Monday, December 26, 2022

Du lịch Việt Nam phục hồi chậm: Một phần là do chính sách visa

Du lịch Việt Nam phục hồi chậm:
Một phần là do chính sách visa
Thanh Phương
Đăng ngày: 26/12/2022 - 07:55
RFI

Du khách ngoại quốc đã được đến thăm đảo Phú Quốc của Việt Nam ngay từ tháng 11/2020. Ảnh chụp tại sân bay Phú Quốc ngày 20/11/2020. AP

Việt Nam đã là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau mùa dịch Covid-19, thế nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong vùng. Theo trang VisaGuide.World ngày 20/12/2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Singapore, Malaysia hay Cam Bốt đạt tỷ lệ từ 26 đến 31%.

Việt Nam đã mở lại các biên giới từ ngày 15/03, đồng thời đã bãi bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến phòng chống Covid, thế mà con số du khách nước ngoài trong 11 tháng đầu năm nay chỉ đạt được 2,95 triệu, so với con số 18 triệu vào thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Năm nay, theo dự báo, Việt Nam sẽ chỉ đón tiếp tổng cộng khoảng 3,5 triệu du khách quốc tế, trong khi chỉ tiêu mà chính phủ Hà Nội đề ra là 5 triệu khách. Nói chung là trong năm 2022, Việt Nam đã không thể tranh thủ được lợi thế của quốc gia mở cửa lại sớm nhất. 

Tác động Covdid, Ukraina

Một trong những nguyên nhân đó là Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách phòng chống Covid rất khắt khe, công dân nước này chưa thể ra nước ngoài du lịch, trong khi đây là một trong nguồn du khách quốc tế chủ yếu của Việt Nam. Khách du lịch từ Nga, một nguồn khách quan trọng khác, cũng vẫn còn vắng bóng do tình hình chiến tranh Ukraina. 

Tình hình này được thấy rõ tại những nơi như thành phố Nha Trang trong những ngày đầu tháng 12, do vẫn vắng khách Trung Quốc và Nga, nhiều khách sạn phải tạm đóng cửa, còn những khách sạn vẫn mở cửa thì tỷ lệ phòng được sử dụng vẫn rất thấp. Đa số các khách sạn đều giảm giá phòng để cố thu hút thêm khách. Chợ đêm Nha Trang, vốn chủ yếu phục vụ cho du khách quốc tế, thì vẫn thưa thớt người qua lại.

Ở những nơi khác như Vịnh Hạ Long, theo các quan chức ngành du lịch địa phương được trang Nikkei Asia trích dẫn ngày 18/12, lượng du khách ngoại quốc đến tham quan thắng cảnh nổi tiếng này chỉ bằng khoảng phân nữa so với trước khi có dịch Covid. Mặc dù Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, nhưng vẫn không thấy bóng một du khách Trung Quốc nào, trong khi vào năm 2019 họ chiếm tới khoảng 60% trong tổng số 2,9 triệu du khách đến thăm nơi mà UNESCO xếp vào danh sách Di sản Thế giới.

Vào trước dịch Covid-19, tức là vào năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đã đạt kỷ lục về khách quốc tế với hơn 18 triệu người, tăng hơn 16% so với năm 2018. Trong số này, đông nhất là du khách đến từ Trung Quốc ( hơn 30% ) và Hàn Quốc ( hơn 20% ), đứng thứ ba là du khách từ Nhật Bản, tiếp đến là khách từ Nga. Con số “kỷ lục” hơn 18 triệu thật ra chẳng có gì là đáng "phấn khởi" nếu chúng ta tính trên tỷ lệ dân số. Nước láng giềng Cam Bốt có dân số chưa tới 17 triệu ( số liệu 2021 ) thế mà vào năm 2019 đã đón tiếp đến 6,6 triệu du khách ngoại quốc. Còn năm nay, chỉ mới 10 tháng đầu năm, đã có gần 1,6 triệu du khách ngoại quốc đến thăm vương quốc nổi tiếng với khu đền Angkor. Theo dự báo, tổng số du khách quốc tế đến Cam Bốt đến cuối năm sẽ lên tới 2 triệu.

Trong khi đó, dù đã mở rộng cửa từ nhiều tháng qua, Việt Nam vẫn rất vất vả lôi kéo du khách trở lại. Số du khách từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm đã tụt xuống chỉ còn 40.000. Số du khách cũng giảm mạnh từ Nhật Bản( 70.000 ) và từ Nga ( 10.000 ). Chỉ có du khách Hàn Quốc là còn khá đông đảo với 420.000 người, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 4,2 triệu của năm 2019.

