VNTB – Nhân Dân có giám sát được Đảng Cộng sản Việt Nam?Lê Bá Vận
02.09.2024 3:26
VNThoibao
Mừng Quốc khánh 2/9 năm nay 2024 Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đóng cửa đấu đá giành quyền lực. Nhân dân xầm xì đồn đoán mà không ngờ có quyền giám sát theo hiến định. Quyền này Cộng sản (Bàn về 2 từ Cộng và Cọng – Google) hiểu cũng sai lầm lúc đưa vào Điều 4 Hiến pháp.
Theo Wikipedia giám sát là “theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không” Vd: Giám sát việc thi hành hiệp định. (Oversee, supervise, monitor). Vd. Hội đồng nhân dân giám sát mọi hoạt động của ủy ban nhân dân cấp mình.
Ngày 02/11/2020 PGS. TS. Nguyễn Viết Thông Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đã viết bài chi tiết đăng trên Tạp Chí Cộng Sản (TCCS) với tựa đề:
TCCS – Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: ĐCSVN gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân đã được thể chế hóa, cụ thể hóa trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Điều này góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện kiểm soát, giám sát quyền lực trong điều kiện mới.
Từ đó cho đến nay 2024, dựa trên bài viết mẫu này có hàng trăm bài viết lại chủ đề trên, đến từ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương xuống đến tỉnh, thành, quận huyện.
Chúng ta hãy xem PGS TS Nguyễn Viết Thông đã viết những gì trong bài viết gồm 4 mục:
– Quá trình hình thành nhận thức. Cương lĩnh các Đại hội VI của Đảng (1986), Đại hội VII (1991), Đại hội VIII (1996), Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011) đều xác định ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích… chịu sự giám sát của nhân dân… Kết luận: ĐCSVN đội tiên phong… chịu sự giám sát của nhân dân… đã được Đảng tự khẳng định.
– Quá trình hình thành hiến định. Việt Nam có 5 bản Hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Điều 4 Hiến pháp năm 1980 khẳng định sự lãnh đạo của ĐCSVN tại Việt Nam. Kết luận: Đảng đã tự ban chính danh. Điều 4 HP năm 2013 chỉnh sửa được viết dưới hình thức 3 khoản như sau:
- ĐCSVN – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx – Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
- Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật
Lời Bàn
– Điều 4 Khoản 1 lý luận áp đặt, diễn tả lộn xộn, nêu nhiều nghi vấn về hiến pháp định nói gì?
Đảng đại diện cả dân tộc song cả dân tộc là cũng bao gồm các giới doanh nhân, tiểu thương, tu hành, vô gia cư, thất nghiệp, du đãng, xì ke, mất sức lao động, dị kiến…
Có nên hiểu chỉ một mình ĐCSVN lấy Chủ nghĩa Mác-Lê và Tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, còn dân tộc thì không?
Đừng tưởng cứ cộng là hay. Chủ nghĩa Mác-Lê tròng vào đầu cổ nhân dân Việt Nam thì ngày càng gây đàn áp tàn nhẫn, bá đạo, đã bị thế giới qua trải nghiệm rồi vứt bỏ.
HCM thật ra chẳng có tư tưởng gì, tất cả là do đảng cộng sản mớm lời sau khi HCM chết trên 20 năm. Tư tưởng này nhuốm đậm màu cộng nên hủy diệt thuần phong mỹ tục dân tộc, làm chậm bước tiến đất nước.
– Điều 4 Khoản 2: ĐCSVN gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân…
Điều này thì đúng: Cộng sản thiết lập chế độ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, tổ trưởng dân, công an khu vực, tự vệ dân phòng… gắn bó mật thiết, theo dõi sát người dân không lơ là. Việc Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình thì sai hoàn toàn cả lý thuyết lẫn thực tế, bởi vì Đảng không do nhân dân bầu ra hoặc bổ nhiệm.
