Tuesday, January 24, 2023

Trần Hoài Thư và ước nguyện phục hồi văn chương Miền Nam Việt Nam
Hà Vũ
24/01/2023
VOA


Trần Hoài Thư vẫn miệt mài với khát khao bảo tồn văn học miền Nam trước 1975

Nhà văn, nhà thơ, người lính thám báo Việt Nam Cộng hòa Trần Quý Sách với bút danh Trần Hoài Thư lâu nay nổi tiếng với những nỗ lực phi thường trong việc vực dậy di sản văn chương Miền Nam. Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam hải ngoại và ngay cả các nhà nghiên cứu trong nước đã viết về công trình dày công của Trần Hoài Thư.

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Thúy, bút danh Ban Mai, giảng viên về Khoa Học Công Nghệ và Hợp tác Quốc Tế tại Đại Học Qui Nhơn với bài “Níu một đời, giữ một thời”, do nhà văn Phạm Tín An Ninh giới thiệu trên trang mạng của ông, mô tả bộ sưu tập văn Miền Nam của Trần Hoài Thư là một kỳ công vì chỉ một mình ông làm hết mọi việc.

Viết tại Leipzig trên Sài Môn Thi Đàn (saimonthidan.com), nhà văn Đỗ Trường gọi Trần Hoài Thư là ‘người ngồi vá lại những linh hồn’ và diễn giải chi tiết rằng: “Trần Hoài Thư không chỉ đang ngồi vá lại linh hồn mình, đồng đội mình, mà còn đang nhặt nhạnh những linh hồn văn hóa Việt rách nát, vương vãi đâu đó, rồi cặm cụi khâu lại nữa kìa”.

Trần Hoài Thư tên khai sanh là Trần Quý Sách, sinh năm 1942, tại Đà Lạt. Thủa nhỏ xa cha nên có thời gian cực khổ quá, mẹ ông phải gởi ông vào cô nhi viện Hòn Chồng Bethlehem, Nha Trang. Mãi đến khi cha ông trở lại, ông mới được ăn học đàng hoàng. Ông không biết tại sao cha ông đặt tên cho ông là Trần Quý Sách, một cái tên định mệnh ám vào ông suốt cả cuộc đời trong khi cha ông chỉ muốn ông trở thành kỹ sư, bác sĩ chứ không phải là nhà thơ, nhà văn. Hơn nữa, ông học ban B vì giỏi toán và đậu chứng chỉ Toán Lý Hóa (MPC) Đại học Khoa học Sài Gòn trước 1975. Thế mà ông lại mê văn chương và, theo lời ông kể, khi cô hiệu trưởng giảng về những tác phẩm của nhà văn Nhất Linh thì ông mê lắm. Đến khi cô hỏi lớn lên muốn làm gì thì ông đã trả lời là ông rất thích những nhân vật của Nhất Linh. Cô bảo: “Vậy thì sau này em sẽ là thi sĩ.”

“Truyện ngắn đầu tiên của tôi trên Bách Khoa là ‘Nước mắt tuổi thơ’ lấy tên là Trần Quý Sách, sau đó trên tờ báo sinh viên Huế cũng lấy tên là Trần Quý Sách. Người ta biết nên nói với ông già. Ông già tôi ổng nói là tôi phải đi học, không được viết văn làm thơ, phải ra kỹ sư, bác sĩ này nọ chớ không được văn chương lãng mạn. Ông già tôi không thích, không muốn tôi trở thành nhà văn. Ông la nên tôi mới đổi thành Trần Hoài Thư.”

Giải thích về lý do cùng ba người bạn là Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch và Cao vị Khanh lập ra Thư Ấn Quán, một cơ sở xuất bản, và Thư Quán Bản Thảo, một tạp chí văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Hoài Thư bộc bạch với VOA Việt ngữ:

“Tôi đăng truyện ngắn rất là nhiều trước năm 1975, hàng trăm truyện ngắn như vậy, nếu không tìm ra lại được thì uổng đi. Mình cũng biết rằng Cornell có nhiều sách vở báo chí. Từ đó mình nảy ra ý niệm rằng nếu như mình không làm cái này đưa ra cho anh em bạn bè cũng như mình thì uổng đi. Lúc đó thì cực lắm vì từ nhà đi Cornell năm tiếng đồng hồ một lần đi và thêm năm tiếng lần về. Mình khởi hành 4 giờ sáng, trời tuyết giá, đường đèo đường núi, có khi tai nạn. Cám ơn bà xã, khuyến khích mình, ngồi bên cạnh và lái giúp mình.”

