Tuesday, April 2, 2024

VNTB – Đại án: Vì sao & Như thế nào? – Một góc nhìn về pháp luật và phát triển
Hoài Nguyễn
03.04.2024 12:44
VNThoibao



(VNTB) – Nhìn từ một số đại án, qua đó nhìn nhận lại vai trò của pháp luật, về các con đường hướng tới chế độ pháp quyền và cách mà pháp luật định hình văn hóa doanh nghiệp, người dân.

 Hội thảo này do PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình MPP, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, trình bày đã mang đến cho công chúng những phân tích về 3 đại án tại Việt Nam trong thời gian gần đây bao gồm: Công ty cổ phần Alibaba, Công ty cổ phần Việt Á, và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Qua đó gợi ra những suy ngẫm về vai trò của pháp luật, về các con đường hướng tới chế độ pháp quyền, cũng như cách mà pháp luật định hình văn hóa doanh nghiệp, người dân.

Diễn giả cũng nhấn mạnh rằng mong muốn đại chúng có cái nhìn rộng mở về pháp luật, vì mỗi một quốc gia có những đặc trưng riêng, vận hành theo những cách riêng mà không giống với bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu chưa hiểu được toàn bộ những sự rắc rối ở bên trong thì có thể chúng ta chưa thể nhìn thấu được bản chất của vấn đề.

Từ ‘nhắc nhở’ trên, với tư cách là khách tham dự, một luật sư cho rằng đại án Việt Á là vụ án tham nhũng, tiêu cực có tổ chức với quy mô cực lớn từ Trung ương đến cơ sở, xảy ra giữa đại dịch Covid-19 đã lộ diện nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm một cách có hệ thống. Vụ án này đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân về khả năng giữ gìn sự trong sạch bộ máy của Ðảng, Nhà nước.

Một nhà quan sát chính trị cho rằng, thời điểm xảy ra đại án Việt Á là ngay trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào năm 2021, tức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.

Nói theo cách của Tuyên giáo thì Nghị quyết của Đảng đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là tập trung kiểm soát đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Thế nhưng là những cán bộ cấp cao, cấp chiến lược của Đảng, các Ủy viên Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị có vinh dự và trách nhiệm to lớn trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo mục tiêu “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Cho nên lời hứa nguyện “toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của 200 đồng chí Ủy viên Trung ương tại Đại hội có ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần cống hiến vì Đảng, vì đất nước, vì Nhân dân.

Ấy vậy mà, có những vị “hứa” rồi để đấy, vẫn làm liều, thiếu trách nhiệm, tham nhũng. Vậy lời hứa gánh vác, thực hiện nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó, rồi đây sẽ như thế nào?

Chưa dừng lại, lúc còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh trên diễn đàn là phải làm sao để “Không dám, không thể và không muốn” tham nhũng, trong đó tập trung vào hai khâu là “không dám và không thể”. “Không dám” là trừng trị nghiêm không chỉ với người vi phạm mà có giá trị răn đe với người khác thấy đó mà sợ, mà tránh. “Không thể” là cố gắng hoàn thiện thể chế để bịt được lỗ hổng về cơ chế pháp luật.

Kết quả nói và làm của đảng viên Võ Văn Thưởng ra sao thì giờ đang dần hé mở với nhiều khả năng là từ chuyện rời chức vụ Chủ tịch nước hôm 20-3-2024. Và đây đúng như điều mà trang Việt Nam Thời Báo từng đặt ra, đó là ‘lỗi cơ chế’. Liệu có cần ‘xóa bàn để làm lại’ thì lại là lãnh vực được PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng ‘nhạy cảm chính trị’ (?!).

 

 


No comments:

Post a Comment