Tuesday, September 24, 2024

Nên giải tán Nhà xuất bản Giáo dục
Nguyễn Thông
24-9-2024
Tiengdan

Cứ nhắc tới cái nhà xuất bản này lại trào lên sự căm giận. Núp dưới danh nghĩa giáo dục (thứ được coi là quốc sách), nó đã hoành hành, bóc lột từng xu từng hào trên đầu trên cổ dân, nhất là dân nghèo. Không ai có con đi học ở xứ này không căm hờn nó, trừ nhà giàu cho con đi học ở nước ngoài.

Nó công khai làm bậy, bóc lột dân, đâu phải do tự tung tự tác, mà được bảo kê, bao che, dính máu ăn phần từ bộ giáo dục, từ chính phủ, từ cao hơn nữa. Nói thế chẳng oan, bởi ai cũng thấy, chỉ họ là không thấy. Nói thẳng ra, đối với cái khối ung nhọt này, nếu chỉ vạch trần nhà xuất bản thì chưa đủ, mà phải cả “hệ thống chính trị”, đều hưởng lợi, dây máu ăn phần. Nếu không phải vậy, sao nó dám ngang nhiên tác quái suốt mấy chục năm trời.

Tệ nạn Nhà xuất bản Giáo dục không phải mới đây, không phải một sớm một chiều mang tính nhất thời, mà công khai kéo dài nửa thế kỷ rồi. Mọi tiếng nói phản ánh về nó chỉ như ném đá ao bèo.

Hôm qua 23.9, công an công bố kết quả điều tra cái nhà xuất bản chết tiệt này. Tay Nguyễn Đức Thái sếp trùm, chủ tịch nhà xuất bản đã nhận hối lộ 25 tỉ đồng (chính xác là 24,9 tỉ, nhưng vài trăm triệu với tay này bõ bèn gì). Đâu phải chỉ mình Thái, cả dàn cán bộ lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam. Lưu ý, trong số đương sự có cả một thị từng dính dáng tới vụ Việt Á, từng môi giới cho bộ trưởng y tế Thanh Long và nhiều cộm cán khác ăn tiền của Việt Á, rất kinh. Nói không ngoa, y thị siêu hạng về công tác tổ chức tham nhũng.

Ông hàng xóm nhà tôi nhận xét, suốt bao nhiêu năm Nhà xuất bản Giáo dục là cái ổ ung nhọt.

Chỉ một đứa đã ăn đút lót tới 25 tỉ đồng thì cả dàn sẽ bao nhiêu, không ai biết được, công an cũng không biết được. Tiền ấy xét cho cùng từ đâu? Từ giá thành sách giáo khoa, móc từ túi dân, đa số là dân nghèo. Cực kỳ độc ác.

Nhẽ ra, chỉ riêng được đặc cách xuất bản món hàng béo bở mỗi năm hàng chục triệu bản, mỗi đầu sách hàng triệu bản, dân không muốn mua cũng phải mua, tiêu thụ cho bằng hết (chứ không ế rệ như mấy thứ sách chỉ in vài trăm hoặc một nghìn bản ngự trên giá trưng bày năm này qua năm khác), mà bản gốc lại có sẵn, sự sửa chữa bổ sung không đáng kể… là quá đặc quyền đặc lợi, quá giàu. Nhưng lòng tham không đáy, lại được cấp trên yêu chiều, cơn bóc lột của họ không có điểm dừng. Trước năm học mới nào cũng vậy, dân kêu như vạc về sách giáo khoa (giá bán, nội dung, sự lãng phí), chính phủ cứ kệ.

Một ông bạn làm bên ngành xuất bản bảo rằng với số lượng in khổng lồ, không có thứ ấn phẩm nào so sánh được với nó, sách giáo khoa là món hời béo bở cho đám làm sách và bộ giáo dục. Nếu đấu thầu đàng hoàng, không cho Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền nữa, giá thành sách giáo khoa sẽ chỉ còn một nửa, tức là bớt được một nửa gánh nặng chi phí mua sách cho người có con em đi học. Biết thế thôi, dễ gì họ nhả. Không có đứa nào chê tiền cả.

Dân chúng yêu cầu cơ quan chủ quản trực tiếp là Bộ GD-ĐT lập hội đồng biên soạn sách giáo khoa (gồm những người cực giỏi, có uy tín) biên soạn sách (từ vỡ lòng tới lớp 12) mà chỉ một bộ thôi, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Có sách rồi, tổ chức đấu thầu, bất cứ nhà xuất bản, nhà in nào đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra thì cho thực hiện, làm sai thì phạt, phạt nặng, thậm chí cấm tham gia đấu những lần sau. Nhà xuất bản Giáo dục cũng chỉ là một đơn vị tham gia đấu thầu, không đạt thì loại. Đâu có cái thói độc quyền nghênh ngang xưa nay. Làm không nổi thì giải tán. Đó chính là kinh tế thị trường.

Nhớ hôm cách nay chưa lâu, ông Nguyễn Tiến Thanh tổng giám đốc nhà này tuyên bố “Làm sách giáo khoa hầu như không có lãi”. May mà ông ấy không nói lỗ, chứ thiên hạ mắng cho vuốt mặt. Ông Thanh bảo nhà xuất bản tồn tại được là nhờ liên kết, nhờ xuất bản các loại sách khác. Chết cười. Nhà báo Thiên Điểu (báo Tuổi Trẻ) ghi lại rành rành, ai đọc cũng bụm miệng. Có người khuyên, ối ông ơi, sao không bắt chước cụ Tuệ Thích buông bỏ, nhả ra, sao cứ ôm rơm rặm bụng làm gì cho khổ. Người khác nhận xét, gớm, bỏ được khối, tham bỏ mẹ. Người thì bảo các bố ấy cứ lý do lý trấu nhiệm vụ chính chị chính em…

Xin thưa, nhiệm vụ chính trị cao nhất, quý nhất là hạ giá thành sách giáo khoa xuống, làm sao giá rẻ nhất để người dân mua, chứ không phải nói mồm.

No comments:

Post a Comment