Nguyễn Thiện Tống - Viễn cảnh sân bay Long Thành không có vốn để đầu tư xây dựng tiếp
mercredi 8 janvier 2025
Thuymy
Nếu lập báo cáo nghiêm túc và khách quan, thì kết luận là dự án sân bay Long Thành không khả thi về tài chính và về nguồn vốn cả giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Trong Báo cáo nghiên cứu khà thi cho giai đoạn 1, 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành được đề xuất như sau:
Phương án 1 là đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Nhà đầu tư khai thác sân bay đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA.
Phương án 2 là giao ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) trực tiếp đầu tư, khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp bằng vốn doanh nghiệp.
Phương án 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT.
Phân tích kỹ thì cả ba phương án về nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 xây dựng sân bay Long Thành đều không khả thi.
Thực tế cho thấy Dự án sân bay Long Thành được chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 ngày 05/01/2021, khi chưa có đủ nguồn vốn đầu tư. Mãi đến ngày 01/06/2024, gần 3 năm rưỡi sau, các ngân hàng Việt Nam gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1,8 tỉ USD cho dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong sân bay) thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 do ACV làm chủ đầu tư.
Khoản vốn vay bằng ngoại tệ trung dài hạn này được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ dự án, các hạng mục được phép thế chấp (đang có hoặc sẽ hình thành trong tương lai).
ACV cần cho thấy dòng tiền thu chi của sân bay Long Thành từ lúc đầu tư ban đầu đến thời gian hoạt động với năng suất thiết kế 25 triệu hành khách (HK) một năm và đến khi thu hồi được vốn đầu tư để trả nợ tín dụng 1,8 tỉ USD nói trên. Nguồn thu chủ yếu dựa vào sản lượng HK/năm mà không có gì bảo đảm sân bay Long Thành đạt năng suất thiết kế 25 triệu HK/năm của giai đoạn 1 khi đi vào hoạt động đầu năm 2027, mà khả năng rất cao là sân bay Long Thành sẽ không có nhiều khách.
Dựa vào khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (mới nhất) là 4,6 tỉ USD (so với 5,45 tỉ USD trong Nghị quyết 94/2015/QH13), có thể ước tính lại khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ 3 giai đoạn là 15,1 tỉ USD (so với 16,03 tỉ USD trong Nghị quyết 94/2015/QH13), trong đó khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là khoảng 3,5 tỉ USD và khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 3 là khoảng 7 tỉ USD. Như thế cần thêm 10,5 tỉ USD nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của Dự án sân bay Long Thành.
Đó là một nguồn vốn rất lớn mà ACV không thể nào xoay sở vay mượn để có được.
Mặt khác chỉ cần đầu tư thêm khoảng 3 tỉ USD cho “cụm sân bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa” để vừa trở nên hoành tráng vừa bảo đảm năng suất 100 triệu HK/năm đáp ứng nhu cầu hàng không khu vực TPHCM, Miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Đầu tư cho “cụm sân bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa” sẽ có lãi nên nguồn vốn sẽ huy động được từ tư nhân.
NGUYỄN THIỆN TỐNG 05.01.2025
No comments:
Post a Comment