Thursday, January 9, 2025

Trương Nhân Tuấn - Sự tôn nghiêm của pháp luật
mercredi 8 janvier 2025
Thuymy


Luật lệ hà khắc, "ăn cắp 2 con vịt tù 8 năm", không hề có hiệu quả răn đe. Ăn cắp vẫn "sống khỏe" ở Việt Nam. Phạt nặng vi phạm giao thông kiểu nghị định 168 chưa chắc đem lại ý thức "trọng luật" cho mọi người.

Luật lệ trước hết phải có sự tôn nghiêm.

Đại diện cho pháp luật, nói theo bài vè "Việt Nam yêu cầu ca" nói là của ông Hồ, là "thần linh pháp quyền", tức là "thần Công lý". (Bảy xin hiến pháp ban hành - trăm điều phải có thần linh pháp quyền). Đại diện cho quyền uy pháp luật, đem lại công lý cho xã hội, là thần Thémis.

Thần Thémis là một nữ thần tuyệt đẹp, ngực để trần, bịt mắt, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm cán cân. Bịt mắt để tỏ thái độ độc lập, khách quan, không chọn phe. Tay cầm cán cân biểu thị cho sự công bằng trong phân xử. Tay cầm kiếm biểu hiện cho việc trừng phạt nghiêm minh.

Luật pháp các xứ Tây phương được tôn nghiêm đến mức thần thánh hóa nền công lý và chốn pháp đình. Ở pháp đình người có tư cách diễn giải luật là luật sư. Nhưng người có tư cách nói đúng hay sai, có thẩm quyền quyết định mức độ trừng phạt, có thẩm quyền phê phán hành vi phạm luật hay không phạm luật... là thẩm phán.

Sự tôn nghiêm của pháp đình được thể hiện qua tính "uy nghi và hùng vĩ" của kiến trúc. Trong một đô thị cổ Tây phương, chốn pháp đình luôn có một kiến trúc đồ sộ, hùng vĩ. Mục đích làm cho con người phải kính nể, phải phục tùng pháp luật khi bước vào chốn này. Luật sư bước vào pháp đình (tòa án) phải mặc áo thụng đen. Thẩm phán ngồi trên bục cao, đồng phục áo choàng trắng, cổ đỏ viền đen. Tất cả tượng trưng cho việc phục tùng quyền uy của pháp luật.

Còn người thi hành luật, như cảnh sát giao thông thì sao ?

Cũng như những người lính, đại diện cho quyền lực quốc gia. Đồng phục (lễ phục) của người lính vô cùng đẹp. Lính nhảy dù đội mũ lệch đỏ, quân phục màu rằn ri, chân mang bốt đờ sô, hai tay cầm súng, lưng mang ba lô dù. Bộ binh đội nón sắt, đồng phục xanh lá rừng, chân mang bốt đờ sô, vai đeo súng, lưng mang ba lô.

Lễ phục của lính tuyệt đẹp, đẹp nhứt của những bộ đồ đẹp nhứt. Bởi vì quân lính đại diện cho quyền lực của quốc gia. Nhìn đoàn quân mặc lễ phục đi diễu hành, chân bước đều theo nhịp một, hai, một, hai... thật là oai hùng, mạnh mẽ biết bao nhiêu.

Thì cảnh sát là người thi hành luật, là những người đại diện cho quốc gia để thực thi pháp luật. Họ cũng có đồng phục tuyệt đẹp không kém đồng phục của lính. Mục đích của pháp luật là bảo vệ người dân. Cảnh sát vì vậy có bổn phận bảo vệ người dân và giữ gìn trật tự công cộng.

Thử nhìn cảnh sát các quốc gia. Đừng tìm đâu xa, bên Campuchia là đủ. Đồng phục cảnh sát cũng đẹp và oai hùng không kém lễ phục của bên quân đội. Bên quân đội chỉ mặc lễ phục lúc diễu hành. Nhưng bên cảnh sát luôn mặc lễ phục lúc thi hành phận sự. Quần áo cảnh sát luôn sạch sẽ, thẳng nếp.

