Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'2 tháng 9 2024, 13:24 +07
BBC
Nguồn hình ảnh,Fulbright Việt Nam
Một lễ tốt nghiệp của Đại học Fulbright Việt Nam
Sau hơn một tháng hứng chịu các cuộc tấn công mạng và cáo buộc 'cách mạng màu', Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã thông báo sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra chiến dịch đưa tin sai sự thật, thậm chí mang tính bạo lực nhằm vào trường và các sinh viên của trường.
Ngày 30/8, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã đăng thư ngỏ của Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen trên website chính thức và trang Facebook chính thức, trong đó có xác nhận FUV thời gian qua đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công ác ý trên mạng xã hội.
Theo Giáo sư Fritzen, các cuộc tấn công này thường sử dụng ngôn ngữ xúc phạm - thậm chí có lời lẽ đe dọa đối với sinh viên, giảng viên, nhân viên, người thân và bạn bè của FUV - xoay quanh cáo buộc rằng FUV tham gia vào những hoạt động ươm mầm cho một cuộc "cách mạng màu" ở Việt Nam.
Thứ hai, FUV khẳng định tính chính danh của trường, với việc trường được thành lập theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ông Fritzen liên tục nhấn mạnh "Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một trường đại học Việt Nam", chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và trường vẫn cho sinh việc học các môn bắt buộc về lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục quốc phòng và an ninh. Điều này còn thể hiện qua bài viết Facebook ngày 1/9, khi FUV đăng hình ảnh sinh viên đi học quân sự.
Nguồn hình ảnh,Fulbright Việt Nam
Thư ngỏ của Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen được đăng vào ngày 30/0/2024
Bên cạnh đó, tính chính danh của Fulbright còn thể hiện qua có vai trò quan trọng của trường này mối quan hệ Việt-Mỹ, nằm trong ba Tuyên bố chung liên tiếp của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ: Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama vào năm 2013, Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama vào năm 2015; và Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joseph Biden vào năm 2023.
Cuối cùng, hiệu trưởng FUV nhấn mạnh trường sẽ "không chấp nhận là nạn nhân thụ động" mà sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực. Chưa kể, những thông tin sai lệch, theo ông Fritzen, còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương Việt-Mỹ trong bốn thập kỷ qua.
Trang Facebook chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam gần đây thường xuyên chia sẻ hình ảnh sinh viên đi học quân sự, hát quốc ca dưới cờ đỏ sao vàng và những bài viết của báo chính phủ, báo Nhân dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 21/8, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã có phóng sự video về FUV với nhan đề Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục và lấy "lễ tốt nghiệp không có quốc kỳ Việt Nam" là một trong những biểu hiện của "cách mạng màu". Tuy nhiên, vào ngày 23/8, video này sau đó đã bị gỡ khỏi kênh Quốc phòng Việt Nam.
Trên website chính thức, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam tự giới thiệu là "cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam". Do đó, có thể hiểu rằng nội dung mà kênh này phát phản ánh quan điểm của quân đội, của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt ngày 2/9 rằng sự tấn công đối với Trường Đại học Fulbright từ cấp các bộ và phản ứng khác nhau giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cho thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một khối chính trị đơn nhất, mà là thực thể của nhiều phe nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau.
Cách mạng màu là gì?
Cách mạng màu là những phong trào phản kháng với đặc điểm nổi bật là dùng phương pháp phi bạo lực nhằm lật đổ chế độ độc tài hoặc tham nhũng, hoặc đòi hỏi sự cải cách chính trị, dân quyền, dân chủ.
Theo kênh truyền hình tin tức tiếng Ả Rập Al Jazeera, "cách mạng màu" hoặc "cách mạng hoa" liên quan đến các biểu tượng thường được các phong trào đối lập sử dụng, những biến động này đã chứng kiến việc lật đổ các nhà lãnh đạo thời Liên Xô mà sự cai trị của họ bị người dân xem là trì trệ, tham nhũng và quá thân Nga.
Trong nhiều trường hợp, một thế hệ lãnh đạo mới đã lên nắm quyền và đưa đất nước đó xa rời Moscow và xích lại gần phương Tây hơn.
Một điểm đáng chú ý là phe chỉ trích cách mạng màu thường quy kết cho Mỹ là bên đứng sau và tài trợ cho các phong trào này, nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại của riêng họ ở các nước thuộc Liên Xô cũ.
Play video, "Ông Tô Lâm chỉ đạo đặc biệt gì về nhân sự Đại hội 14?", Thời lượng 9,15
Chụp lại video, BBC: Xem video
Ông Tô Lâm chỉ đạo đặc biệt gì về nhân sự Đại hội 14?
Từ cuối thập niên 1980 và đầu 1990, trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lập tức tung đội quân tình báo sang các nước này để tìm hiểu nguyên nhân.
Những báo cáo tình báo sau đó đã giúp các lãnh đạo Đảng đúc kết bài học, rằng cách mạng màu sẽ manh nha từ các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức có yếu tố nước ngoài (NGO),… Điều này đã được chính cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể lại trong cuốn sách Người thầy của ông. Từ các phát hiện và nhận thức đó, trong hơn hai thập niên qua kể từ khi Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cực kỳ cảnh giác trước các tổ chức xã hội dân sự, NGO, các tổ chức khoa học, giáo dục, từ thiện, viện trợ có yếu tố nước ngoài.
Gần đây, sau những gì xảy ra ở Bangladesh, với việc một chính phủ chuyên quyền bị sinh viên lật đổ, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã ngay lập tức trở thành đối tượng tấn công như một kiểu "đánh phủ đầu".
Năm 2022, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung.
Đáng chú ý, so với các tuyên bố chung năm 2015 và 2017 thì tuyên bố chung năm 2022 có điểm khác biệt lớn là lần đầu tiên, Trung Quốc và Việt Nam đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu".
Tương tự, tuyên bố chung Việt - Trung trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ 18-20/8 vừa rồi cũng có nói đến "cách mạng màu". Cụ thể là hai nước "tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống 'cách mạng màu', cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ".
Điều này phần nào cho thấy, Việt Nam đang tăng cường học hỏi từ Trung Quốc cách phòng chống "cách mạng màu" khi Trung Quốc là quốc gia từ lâu đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn "cách mạng màu" tràn vào trong nước, bao gồm chiến lược kiểm duyệt, kiểm soát internet, đàn áp xã hội dân sự, trừng phạt người biểu tình và bất đồng chính kiến.
Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'mầm mống cách mạng màu'
Những tuần qua, các cụm từ như "cách mạng màu", "diễn biến hòa bình", "thế lực thù địch" ngày càng trở thành từ khóa phổ biến, gắn liền với trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Thực ra, đây không phải là lần đầu mà Trường Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc những điều như trên. Nhiều năm qua, cứ tới mỗi kỳ tuyển sinh, thường có hai đợt là mùa thu (vào tháng 8) và mùa xuân (vào tháng 1) thì trường sẽ hứng lãnh những cuộc tấn công mạng nhỏ lẻ. Nhưng chiến dịch tấn công năm nay lại có quy mô rộng lớn, nhất quán hơn và phủ khắp mọi mạng xã hội gồm Facebook, TikTok, Threads và X (Twitter).
Những đồn thổi, quy chụp Fulbright Việt Nam là "ổ cách mạng màu" bắt đầu từ nhiều sự kiện, trong đó có lễ tốt nghiệp của trường và phát ngôn của cựu Chủ tịch sáng lập Đàm Bích Thủy về Chiến tranh Việt Nam.
Những trang Facebook như Tifosi và Đơn vị Tác chiến Điện tử Comrade Commissar, đều có hơn 300.000 người theo dõi, đã tấn công FUV hoặc các cá nhân liên quan tới trường đại học này.
Trên Đơn vị Tác chiến Điện tử Comrade Commissar, việc Fulbright tổ chức diễu hành tốt nghiệp với lá cờ Không sợ hãi (Fearless) mà không phải là quốc kỳ Việt Nam đã bị đem ra chỉ trích.
Phía dưới bài đăng là các bình luận: “Trường đào tạo Việt gian”, “Cách mạng màu luôn len lỏi trong đất nước, nhất là giáo dục”, “Tập duyệt để làm cách mạng màu đấy”.
Phóng sự Không để Cách mạng màu đổi màu giáo dục của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đăng ngày 21/8 đã nhắc đích danh bà Đàm Bích Thủy về việc cho sinh viên xem phim Chiến tranh Việt Nam.
Nguồn hình ảnh,Chụp màn hình
Video trên kênh của Quốc phòng Việt Nam đã lấy ví dụ lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Fulbright Việt Nam là biểu hiện của "cách mạng màu"
Cụ thể, phóng sự này thuật lại rằng trong một video, bà Đàm Bích Thủy kể lại sau khi cho các sinh viên của mình xem một tập bộ phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam thì nhiều bạn đã khóc nức nở và xúc động về câu chuyện mà họ đã xem, với đại ý là họ chưa từng biết rằng người Mỹ cũng đã phải chịu đựng nhiều như vậy.
Từ lời nói này của bà Thủy, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đặt câu hỏi:
"Khi phát ngôn điều này, liệu bà Thủy có biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu người Việt Nam đã thiệt mạng, bao nhiêu người đang chịu đựng hậu quả chiến tranh để lại như bom mìn, chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra?"
