Thursday, January 26, 2023

LHQ: Nha phiến ở Myanmar trồng nhiều hơn, bán sang Việt Nam và TQ
26.01.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,AXEL KRONHOLM
Thuốc phiện bán lẻ ở bang Bắc Chin, Myanmar

Sản xuất thuốc phiện ở Liên bang Myanmar tăng nhanh từ khi quân đội nước này chiếm quyền năm 2021, theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC).

Trong phúc trình vừa công bố, UNODC nói kể từ năm 2021, lượng cây nha phiến được trồng tại vùng thuộc Myanmar ở Tam Giác Vàng tăng 33% trong năm 2022.

Số nha phiến thu hoạch được có thể tăng 88% trong 2022.

Đây là tin xấu, đánh dấu sự đảo ngược xu thế giảm sản xuất nha phiến ở Myanmar từ 2014 tới 2020.

Quan chức đại diện cho vùng Đông Nam Á thuộc UNODC, ông Jeremy Douglas cho biết, "Sự gián đoạn kinh tế, quản trị và vấn đề an ninh sau cuộc chiếm quyền của quân đội tháng 2/2021 đã tích hợp với quá trình nông dân bang Shan miền Bắc, và các bang biên giới không có chọn lựa nào khác ngoài việc quay lại trồng cây anh túc."

Đặc biệt, ông Douglas nói, "Đa số thuốc phiện trồng [ở Myanmar] được bán vào Trung Quốc và Việt Nam, còn heroin thì bán sang các nước khác."

Ông đánh giá đây là nguồn lợi khủng khiếp.

Ngành kinh tế nha phiến của Myanmar được LHQ ước tính có trị giá từ 600 triệu đến 2 tỷ USD.

Nha phiến thô được chế biến thành heroin và các loại ma tuý khác.

Vẫn ông Jeremy Douglas nói:

"Gần như tất cả heroin ở Đông Á, Đông Nam Á và Úc có nguồn gốc từ Myanmar, và quốc gia này thành "nhà sản xuất" thuốc phiện và heroin thứ nhì thế giới, sau Afghanistan..."

Từ Tam Giá Vàng tới hạ lưu Mekong





Vùng có tên là Tam Giác Vàng, nằm ở điểm nối ba biên giới Myanmar, Lào và Thái Lan vốn có truyền thống trồng nha phiến và là nơi có nhiều phòng thí nghiệm để chế biến ma tuý.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ma tuý

Nhưng các loại ma tuý khác cũng được làm tại vùng này.

Hôm 13/01, quân đội Thái Lan cho biết họ bắn chết 5 nghi phạm buôn ma tuý, tịch thu gần nửa triệu viên methamfetamine tại Chiang Rai, vùng Tam Giác Vàng.

Hồi tháng 7/2022, báo Việt Nam cho hay công an Điện Biên bắt được một chuyến vận chuyển ma tuý "từ Myanmar vào Việt Nam".

Họ bắt giữ một nghi phạm và tịch thu tang vật thu giữ gồm 10 bánh heroin, 18.000 viên ma tuý tổng hợp..., theo tờ Công an Nhân dân.

Trước đó, vào tháng 6/2022, UNODC công bố một phúc trình đề cập đến ketamine, một loại ma túy tổng hợp, với việc buôn lậu, sử dụng tăng lên như một xu thế đáng lo ngại trong toàn vùng Đông Nam Á.

Việc sản xuất ma túy đá đồng thời thị trường tiêu thụ tập trung chủ yếu ở vùng hạ lưu sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Điểm nóng là bang Shan của Myanmar và tới 89% lượng ma túy đá ở Đông Nam Á bị thu giữ có xuất xứ từ hạ lưu sông Mekong, theo UNODC.

Tin liên quan


No comments:

Post a Comment