VNTB – Tô Lâm sẽ nhường ghế chủ tịch nước cho Trương Thị Mai
Chánh Thành
02.04.2024 4:18
VNThoibao
Theo quy định 214 của Bộ Chính trị (do ông Nguyễn Phú Trọng ban hành năm 2020) thì các chức danh trong tứ trụ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trong 14 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay chỉ có 5 người đủ tiêu chuẩn này là Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai và Tô Lâm.
Sẽ rất khó có chuyện đương nhiệm giống như trường hợp ông Trọng vừa làm Tổng bí thư vừa làm Chủ tịch nước giai đoạn 2018-2021, nên ghế chủ tịch nước hiện nay chỉ có hai ứng viên đủ điều kiện là Tô Lâm và Trương Thị Mai.
Với vai trò là bộ trưởng Bộ Công an, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tô Lâm dường như đã nắm thóp được tất cả các đối thủ chính trị còn lại trong hệ thống chính trị Việt Nam. Cùng với việc thâu tóm mọi quyền lực vào tay mình, có thể nói cái ghế trống trong phủ Chủ tịch nước hiện nay là do Tô Lâm quyết định, ngồi hay nhường là quyền của họ Tô.
Chủ tịch nước chỉ là một chức vụ mang tính hình thức chứ không nắm nhiều thực quyền, đặc biệt là có thể bị phế truất bất cứ lúc nào giống như Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. Trong khi đó, Tổng Bí thư là lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là chức vụ nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Tổng bí thư là người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, kiêm luôn chức Bí thư Quân uỷ Trung ương và là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Buông rèm nhiếp chính”: dọn đường lên Tổng bí thư
Cũng theo quy định 214 của Bộ Chính trị, Tổng bí thư phải là người “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”. Việc lên làm “đầu đảng” sẽ giúp Tô Lâm tha hồ thuyết giảng trí tuệ và đạo đức với các thuộc cấp. Với tham vọng của mình, Tô Lâm chỉ có thể đứng thứ 2 sau Nguyễn Phú Trọng, khi ông Trọng không ngồi ghế Tổng bí thư nữa, thì Tô Lâm phải là số một.
Nếu Tô Lâm bỏ chức bộ trưởng Bộ Công an để lên ngôi chủ tịch nước ngay bây giờ, thì cũng chỉ có thể ngồi ở vị trí này được thêm 2 năm nữa, vì tới 2026 là hết nhiệm kỳ. Tô Lâm ắt hẳn sẽ không “tham bát bỏ mâm”, nhường ghế bộ trưởng công an cho người khác để nhảy qua một cái ghế gãy, bù nhìn và có nhiều “dớp” ngã ngựa như ghế chủ tịch nước Việt Nam. Hơn nữa, khi Tô Lâm chủ động nhường chức chủ tịch nước cho Trương Thị Mai, thì bà Mai bắt buộc phải “nghe lời” bộ trưởng bộ công an, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của ông Phúc và ông Thưởng.
Như vậy, trụ lại bộ Công an thêm hai năm, Tô Lâm sẽ vừa có thể “buông rèm nhiếp chính”, thao túng chủ tịch nước, vừa dễ dàng thanh trừng các đối thủ chính trị và dọn sạch cỏ trên đường tiến thẳng lên ghế Tổng Bí thư. Còn nếu qua làm chủ tịch nước, vừa không còn thực quyền, vừa có thể bị các đối thủ lật đổ hoặc đầu độc. Tô Lâm chắc chắn không muốn trở thành Trần Đại Quang thứ 2, khi chỉ mới rời ghế tư lệnh ngành công an lên làm chủ tịch nước được 2 năm là chết bất đắc kỳ tử.
Dù ghế chủ tịch hay tổng bí thư thuộc về ai thì người dân Việt Nam cũng là nạn nhân của chế độ độc tài, khi không có quyền bầu cử tự do, không được lựa chọn lãnh đạo. Tuy nhiên việc đấu đá, hãm hại, thanh trừng giữa các phe phái trong Đảng sẽ gây ra chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Các đảng viên sẽ nghi ngại và đề phòng lẫn nhau khiến cho đảng cộng sản càng ngày càng suy yếu và dễ bị sụp đổ nếu có ngoại lực tác động. Tình hình tuy rối ren, nhưng “trời mau tối mau sáng”, đó cũng là thời cơ để thúc đẩy nền dân chủ cho nước nhà.
No comments:
Post a Comment