Sau đó, video có đoạn lên án những tư tưởng, suy nghĩ này là nằm trong "phong trào ngụy sử, lật sử", một phần của chiến lược diễn biến hòa bình của các "thế lực thù địch:.
Tuy nhiên, video này đã bị gỡ bỏ khỏi kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam mà không rõ nguyên do.
Không chỉ có kênh của quân đội, Bộ Công an từ lâu nay đã nhấn mạnh, cảnh báo việc thông qua giáo dục để thực hiện "cách mạng màu". Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, khi đó còn là Thứ trưởng Bộ Công an đã phát biểu như sau:
“Qua công tác đảm bảo an ninh quốc gia của Bộ Công an cho thấy âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo để tạo ra lớp người có quan điểm, tư tưởng không phù hợp với những đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.”
Nguồn hình ảnh,Chụp màn hình
Hình ảnh bà Đàm Bích Thủy trên video Không để Cách mạng màu đổi màu giáo dục của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Video này đã bị gỡ.
Về việc Trường Đại học Fulbright Việt Nam bị quy là điển hình của "cách mạng màu", một nhà bình luận giấu tên nói với BBC rằng nền chính trị Việt Nam thời gian gần đây đã có những biến động lớn về nhân sự, đặc biệt là sự ra đi của một người gác đền chủ nghĩa xã hội như ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã dẫn đến nỗi sợ chế độ bị lung lay.
"Để củng cố tư tưởng và lập lại trật tự an ninh trên mạng, ta thấy những đợt tấn công Fulbright Việt Nam, phong sát những nghệ sĩ từng hát dưới cờ vàng ba sọc đỏ. Bên cạnh đó là phong trào vẽ quốc kỳ lên mái nhà, cửa nhà được cổ vũ mạnh mẽ."
"Đây có thể là dạng đấu tố thời mạng xã hội vì bản chất nó không khác gì thời Cải cách Ruộng đất, thời Nhân Văn-Giai Phẩm, thời hậu chiến tranh với việc nỗi nghi ngờ gieo rắc toàn xã hội, mọi người dòm ngó và chỉ điểm nhau, không có sự tin tưởng và bao dung. Nghiêm trọng hơn là nhiều người vì sợ mình là mục tiêu của đấu tố mà phải đấu tố người khác, hoặc sốt sắng chứng minh mình thuộc hàng ngũ dư luận viên, hoặc bản thân cũng giống dư luận viên.
"Đó là bi kịch khi chúng ta không làm gì sai những vẫn sợ và không dám lên tiếng cho sự khác biệt, bởi lẽ tình yêu nước mỗi người là khác nhau, việc đấu tranh cho một xã hội, đất nước tốt hơn cũng là yêu nước, không phải cứ ca ngợi và ru ngủ nhau với những hô hào yêu nước," nhà quan sát từ Việt Nam nói với BBC ngày 1/9.
26 tháng 8 năm 2024
22 tháng 8 năm 2024
4 tháng 1 năm 2022
BBC đã liên hệ với Trường Đại học Fulbright Việt Nam từ ngày 23/8 nhưng không nhận được phản hồi.
Một sinh viên giấu tên đang theo học tại FUV thì trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 1/9 rằng tuy đã có tiếng nói từ Bộ Ngoại giao nhưng dư âm của đợt tấn công vẫn còn âm ỉ:
"Thời điểm ban đầu, nhiều bạn bị những tài khoản không rõ danh tính ùa vào nhắn tin, bình luận chửi bới trên Facebook, gọi tụi tôi là phản động và tung tin sai sự thật khiến nhiều bạn phải khóa Facebook vì quá sợ hãi. Lúc chiến dịch tấn công này mới nổ ra thì trên các hội nhóm của trường bình luận rất nhiều, đa phần các bạn sinh viên đều lo lắng, bất an.
"Một vài người bạn của tôi muốn đăng ký học Fulbright Việt Nam nhưng cũng e dè vì lo lắng cho an nguy của bản thân. Nổi bật nhất là nhiều bạn lo sợ các công ty trong nước sẽ không nhận sinh viên tốt nghiệp từ Fulbright Việt Nam. Chúng tôi đi dự hội thảo cũng bị hỏi những câu như: 'Ồ trường dính bê bối phản động à?' hay 'Trường là ổ cách mạng màu hả'?" sinh viên này thuật lại với BBC.
Kết quả của quan hệ Việt - Mỹ
Lần đầu tiên Trường Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra tuyên bố chính thức trước những cáo buộc là vào ngày 14/8.