Lời nói của cảnh sát luôn nhã nhặn với dân. Vì sự hiện hữu của họ chỉ có mục đích là phục vụ người dân. Cử chỉ, hành vi của cảnh sát không bao giờ thừa. Cảnh sát nghiêm khắc với kẻ gian nhưng cảnh sát tuyệt đối phải hòa nhã với dân. Bởi vì người cảnh sát không chỉ đại diện cho quyền uy pháp lý của một quốc gia mà còn thể hiện sự phục tùng của quyền lực này trước nhân dân.

Cảnh sát Việt Nam thì sao ?

Cá nhân tôi thấy cảnh sát Việt luôn ăn mặc luộm thuộm, tương đồng với mớ "luật rừng" hỗn độn của Việt Nam. Màu đồng phục của cảnh sát Việt Nam phải nói là kém mỹ quan. Lối hành xử của cảnh sát Việt phải nói là vừa trịch thượng vừa phách lối.

Một chiếc xe vi phạm luật lưu thông bị tuýt còi. Cách hành xử của cảnh sát Việt hoàn toàn trái ngược với cảnh sát các nước văn minh. Không nơi nào phải buộc tài xế xuống xe trình giấy tờ cho cảnh sát hết cả. Trên đường giao thông người và xe là một. Người không thể bỏ xe, ngay cả khi chạy phạm luật. Tài xế chỉ xuống xe trong trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng, bị đe dọa đến tính mạng.

Người lái xe phạm luật phải xuống xe rồi xuất trình giấy tờ cho cảnh sát là sai luật. Chiếc xe không người lái đậu bên lề đường là một chướng ngại vật, có thể gây tai nạn cho người lái xe khác. Ai sẽ chịu trách nhiệm, cảnh sát hay tài xế, nếu xe này gây tai nạn trên đường, hay trên cao tốc ? Khi cảnh sát viên buộc người lái xe phải xuống xe trình giấy tờ, hiển nhiên chuyện này đã đe dọa đến sự an toàn giao thông, đến tính mạng của người khác. Ngoài ra thái độ này của cảnh sát viên đi ngược lại sứ mạng phục vụ dân của người cảnh sát.

Tài xế ngồi yên trên xe. Người cảnh sát trước hết phải chào tài xế, sau đó giải thích cho tài xế biết họ phạm luật gì, phải đóng phạt ở mức xxx đồng, và giải thích ở điều nào, luật nào ? Nếu nói về thái độ hành xử của cảnh sát Việt, rõ ràng là thái độ xấc xược của côn đồ đối với nạn nhân, của vua đối với dân đen. Không có cảnh sát Việt Nam nào không tham nhũng. Quốc gia ra sao thì người cảnh sát quốc gia thể hiện ra như vậy.

Pháp luật tôn nghiêm là vì pháp luật có tính độc lập, không thiên vị và công bằng. Pháp luật không loại trừ một ai trong xã hội.  Người thi hành luật cũng phải độc lập, không thiên vị và công bằng. Nhứt là người thi hành luật, khi phạm luật thì sẽ chịu hình phạt nặng hơn bình thường. Vì họ là người đã biết luật mà còn phạm luật.

Luật lệ tôn nghiêm, người thi hành luật đáng được tôn trọng, thì luật lệ mới được dân tuân thủ. Không cần rình rập quay camera coi ai vượt đèn đỏ. Không cần nâng mức phạt lên 6 triệu đồng hay 20 triệu đồng. Chỉ với một mức phạt đúng, với một tập thể nhân viên công lực làm việc tận tâm, thì không ai vượt đèn đỏ nữa.

Hãy hủy bỏ nghị định 168, vì nó trái luật. Thử áp dụng biện pháp "thay máu" toàn bộ nhân viên công lực và cải tổ hệ thống tư pháp, từ chốn pháp đình cho tới người đại diện cho pháp luật. Chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một "quốc gia trọng luật". Việt Nam không phải là không có luật. "Loạn" trong giao thông là vì nhân viên cảnh sát không làm đủ phận sự của họ.

TRƯƠNG NHÂN TUẤN 07.01.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment