Tuesday, January 24, 2023

Trọng Thành
Đăng ngày: 23/01/2023 – 15:20
RFI
24/01/2023

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại một cuộc tập trận của Quân đội Đài Loan năm 2020. © Wikimedia

Ít năm gần đây, dồn dập dự báo về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan trong thời gian sắp tới. Tư lệnh Hải Quân Mỹ Mike Gilday, tháng 10/2022, cảnh báo Trung Quốc có thể đánh Đài Loan ‘‘trước 2024’’.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có cách nhìn trái ngược. RFI giới thiệu quan điểm của giáo sư Hemant Adlakha, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Ấn Độ, trong bài ‘‘10 lý do khiến Trung Quốc không thể sớm tấn công Đài Loan’’ trên trang mạng Nhật The Diplomat, chuyên về chính trị quốc tế.

Chuyên gia Ấn Độ Hemant Adlakha, trong bài viết ngày 20/01/2023, đã so sánh trước hết các phát biểu đằng đằng sát khí của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình với phát ngôn của các thành viên khác trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Trong bài diễn văn trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, tháng 10/2022, ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định việc Trung Quốc sẽ “không từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để thống nhất Đài Loan. Ông Tập tuyên bố chắc nịch “việc thống nhất hoàn toàn đất nước của chúng ta phải được thực hiện, và điều đó chắc chắn sẽ được thực hiện’’. Phát biểu của lãnh đạo tối cao đã được 2.300 đại biểu hoan hô nhiệt liệt.

Tuy nhiên, bảy tháng trước đó, vào tháng 3/2022, trong kỳ họp Quốc Hội hàng năm, trong báo cáo của chính phủ, do thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày, và trong báo cáo của chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, ông Uông Dương, vấn đề Đài Loan, bao gồm cả mục tiêu thống nhất, đã bị hạ thấp một cách đáng ngạc nhiên. Vấn đề Đài Loan chỉ được đề cập một cách ngắn gọn trong chủ đề “chính sách một Trung Quốc”.

Cuộc họp Quốc Hội Trung Quốc thường niên diễn ra chỉ ít ngày sau khi quân đội Nga xâm lược Ukraina (ngày 24/02/2022). Vào thời điểm đó, giới quan sát trên toàn cầu bắt đầu thảo luận về việc liệu Đài Loan có thể là một Ukraina tiếp theo, liệu Bắc Kinh có theo bước Matxcơva. Chuyên gia Hemant Adlakha ghi nhận là hầu hết giới phân tích chuyên về Đài Loan đã ‘‘thực tế’’ khi phân tích quan điểm của giới cầm quyền Trung Quốc, tách biệt hai trường hợp Ukraina và Đài Loan.

Quan điểm của Hamada Koichi và Đặng Duật Văn

Về vấn đề này, chuyên gia Ấn Độ dẫn ra quan điểm của hai học giả nổi tiếng. Thứ nhất là quan điểm của giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế, ông Hamada Koichi, từng là cố vấn đặc biệt cho cố thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản. Vị chuyên gia này từng nhận định, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhận thức rõ là việc chinh phục Đài Loan bằng vũ lực rất nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Theo chuyên gia Hamada Koichi, ‘‘vào thời điểm Trung Quốc đang chịu áp lực nghiêm trọng về kinh tế và tăng trưởng đang chậm lại rất mạnh, đây là lựa chọn bất đắc dĩ’’ với đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Một ý kiến khác được dẫn ra là của nhà nghiên cứu Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), vốn là thành viên của Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc/China Strategic Analysis Center (một viện nghiên cứu độc lập tại Trung Quốc có uy tín). Đó là thay vì phát động một cuộc xâm lăng, “Trung Quốc sẽ chọn gây áp lực lên Đài Loan bằng cách sử dụng phối hợp nhiều phương pháp để thúc đẩy việc thống nhất… Quốc gia này có thể sẽ tung ra nhiều chính sách ưu đãi hơn và cố gắng khởi xướng thảo luận về khuôn khổ ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’ với các đảng cầm quyền và đối lập của Đài Loan.” Ông Đặng Duật Văn, được coi là một nhà phản biện nổi tiếng tại Trung Quốc, từng làm phó tổng biên tập của ‘‘Học Tập Thời Báo’’, một tạp chí của Trường Đảng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, và là học giả thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham, Anh Quốc.

Tóm lại, theo vị chuyên gia Ấn Độ, không thể phủ nhận mục tiêu thống nhất Đài Loan với Trung Hoa đại lục là một phần không thể thiếu trong mục tiêu “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ quyết định xâm lăng Đài Loan ngay bây giờ. Chính quyền Tập Cận Bình đã nhiều lần đe dọa thống nhất Đài Loan, thậm chí bằng vũ lực nếu cần, nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ sớm xâm lược Đài Loan.

‘‘Bài học Ukraina’’ và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Đâu là lý do khiến Bắc Kinh khó xâm lược Đài Loan trong thời gian trước mắt ? Nhà nghiên cứu Ấn Độ liệt kê ra 10 lý do chính. Hai vấn đề mà chuyên gia Ấn Độ Hemant Adlakha nêu lên hàng đầu là mặt quân sự và mặt kinh tế. Về mặt quân sự, cuộc kháng chiến của Ukraina chống xâm lược Nga cho thấy giờ đây một quốc gia nhỏ bé không dễ dàng khuất phục trước một cường quốc. Cuộc chiến ở Ukraina diễn ra từ gần một năm nay cho thấy Ukraina có thể tự đứng vững, cho dù có nền kinh tế nước này có GDP nhỏ hơn nhiều, và quân đội yếu hơn Nga.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Tiềm năng xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ đang hẹp dần, có một cuộc khủng hoảng thực sự về bất động sản ở Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế lần lượt là 1,7% và 2,7%. Với bên ngoài, Trung Quốc phải đối mặt với các áp lực ngày càng lớn của Mỹ về mặt kinh tế, còn ở trong nước, nền kinh tế đang ở trong thời kỳ giảm tốc mạnh do đại dịch Covid. Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn mở cửa đầy bất trắc sau khi đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid khắc nghiệt. Việc tiến hành một cuộc can thiệp quân sự, với các chi phí khổng lồ sẽ là một quyết định liều lĩnh.

5 lý do quân sự khiến Bắc Kinh đau đầu

Riêng về mặt quân sự, chuyên gia Ấn Độ nhấn mạnh thêm 5 lý do cụ thể khác khiến chính quyền Tập Cận Bình rất khó mạo hiểm tấn công Đài Loan. Thứ nhất là sự khác biệt về tiềm lực quân sự và địa hình của Đài Loan, khiến Đài Loan trở thành mục tiêu khó chinh phục gấp bội so với Ukraina. Đài Loan được ‘trang bị vũ khí tận răng’’. Và khác với Ukraina, một xứ sở bình nguyên, Đài Loan là một đất nước hơn 100 hòn đảo. Địa hình với núi đá granit của Đài Loan cho phép bố trí các đường hầm và hệ thống boong-ke phòng thủ vững chắc. 

Về mặt hỗ trợ quân sự quốc tế, Đài Loan có thể trông cậy được ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, cả Úc, Ấn Độ, và thậm chí các đối tác châu Âu.  Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” với Đài Loan, tức không khẳng định có trực tiếp bảo vệ Đài Loan bằng quân sự hay không. Tuy nhiên, tổng thống Joe Biden đã nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Ngày càng có nhiều khả năng Washington không để Bắc Kinh rảnh tay trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào chống Đài Loan.

Về phía Nhật Bản cũng tương tự. Chính phủ của thủ tướng Kishida tiếp tục phát triển đường lối của cố thủ tướng Abe, khi ông Abe khẳng định, ‘‘một tình huống bất ngờ với Đài Loan cũng là một tình huống bất ngờ với Nhật Bản.” Chính quyền Nhật đang thúc đẩy chính sách phòng thủ cứng rắn hơn tại khu vực để đối phó với khả năng xảy ra sự cố bất ngờ với Đài Loan.

Việc các liên minh Quad và AUKUS, coi Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu trong ‘‘cơ chế phòng thủ khu vực’’, có thể khiến Trung Quốc sẽ phải đối đầu với cả Úc và Ấn Độ, nếu mạo hiểm xâm lăng Đài Loan. Sự đoàn kết của Liên Âu và phương Tây nói chung đối với Ukraina là một thách thức lớn với Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Sự đoàn kết của châu Âu với Đài Loan sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá lớn.

Rối ren nội bộ và nỗi lo khối ASEAN trở thành thù địch

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Ấn Độ cho biết thêm hai lý do quan trọng khác buộc lãnh đạo tối cao Trung Quốc phải hết sức thận trọng khi quyết định dùng vũ lực chống Đài Loan. Thứ nhất là vấn đề chính trị đối nội và thứ hai là quan hệ với khối ASEAN.

Về chính trị đối nội, theo ông Hemant Adlakha, mục tiêu củng cố quyền lực trong đảng của Tập Cận Bình còn lâu mới đạt được,  cho dù ông Tập Cận Bình đã dùng chính sách Zero-Covid siết chặt kiểm soát hệ thống trong 3 trong số 5 năm của nhiệm kỳ nắm quyền vừa qua. Việc tổng thống Nga Putin phải trả giá đắt về chính trị cho cuộc chiến ở Ukraina là tấm gương đối với lãnh đạo Trung Quốc. Khối ASEAN đang trở thành đối tác thương mại số một của Trung Quốc với tổng trao đổi thương mại lên đến một nghìn tỷ đô la trong vài năm tới. Các nước Đông Nam Á đang ngày càng cảnh giác với Trung Quốc. Việc mạo hiểm tấn công Đài Loan có thể buộc các nước Đông Nam Á coi Trung Quốc là kẻ thù.

Mục tiêu thống nhất trước 2049 thực tế hơn

Tóm lại, theo chuyên gia Ấn Độ, lãnh đạo tối cao Trung Quốc từng khẳng định mong muốn thống nhất Đài Loan ‘‘ngay trong nhiệm kỳ của mình’’, và mục tiêu thống nhất Đài Loan của ông Tập cũng không khác với tất cả các lãnh đạo tiền nhiệm, từ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, nhưng ắt hẳn cũng như các lãnh đạo tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với thực trạng, đó là các điều kiện cho thống nhất không hội đủ.

Chuyên gia Ấn Độ cho rằng, mục tiêu khả thi hơn cả đã được chính lãnh đạo tối cao Trung Quốc đề ra hồi năm 2019, khi ông Tập Cận Bình tuyên bố trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm “Thông điệp gửi đồng bào ở Đài Loan”. Đó là tình hình chia cắt hai bờ eo biển cần được giải quyết vào thời điểm Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kỷ niệm 100 năm thành lập. Tức là vào năm 2049.

No comments:

Post a Comment