VNTB – Gửi 270.000 tỷ tại ngân hàng thương mại kiếm lời để làm gì?
Hàn Lam
28.12.2022 4:13
VNThoibao
(VNTB) – “Chúng tôi thực hiện đúng quy định của Nhà nước là gửi tại một số ngân hàng an toàn hoạt động hiệu quả.”
Kho bạc Nhà nước đã gửi khoảng 270.000 tỷ đồng được gửi tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) kỳ hạn 1-3 tháng với lãi suất khoảng 6% một năm.
Phần còn lại 700.000 tỷ đồng là gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.
Kho bạc Nhà nước cũng đã mở tài khoản chuyên thu và kết nối thanh toán với 15 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, DongABank, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, OCB, MSB, TPBank, LienVietPostBank, HDBank.
Trước đó, có thông tin khoản tiền kể trên là vốn đầu tư công chậm giải ngân đang “mắc kẹt” tại các ngân hàng thương mại.
Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) cho biết đây là tiền tồn quỹ ngân sách trung ương, các tỉnh, huyện và hơn 100.000 số dư tài khoản… Trong đó, số dư tồn quỹ địa phương là lớn nhất, còn số dư tồn quỹ Nhà nước không lớn.
Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết ngoài số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước thì số tiền còn lại của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. “Chúng tôi thực hiện đúng quy định của Nhà nước là gửi tại một số ngân hàng an toàn hoạt động hiệu quả”, bà Huệ nhấn mạnh.
Tính đến hết ngày 20-12-2022, lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong cân đối đạt 1,7 triệu tỷ đồng, bằng 122,37% so với dự toán năm 2022 được giao. Đối với chi thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát hơn 895.000 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Với chi đầu tư, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là hơn 403.160 tỷ đồng, bằng khoảng 68% kế hoạch vốn. Trong đó, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện hơn 90.900 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định và từ chối thanh toán 934 khoản, tương đương 60 tỷ đồng.
Cũng liên quan việc gửi ngân hàng thương mại để kiếm lời, hồi tháng 11-2022, có tin khoảng 900.000 tỷ đồng vốn ngân sách do chậm giải ngân đang “nằm yên” ở 4 ngân hàng thương mại lớn, và với việc này cho thấy đang cần cho phép các ngân hàng cho vay ra khoảng 300.000 tỷ vốn lưu động cho các doanh nghiệp.
“Chỉ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại thôi chưa đủ bởi khủng hoảng đã lan rộng, hàng loạt doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Trên nền tảng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, phải tăng room tín dụng để hỗ trợ thanh khoản của nền kinh tế. Không nên lấy lý do kìm lạm phát để siết tín dụng bởi lạm phát của Việt Nam hiện mới có 3%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi lãi suất cho vay lên tới 12% là không hợp lý. Các nước, dù lạm phát lên tới 10% cũng phải duy trì lãi suất cho vay chỉ 3% để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Hai động thái này phải làm cùng lúc. Bơm tiền mà không tăng room hoặc ngược lại, tăng room mà không bơm tiền thì cũng không có ý nghĩa gì. Cứ tăng room mà không bơm tiền thì các ngân hàng thương mại sẽ huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn để thực hiện room đó, như vậy lãi suất sẽ càng tăng vọt”, ông Lê Xuân Nghĩa, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ý kiến.
Bàn luận về vấn đề trên, ông Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia về tài chính, cho rằng, một khi ngân sách chưa tiêu hết, gửi tại ngân hàng “nhưng Bộ Tài chính là cơ quan tay hòm chìa khóa nên buộc phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn theo đúng kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước.
Chúng ta đang phải huy động từ trái phiếu Chính phủ để đáp ứng yêu cầu nguồn chi. Huy động đó là theo kế hoạch và để tiền cho đầu tư công luôn sẵn sàng. Nếu không huy động sẵn, khi doanh nghiệp hoàn thành khối lượng công việc, Nhà nước không giải ngân kịp thời sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Đó là điều không thể chấp nhận trong làm chính sách tài khoá” – ông Thịnh kết luận.
No comments:
Post a Comment