Saturday, December 21, 2024

Khi “luật trời” và “luật đời” giao nhau
Bình luận của GS – TS Nguyễn Đình Công
2024.12.20
RFA

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch Võ Văn Thưởng bắt tay tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội hôm 23/6/2023
Nhac NGUYEN / AFP

Có một sự khác nhau rất căn bản giữa hai nước: ở Hàn Quốc, người dân là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình thay đổi. Ngược lại, ở Việt Nam, người dân chỉ đóng vai là những khán thính giả thụ động, ngồi xem cuộc đấu đá trên cung đình như đi xem kịch trong rạp hát. 

------------------------------ 

Tiếng gõ cửa của Định mệnh 

Hàn Quốc là một trong những nước dân chủ năng động nhất châu Á. Từ thập niên 1980, nước này chuyển từ chế độ quân phiệt sang dân chủ, đánh dấu thời kỳ chính trị sôi động với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn. Hệ thống dân chủ mở rộng quyền giám sát và yêu cầu minh bạch đối với lãnh đạo tối cao, và điều này đã làm lộ diện hàng chục nguyên thủ quốc gia xứ “Kim Chi” mắc các bê bối tham nhũng. Bà Park Geun-hye, nữ Tổng thống bị phế truất và bỏ tù năm 2017 là một trong những minh chứng rõ ràng cho truyền thống khắt khe này. Vụ bê bối chính trị của bà được xem là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong nhiều năm liền trên chính trường Hàn Quốc, đồng thời dẫn đến việc bắt giữ và truy tố nhiều "ông lớn" của kinh tế Hàn Quốc, trong đó phải kể tới Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong (1). 

Các Tổng thống Hàn Quốc khác không chỉ chịu trách nhiệm trước luật pháp, mà còn bị áp lực từ dư luận xã hội. Có người đã phải quyên sinh để bảo toàn danh dự. Điều này tạo nên một chu kỳ “lên voi, xuống ngựa” không ngừng, một biểu hiện rõ rệt nhất của “luật trời”. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vừa cho biết sẽ tổ chức phiên xử sơ bộ đầu tiên về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol theo yêu cầu của Quốc hội vào ngày 27/12 tới đây (2). Các thầy phong thủy cho biết vị trí của Nhà Xanh bị cắt ngang bởi các luồng năng lượng tự nhiên bất lợi, hay còn gọi là “chi”, mang lại vận rủi và sức khỏe kém cho những người sống ở đó. Vì thế, Tổng thống Yoon Suk-yeol chắc chắn không phải là người đầu tiên đã cố gắng di dời Văn phòng Tổng thống mà ngược lại, ý tưởng này đã được thảo luận trong nhiều năm trước đó (3). Mặc dầu vậy, ông cũng không phải là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên chứng kiến sự nghiệp chính trị của mình lao tới bờ vực (4).  

Ngược lại, ở Việt Nam, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là thành viên “Bộ Tứ” đầu tiên bị “luận tội trá hình”. Đảng cho ông về vườn, nhưng chỉ đảng viên cao cấp biết với nhau tội danh thực sự của ông. Đấy cũng là hình thức đặc thù của chế độ toàn trị, được xây dựng trên nền tảng quyền lực tối cao và tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Thời gian gần đây, chiến dịch “đốt lò” do Tổng Bí thư Tô Lâm thừa kế từ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc xử lý “không có vùng cấm” kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Một loạt các thành viên trong “Bộ tứ”, “Bộ ngũ”, từ Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng đến Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình… tất cả đều đã hoặc sẽ bị kỷ luật cảnh cáo. Chiến dịch này rõ ràng đang làm rúng động cả các cá nhân nắm quyền lực trên thượng tầng. Uy và thế của Tổng Tô ngày càng lớn, không hề suy yếu. Hai đối thủ cạnh tranh ghế Tổng Bí thư với ông với ông là Phạm Minh Chính và Lương Cường, ngoài yếu tố Trung Quốc, không có sức mạnh khả dĩ nào để đối đầu với Tô Tổng, đúng như bình luận của Gió Bấc (5). 

Lời cảnh tỉnh mọi chính khách 

Dù mang văn hóa chính trị khác biệt – một bên là dân chủ nghiêm cẩn, một bên là toàn trị khép kín – các lãnh đạo của hai quốc gia này đều không tránh khỏi sự phán xét nghiêm khắc của “luật đời” và “luật trời”. Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao. Một khi nhà lãnh đạo phạm phải sai lầm, dù ẩn nấp trong vỏ bọc dân chủ hay độc tài, định mệnh sẽ gõ cửa, như khúc nhạc Rhasody cuồng nhiệt trong bản giao hưởng số 5 của Beethoven: mạnh mẽ và không thể chối từ. Đẩy công chúng vào thế giới tâm linh và những suy đoán mãnh liệt… Một câu chuyện thú vị trong văn hóa dân gian Việt Nam minh họa cho điều này. Chuyện kể rằng, vào chuyến thăm Hà Nội của ông Yoon, ông đã ngồi cùng với ông Thưởng trên một chiếc ghế gãy bên Hồ Hoàn Kiếm – một địa danh linh thiêng (6). Có thể câu chuyện chỉ là hư cấu, nhưng hình ảnh ấy đã phần nào phản ánh mối nguy hiểm luôn rình rập những người đứng đầu, không chỉ từ các quy trình chính trị mà còn từ niềm tin tâm linh của người dân.  

