NCQT: Thế giới hôm nay-02/09/2024Nguồn: The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
02/09/2024
NghiencuuQT
Các nhân viên y tế ở Gaza bắt đầu tiêm vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ em trong đợt ngừng bắn nhân đạo đầu tiên. Họ hy vọng sẽ tiêm vắc-xin phòng loại bệnh cực kỳ dễ lây lan này cho 640.000 người trong vài tuần tới. Cho đến nay, chỉ có một trường hợp bại liệt được xác nhận trong lãnh thổ, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại có thể còn nhiều ca khác chưa được chẩn đoán.
Một cuộc không kích của Nga vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã khiến 41 người bị thương, theo các quan chức địa phương. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc người Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Nga cho biết đã bắn hạ 158 máy bay không người lái của Ukraine tại 15 khu vực trên khắp cả nước, bao gồm hai trên bầu trời Moscow. Họ tuyên bố các máy bay không người lái đã tấn công một nhà máy điện và một nhà máy lọc dầu.
Thăm dò ý kiến cử tri cho thấy đảng Sự Lựa chọn thay thế cho nước Đức đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở bang Thuringia miền đông. Đây là lần đầu tiên đảng cực hữu này giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử cấp bang. Đảng cũng được dự đoán sẽ bằng số phiếu với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ ở bang Saxony lân cận. Liên minh Sahra Wagenknecht, một đảng chống nhập cư theo đuổi chính sách kinh tế cánh tả, cũng có kết quả tốt ở cả hai bang.
Trong cuộc bầu cử quốc hội của Azerbaijan, đảng của Ilham Aliyev được dự đoán sẽ mất sáu ghế và chỉ còn giữ thế đa số với cách biệt một ghế. Nhưng vị tổng thống độc tài này không cần phải lo lắng, khi còn nhiều ghế khác thuộc về các đảng ủng hộ ông. Ông Aliyev, người nắm quyền từ năm 2003, thường đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Đảng đối lập chính tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết nước ông cần 250 tỷ đô la đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% một năm, trong đó khoảng 100 tỷ đô la đến từ nước ngoài. Các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên chương trình hạt nhân của Iran đã làm tê liệt nền kinh tế nước này. Nhiều người hy vọng ông Pezeshkian, một bác sĩ phẫu thuật tim có tư tưởng cải cách được bầu vào tháng 7, có thể lèo lái đất nước theo một hướng đi mới, dù khả năng ông thành công là không cao.
Con số trong ngày: Khoảng 10.000, số vụ va chạm từ phía sau ở Mỹ mỗi ngày.
TIÊU ĐIỂM
Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Sudan
Đã hơn 500 ngày trôi qua kể từ khi cuộc nội chiến ở Sudan bắt đầu. Có lẽ 150.000 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh và hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Các cơ quan viện trợ hiện không thể cung cấp đủ lương thực cần thiết để ngăn nạn đói hàng loạt. Một số chuyên gia dự đoán nạn đói và các bệnh liên quan có thể giết chết hơn 2 triệu người vào cuối năm nay.
Đàm phán ngừng bắn ở Thụy Sĩ vào tháng trước đạt được rất ít thành quả. Quân đội quốc gia Sudan, một trong hai bên tham chiến chính, thậm chí còn từ chối tham dự. Hôm 15 tháng 8, họ miễn cưỡng cho phép các cơ quan viện trợ tiếp tục vận chuyển hàng qua một cửa khẩu quan trọng giữa Chad và Darfur ở miền tây đất nước, dù trên thực tế cửa khẩu này do Lực lượng Hỗ trợ Nhanh kiểm soát. Nhưng một tuyến viện trợ bổ sung là không đủ để ngăn chặn nạn đói có thể là thảm khốc nhất thế giới trong 40 năm qua.
HSBC có CEO mới
Ngân hàng lớn nhất châu Âu có sếp mới. Georges Elhedery sẽ lên tiếp quản HSBC vào thứ Hai thay cho Noel Quinn, người bất ngờ rời đi hồi tháng 4. Tuần trước, HSBC cho biết người đứng đầu mảng ngân hàng cá nhân và quản lý tài sản, giám đốc vận hành (COO), và giám đốc nhân sự đều sẽ từ chức.
Những thay đổi này là rất cần thiết. Giá cổ phiếu của HSBC đã giảm mạnh kể từ khi ông Quinn lên làm CEO vào năm 2019. Lợi nhuận quý 2 năm nay tốt hơn dự đoán của các nhà phân tích, nhưng vẫn không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Thế đứng chân lớn của HSBC tại Hồng Kông khiến ngân hàng này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi địa chính trị. Ngân hàng đã chống lại áp lực của cổ đông lớn nhất, công ty bảo hiểm Ping An, vốn kêu gọi tách mảng châu Á khỏi công ty mẹ HSBC. Trong khi đó, lãi suất giảm sẽ làm giảm biên lợi nhuận. Vào lúc này, nhiệm vụ đầu tiên của ông Elhedery là trấn an các nhà đầu tư rằng ông sẽ không bị thổi bay.
Giáo hoàng có chuyến đi dài 12 ngày tới Đông Nam Á
Dẫu đã 87 tuổi và sức khỏe không tốt, Giáo hoàng Francis sẽ bắt đầu chuyến công du dài nhất triều đại của mình vào thứ Hai. Ông sẽ đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste, và Singapore, bay khoảng 30.000km. Dù bị đau lưng và đầu gối và hiếm khi xuất hiện trên xe lăn, giáo hoàng sẽ dành hơn 40 giờ trên máy bay trong 12 ngày.
Mục đích của ông là gì? Triều đại giáo hoàng của Francis có chủ đề trung tâm là chăm sóc những người bị thiệt thòi. Điều đó bao gồm các cộng đồng tín đồ biệt lập ở những nơi như Timor-Leste, với dân số 1,4 triệu người hầu như hoàn toàn theo Công giáo La Mã. Và chuyến thăm Indonesia, quốc gia có đa số người Hồi giáo đông dân nhất thế giới, sẽ mang đến cho ông cơ hội phát triển một chủ đề khác: đối thoại liên tôn. Rõ ràng là dù đã lớn tuổi, Francis vẫn không từ bỏ những chuyến đi đường dài. Hồi tháng 12, giáo hoàng thậm chí còn nói rằng chuyến thăm quê hương Argentina của ông cũng nằm trong kế hoạch.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chậm lại
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng ở mức đáng nể 4,5% vào năm ngoái, bất chấp cuộc khủng hoảng lạm phát tệ nhất trong hơn hai thập niên qua. Nhưng dữ liệu công bố vào thứ Hai dự kiến cho thấy tốc độ tăng trưởng bắt đầu giảm dần. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ước tính rằng tăng trưởng GDP đã chậm lại ở mức từ 1,6% đến 4,2% trong ba tháng tính đến tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, trong đó lãi suất đã lên tới 50%, cũng như quyết định không tăng lương tối thiểu của chính phủ. Nhưng có thể có tin tốt hơn vào thứ Ba, khi dữ liệu giá tiêu dùng được công bố. Các nhà phân tích dự đoán lạm phát có thể đã hạ nhiệt xuống dưới 53% theo năm vào tháng 8, giảm so với mức gần 62% của tháng 7. Con số này vẫn còn cao một cách đau đớn, nhưng đối với người tiêu dùng thì có giảm còn hơn không.
No comments:
Post a Comment