Tuesday, September 24, 2024

VNTB – Đổi sách giáo khoa mới: hại dân nhưng lợi cho ai?
Châu Nam Việt
24.09.2024 10:12
VNThoibao


(VNTB) – Mỗi lần đổi mới, hàng triệu bản sách được in ấn, phát hành, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà xuất bản giáo dục.

 Vấn đề sách giáo khoa tại Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành một vấn đề nổi cộm, gây tranh cãi và bất bình trong cộng đồng. Cứ mỗi năm học mới, không chỉ phụ huynh mà cả xã hội đều phải đối mặt với câu chuyện liên tục đổi mới và thay thế sách giáo khoa.

Từ việc phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua sách mới, cho đến việc không thể tái sử dụng sách từ những năm học trước, đã gây không ít gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sự bất ổn sau đại dịch COVID-19, và nhất là sau khi bão Yagi tấn công miền bắc thì vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Hiện nay bộ giáo dục đã phê duyệt tới 4 bộ sách giáo khoa. Gồm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), bộ sách Chân trời sáng tạo (do NXB Đại học Sư Phạm TPHCM phát hành) và bộ sách Cánh diều (do 4 công ty và nhà xuất bản hợp tác phát hành).

Một số nhà hảo tâm muốn tài trợ sách giáo khoa cho trẻ em vùng lũ, nhưng không biết phải chọn mua bộ sách nào vì mỗi huyện dạy một bộ khác nhau, có khi trong một huyện mà trường này dạy bộ này nhưng trường kia dạy bộ khác. Nếu mua số lượng lớn để tặng trẻ em trong một huyện thì không biết các em học bộ sách nào để mua.

Không chỉ ở vùng lũ, mà nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn có mức thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, việc phải mua sách giáo khoa mới mỗi năm là một gánh nặng không nhỏ. Một bộ sách giáo khoa cho một học sinh có thể lên đến cả triệu đồng, chưa kể các sách tham khảo, sách bài tập. Tại sao lại để cho hàng triệu gia đình phải chịu thêm gánh nặng tài chính khi có thể dễ dàng giải quyết bằng cách triển khai sử dụng chung một bộ sách giáo khoa?

Nhiều phụ huynh đã lên tiếng đề nghị nhà nước và Bộ Giáo dục triển khai chính sách sử dụng chung một bộ sách giáo khoa trên toàn quốc cho mỗi cấp, lớp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí. Đồng thời cho phép các thế hệ học sinh có thể tái sử dụng sách từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên, những ý kiến này dường như bị nhà nước phớt lờ một cách khó hiểu.

Việc đổi mới sách giáo khoa theo lý thuyết là nhằm cập nhật kiến thức, phù hợp với xu hướng giáo dục toàn cầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu việc đổi mới này có thực sự vì lợi ích của học sinh, của nền giáo dục hay chỉ nhằm mang lại lợi ích riêng cho một số nhóm nhất định?

Rõ ràng, nhà xuất bản sách giáo khoa và những người liên quan đang hưởng lợi lớn từ việc đổi mới liên tục này. Mỗi lần đổi mới, hàng triệu bản sách được in ấn, phát hành, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà xuất bản giáo dục. Trong khi đó, những người chịu thiệt hại lớn nhất lại chính là các phụ huynh và học sinh.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách sử dụng sách giáo khoa lâu dài, cho phép học sinh tái sử dụng sách từ năm này sang năm khác. Việc này không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải từ việc bỏ đi những quyển sách còn tốt. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đề xuất này dường như không được nhà nước lắng nghe hay cân nhắc một cách nghiêm túc.

Nếu chính quyền thật sự muốn cải thiện nền giáo dục và giảm bớt gánh nặng cho người dân, họ cần phải lắng nghe và hành động ngay từ bây giờ. Việc tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi chỉ càng làm sâu thêm sự chia rẽ giữa chính quyền và người dân. Cùng với đó còn là nguy cơ bỏ học do không đủ tiền mua sách, hoặc bị bạn bè kỳ thị do đi học không có sách. Sẽ là nhiều thế hệ trẻ em sẽ không thể được thụ hưởng nền giáo dục bình đẳng thì làm sao đất nước phát triển được?

No comments:

Post a Comment