Triết lý nói trên khiến các Tổng thống Hàn Quốc phải thường xuyên đối mặt với những áp lực chính trị nặng nề, và không ít người đã phải rời nhiệm sở trong tình trạng thân bại danh liệt. Ngược lại, ở Việt Nam, quyền lực được ban tặng bởi Đảng và hệ thống, nhưng sự đấu đá nội bộ và “những luật ngầm” trong bộ máy cũng không ít lần trở thành nguyên nhân khiến các lãnh đạo cấp cao vướng vào bi kịch cá nhân. Cả hai con đường quyền lực này, dù khởi đầu khác biệt, cuối cùng đều bị chi phối bởi “luật trời” – một sự trừng phạt không khoan nhượng đối với những ai vi phạm quy tắc đạo đức và luật lệ của cuộc đời. Nhưng có một sự khác nhau rất căn bản giữa hai nước, ở Hàn Quốc, người dân là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình thay đổi. Ngược lại, ở Việt Nam, người dân chỉ đóng vai là những khán thính giả thụ động, ngồi xem cuộc đấu đá trên cung đình như đi xem kịch trong rạp hát. Tuy nhiên, hình tượng thanh gươm Damocles – luôn treo lơ lửng trên đầu những người nắm quyền – vẫn là lời nhắc nhở rằng quyền lực không bao giờ tách rời trách nhiệm và nguy cơ. Các chính khách, dù là tổng thống ở quốc gia dân chủ hay các lãnh đạo tối cao ở chế độ độc tài, đều không nên quên rằng họ đang đứng trên đỉnh vực sâu.  

“Thanh gươm Damocles” có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, khi lãnh đạo vướng vào tội lỗi. Điều này minh họa rõ bản chất của quyền lực: Nó không chỉ là công cụ để tạo nên thay đổi, mà còn là một thách thức lớn đối với đạo đức và lòng kiên định của chính khách. Những nhà lãnh đạo như Tổng thống Yoon Suk Yeol, các cựu Chủ tịch Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ… đều đã trải nghiệm sự thật này. Họ đã nhận ra rằng bất kỳ sai sót nào trong quá trình nắm quyền đều có thể trở thành nguyên nhân khiến họ đánh mất tất cả – từ danh tiếng cho đến vị trí quyền lực. Một vế thơ nổi tiếng “Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân là thần thánh…” (7) chính là lời nhắc nhở cho các nhà lãnh đạo. Nhân dân không chỉ là nguồn gốc quyền lực, mà còn là những người trực tiếp chịu tác động từ các quyết định của chính quyền. Sự bất mãn của họ, ở các nước dân chủ, có thể là động lực mạnh mẽ để sửa sai, nhưng cũng có thể trở thành cơn sóng thần cuốn phăng mọi thứ. Nhìn lại câu chuyện “lên voi xuống ngựa”, bài học chung là: Quyền lực chỉ là công cụ, nó luôn đi kèm với trách nhiệm lớn lao. Nếu quyền lực bị lạm dụng hoặc sử dụng sai cách, nó sẽ không chỉ kéo theo sự sụp đổ của một cá nhân, mà còn làm tổn thương cả một quốc gia. 

---------------------------- 

Tham khảo:  

(1) https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/Park-Geun-hye-Tu-nu-Tong-thong-5-nhat-den-pham-nhan-sau-song-sat-nha-tu-i471107/ 

(2) https://vietnamnet.vn/toa-an-hien-phap-han-quoc-chot-ngay-bat-dau-luan-toi-tong-thong-yoon-2352966.html 

(3) https://cand.com.vn/hau-truong/tong-thong-dac-cu-han-quoc-yoon-suk-yeol-roi-nha-xanh-vi-che-phong-thuy-xau-i647883/ 

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2vyzk2rzdo 

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/nguyen-xuan-phuc-truong-hoa-binh-to-lam-canh-cao-xu-ly-12142024093107.html 

(6) https://www.datviet.com/vo-van-thuong-ngoi-ghe-gay-va-gay-ghe/ 

(7) https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-to-huu-kho-k-uc-the-loai-cua-van-hoc-hien-thuc-x-hoi-chu-nghia-2/ 


* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tin, bài liên quan
Blog

No comments:

Post a Comment