Dạ Thảo Phương - Về một bài báo vu khốngvendredi 27 décembre 2024
Thuymy
Bài viết trong hình kèm theo đăng lại lời một phụ nữ tự nhận là vợ của Lương Ngọc An, kể lại những chuyện hoàn toàn sai sự thật về tôi và mối quan hệ với hắn.
Bấm vào đường link mọi người đưa thì đó là một đường link chết. Tuy nhiên, một số hình chụp bài báo vẫn đang được lan truyền trên mạng, làm cái cớ cho những bình luận bịa đặt, hồ đồ, xúc phạm danh dự tôi và sự thật.
Thể hiện sự tôn trọng dư luận, tôi đã đăng một bài trả lời lại những luận điểm trong bài viết vu khống này, nhưng bài viết của tôi đã bị Facebook gỡ ngay sau đó với một lý do rất mù mờ vô lý là “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Nhiều bài viết ủng hộ Sự Thật trong trường hợp của tôi cũng chịu số phận tương tự. Có vẻ những Nhóm Lợi Ích, Quyền Lực và Đồng Tiền đang ráo riết vận hành cỗ máy của họ.
Sau đây là nguyên văn bài trả lời đã bị gỡ của tôi:
Thưa các bạn, tôi khẳng định và chịu trách nhiệm vĩnh viễn trước pháp luật, công luận và lương tâm tôi về những sự thật sau:
Tôi và Lương Ngọc An chưa bao giờ có mối quan hệ tình ái, hoặc tình dục đồng thuận. Hắn là kẻ đã đánh đập, cưỡng bức tôi. Mọi hành động lan truyền thông tin tôi từng có quan hệ tình ái, tình dục đồng thuận với hắn mà không đưa ra được chứng cứ xác đáng nào đều là vu khống- một hành động không được luật pháp Việt Nam ủng hộ.
Tôi chưa từng liên lạc với vợ Lương Ngọc An. Bị hắn đeo bám không ngừng, tôi quá mệt mỏi và sợ hãi, đã gọi điện cho hai người để nhờ họ giúp tôi thoát khỏi sự đeo bám của kẻ biến thái đó.
Tại sao tôi lại gọi điện cho người yêu chứ không phải vợ hắn?
Rất nhiều người trong giới đều biết, những năm đó Lương Ngọc An đang có mối tình say đắm kéo dài với một nữ phóng viên ở một báo khác. Chị cũng đã nhiều lần đến cơ quan tôi chơi. Khi còn là đồng nghiệp bình thường, hắn từng kể với tôi rằng hắn không muốn về nhà vì sợ bị “cằn nhằn”, “nặng nề”, và hắn cảm thấy buồn vì hầu hết các buổi tối không thể ở bên người yêu do chị phải dành thời gian cho gia đình.
Rõ ràng, ở thời điểm đó, người phụ nữ có “quyền lực” tình cảm nhất với An, có thể giúp tôi chấm dứt sự theo đuổi bệnh hoạn của hắn phải là người yêu, chứ không phải vợ hắn. Đại diện công đoàn cũng đã gọi điện cho người yêu của hắn, chị đã xác nhận các cuộc điện thoại của tôi không hề có tính chất ghen tuông.
Tôi hoàn toàn không liên quan gì đến những khủng hoảng hôn nhân của Lương Ngọc An.
- Khi bị Lương Ngọc An cưỡng bức, tôi đã rất sợ hãi không dám nói với ai, còn cực kỳ hoảng sợ mỗi khi hắn dọa sẽ nói với mọi người là đã “ngủ” với tôi (từ của hắn). Bởi vì, khi đó tôi còn là một phụ nữ trẻ, chưa có gia đình, bản lĩnh và kiến thức xã hội còn yếu kém, lại sinh ra trong một gia đình văn hóa Bắc thủ cựu. Tôi đã rất sợ hãi những việc lùm xùm liên quan đến người khác giới sẽ hủy hoại thanh danh bản thân và gia đình.
Do đó, chỉ đến khi hắn cưỡng bức tôi không thành, có nhiều đồng nghiệp chứng kiến, mọi người xung quanh mới biết đến hành động bẩn thỉu của hắn. Việc người phụ nữ tự nhận là vợ Lương Ngọc An nói đến “gặp cô Thu và cô Liên” ở báo để hỏi về tôi chắc chắn là sau sự kiện cưỡng hiếp không thành, cả báo đã biết vụ này chứ chẳng có gì là bí mật ở đây cả.
* Nhân nhắc về cô Liên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn thành kính tới hương hồn cô, một tâm hồn từ bi và dũng cảm thầm lặng.
Cô là Tạ Kim Liên- kế toán trưởng, phó phòng hành chính, rồi sau đó là trưởng phòng hành chính của báo Văn Nghệ, kiêm ủy viên Ban Chấp hành Công Đoàn báo Văn nghệ. Cô là một trong những người đại diện công đoàn tham gia vào các cuộc họp của cơ quan giải quyết đơn khiếu nại của tôi.
Càng tiếp xúc với thông tin, hiểu sâu về sự việc, cô càng bất bình, thương xót tôi, nhưng khi đó có những thế lực “một tay che cả bầu trời” ở cơ quan, nên cô không thể công khai thể hiện thái độ của mình. Cô đã đề nghị giúp tôi một cách thầm lặng, cùng với vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc (cựu thư ký tòa soạn của Báo Văn Nghệ, lúc đó là Tổng biên tập báo Người Hà Nội) - nhà thơ Đỗ Bạch Mai (trưởng ban Văn nghệ trẻ- sếp trực tiếp của tôi và Lương Ngọc An khi đó) và dịch giả Đăng Bảy (trưởng ban Văn nghệ Dân tộc Miền núi, sếp trực tiếp của Lương Ngọc An trong một số thời gian).
