09/01/1978: Harvey Milk trở thành chính trị gia đồng tính công khai đầu tiên của Mỹ
Nguồn: Harvey Milk becomes the first openly gay person elected to public office in California, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
09/01/2025
NghiencuuQT
Vào ngày này năm 1978, Harvey Milk, viên chức công khai đồng tính đầu tiên được bầu trong lịch sử tiểu bang California, đã nhậm chức tại Hội đồng Giám sát San Francisco. Là chính trị gia đồng tính công khai đầu tiên và nổi tiếng nhất tại Mỹ suốt nhiều năm, Milk là một nhà hoạt động lâu năm và là nhà lãnh đạo tiên phong của cộng đồng LGBT tại San Francisco.
Sau khi phục vụ trong Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, Milk đã đảm nhiệm một số công việc văn phòng tại Thành phố New York. Ban đầu, ông là người bảo thủ và chần chừ ủng hộ quyền của người đồng tính, nhưng quan điểm của Milk đã thay đổi vào khoảng thời gian ông và người yêu lúc đó mở một cửa hàng máy ảnh trên Phố Castro, trung tâm của cộng đồng LGBT tại San Francisco, vào năm 1973.
Giống như nhiều chủ doanh nghiệp và công dân của Quận Castro – vốn phần lớn là người đồng tính, Milk đã bị cảnh sát và các viên chức địa phương quấy rối. Nhận ra mong muốn cháy bỏng của cộng đồng là thách thức hiện trạng, ông quyết định ứng cử vào Hội đồng Giám sát thành phố ngay sau khi mở cửa hàng. Dù tỏ ra xa lánh nhiều đảng viên Dân chủ, bao gồm cả những nhà hoạt động đồng tính khác, bằng ngôn ngữ khoa trương và tính cách yêu hòa bình của mình, ông đã dễ dàng giành chiến thắng ở Quận Castro và kết thúc ở vị trí thứ 10 trong số 32 ứng viên. Dù không giành chiến thắng trong cuộc đua, Milk đã khẳng định mình là một diễn giả và nhà tổ chức sự kiện vô cùng hiệu quả. Trong nhiều năm tiếp theo, ông đã hợp tác với các công đoàn và các nhóm thiểu số khác, tạo ra các liên minh đấu tranh cho người dân San Francisco và giáo dục công chúng về hoàn cảnh khó khăn của cộng đồng LGBT. Nhờ những nỗ lực này, cũng như tài năng tự quảng bá, Milk đã sớm được biết đến với cái tên Quận trưởng Quận Castro.
Khi tham vọng chính trị của ông ngày một lớn, Milk quyết định xây dựng hình ảnh chỉn chu hơn, bắt đầu mặc vest và thề sẽ không sử dụng cần sa. Ông kêu gọi ủng hộ giao thông công cộng miễn phí, cho phép công chúng giám sát cảnh sát, và các mục đích chính trị khác ở cấp đường phố. Tuy nhiên, Milk và sự trỗi dậy của Castro cũng trùng hợp với sự trỗi dậy của những nhân vật phản động chống người đồng tính như Anita Bryant. Milk hiểu rõ cả sức mạnh và mối nguy hiểm từ vị trí của mình với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của cộng đồng người đồng tính lớn nhất nước Mỹ. Lo sợ bị ám sát, ông đã ghi lại những suy nghĩ của mình, bao gồm một lời tiên tri đau buồn: “Nếu một viên đạn găm vào đầu tôi, hãy để viên đạn đó phá hủy mọi cánh cửa kín[1].”
Cuối cùng, vào năm 1977, Milk được bầu vào Hội đồng Giám sát để đại diện cho Quận Castro mà ông yêu quý. Hành động đầu tiên của ông là đưa ra một dự luật cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục, được Thị trưởng George Moscone ký thành luật bằng cây bút mà chính Milk đã tặng ông. Vào ngày kỷ niệm chín năm của Bạo loạn Stonewall, ngay sau khi bạn đời của ông tự tử và trước sự phản ứng dữ dội của phe bảo thủ trên khắp đất nước, Milk đã phát biểu tại cuộc diễu hành tự hào đồng tính của San Francisco, bắt đầu bằng câu cửa miệng quen thuộc “Tên tôi là Harvey Milk và tôi ở đây để thuyết phục bạn” và kết thúc bằng thông điệp tôi “hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, hy vọng về một nơi tốt đẹp hơn để đến nếu áp lực ở quê nhà quá lớn.”
Tháng 11 năm sau, 75% cử tri California đã bác bỏ một cuộc trưng cầu dân ý cho phép các trường sa thải giáo viên vì là người đồng tính. Kết quả này đại diện cho sự phản đối của California đối với chiến dịch “giá trị gia đình” của Bryant, nhưng chiến thắng của cộng đồng LGBT không kéo dài được lâu. Vào ngày 27/11, Milk và Moscone đã bị ám sát tại Tòa thị chính bởi Dan White, một cựu giám sát viên bất mãn, người duy nhất bỏ phiếu chống lại dự luật dân quyền của Milk. Mọi người đã bày tỏ lòng thương tiếc, và bạo loạn nổ ra khắp San Francisco sau tin tức về vụ ám sát và việc White bị kết tội ngộ sát thay vì giết người.
Một quảng trường ở Castro và Cửa Số Một của Sân bay Quốc tế San Francisco đã được đổi tên để vinh danh Milk. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã truy tặng Milk Huân chương Tự do của Tổng thống, và California đã tuyên bố ngày sinh của ông, ngày 22/05, là Ngày Harvey Milk. Vào dịp kỷ niệm 50 năm Bạo loạn Stonewall năm 2019, Milk là người đầu tiên được ghi danh vào Bức tường Danh dự LGBTQ Quốc gia.
——————
[1] Nguyên văn: “closet door” – hình ảnh mô tả việc người đồng tính phải giữ bí mật xu hướng tính dục của bản thân, vì điều đó bị cho là đáng xấu hổ.
No comments:
Post a Comment