Jimmy Nguyen Nguyen - Tết Melbournedimanche 22 janvier 2023
Thuymy
Có một thực tế là người Việt ở hải ngoại ngày càng đông hơn. Làn sóng tị nạn từ năm 75 đưa người Việt ra nước ngoài khoảng hai triệu. Không có một thống kê chính thức nhưng tui đoán số người đó bây giờ gấp khoảng 5 lần.
Tính sơ trong bà con nội ngoại tui là đúng như vậy. Số đẻ thêm thì một bằng hai, số bảo lãnh thì hai bằng bốn, bảo lãnh xong thì phải... đẻ. Bốn thành tám. Số đi lao động không kể. Số du học sinh ở lại không kể. Và một số rất đông bên thắng cuộc cũng chọn các nước tư bản để định cư nữa chớ hỏng ai chịu qua Nga hay Tầu mua nhà gì hết.
Kể sơ sơ là bà con thấy rằng số người Việt ở nước ngoài chỉ tăng chớ không giảm. Ta đi mang theo quê hương. Ai cứ ăn Tết Tây, chớ người Việt phải là Tết Ta.
Có mấy thằng cha buồn buồn phân tích hơn thiệt, rồi nói cái Tết của mình nghỉ dài quá, tính ra thiệt hại kinh tế không nhỏ. Mấy chả đếch hiểu rằng kinh tế nó là cái vòng tròn, đồng tiền tiêu chỗ này thì chỗ khác nó đầy thêm. Dân nghỉ ngơi xài tiền thì người buôn bán mới sống được, buôn bán mạnh thì sản xuất tăng rồi cái vòng nó quay quay thì ai cũng hưởng lợi. Bà con ngẫm nghĩ xem nó đúng không.
Còn một điều quan trọng nữa là ngày Tết dùng lịch âm. Xài lịch dương quanh năm nhưng còn mươi ngày trước và sau Tết đều dùng lịch âm. Hôm nay là 30, ngày mai là mùng một, ngày mốt mùng hai... không ai dùng dương lịch mấy ngày này cả. Khi dùng âm lịch, thì ta cảm thấy người sống và người đã mất thật gần gũi. Nên tại sao người ta phải về quê, vì nơi đó còn mồ mả tiền nhân cũng như bàn thờ gia tộc. Hoàn toàn không phải về để hưởng thụ. Truyền thống người Việt là vậy.
Năm nay tui có về Việt Nam định ăn Tết. Song nghĩ lại ông già ... dzợ bên Úc thui thủi một mình, nên chỉ chơi đến 28 Tết thì lo về Úc... đoàn tụ. Ổng khá cao tuổi, mỗi năm mỗi quý. Nhiều bạn còn phải lo cho cha mẹ già, đành chịu ở nhà, nhất là những ngày Tết. Mẹ già như chuối chín cây, gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi. Thông cảm cho những bạn xa nhà, ngày nào không nhớ nhưng ngày Tết là nhớ nhà.
Mấy cha nhạc sĩ cách mệnh, nhạc xuân của mấy chả cứ bác và đảng hoặc đất nước này nọ mà đếch hiểu cái sâu thẳm trong tâm hồn người Việt, ngày Tết là của tổ tiên và gia đình. Đến độ bộ đội cũng phải lấy nhạc của Trịnh Lâm Ngân hát đỡ cho thấm thía nỗi buồn xa nhà : Con biết không về mẹ chờ em trông ... hoặc: Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm... Không cần tự hào hay hãnh diện, người lính lặng lẽ cất cái buồn riêng để hòa mình vào cuộc sống. Nhạc là như thế. Và đời cũng như thế. Ai cứng rắn đến đâu, ngày Tết cũng phải chùng xuống với tình cảm gia đình.
May mắn là ngày Tết năm con meo meo này trùng thứ Bảy và Chủ nhật nên bà con hải ngoại được nghỉ. Nói ra thật tội nghiệp, chớ quanh năm làm lụng, quê nhà nghỉ Tết, muốn điện thoại chúc mừng thì mắc đi làm. Năm nay thoải mái chia sẻ, livestream. Ngày nghỉ nên ăn Tết lớn. Chợ nhộn nhịp. Khách Tây hỏng hiểu tại sao.
Hoa tươi bán chạy nhất. Nhà tui có người già nên phải mua bông... vạn thọ. Vừa lên máy bay tui đã phải điện thoại nhờ đệ tử bên Úc mua giùm. Thật sáng suốt. Hôm nay đi xem không nơi nào còn.
Bên này đốt pháo thoải mái nên không quên mua vài dây pháo. Trái mãng cầu có giá trên trời: 50 đô một ký. Đu đủ và dừa tươi với xoài có thể mua ở shop Tây. Một chị đành bỏ... cầu. Chỉ dzừa đủ xài. Tui nói không cầu đâu có được. Nên chị cũng đành bấm bụng lựa trái nhỏ nhất. Cầu chút chút hihi...
Đi ngang nơi chuyển tiền, người ta xếp hàng dài. Tui chụp tấm hình để bà con thương người xa xứ.
JIMMY NGUYEN NGUYEN 21.01.2023
Libellés : Bài chọn lọc, Bình luận, Hải ngoại, Jimmy Nguyen Nguyen, Tết, Truyền thống, Úc, Văn hóa, Việt kiều, Việt Nam, Xã hội
No comments:
Post a Comment