Ông Phúc rớt đài là do vợ và người thân dính đến vụ Việt Á?23/01/2023
VOA
Ông Phúc được cho là người có công trong giai đoạn kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt
Cú rớt đài của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – vốn buộc phải từ chức do có cáo buộc vợ và người thân của ông dính đến vụ tham nhũng nổi cộm – đã khởi động những vòng đua tranh chính trị mới, khi Đảng Cộng sản cân nhắc xem ai sẽ trở thành chủ tịch nước kế tiếp theo, các nguồn tin và các nhà phân tích nói với kênh Channel News Asia của Singapore.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm, 65 tuổi, là ứng cử viên nổi bật vào lúc này, các nguồn tin chính phủ cho biết và nói thêm rằng quá trình lựa chọn chính trị ở quốc gia cộng sản này thường bí ẩn và bất định cho đến phút chót.
Các nguồn tin đã yêu cầu được giấu tên do sự nhạy cảm khi nói về giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam hôm 18/1 đã chấp thuận cho ông Phúc từ nhiệm, một ngày sau khi ông đệ đơn xin thôi chức trong lúc những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng tăng cường đàn áp tham nhũng.
Động thái này của Quốc hội chỉ là sự phê chuẩn mang tính hình thức cho điều đã được Trung ương đảng quyết định để kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Phúc.
“Tôi nghĩ lý do chính là vợ và một số người nhà của ông Phúc bị cáo buộc dính đến một số vụ án tham nhũng,” Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho biết.
Bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc và thân nhân của ông bà được cho là nằm trong vụ tai tiếng lừa đảo về bộ xét nghiệm COVID-19 có quy mô 170 triệu đô la Mỹ.
“Trong các thông báo chính thức, Đảng không đề cập đến những chuyện tham nhũng này vì tôi nghĩ họ muốn giữ thể diện cho ông Phúc và cũng để bảo vệ tiếng thơm và hình ảnh của Đảng trước công chúng,” ông Hiệp phát biểu trong chương trình ‘Asia Tonight’ của kênh CNA.
“Họ không muốn người dân tin hoặc nghĩ rằng ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng tham nhũng.”
Trong những ngày đầu của đại dịch hồi tháng 3 năm 2020, Việt Nam đã công bố bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 đầu tiên được sản xuất trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Với số tiền 800.000 đô la được cấp từ ngân sách nhà nước, dự án hợp tác giữa Học viện Quân y và công ty tư nhân Việt Á được cho là sẽ sản xuất bộ xét nghiệm rẻ hơn, theo các nhà nghiên cứu của dự án.
Tuy nhiên, theo điều tra, dự án này hóa ra là một trong những vụ lường gạt lớn nhất lịch sử Việt Nam.
Trước khi vụ việc được phát hiện, hàng triệu bộ xét nghiệm gian dối đã được bán với giá cao cho các trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở 62 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước, công an cho biết.
Nhà chức trách nói rằng vụ lường gạt này sở dĩ xảy ra được là do hối lộ các quan chức để được họ hậu thuẫn.
Đây là một trong những vụ án tham nhũng nổi cộm nhất ở Việt Nam khiến cho Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khi đó là ông Chu Ngọc Anh bị mất chức và bị bắt giữ.
Vụ này nằm trong số nhiều vụ án hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt ở Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.
Một vụ bê bối khác gây chấn động đất nước và vụ các chuyến bay giải cứu để hồi hương công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài trong lúc dịch.
Tất cả những vụ việc này xảy ra khi ông Phúc còn nắm quyền thủ tướng cho đến tháng 4 năm 2021, khi ông được bầu làm chủ tịch nước.
Mặc dù triệt tiêu tham nhũng là ưu tiên của giới lãnh đạo Việt Nam trong nhiều năm, nhưng sự chú ý đã tập trung nhiều vào nạn tham nhũng trong đại dịch kể từ năm ngoái.
Điều này là do không giống các vụ án tham nhũng khác, vụ bê bối bộ xét nghiệm đã khiến công chúng quan tâm và phẫn nộ vào lúc cuộc sống của người dân bị đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng, giáo sư Carlyle Thayer nói với CNA.
“Vụ tham nhũng COVID thực sự quá đáng giận. Nó ảnh hưởng đến người dân, những người thực sự bị sốc và phẫn nộ khi biết rằng các quan chức trục lợi trên nỗi khổ của người dân,” ông Thayer, giáo sư danh dự từ Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học New South Wales, Úc, cho biết.
Các cuộc điều tra và trấn áp sau đó đã dẫn đến con số chưa từng có các quan chức chính phủ bị loại bỏ, bao gồm hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng. Hơn 130 quan chức, nhà ngoại giao và doanh nhân đã bị bắt.
Ông Phúc, nhà lãnh đạo cao nhất bị nhắm đến trong cuộc điều tra, đã phải chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai phạm của nhiều quan chức trong số này, chính phủ cho biết.
Ông Trọng, người được bầu lại vào nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi hồi năm 2021, đang đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng vốn đã đưa đến những biến động trong nền chính trị Việt Nam.
“Trước đây, chính quyền Việt Nam truy lùng những người phạm tội tham nhũng. Giờ đây họ mở rộng tới những người tiếp tay hay khuyến khích tham nhũng. Và những mạng lưới này đang bị phanh phui,” ông Thayer nói.
“Đảng đang nghĩ cách chống tham nhũng hiệu quả hơn. Một trong những cách làm là bắt các quan chức phải chịu hậu quả không chỉ về việc họ làm, mà cả những gì người thân và thuộc cấp của họ làm,” Tiến sĩ Hiệp nói.
Các cuộc thanh trừng mới đây đã để lại những chiếc ghế trống trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất.
Sự thay máu chính trị được cho là sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ trở nên hướng nội hơn khi trong các quan hệ quốc tế, các nhà phân tích cho biết.
Ông Phúc, cùng với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng và là cựu bộ trưởng ngoại giao, đều là những gương mặt quen thuộc đối với các lãnh đạo nước ngoài. Các bộ trưởng mới lên thay có rất ít kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại, Giáo sư Thayer nói.
Dưới nhiệm kỳ thủ tướng của ông Phúc, Việt Nam đã có tăng trưởng kinh tế trung bình 6% một năm và ký được một số thỏa thuận thương mại tự do cho Việt Nam. Ông được nhiều người ghi nhận là đã đẩy nhanh các cải cách có lợi cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp và nhà phân tích có cảm nhận trái ngược về việc liệu môi trường chính trị bất trắc ở Việt Nam có cản trở đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế hay không.
“Cho đến nay chính quyền Việt Nam đã làm việc này một cách rất có tính toán và có phối hợp để kiểm soát các tác động,” Tiến sĩ Hiệp nói về nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam.
“Có những vấn đề trước mắt. Nhưng họ có thể trả cái giá ngắn hạn này để đạt được mục tiêu về lâu dài, đó là kiểm soát tham nhũng và cải thiện tính minh bạch trong chính phủ và cả trên thị trường,” ông nói thêm.
Giáo sư Thayer nói rằng với việc nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ - tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã vượt qua các mục tiêu chính thức và tăng trưởng 8% hồi năm ngoái - tác động tiêu cực của việc thay máu lãnh đạo đối với nền kinh tế của đất nước có thể sẽ không nhiều.
No comments:
Post a Comment