Vì sao có tình trạng như vậy? Cô Trần Duyên, nhân viên công ty du lịch Horizon Vietnam Travel, chuyên phục vụ du khách nói tiếng Pháp, nêu một số lý do:

" Cũng có một phần là do chiến tranh Ukraina - Nga, tâm lý chung của một số du khách là lo lắng, khi thị trường chung của quốc tế chưa ổn định, họ cũng không muốn đi du lịch nhiều lắm. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam trong năm 2022 cho đến bây giờ đã dần được cải thiện, nhưng trước đó, về khách sạn, nhà hàng gần như bị hạn chế rất nhiều. 

Về nhân lực thì trong hai năm Covid, nhân sự du lịch đã phải tìm việc khác để kiếm sống. Sau Covid thì tìm nhân sự rất khó, bắt buộc phải đào tạo nhân sự mới. Đấy nói là thị trường (du khách nói ) tiếng Pháp, còn những thị trường hiếm hơn tiếng Đức, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, Ý,  thì gần như khởi động lại rất là khó, vì không có nhân sự."

Về phần mình, anh Nguyễn Ngọc Toản, người sáng lập và điều hành công ty lữ hành Image Travel & Events, nêu một lý do khác đó là số các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam còn quá ít, giá vé máy bay còn quá cao.

Chính sách visa cứng nhắc

Thật ra thì một trong những lý do khác khiến cho ngành du lịch Việt Nam thời hậu Covid phục hồi chậm đó là do chính sách visa du lịch còn cứng nhắc, vẫn không có gì thay đổi để thích ứng với tình hình mới, theo lời anh Nguyễn Ngọc Toản: 

" Vấn đề visa là một trở ngại, chứ không phải là lý do chính khiến người ta không về Việt Nam, giống như một giọt nước tràn ly: Khi người ta đã gặp những khó khăn khác rồi, bây giờ thêm khó khăn visa thì người ta bỏ luôn!

Doanh nghiệp trong nước đã nhiều lần kiến nghị lên thành phố, rồi lên chính phủ. Cấp quản lý cấp thành phố cũng đã nhiều lần kiến nghị lên trung ương, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Nếu tăng thời hạn miễn visa lên 30 ngày thì đúng với nhu cầu của khách từ châu Âu, Mỹ, Úc, tức là những thị trường xa. Đi xa thì người ta sẽ không đi ngắn ngày giống như đi gần. Khách châu Âu thì thích đi 18 ngày, 20 ngày, nhiều người sẽ ở lại để mua sắm, để nghỉ dưỡng sau tour du lịch. Như vậy thì sẽ mang lại nhiều giá trị cho ngành du lịch, chứ hiện nay miễn visa có 15 ngày là quá ngắn."

Hiện giờ, Việt Nam đã miễn visa đối với công dân của 24 quốc gia cho thời hạn lưu trú từ 15 đến 30 ngày, đồng thời đã áp dụng cấp visa điện tử thời hạn một tháng cho một lần nhập cảnh duy nhất đối với công dân từ 80 quốc gia khác. 

Nhưng theo lời cô Trần Duyên, công ty Horizon Vietnam Travel, việc cấp visa nay lại bị hạn chế so với thời gian trước Covid:

"Thời gian trước Covid, khách có thể xin visa 3 tháng, visa một tháng một lần, hay một tháng nhiều lần. Sau Covid thì bây giờ, khách quốc tế từ một số thị trường đến Việt Nam thì không được ở quá 30 ngày. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc cấp visa cũng dễ hơn vì khách có thể xin visa  qua mạng ( on line ), tức là khách chỉ cần điền những thông tin cần thiết là có thể lấy được visa on line.

Nói về chính sách visa thì nên kéo dài thời gian lưu trú ( không cần visa ) của khách nước ngoài tại Việt Nam, thay vì 15 ngày thì có thể lên thành 30 ngày, sẽ hợp lý hơn. 

Bên cạnh đó, hiện tại visa của khách nước ngoài đến đang bị hạn chế dưới 1 tháng, quá 1 tháng thì khách bị phạt. Có nghĩa là khách du lịch không xin được visa trên một tháng. Thủ tục xin visa  trên một tháng, có nghĩa là gia hạn, thì rất là phức tạp, gần như là cản trở thời gian khách đến Việt Nam. Nếu họ muốn du lịch ở Việt Nam trên 30 ngày thì bắt buộc phải sang Lào, sang Campuchia hoặc một nước khác, rồi mới quay lại Việt Nam. Đấy là một trong những yếu tố cản trở khách du lịch quốc tế đến Việt Nam." 

