Thursday, January 5, 2023

Makiivka: Thêm một bằng chứng về sự thiếu chuyên nghiệp của quân Nga

Makiivka: Thêm một bằng chứng về sự thiếu chuyên nghiệp của quân Nga
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 04/01/2023 - 15:25
RFI


Tòa nhà nơi các tân binh Nga đồn trú đã bị tên lửa Himars do Mỹ cấp cho Ukraina đánh sập hoàn toàn. © REUTERS/Alexander Ermochenko

Vụ quân đội Ukraina pháo kích vào một nơi đóng quân của lính Nga tại thành phố Makiivka vùng Donetsk, miền đông Ukraina đêm giao thừa vừa qua, khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng là sự kiện được toàn bộ báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 04/01/2023 khai thác rộng rãi. Đáng chú ý nhất là nhật báo thiên tả Libération đã dành hồ sơ chính cho chủ đề này với nhiều phân tích về điều mà tờ báo xem là « biểu tượng của tính chất thiếu chuyên nghiệp của quân đội Nga ».

Ngay trên trang nhất, trên nền một bức ảnh chụp cảnh ngôi trường được Nga dùng làm nơi trú quân ở Makiivka bị phá tan hoang, Libération chạy hàng tựa lớn: « Makiivka: Putin bị trúng đạn ». Tờ báo giải thích: « Vụ pháo kích gây ra tổn thất lớn trong hàng ngũ quân đội Nga, củng cố thêm các nghi vấn về năng lực của bộ tham mưu và chiến lược của điện Kremlin ».

Makiivka: Bước ngoặt trong cuộc chiến Ukraina ?

Trong bài xã luận mang tựa đề: « Vụ thảm sát Makiïvka, biểu tượng cho tình trạng thiếu chuyên nghiệp của quân đội Nga », Libération cho rằng vụ pháo kích cực kỳ hiệu quả của Ukraina đã làm lộ rõ những yếu điểm của quân đội Nga. Dù vậy, điện Kremlin vẫn quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đã lỗi thời này.

Tờ báo trước hết nói về số phận không may của hàng trăm lính nghĩa vụ Nga, một số vừa mới bị động viên, tập trung tại một trường học ở Makiivka, lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng. Nơi ở của họ trong một ngôi trường dĩ nhiên tốt hơn nhiều so với lều ngoài trời, đặc biệt là vào giữa mùa đông. Các bức tường gây ấn tượng sai lầm về tính kiên cố, số lượng lớn binh lính trong tòa nhà mang lại sự tự tin, kho đạn đầy ắp bên dưới củng cố ảo tưởng về sức mạnh.

Đó là đêm giao thừa và trong ba phút nữa mọi người có thể ăn mừng năm mới; thế nhưng không. Vào lúc 23g57, khi tên lửa đầu tiên đánh vào tòa pháo đài với độ chính xác cực kỳ, nơi này đã trở thành mồ chôn của họ. Bốn phút sau, tất cả đều đã chết…

Nhắc đến tiểu thuyết « Chiến tranh và hòa bình » của nhà văn Tolstoi, Libération tố cáo: « Quy mô thiệt hại của Nga ở Makiivka chỉ củng cố ý tưởng rằng, đối với Vladimir Putin, những người lính này chỉ là bia đỡ đạn trong một cuộc chiến tranh lỗi thời mà ông vẫn quyết tâm tiến hành ».

Matxcơva đã nhanh chóng công bố con số 63 binh sĩ thiệt mạng trong vụ pháo kích (sau đó được điều chỉnh thành 89 người), nhưng theo Libération, có khả năng là đã có hàng trăm trường hợp thương vong – Ảnh vệ tinh cho thấy toàn bộ tòa nhà bị phá hủy, nên rất ít người ở bên trong có thể sống sót. Tuy vậy, ngay cả con số chính thức cũng gây sửng sốt trong một cuộc chiến tranh hiện đại, khi mà các trận đánh hiếm khi gây ra nhiều chết chóc như vậy.

Cuộc tàn sát này có thể khiến điện Kremlin xem xét lại các kế hoạch của mình không ? Trước mắt có lẽ là không. Thậm chí ngược lại là khác.

Đối với Libération, chỉ huy Nga hành xử thiếu chuyên nghiệp, trang bị vũ khí yếu kém và quân lính thiếu kỷ luật đã bị phơi bày trước toàn thế giới, kể cả ở Nga. Trong cuộc chiến này, tuy đã có nhiều bài học, nhưng sẽ có hai giai đoạn trước và sau Makiïvka.

