Nguyễn Thị Tịnh Thy – Không thể xóa bỏ Nhà xuất bản Đà Nẵngsamedi 28 décembre 2024
Thuymy
Xóa sổ một nhà xuất bản (NXB) có 40 năm tuổi với rất nhiều thành tích, thành tựu, dấu ấn và vai trò lịch sử như thế, thiết nghĩ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và giám đốc NXB đã suy tính rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều lý do và giải pháp để có thể giữ lại NXB, không biết các vị đã tính đến chưa?
Lâu nay, NXB tự chủ về tài chính và vẫn tồn tại tốt; tự nuôi mình và nộp thuế, như thế đã “hoạt động hiệu quả” chưa? Nếu khát vọng của lãnh đạo là cần hiệu quả hơn nữa, thì hãy tạo điều kiện để NXB hoạt động bằng rất nhiều cách, thậm chí là thay ban giám đốc khác có thể hoạt động hiệu quả hơn.
NXB Đà Nẵng là doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV NXB tổng hợp Đà Nẵng), không phải là cơ quan hành chính, nên không phải là đối tượng tinh giản.
Là doanh nghiệp thì nó chỉ phải giải thể khi thật sự không hoạt động được nữa. Trong khi đó, NXB Đà Nẵng là một thương hiệu lớn trên thị trường sách, đó là nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Lại nữa, giá trị của một nhà xuất bản nằm ở nhiều khía cạnh khác nhau, vượt xa khỏi những con số lợi nhuận đơn thuần. NXB không chỉ là một đơn vị kinh doanh, mà còn là một thiết chế văn hóa, một phần không thể thiếu của xã hội văn minh.
Giải thể một NXB, về mặt nhân sự, xem ra không thành vấn đề. Giám đốc và phó giám đốc được hứa hẹn là sẽ bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo khác. Những nhân viên còn lại, nếu phải nghỉ việc, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bản thân và gia đình họ; thì tôi tin rằng, họ vẫn có thể tự xoay sở được, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Con người vẫn có thể sống. Duy chỉ có NXB là chết!
Khai tử một địa chỉ văn hóa uy tín và hữu ích là hành động tàn sát văn hóa, nguy hại khôn lường!
Tôi không biết ông giám đốc có bảo vệ NXB đến cùng hay không. Nếu dưới sự lãnh đạo của ông, NXB “hoạt động không hiệu quả”, thì do năng lực của ông yếu kém. Vì sự yếu kém của mình mà đề nghị hoặc đồng ý giải thể NXB và mình sẽ có một vị trí tốt ở cơ quan khác, thì ông đã tự biến mình thành tội đồ của văn hóa. Tôi không biết ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên NXB, những người trong cuộc, đã đấu tranh bảo vệ NXB đến tận cùng hay chưa? Đã làm đơn tập thể “cầu cứu” cho chính mình chưa?
Tôi không biết lý do “hoạt động không hiệu quả” mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa ra có phải là lý do cuối cùng hay không. Bởi vì chỉ trừ khi NXB in ra những cuốn sách hại nước ngu dân (điều này không có) thì dù với bất cứ lý do gì, xoá sổ một NXB, các vị lãnh đạo đã trở thành đao phủ của văn hóa. Các vị không sợ lịch sử sẽ bêu tên mình hay sao !
Không có một xã hội văn minh nào mà chính quyền lại đi giải thể một NXB tử tế. Giải thể NXB cũng giống như đập bỏ thư viện, đóng cửa trường học, đốt sách chôn Nho.
Để có một cuộc Minh Trị Duy tân thành công, nước Nhật đã được chuẩn bị một nền tảng văn hóa tốt từ thời Edo. Đó là thời kỳ mà nhà xuất bản, thư viện mọc lên khắp nơi; chữ nghĩa bay đến mọi nhà. Vì sai lầm, Cách mạng văn hóa Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã đốt sách, tàn sát văn hóa; hậu quả thế nào, cả thế giới đều đã biết.
Hiện nay, Trung Quốc là nước đầu tàu của phe Xã hội chủ nghĩa, ngành xuất bản của họ rất mạnh, và họ dịch, xuất bản tất cả các trước tác có giá trị của thế giới, kể cả sách chống cộng. Đó là cách mà họ khai dân trí, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu không có NXB Vân Nam – một NXB địa phương – mạnh dạn in tác phẩm “Báu vật của đời” thì Mạc Ngôn sẽ không có Nobel văn chương năm 2012, giải được cơn khát Nobel hơn một thế kỷ cho dân tộc Trung Hoa.
Nhà nước đang chủ trương chấn hưng văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Việc giải thể một NXB, có phải là đi ngược với chủ trương này hay không?
Trong khi các tổ chức từ thiện trên thế giới đang bỏ tiền ra giúp đỡ cho Việt Nam chấn hưng văn hóa và giáo dục (như quỹ từ thiện Chí Thiện của Đài Loan đã xây dựng hàng trăm thư viện, tủ sách cho trường học, đưa nhiều cán bộ thư viện đi học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài).
Trong khi các tổ chức và cá nhân tự xây dựng thư viện ở nông thôn cho trẻ em và bà con nâng cao tri thức (hàng trăm thư viện từ sự vận động của ông Nguyễn Quang Thạch, thư viện và bảo tàng của GS Nguyễn Quang Cương, thư viện Thiện Nhân Văn của ông Đỗ Hữu Thiện…). Trong khi Bộ Văn hóa năm nào cũng tổ chức các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc để đánh thức và phục hồi trong cộng đồng lòng hiếu tri – hiếu học – hiếu đọc, thì lãnh đạo Đà Nẵng lại có hành động ngược lại.
Trong chữ Hán, trí thức được gọi bằng hai từ “đọc sách” (độc thư). Muốn nâng cao dân trí, chấn hưng văn hóa, phải bắt đầu từ đọc sách. Đóng cửa một NXB, nghĩa là đóng một cánh cửa tri thức của cộng đồng, hành động đó đi ngược văn minh, chặn lối tiến bộ.
Một thành phố trực thuộc trung ương, có đến hai cơ sở giáo dục lớn là Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân, lẽ ra phải có nhiều NXB hơn chứ không thể đóng cửa NXB duy nhất của địa phương mình.
Dẹp bỏ NXB Đà Nẵng thì chủ trương tinh giản bộ máy của Tổng bí thư Tô Lâm đang bị đi chệch hướng, bị lợi dụng.
Đà Nẵng có thể phát triển mạnh hơn, giàu có hơn, hiện đại hơn; nhưng nếu khai tử NXB, những người có trách nhiệm đang biến Đà Nẵng thành một thành phố trọc phú. Giết chết những gì liên quan đến sách vở, chữ nghĩa, Đà Nẵng là thành phố Ráng sống chứ không thể là Đáng sống!
Vẫn chưa muộn, tôi mong lãnh đạo Đà Nẵng cân nhắc lại, tôi mong những ai yêu thành phố, tôn trọng văn hóa hãy lên tiếng. Nếu không, chúng ta có tội với tiền nhân, và với cả con cháu mai sau!
NGUYỄN THỊ TỊNH THY 27.12.2024
No comments:
Post a Comment