Ngạo nghễ cuối năm!Lê Huyền Ái Mỹ
31-12-2022
Tiengdan
“Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII”, thông tin gọn trong 1 bản tin ngắn đồng loạt đăng trên các báo chiều ngày 30.12, tuyệt không “khuyến mãi” thêm lý do gì, vì sao thôi giữ chức. Cũng chừng ấy số chữ, nội dung với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “thôi giữ chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII”.
Trước đó 1 ngày, 29.12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói: cần sức ép trong nội bộ Đảng và xã hội buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức.
Chưa tính tới sức ép thì hai bom tấn Việt Á và “chuyến bay giải cứu” đã đủ ngạo nghễ mà từ chức, “thôi giữ chức”. Nhưng là gì, cụ thể ra sao, nếu có “sức ép” thì ở mức độ nào? Nhân dân cần được biết, được tường minh mọi nhẽ, để ý thức được sức mạnh của một nửa sức ép – xã hội chính là từ mình, cho mình, không chỉ vụ việc này, lần này.
Tôi nhớ giai đoạn dịch bắt đầu bùng phát ở TP.HCM, UBND.TP đưa ra quyết định cho học sinh tạm nghỉ học và đề xuất Chính phủ áp dụng trên phạm vi cả nước. Đặt trong điều kiện chưa chuẩn bị nguồn vaccine, với một dịch bệnh truyền nhiễm, chúng tôi thời điểm ấy đã gọi đó là một quyết định khôn ngoan. Bài đăng. Vị trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia yêu cầu sửa tựa, truyền đạt ý chỉ “rất không hài lòng”.
Tôi không rõ về sau, có sự “hài lòng” nào không trong các quyết sách của ban chỉ đạo chống dịch tầm quốc gia cho hơn 2 vạn đồng bào ở Sài Gòn có được vaccine từ sớm, có phương thức chỉ đạo xét nghiệm, cách ly, điều trị khoa học, nhất quán… để chừng ấy con người không tức tưởi nằm xuống. Bởi, đặt cạnh sức ép từ vụ Việt Á, nó là hệ quả của một đường dây, một “tập quán” tham nhũng, cấu kết tham nhũng, đại dịch đến như là cơ hội làm ăn tốt nhất của cả bọn họ mà thôi. Còn hậu quả mất mát, tang tóc kia đổ lên hơn 2 vạn con người mới là sự trả giá lớn nhất. Mất “quan” trong Việt Á vẫn là quá rẻ (thậm chí là không đáng) so với mất “dân” trong cuộc chiến chống dịch.
Nên, phiên họp cuối năm “bất thường” lại hết sức bình thường. Bình thường như thông tin vừa được Dân trí đăng tải, cũng trong chiều nay 30.12: “TP.HCM nhận “0 đồng” từ ngân sách Trung ương trong 3 năm chống dịch Covid-19”. Nhớ hồi đỉnh dịch, thành phố xin trung ương 28.000 tỷ đồng để hỗ trợ lao động và người nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch COVID-19, Bộ Tài chính nói đó là chính sách đặc thù nên địa phương tự cân đối ngân sách. Đặc thù nào khi dân tình đang đói, đang bị dịch bệnh tấn công. Rốt cùng cũng được duyệt cho 2000 tỷ và 71.000 tấn gạo!
Nó càng bình thường khi đọc bản tin hân hoan trên các báo mấy hôm rày, năm 2022, TP.HCM thu ngân sách đạt 471.562 tỷ đồng, tăng 23,6%. Chả gì là thành phố đầu tàu, đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Năm 2023, thành phố này tiếp tục được giao mức thu 469.375 tỷ đồng. Thu và thu, đúng là thành phố của “trạm thu thuế”. Tròn 400 năm trước (1623), Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã viết thư cho vua Chân Lạp “mượn” Prei Nokor (Sài Gòn, về sau là Chợ Lớn) và Kas Krobey (Kompong Krabei – Bến Nghé, về sau là Sài Gòn) để lập các trạm thu thuế.
Thuế ngày nay thu được, một phần cho các vị quan “ngạo nghễ”!
No comments:
Post a Comment