Nhiều chục năm nay, do sợ những ân nhân bí mật của mình và người thân của họ bị lãnh đạo báo trả thù, tôi đã không dám nhắc đến để cảm ơn họ. Nay, kế toán trưởng Tạ Kim Liên và dịch giả Đăng Bảy đã mất, nhà thơ Đỗ Bạch Mai cũng đã công khai lên tiếng, tôi mới dám nói ở đây.
Các thông tin cô kế toán trưởng Tạ Kim Liên ngầm cung cấp cho tôi là vô cùng quan trọng, giúp một cô gái trẻ thiếu kinh nghiệm là tôi khi đó từng bước hiểu nguyên nhân sâu xa nào mà Lương Ngọc An - một cựu lái xe cho lãnh đạo kiêm một tân phóng viên mắc tội tày đình như vậy mà lại được nhiều người có thế lực đồng lòng che chắn bảo vệ như con ngươi của mắt họ.
Tuy nhiên, câu chuyện này tôi xin trình bày kỹ hơn vào một dịp khác, và nhiều chi tiết chỉ có thể trình bày trong một phiên tòa chính thức của luật pháp.
Những người bí mật bảo vệ tôi đều đã ở báo Văn Nghệ nhiều chục năm, biết rõ về thế giới ngầm của báo, đều không thù oán gì với Lương Ngọc An, không thân thiết với tôi, và đều có thể gặp nguy hiểm nghiêm trọng nếu lãnh đạo cơ quan biết việc họ ngầm giúp tôi. Nhưng họ, vì tiếng nói của lương tri, đã lặng lẽ ở bên cô gái trẻ cô độc là tôi những năm tháng đen tối đó.
Tôi xin nghiêng mình cảm ơn sự can đảm tuyệt vời vì lẽ công bằng của họ.
Tôi mong có dịp được viết kỹ hơn về họ - những ánh sáng bí mật của lương tri trong cống ngầm của quyền lực và sự đốn mạt.
Tôi đang tiến hành các thủ tục pháp lý để thực hiện quyền công dân của mình
Tôi hy vọng rằng, nếu phiên tòa này được mở, nhiều sự thật khác cũng sẽ được hiển lộ dưới ánh sáng pháp lý.
Là một phụ nữ có chồng, tôi rất tôn trọng nỗi đau, sự hoang mang hoảng sợ của những người phụ nữ bị đẩy vào cơn sóng gió gia đình mà mình không phải người gây ra. Sự phản bội của người chồng, những tội lỗi anh ta gây ra thì anh ta phải tự chịu trách nhiệm, đó không phải là lỗi của người vợ và không nói lên giá trị của người vợ.
Là một người mẹ hai con - một con nhỏ và một con tuổi vị thành niên- tôi hiểu lòng mong muốn cháy bỏng dữ dội của những người mẹ khác khi muốn gìn giữ một gia đình ổn định để bảo vệ đời sống tinh thần và vật chất của con mình, bằng bất cứ giá nào.
Là một phụ nữ Việt Nam, trước sự kiện chồng lái xe gây tai nạn, vợ nhận tội thay vừa xảy ra, tôi được nhắc nhở rằng xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nặng nề tư tưởng phụ quyền bất công, vô nhân đạo, coi giá trị phụ nữ thấp kém hơn đàn ông. Những người theo tư tưởng này cho rằng, người đàn ông, bất kể tư cách đã mục ruỗng thế nào vẫn “méo mó có hơn không”, vẫn là rường cột, bộ mặt của gia đình.
Bị thao túng tâm lý bởi xã hội, người thân, hoặc chính những con đực hèn hạ, nhiều khi người phụ nữ bị đẩy tới việc phải “tự nguyện” làm những việc trái với pháp luật, trái với đạo lý, trái với chính lòng lương thiện của họ để che đậy cho những tội lỗi không do mình gây ra. Họ lầm tưởng rằng họ phải có bổn phận bao che cho người đàn ông trong gia đình, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ gia đình và những đứa trẻ của mình.
Khi hôn nhân, con cái gặp vấn đề do tội lỗi của chồng gây ra, thay vì dám nhìn thẳng vào nguồn gốc của vấn đề để giải quyết, không ít phụ nữ lại mắc sai lầm, đi đòi người bên ngoài chịu trách nhiệm. Sâu dưới hành động ấy là tâm lý sợ động tới “rường cột” của gia đình. Tôi đau xót khi thấy xã hội Việt Nam còn những nạn nhân của tư tưởng trọng nam khinh nữ như vậy.
Song, là một công dân, tôi lên án mọi hành động vu khống, xúc phạm nhân phẩm những người vô tội khác.
Là một nạn nhân hoàn toàn vô tội, tôi đòi hỏi nhân phẩm của mình và sự thật và khách quan phải được tôn trọng.
Tôi tin rằng, tất cả những người có lương tri và tỉnh trí đều sẽ ủng hộ thái độ chính đáng này của tôi.
Xin trân trọng cảm ơn
DẠ THẢO PHƯƠNG 27.12.2024
No comments:
Post a Comment