Hai nguyên nhân khiến Ukraina thành công

Do đâu mà Ukraina thành công như vậy trong vụ pháo kích vào trạm trú quân của lính Nga ở Makiivka ? Trong bài « Bộ chỉ huy quân đội Nga quá chia rẽ nên không hiệu quả », nhà nghiên cứu Yohann Michel thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS đưa ra hai lý do chính.

Thành công của Ukraina có thể được giải thích bằng tầm quan trọng của viện trợ quân sự mà phương Tây cung cấp cho Kiev, cụ thể là hệ thống pháo phản lực Himars của Mỹ được dùng trong vụ tấn công vào Makiivka. Tuy nhiên, thành công đó cũng bắt nguồn từ nhiều vấn đề cơ cấu mà quân đội Nga phải đối mặt, gần một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến xâm lược.

Điều được nhà nghiên cứu Yohann Michel ghi nhận là thái độ quá khinh địch của giới lãnh đạo Nga, đã phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác tại Ukraina: « Sự tích lũy các sai lầm thực sự đáng kinh ngạc. Bộ tổng tham mưu Nga dường như không tính đến các biện pháp an ninh cần phải áp dụng kể từ khi Mỹ bàn giao Himars cho Ukraina. Các kho hậu cần hoặc kho đạn được bố trí công khai cách mặt trận vài km đã từng bị tấn công nhiều lần trong quá khứ. Hệ thống phòng không của Nga đôi khi thất bại. Có khả năng cao là những lỗi lầm này có liên quan đến thái độ coi thường của bộ tổng tham mưu Nga đối với kẻ thù của mình. »

Thói kiêu ngạo của quân đội Nga bị « phá nổ »

Trong bài viết mang tựa đề « Tại Makiivka, Ukraina phá nổ thói kiêu căng của Nga », Libération nhắc lại sự kiện là thoạt đầu, điện Kremlin chỉ công nhận 63 binh sĩ Nga thiệt mạng trong vụ pháo kích. Một con số có lẽ đã bị giảm thiểu, nhưng điều đó lại là một sự thừa nhận cực kỳ hiếm hoi của Matxcơva về sự yếu kém của mình.

Theo thông tín viên tờ báo tại Nga, đó không chỉ là tổn thất nặng nề nhất trong một cuộc tấn công được Matxcơva thừa nhận kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina vào tháng Hai năm 2022, mà còn là thông tin chính thức đầu tiên về số lính tử trận kể từ tháng 9/2022 đến nay. Ngay sau khi loan báo số người chết tại Makiivka, chính quyền Nga lập tức đã bị cáo buộc giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt từ phía các nhà bình luận ủng hộ chiến tranh và các phóng viên chiến trường khác, những người ngày càng có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Giới lãnh đạo quân đội Nga cũng bị tố cáo là bất tài, kém cỏi, đặc biệt là cho đóng quân ngay sát kho đạn, với hầu như tất cả các thiết bị quân sự gần tòa nhà không được ngụy trang.

Lỗi ở các tân binh tử vong?

Điều được Libération nêu bật là một số nhà bình luận Nga đã cho rằng guồng máy tuyên truyền của chế độ đang cố gắng đổ lỗi cho chính những tân binh đã bị thiệt mạng. Theo một nguồn tin từ chính quyền ly khai thân Nga tại vùng Donetsk, được hãng thông tấn TASS trích dẫn, « việc quân đội ở Makiivka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk sử dụng rộng rãi điện thoại di động của họ là nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công của quân đội Ukraina ». Viện Nghiên Cứu Chiến tranh trụ sở tại Hoa Kỳ cho rằng bộ Quốc Phòng Nga sẽ cố « đổ lỗi về tình trạng an ninh kém cỏi của họ trên các quan chức [lực lượng ly khai] và các binh sĩ vừa được động viên ».

Theo Libération, dẫu sao thì thảm kịch Makiivka có thể tác hại đến làn sóng động viên mới mà Matxcơva có thể khởi động ngay vào thượng tuần tháng Giêng này để bổ sung quân cho chiến trường Ukraina. Thông tin do lãnh đạo ngành Quân Báo Ukraina đưa ra, Matxcơva không xác nhận, nhưng đồng thời tuyên bố rằng 350.000 lính nghĩa vụ sẽ sớm được gọi để tăng cường cho quân đội Nga.