Biết hoàn cảnh thân một mình và sức khỏe ngày càng yếu của Trần Hoài Thư sau cơn đột quị, chứng thấp khớp và ung thư hạch nên thư viện Cornell đã gởi các tạp chí đến nhà cho ông mượn, thay vì ông phải đến thư viện nhà trường mượn như trước đây. Hiện Thư viện Đại học Cornell đã gởi cho Trần Hoài Thư toàn bộ tạp chí Phổ Thông do nhà văn Nguyễn Vỹ chủ trương và đang được Trần Hoài Thư lần lượt đưa lên trang mạng tranhoaithu42.com cũng như các ấn phẩm khác.

Để làm được việc này, Trần Hoài Thư bỏ ra rất nhiều công sức. Nhờ thành thạo về computer, với bằng Cao học Toán Ứng dụng và từng làm Project Leader cho công ty IBM trước khi về hưu, Trần Hoài Thư đã cải biến máy scan cũ mua được từ một công ty bị phá sản để scan cho nhanh hơn, sửa lại các trang sách cho sáng hơn, đẹp hơn và dùng kỹ thuật flipbook để người đọc online có thể lật từng trang sách hay tạp chí như đang cầm trong tay một cuốn sách thật và có âm nhạc kèm theo để đỡ chán.

Có nhiều tác phẩm ngay cả Trần Hoài Thư cũng không biết nhưng có người đọc được, giới thiệu nên ông đến các thư viện tìm cho bằng được và đưa lên mạng. Nếu là sách thì ông phải liên lạc với tác giả xin phép để in ấn. Các công trình sưu tập của ông đều được ông gởi tặng miễn phí nếu có yêu cầu, trừ những cuốn sách dày, in ấn tốn kém và tốn nhiều công sức.

Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến đã biến tổ ấm của hai vợ chồng, một căn nhà nhỏ ở Plainfield, New Jersey, thành một nhà in tuy thô sơ nhưng vẫn có thể in ấn, đóng bìa, dán gáy tạo ra những cuốn sách và giai phẩm Thư Quán Bản thảo. Việc in sách cực nhất là đánh máy nhưng nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, thân hữu, độc giả, người hâm mộ, nên mọi việc cũng xong xuôi.

Trong giai phẩm mới nhất số 103, tháng 1 năm 2023, của Thư Quán Bản Thảo, Trần Hoài Thư mô tả những lần đi hóa trị (chemo) để tiêu diệt tế bào ung thư như những trận đánh ác liệt của người lính thám báo năm xưa tại các mật khu của cộng quân. Ông làm thơ tự an ủi mình:

“Một chiếc võng, một chỗ nằm

Tôi ru tôi qua những đầm những truông

Bốn mùa hoan lạc tai ương

Ung thư đột quị tạp pí lù mỏi mê

Chừ tôi chuẩn bị đi về

Không có võng lấy gì à ơi..”

Điều mà hai vợ chồng Trần Hoài Thư-Nguyễn Ngọc Yến mong muốn nhất là có người gọi đến xin sách vở, tạp chí. Ông không muốn công sức của ông và các bạn trong công cuộc vực dậy di sản văn chương Việt Nam, những đứa con tinh thần của một nền văn học khai phóng nhân bản, bị chìm vào quên lãng.

Trần Hoài Thư cho biết mỗi lần có người hỏi xin sách là hai vợ chồng vui lắm, nhất là Ngọc Yến. Công việc của Trần Hoài Thư dù sao cũng được nhiều người biết đến. Mới đây, một sinh viên tên TT ở Đài Loan đã gởi lời cám ơn ông sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào ngày 3/12/2022 nhờ tư liệu Trần Hoài Thư sưu tầm trên tạp chí Văn học về nhà văn Đài Loan Quỳnh Giao.

Tổ ấm của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến giờ đây vắng vẻ chỉ còn một mình Trần Hoài Thư vì Nguyễn Ngọc Yến vĩnh viễn là cư dân trong một viện dưỡng lão, không biết buồn, không biết vui, không biết nhớ. Nhà tuy vắng vẻ nhưng tràn ngập ánh đèn, rộn ràng tiếng đánh máy, tiếng lật sách để scan, tiếng máy cắt xén để cho ra một tạp chí, một cuốn sách, chứng tích của một nền văn hóa nhân bản, tự do mà ‘bên thắng cuộc’ gọi là ‘văn hóa đồi trụy, phản động.’

No comments:

Post a Comment