Wednesday, January 25, 2023

Dư luận phẫn nộ vì nghệ sĩ quốc doanh ngụ ý khán giả vô ơn khi họ chê Táo quân 2023
VOA Tiếng Việt
25/01/2023
VOA

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Bắc đăng bài chỉ trích khán giả hôm 23/1/2023.

Rất nhiều người đã và đang thể hiện sự phẫn nộ trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, sau khi ông Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, đăng bài lên mạng nói hàm ý rằng khán giả có cách hành xử “ăn cháo đá bát” vì họ chê chương trình Táo quân đêm 30 Tết là “nhạt”, “nhảm nhí”, “rẻ tiền”.

Bài viết dài gần 1.200 từ của nghệ sĩ Xuân Bắc được đăng hồi trưa ngày 23/1, tức mùng 2 Tết Quý Mão, là câu chuyện ngụ ngôn do ông tự sáng tác kể rằng một người con trong hơn 50 năm lúc nào cũng ăn bánh chưng do mẹ gói và nấu, nhưng lúc nào cũng chê, rốt cuộc người mẹ không kiên nhẫn được nữa, đã tát và mắng người con.

“Mày là đồ ‘ăn cháo đá bát’. Mày có biết Mẹ mày gói bánh, luộc bánh vất vả thế nào không!?”, người mẹ nói trong câu chuyện của ông Xuân Bắc.

“Mày nghĩ mày có quyền chê à!? Cứ cho là mày có quyền chê đi thì chê phải cho đúng nhá. Có giỏi năm sau mày gói bánh đi xem nào...” là một trích đoạn nữa trong câu chuyện.

Trong một đoạn khác, nam nghệ sĩ viết rằng người bố trong câu chuyện ngụ ngôn lên tiếng bênh vực người mẹ: “Con phải biết cái khó của mẹ con. Vì nhiều cái ràng buộc mà phải mua thịt của bác A, lấy củi nhà bác B, gạo nếp nhà bác T... Rồi thì nhiều sức ép khác nữa, ấy vậy mà mẹ mày vẫn cố gắng làm để nhà mình có cái Tết vui vẻ hơn”.

Vẫn người bố nói thêm: “Mẹ mày có đòi hỏi gì đâu!? Phải biết chấp nhận và chia sẻ chứ đừng tự mình cho mình cái quyền phán xét như thế con ạ!!!”

Trong đoạn kết, qua lời văn của Xuân Bắc, người con cho hay “Tôi bắt đầu ngộ ra vài thứ. Tôi xin lỗi mẹ tôi và mong mẹ bỏ qua! Mẹ tôi cũng xin lỗi cả nhà vì đã làm mọi người thất vọng!”

Sau hơn 2 ngày xuất hiện trên trang mang tên nam nghệ sĩ, có hơn 2,4 triệu người theo dõi, câu chuyện này nhận được hơn 12.000 phản ứng “yêu, thích, buồn cười, tức giận”, trên 6.600 lời bình luận và ít nhất 750 lượt chia sẻ qua chức năng share của Facebook.

Cũng có nhiều bài viết và lời bình luận phê phán, chỉ trích ông Xuân Bắc trên các trang khác của những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như các nhà văn Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh; các nhà báo Mai Bá Kiếm, Hà Phan, Võ Đức Phúc, Nguyễn Tiến Tường; thày giáo Chu Mộng Long, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, võ sư Đoàn Bảo Châu, v.v…

VOA quan sát thấy trong khi nhiều người tỏ ý thông cảm, thậm chí khen ngợi nỗ lực của các nghệ sĩ thực hiện chương trình Táo quân Tết, có nhiều người khác tức giận cho rằng ông Xuân Bắc nhận thức sai về vị trí, vai trò của ông nói riêng, của người nghệ sĩ nói chung, và mối quan hệ với khán giả, công chúng.

Có hàng nghìn lời bình luận nhắc nhở Xuân Bắc rằng người nghệ sĩ khi thành công, ngoài tài năng ra là còn nhờ được khán giả yêu thương, và người nghệ sĩ cũng phải biết chấp nhận bị phê bình khi khán giả không hài lòng.

Khi Xuân Bắc viết câu chuyện với hàm ý nghệ sĩ là “mẹ”, có quyền tát và chửi mắng khán giả là “con”, ông đã “nhầm vai”, theo các ý kiến bình luận. “Khán giả làm nên Xuân Bắc chứ ông không là mẹ khán giả đâu nhé”, một người có tên Bá Thiềm bình luận về câu chuyện của nam nghệ sĩ.

VOA không thể đếm hết các lời bình luận nhận xét rằng nam diễn viên kiêm giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam là “thằng hề láo xược”, “tay hề rẻ tiền”, “coi thường khán giả”, “ảo tưởng”, “ngụy biện”, “mất dạy”, “ngôn từ chợ búa”, “ngu”…

“Giám đốc nhà hát, trịch thượng đến mức lố lăng, tự cao tự đại, nhưng viết toàn mắc lỗi chính tả căn bản, thứ mà trẻ con lớp 6 là phải sạch nước cản rồi. Văn hoá còi cọc vậy, mà Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vẫn cho giữ chức giám đốc nhà hát thì quả là nhạo báng nền văn hoá nước nhà”, chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn, từng làm báo lâu năm, nhận xét trong trang Facebook của Xuân Bắc.

Bày tỏ quan điểm cả trong trang của chính Xuân Bắc lẫn các trang khác của những người có nhiều ảnh hưởng, hàng nghìn người cho rằng Táo quân Tết đã đến lúc chấm dứt vì sau tròn 30 năm xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia VTV của Việt Nam, chương trình này đã “cạn kiệt ý tưởng”, “kịch bản nhạt nhẽo, theo lối mòn”, “né tránh những vấn đề nhạy cảm, nhức nhối” của đất nước.

Như chính Xuân Bắc đề cập bóng gió đến “nhiều sức ép” trong câu chuyện do ông sáng tác, nhiều người, trong đó có nhà báo đã nghỉ hưu Mai Bá Kiếm, nói thẳng rằng vấn đề là ở chỗ chương trình bị “gọng kìm” của Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản siết.

Vì vậy, kịch bản “trở thành cái áo cũ, quá chật” cũng như do kịch bản “phải viết sớm” theo quy trình kiểm duyệt nên bị lạc nhịp với những diễn biến thời sự.

Ông Mai Ba Kiếm đánh giá trên trang cá nhân rằng “Kịch Táo quân nhạt sẽ không thể nào cứu chữa”. Theo ông, đài VTV “nên dẹp Táo quân” vì đã đến lúc bí đề tài.

Cựu nhà báo đề nghị rằng thay vào đó, lúc giao thừa VTV chỉ cần trích đoạn các buổi tường thuật phiên chất vấn ở Quốc hội “có những câu hỏi và câu trả lời ba trợn, ba nháng của các chính khách”. Bên cạnh đó, VTV cũng có thể trích lại một số chỉ đạo của vị lãnh đạo nào đó đối với các tỉnh cũng đủ để khiến khán giả “cười bò lăn bò càng, cười lộn ruột!”

VOA cố gắng liên lạc với nghệ sĩ Xuân Bắc và Cục Nghệ thuật Biểu diễn của Bộ VH-TT-DL để tìm hiểu quan điểm của họ sau những phản ứng của dư luận, nhưng không có hồi đáp.

No comments:

Post a Comment