểm thì nó khủng hoảng rồi. Nó cho thấy mô hình cán bộ văn nghệ đã đi tới ngõ cụt rồi.
Người ta phải nhìn thấy một điểm thú vị là ở phương Tây hay những nước phát triển, quyền lực của nghệ sĩ đối với công chúng nó hoàn toàn dựa trên khả năng của mình. Chinh phục khán giả bằng khả năng của mình qua độ dài công việc của mình. Còn quyền lực nghệ sĩ ở Việt Nam đôi khi nằm ở chỗ tựa lưng vào chính quyền.”
Nhà thơ Phan Hoàng trả lời trên tờ Thể thao & Văn hóa về vấn đề này cho rằng: "Người làm nghệ thuật nên biết lắng nghe khen chê từ khán giả một cách thận trọng. Không vì sự khen chê mà kiêu ngạo hay tự ái, đánh mất bản lĩnh sáng tạo, gây phản cảm về hình ảnh của mình trong mắt mọi người".
Ông nhận định sự khen chê bao giờ cũng có hai mặt. Vì vậy người làm nghệ thuật hãy xem điều đó là bình thường và biến nó thành động lực cho bản thân sáng tạo.
Tuy nhiên, một ý kiến bình luận khác trên tờ Thanh Niên lại cho rằng: “Tôi nghĩ một Nghệ sĩ ưu tú và có thâm niên biểu diễn như Xuân Bắc thì không thể có thái độ trịch thượng và quá ngạo mạn coi thường và xúc phạm khán giả (trong đó có những người nhiều hơn Xuân Bắc vài chục tuổi). Nên kiểm tra lại hay là trang của Xuân Bắc bị ai đó cố tình chèn bài viết của mình vào làm ảnh hưởng đến danh dự của Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc”.
No comments:
Post a Comment