Friday, January 27, 2023

VNTB – ‘Tháo chạy’ đầu năm Mẹo
Hàn Lam
28.01.2023 6:18
VNThoibao




(VNTB) – Thiên hạ còn nâng ly rượu mừng để vui xuân thì Tổng giám đốc Novagroup đã rao bán 2,28 triệu cổ phiếu NVL.

 ‘Tháo chạy’ đầu năm Mẹo?

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ là bà Hoàng Thu Châu, Thành viên Hội đồng quản trị Novaland. Cụ thể, bà Châu đã đăng ký bán ra hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL theo hình thức thỏa thuận. Trong thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), bà Châu cho biết mục đích bán cổ phiếu lần này là lý do cá nhân.

Theo đăng ký, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 1-2-2023 đến ngày 2-3-2023. Tính theo mệnh giá, giao dịch bán cổ phiếu của bà Châu có giá trị khoảng 22,8 tỷ đồng. Còn nếu tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của cổ phiếu NVL là 14.050 đồng/đơn vị, giao dịch này có thể mang về cho bà Châu khoảng 32 tỷ đồng.

Nếu thành công, bà Châu sẽ giảm lượng cổ phiếu nắm giữ tại Novaland từ hơn 6,34 triệu đơn vị (0,325%) xuống gần 4,06 triệu đơn vị (chiếm 0,208% vốn điều lệ của Novaland).

Bà Châu hiện giữ chức Tổng giám đốc Novagroup – cổ đông lớn nhất của Novaland với tỷ lệ sở hữu 29,4%. Ở Novaland, bà Châu giữ nhiều chức vụ quan trọng từ 2003 như kế toán trưởng, phó tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị từ năm 2016. Nhiệm vụ chính của bà là hoạch định chiến lược, điều hành các hoạt động và triển khai chiến lược của đại hội đồng cổ đông.

Rất có thể vì cần số tiền lớn để đầu tư hay trang trải gì đó nên bà Châu mới rao bán theo hình thức mặc cả. Hoặc cũng có thể đây là bước ‘tháo chạy’ để bảo toàn vốn liếng khi Việt Nam trong những ngày giáp Tết con mèo vừa qua được đánh giá là chính trị không còn ổn định như từng tuyên bố trước đó nữa.

Đồng vốn rủi ro khi chính trị rối ren

Một quan sát liên quan đến chính trị là những ngày vui xuân vừa qua, trên đường phố cũng như hầu hết ở trước cổng trụ sở các cơ quan hành chính tại Sài Gòn, người ta rất khó tìm thấy những khẩu hiệu quen thuộc hàng năm “Mừng Đảng – Mừng Xuân”, hay “Mừng Xuân – Mừng Đảng”.

Một vấn đề khác, dường như giao thừa Quý Mão vừa qua là lần đầu tiên kể từ Tết Bính Thìn 1976, đọc thư chúc Tết trên làn sóng phát thanh – truyền hình không phải là người đang giữ chức Chủ tịch nước.

Trước đó nữa, ghi nhận ở thành phố được đánh giá là đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia hàng năm, đang khủng hoảng nhân sự lãnh đạo tương tự như bộ máy Chính phủ hồi đầu năm nay 2023. Theo Nghị định 08/2016 của Chính phủ, TP.HCM và Hà Nội có tối đa 5 Phó chủ tịch. Nhưng trong nhiệm kỳ 2016-2021 chính quyền TP.HCM thường xuyên thiếu một, hai người và ở đầu năm 2019 là thiếu đến ba người.

Bình luận về chuyện biến động nhân sự ở thượng tầng chính trị, Tổng biên tập trang mạng có tên https://nghiencuuquocte.org/ hoạt động công khai với sự chấp thuận của nhà chức trách Việt Nam, đã đưa ra loạt ý kiến rất đáng quan tâm đối với những nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam – trích:

“Do nỗ lực chống tham nhũng đã dẫn đến những xáo trộn nhân sự lớn trong chính phủ Việt Nam trong hai năm qua, có thể có lo ngại cho rằng những thay đổi đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị, cuối cùng đe dọa chế độ của Đảng hoặc kìm hãm hoạt động kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy điều đó. Tổng Bí thư Trọng vẫn vững vàng kiểm soát bộ máy và không có dấu hiệu cho thấy việc thay đổi nhân sự gây mất đoàn kết trong nội bộ đảng hay tạo ra bất ổn trong hệ thống chính trị.

Ngược lại, việc thanh trừng những lãnh đạo tham nhũng có thể mở đường cho những lãnh đạo trong sạch hơn và có năng lực vươn lên, giúp Đảng chống tham nhũng tốt hơn và nâng cao hiệu quả cầm quyền. Miễn là các thay đổi lãnh đạo cấp cao không dẫn đến những thay đổi lớn về mặt chính sách, thì tác động của chúng tới hoạt động kinh tế cũng sẽ không đáng kể.

Trên thực tế, bất chấp những thay đổi nhân sự vừa qua, Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP 8% trong năm 2022, là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng 25 năm qua”.

Sẽ lại tiếp diễn của ‘long tranh – hổ đấu’

Trong bài viết của Tổng biên tập Lê Hồng Hiệp kể trên, còn có đoạn gián tiếp cho thấy dấu hiệu thời gian sắp tới đây Việt Nam đứng trước đe dọa của mất cân bằng chính trị từ việc tranh giành quyền lực, ít nhiều ảnh hưởng đến đồng vốn làm ăn tại đất nước này:

“Các chính trị gia cấp cao khác như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng sẽ hưởng lợi từ sự ra đi của ông Phúc. Họ sẽ đối mặt với ít sự cạnh tranh hơn tại đại hội đảng tiếp theo vào đầu năm 2026 khi một ban lãnh đạo quốc gia mới sẽ được bầu.

Họ cũng có thể nắm bắt cơ hội này để ủng hộ một ứng cử viên chủ tịch nước thuộc hoặc liên kết với phe mình. Với sự ra đi của ông Phúc, ông Huệ có thể trở thành ứng cử viên khả dĩ duy nhất thay thế Tổng Bí thư Trọng, đặc biệt là khi Thủ tướng Phạm Minh Chính — ứng viên tiềm năng còn lại — cũng có thể gặp rắc rối trong thời gian tới do bị cho là có mối quan hệ thân thiết với chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn”…


No comments:

Post a Comment