FUV viết rằng trường "lên án mạnh mẽ việc cố tình lan truyền thông tin sai lệch này và những tổn thương do hành động này gây ra cho các cá nhân hữu quan". Đồng thời, thông báo cho biết nhà trường đã gửi công văn tường trình đến các cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra và hỗ trợ.
Bài viết này trên Facebook của Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã nhận tới hơn 10.000 biểu cảm giận dữ và làn sóng tấn công vẫn tiếp diễn.
Đến ngày 26/8, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng về sự việc:
“Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.
Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Một vài sinh viên FUV nói với BBC rằng, trước khi trường chính thức lên tiếng trên website và mạng xã hội thì các sinh viên đã nhận được email của chủ tịch Fulbright trấn an rằng trường không làm gì sai cả và khuyên tất cả mọi người nên giữ bình tĩnh.
Nguồn hình ảnh,VGP
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng
Theo website chính thức của Fulbright Việt Nam thì đây là trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận và hoạt động theo mô hình giáo dục khai phóng đầu tiên tại Việt Nam, được tài trợ 100% từ Mỹ.
Dự án xây dụng Fulbright lần đầu tiên được đề cập một cách chính thức trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama hồi cuối tháng 7/2013 và sau đó được khẳng định lại một lần nữa trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 12/2013.
Đến ngày 3/6/2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký công văn 821 đồng ý chủ trương đầu tư Dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam theo loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
Vốn đầu tư thực hiện dự án Đại học Fulbright Việt Nam tổng cộng là 70 triệu USD. Trong đó, mức đầu tư ban đầu đến năm 2016 là 5,3 triệu USD, giai đoạn 2017-2020 là 20 triệu USD và giai đoạn ba từ 2020-2030 là 44,7 triệu USD.
Trong cuốn hồi ký Không gì là không thể, tác giả Ted Osius, người làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2017, đã kể rằng trong quá trình đàm phán về Fulbright Việt Nam thì một trong những khâu khó khăn nhất đó là đảm bảo trường có được tự do học thuật. Đây chính là một yếu tố mà phía chính phủ Việt Nam rất khó chấp nhận, vì hệ thống giáo dục Việt Nam phải nằm dưới sự quản lý toàn diện của Đảng Cộng sản. Do đó, việc Việt Nam đồng ý cho phép FUV ra đời được coi là một bước đột phá.
Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech nói với BBC News Tiếng Việt rằng trung tâm của ông cũng có những hợp tác với Trường Đại học Fulbright Việt Nam nên theo ông, Fulbright Việt Nam đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ ngày càng mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời kỳ hậu chiến, minh họa cho cách mà giáo dục có thể đóng vai trò như một cầu nối cho ngoại giao và sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ và hợp tác giữa hai quốc gia.
"Có thể lập luận rằng sự hình thành của Đại học Fulbright Việt Nam, với sự hậu thuẫn của chính phủ Việt Nam và hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, đại diện cho một thử nghiệm táo bạo trong giáo dục đại học tại Việt Nam, với mục đích khuyến khích tự do học thuật và nguyên tắc giáo dục khai phóng trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa."
Nguồn hình ảnh,Getty Images
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 8/2015 trong cuộc gặp về việc thành lập Đại học Fulbright ở Việt Nam
Giáo sư ALex-Thái Võ bình luận thêm rằng tuy chưa rõ và cũng có thể không bao giờ biết được ai là người đứng sau những cáo buộc và nỗ lực tấn công FUV nhưng điều này phơi bày tình hình chính trị hiện tại. Ông cho rằng sự qua đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại khoảng trống quyền lực và điều này đã dẫn đến sự tranh giành giữa các phe phái:
"Theo tôi, sự tấn công đối với Fulbright Việt Nam từ cấp các bộ và phản ứng khác nhau giữa các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, và Bộ Ngoại giao cho thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một khối chính trị đơn nhất, mà là thực thể của nhiều phe nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau đang tranh giành và củng cố vị thế của mình trong khoảng trống chính trị mà ông Trọng để lại.
"Đây là sự tranh giành đằng sau bức màn nhung, nhưng đã dần phơi bày cho thấy chính trị Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ, nhằm phân chia và nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp diễn và phơi bày rõ hơn cho đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, dự kiến vào quý 1 năm 2026."
Chủ đề liên quanQuan hệ Việt - Mỹ
Tin liên quan
Cải cách Ruộng đất và sự thay thế bộ tứ lãnh đạo Việt Nam1 tháng 9 năm 2024
Vì sao Tuyên bố Việt - Trung lần đầu nhắc về 'nhân quyền, cách mạng màu'?5 tháng 11 năm 2022
Ai sẽ thay ông Tô Lâm làm chủ tịch nước?29 tháng 8 năm 2024
No comments:
Post a Comment