– Điều 4 Khoản 3: Đúng nhưng không cần thiết phải nêu ra. Bất cứ những ai gây hại, tội ác hình sự thì được pháp luật trừng trị. Tuy nhiên với tư cách công dân, không liên can đến đảng.
– Thể chế hóa/Cụ thể hóa Giám sát. Đoạn này rất dài chiếm nửa bài, kể việc giám sát đủ thứ ở cấp cơ sở. Điều lệ Đảng được thông qua tại các Đại hội VIII, IX, X, XI và XII đều xác định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Bộ Chính trị khóa VIII, khóa XI, khóa XII hối thúc Mặt Trận Tổ quốc, Công đoàn và các ban Thanh tra hướng dẫn nhân dân tham gia, đề xuất, khiếu nại, tố cáo… về các đề án linh tinh, sửa đường sá, xây trường ốc, nạn chạy chức quan liêu… Đảng cũng ấn định quy chế làm việc mỗi cấp ban ngành của Đảng, chính phủ… thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ…
– Kiến Nghị. Các kết quả thu được là hạn chế. Các văn bản nằm trên bàn giấy. Đảng cần đẩy mạnh cụ thể hóa phương thức lãnh đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục dân…
LỜI KẾT
Câu: ”ĐCSVN… chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm…” là nói sai sự thực khiến Điều 4 của Hiến pháp vô giá trị. Nhân dân nào dám giám sát Đảng? Giá Đảng là do dân bầu hoặc bổ nhiệm?! Đảng đề ra những chủ trương, chính sách mà Chính phủ, do Quốc hội bổ nhiệm thi hành dưới sự giám sát của Đảng. Nếu có sai lầm thì Đảng nghiêm khắc khiển trách chính phủ. Vì Đảng lãnh đạo tối thượng, tự giám sát sửa sai nên Đảng tuyệt đối đứng ngoài Hiến pháp là hợp lý!
Chuyện Đảng chịu giám sát, chịu trách nhiệm trước dân… chỉ là những sản phẩm tưởng tượng. Bài viết dài 4750 chữ, gấp ba bình thường, ‘cà kê dê ngỗng’, viện dẫn lui tới văn kiện mọi Đại hội Đảng, Bộ Chính trị làm cơ sở lý luận.
Tiếng Anh có chữ Word Salad (Xà lách chữ), nói theo tiếng Việt cũng có thể hiểu là ‘múa chữ‘. Đó là viết rất dài, và dùng toàn những chữ vừa khó hiểu vừa thừa thãi, nhưng ý nghĩa thì rất ít. Múa chữ có liên quan đến hội chứng logorrhea, có nghĩa là ‘tiêu chảy chữ nghĩa’ hay verbal diarrhea.
Người mắc chứng logorrhea hay lặp lại những câu chữ một cách không cần thiết, và họ làm cho khán giả khó theo dõi (báo cáo, bài văn, của cộng sản điển hình của một vị Tổng bí thư) Điều này khiến ta nhớ tới câu: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Chữ trái nghĩa là Conciseness, ngắn gọn, xúc tích, khiến gây cảm phục. Người tự trọng luôn xem kỹ lại bài viết, gạch bỏ các đoạn viết rườm rà, lặp lại.
Hồ Chí Minh khoe mẽ “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Đó là câu nói Hồ mị dân và đầy thâm hiểm. Thực tế thử hỏi ở một nước cộng sản, người dân nào lại dám động chạm đến chính phủ, nói gì đến giám sát?
Nên nhớ 2 vấn đề:
Một là cho dù chính phủ bị đuổi, song Đảng đầu não và chế độ hiếp đáp, hại dân vẫn còn đó.
Hai là lật được chính phủ thì có nguy cơ, ăn quen bén mùi, dân thừa thế xông lên khiến Đảng bị mất quyền lực… Bởi thế cộng sản luôn cấm tiệt dân tụ tập đông lấy cớ cản trở giao thông, kinh tế…
No comments:
Post a Comment