Monday, November 18, 2024

Việt Nam thúc đẩy kế hoạch tăng cường cung cấp điện than ở mức cao cho năm 2025
VOA Tiếng Việt
18/11/2024
VOA

Việc đảm bảo than cho cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia được xem là “nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu” của các tập đoàn năng lượng tại Việt Nam.


Các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động ở mức cao vào năm tới để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của đất nước, chính phủ cho biết hôm 18/11.

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than sẽ hoạt động từ 6.400-6.500 giờ trong năm 2025, Reuters và trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết, đồng thời nói thêm rằng mức tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng từ 11% đến 14% vào năm tới.

Việc đảm bảo than cho cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia được xem là “nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu” của các tập đoàn năng lượng, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc), Báo Chính phủ dẫn lời Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải nói tại cuộc họp vào ngày 15/11.

Trước đó, vào ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện cho năm 2025, là năm Việt Nam dự kiến đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao từ 8%-9% dẫn đến nhu cầu sử dụng điện dự kiến sẽ tăng mạnh.

Ngoài ra, vẫn theo lời ông Nguyễn Hồng Diên, được VnEconomy trích dẫn, nguồn vốn đầu tư FDI về Việt Nam trong năm tới dự kiến khá lớn, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến được thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025… nên việc cung cấp điện cần bảo đảm tăng trưởng từ 11% trở lên.

Lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị “tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu điện trong mọi tình huống”.

Việt Nam những năm gần đây đã nổi lên là một trong những trung tâm sản xuất của khu vực và được cho là đang tìm cách thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP26) năm 2021 đã cam kết giảm một nửa công suất nhà máy than vào năm 2035 và loại bỏ dần điện than vào năm 2044 để đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Cam kết đầy tham vọng của Việt Nam đã dẫn đến việc Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản và các quốc gia khác đã đồng ý huy động 7,75 tỷ USD viện trợ và cho vay, cùng với 7,75 tỷ USD từ các nhà đầu tư, tổng cộng hơn 15 tỷ USD cho thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào năm 2022, để giúp Việt Nam thực hiện cam kết trên.

Vì vậy, việc tăng cường hoạt động các máy điện than của Việt Nam trong thời gian qua thu hút sự giám sát quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia đã cấp vốn cho Việt Nam.

Bất chấp các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, trên thực tế, các rào cản về quy định đã khiến những mục tiêu về điện gió ngoài khơi và điện LNG của Việt Nam gặp rủi ro trong khi than vẫn giữ vai trò nổi bật trong cơ cấu điện, theo Reuters.

Hãng tin Anh dẫn dữ liệu từ công ty điện lực nhà nước EVN, các nhà máy nhiệt điện than chiếm 48,7% tổng sản lượng điện của Việt Nam, với 256,7 tỷ kilowatt giờ trong 10 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam yêu cầu tất cả các nhà máy điện than vào cuối năm nay phải sẵn sàng với các kế hoạch cung cấp than tăng cường cho năm tới.

No comments:

Post a Comment