Tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam và Philippines kỳ vọng gì ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 02/09/2024 - 15:28Sửa đổi ngày: 02/09/2024 - 16:02
RFI
Mục tiêu đẩy mạnh hợp tác « quân sự, an ninh, hàng hải và thương mại » giữa Việt Nam và Philippines đã được lặp đi lặp lại trong các cuộc trao đổi giữa bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang với tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và đồng cấp Gilberto Teodoro tại Manila vào tuần trước. Theo báo Nhật Nikkei Asia, Việt Nam và Philippines đang thắt chặt hợp tác quốc phòng, có thể cuối 2024 hai nước sẽ đạt được « những thỏa thuận an ninh mang tính toàn diện nhất » cho đến nay.
Đó là điểm nổi bật trong cuộc hội đàm giữa bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang và bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro tại Manila hôm 30/08/2024. Trước mắt, lãnh đạo ngành quốc phòng hai nước đã ký kết hai văn bản về hợp tác quân y, hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu nạn trên biển.
Hai năm nữa Philippines và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2025 đánh dấu tròn 10 năm hai nước thiết lập « quan hệ đối tác chiến lược ». Quan hệ song phương có phần phức tạp bởi Manila và Hà Nội cùng khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, tại Biển Đông, nhưng hai quốc gia Đông Nam Á này đều lo ngại trước những căng thăng leo thang trong vùng biển này vì những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Do vậy, theo giới quan sát, Việt Nam và Philippines đẩy mạnh hợp tác quốc phòng sẽ là « một bước tiến quan trọng ».
Sau khi tiếp đồng cấp Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Manila và Hà Nội đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực gồm an « ninh hàng hải, an ninh mạng, trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và công nghiệp quốc phòng ». Phililippines và Việt Nam có chung một tầm nhìn về « an ninh, ổn định, tự do lưu thông trên biển », và nhất là giải quyết những tranh trấp thông qua các biện pháp hòa bình, « phù hợp với luật pháp quốc tế » để bảo đảm « ổn định trong khu vực ». Tổng thống Philippines, trên mạng xã hội Facebook, đánh giá chuyến đi của trưởng Phan Văn Giang « đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới ».
Nhìn từ phía Manila, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Việt Nam « có lợi cho cả đôi bên ». Trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh « đôi bên có chung một kẻ thù đang chiếm đoạt đất đai và bành trướng tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam ». Tiến hành các cuộc tuần tra chung sẽ là phương tiện tăng cường sức mạnh cho cả hai để khẳng định chủ quyền tại các vùng biển có tranh chấp.
Giới phân tích cho rằng cũng chính vì tính toán này mà Việt Nam và Philippines đã liên tục cải thiện bang giao và phát huy những sáng kiến hợp tác: Hôm 09/08/2024, Việt Nam và Philippines đã tập luyện chung trên biển về cứu hộ. Chuyến công du Việt Nam của tổng thống Marcos Jr. hồi tháng 1/2024 cũng là một cột mốc quan trọng, với tuyên bố Manila và Hà Nội nhất trì tăng cường hợp tác ở Biển Đông và giải quyết một cách êm thắm các sự cố trên biển. Một tháng sau đó hai quốc gia Đông Nam Á này đã chính thức thông qua thỏa thuận về an ninh biển. Tiếp đồng cấp Việt Nam hôm 30/08, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Teodoro nhấn mạnh Manila và Hà Nội « đã trông thấy một nên tảng hợp tác vững chắc để xây dựng niềm tin »
Một chuyên gia được truyền thông Nhật Bản trích dẫn thì cho rằng, nhìn từ phía Manila, Việt Nam là một đối tác quan trọng về nhiều mặt : vừa hợp lực với Philippines để đối phó với những tham vọng chủ quyền càng lúc càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, vừa là một lời cảnh cáo nhắm gửi tới Bắc Kinh rằng Philippines không đơn độc. Không phải tình cờ mà thông cáo của bộ trưởng Teodoro sau khi tiếp tướng Phan Văn Giang nói đến một cuộc trao đổi quan trọng vào lúc mà Việt Nam và Philippines đều đối mặt với một « mối đe dọa chung », trong lúc mà các sự cố trên biển giữa tàu của Trung Quốc và Philippines xảy ra gần như hàng ngày.
Sebastian Strangio của báo Nhật Bản The Diplomat cho rằng việc Manila đã gạt sang một bên những tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền biển đảo, tại vùng biển mà Philippines gọi là « biển Tây Philippines » có vẻ đã có tác động đối với phía Trung Quốc : Bắc Kinh không hài lòng, mà bằng chứng là chỉ một ngày sau cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng Gilberto Teodoro và Phan Văn Giang, tàu của Trung Quốc lại gây sự với tuần duyên Philippinestại vùng biển gần bãi cạn Sa Bin, mà Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan tranh chấp chủ quyền. Đây là sự cố thứ ba xảy ra cùng một địa điểm trong tháng 8/2024.
Về phía Việt Nam, các nhà phân tích cho rằng Hà Nội chắc hẳn cũng đã cân nhắc kỹ việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Philippines: Việt Nam cần tìm một thế cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, mà có thể Manila là một đồng minh, nhưng cùng lúc Việt Nam cũng muốn tránh làm phương hại đến quan hệ song phương với Trung Quốc. Do vậy, có thể báo trước rằng thực chất hiệp ước quốc phòng song phương « không nhiều », bởi đơn giản là cả Philippines và Việt Nam cùng tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc nhưng cũng là những quốc gia rất lệ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, thương mại và thậm chí cả về mặt chính trị.
No comments:
Post a Comment