Đối với Libération, lệnh « động viên từng phần » hồi tháng 9/2022 đã khiến hàng chục nghìn người đàn ông Nga trốn ra nước ngoài. Thảm kịch tân binh Nga bị chết ở Makiivka có nguy cơ thúc đẩy những người khác từ chối làm bia đỡ đạn.

Dư luận Nga rúng động

Sự kiện Makiivka dĩ nhiên cũng được khai thác trên các tờ báo khác. Tất cả đều nhấn mạnh trên cơn chấn động mà thảm kịch này gây ra trong công luận Nga

Nhật báo Công Giáo La Croix cũng dành tựa lớn trang nhất cho tình hình Ukraina, nhưng nói về « Kherson dưới bom đạn ». Ở trang trong, tờ báo đã có bài về Makiivka mang tựa đề : « Nước Nga bàng hoàng sau vụ pháo kích chết người »

Tờ Le Figaro đã giới thiệu ngay trang nhất trong hàng tựa nhỏ : « Cuộc oanh kích tại Ukraina làm rúng động quân đội Nga », trong lúc Les Echos thì nhìn thấy : « Điện Kremlin bị chỉ trích sau cái chết của 89 binh sĩ ở Ukraina ». Tờ báo kinh tế ghi nhận việc bộ Quốc Phòng Nga thừa nhận tổn thất quân sự nặng nề nhất của họ trong một cuộc tấn công duy nhất nhằ vào Makiivka, ở miền đông Ukraina. Thông báo gây sốc cho người dân Nga.

Le Monde thì chạy tựa một cách khách quan : « Căn cứ Nga ở Donbass bị Ukraina tấn công ».

Les Echos : Du khách Trung Quốc rón rén trở lại

Ngoài Ukraina, trang nhất các báo đều dành cho các chủ đề xã hội nước Pháp. Riêng Les Echos đã dành nguyên một hồ sơ cho « Sự trở lại dè dặt của du khách Trung Quốc ».

Bị cấm đi du lịch từ 3 năm nay vì dịch Covid, du khách Trung Quốc đã có thể ra nước ngoài trở lại. Tượng trưng cho một thị trường to lớn, họ rất được mong đợi, bất chấp những rủi ro trước mắt về mặt y tế. Các hãng hàng không dự báo một sự hồi phục từ từ của các đường bay nối liền Trung Quốc với Phương Tây.

Le Monde : Khủng hoảng khí hậu biến thành cấp bách

Trang nhất Le Monde thì chú ý đến khả năng : « Khủng hoảng khí hậu biến thành vấn đề cấp thiết ngay vào năm 2023 ». Trong lời chúc đầu năm, Emmanuel Macron đã khiến nhiều nhà khoa học sững sờ khi nói rằng cuộc khủng hoảng khí hậu vào năm 2022 là điều « không thể dự đoán trước ». Phe đối lập đã chỉ trích mạnh mẽ bài phát biểu này và cáo buộc nguyên thủ quốc gia « mất kết nối » và « bỏ bê » sinh thái và khí hậu.

Ngay cả trong phe đa số, một số ngày càng nghi ngờ về tham vọng chống biến đổi khí hậu mà bên hành pháp thể hiện. Cuộc tranh luận này diễn ra khi thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới được đánh dấu bằng sức nóng bất thường ở khắp mọi nơi trên nước Pháp.

Le Figaro : Bất động sản thoái trào

Tựa lớn trang nhất của Le Figaro chú ý đến một vấn đề kinh tế : « Giá bất động sản đang bắt đầu giảm ».

Lãi suất tăng, khả năng tiếp cận tín dụng chặt chẽ hơn và mãi lực giảm đang đè nặng lên thị trường bất động sản, bị giảm sụt lần đầu tiên sau mười năm. Các số liệu vẫn cho thấy mức tăng trong cả năm 2022, nhưng mạng lưới mua bán nhà Century 21 đã ghi nhận sự sụt giảm kể từ tháng Bảy. Nếu không ai nghĩ rằng thị trường sẽ sụp đổ, nhưng xu hướng giảm sẽ kéo dài đến hết năm 2023.

Lãi suất tăng phần lớn giải thích cho tình trạng thị trường bớt khởi sắc : Người đi vay hiện phải trả lãi suất trung bình 2,3% trong vòng 20 năm để trở thành chủ sở hữu nhà, so với mức dưới 1% một năm trước đây. Khả năng tiếp cận tín dụng cũng bị thắt chặt, các ngân hàng ngày càng trở nên kén chọn hơn và cho vay ít hơn.



No comments:

Post a Comment