Cấp visa tại cửa khẩu?

Một trong những giải pháp được đề xuất để thu hút thêm du khách quốc tế, đó là cấp visa ngay tại các cửa khẩu. Cô Trần Duyên, công ty Horizon Vietnam Travel, ủng hộ giải pháp này:

"Nếu biện pháp đó được áp dụng thì quá hợp lý, bởi vì thủ tục này sẽ đơn giản hơn, nhanh hơn, ngay cả Lào và Campuchia đã thực hiện việc cấp visa tại chổ cho khách quốc tế đến nước họ rồi. Chính sách mở cửa như vậy sẽ góp một phần vào việc thu hút thêm khách nước ngoài đến Việt Nam.

So với một số nước láng giềng như Lào, Camuchia và Thái Lan, thủ tục xin visa vào nước họ đơn giản hơn vào Việt Nam rất nhiều."

Nhưng anh Nguyễn Ngọc Toản, công ty Image Travel & Events, e ngại là Việt Nam chưa đủ khả năng để cấp visa nhanh gọn ngay tại cửa khẩu: 

" Cấp visa tại cửa khẩu chắc chắn là thuận lợi hơn, tuy nhiên công tác chuẩn bị cho việc cấp visa tại cửa khẩu thì quá khả năng hiện nay của Việt Nam, vì nó đòi hỏi một lượng nhân lực rất lớn. Việc cấp visa hiện đã chậm rồi, lúc khách tới thì xếp hàng dài lắm, có khi mất cả hai tiếng. Cấp visa ở cửa khẩu đòi hỏi chuẩn bị một hệ thống cực kỳ lớn về nhân sự cũng như máy móc hiện đại để có thể đáp ứng được nhu cầu đó."

Hiện nay, đúng là du khách đến Việt Nam du lịch có thể xin visa điện tử qua mạng, đở mất thời gian chầu chực ở các đại sứ quán, nhưng theo anh Nguyễn Ngọc Toản, thủ tục visa điện tử phải thật đơn giản để không làm nản lòng du khách: 

"Visa điện tử thì công dân nước nào cũng đăng ký được hết, nhưng mà cấp hay không thì tùy. Và cái khó nữa là không phải ai cũng biết cách để xin visa điện tử, không phải làm lần nào cũng suôn sẻ. Khách đi du lịch là một nhu cầu giải trí, chứ không phải là bắt buộc, cho nên khi đăng ký qua mạng mà phức tạp quá thì đôi lúc mất cái hứng để đi Việt Nam. Nếu duy trì visa thì phải làm sao đơn giản nhất có thể được. Còn không thì miễn visa là tốt nhất. Giống như nhiều nước Đông Nam Á miễn visa đối với một số lượng lớn các quốc gia. Mình đang miễn visa cho một số nước châu Âu, nhưng những nước như Bỉ, Luxembourg lại không được miễn, trong khi đó là những nước có khả năng tài chính rất tốt".

Tại một hội nghị về phục hồi du lịch tổ chức vào giữa tháng 12, Chris Farwell, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), đã đề nghị chính phủ Việt Nam nên bãi bỏ yêu cầu về visa đối với đa số các nước, đồng thời kéo dài thời gian miễn visa lên từ 30 đến 45 ngày để đẩy nhanh đà phục hồi của ngành du lịch. 

Cũng tại hội nghị nói trên, một thành viên khác của Hội đồng Tư vấn Du lịch, ông Lương Hoài Nam,  cho rằng Việt Nam chưa mở cửa nhiều bằng các nước láng giềng, bởi vì hiện chỉ có công dân từ 24 quốc gia được miễn visa nhập cảnh vào Việt Nam, trong khi đối với Thái Lan, con số này lên đến 65 quốc gia. Mặt khác Thái Lan cho miễn visa du lịch với thời hạn lên tới 45 ngày.

Theo báo chí trong nước, tại Hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam “, được tổ chức tại Hà Nội hôm 21/12/2022, bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách du lịch

Đồng thời ông đề nghị kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam, cũng như xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.

Như đã nói ở trên du khách Âu Mỹ thường thích đi nghỉ dài ngày, cho nên rõ ràng là Việt Nam gặp bất lợi trong cuộc tranh đua thu hút du khách từ châu Âu và Hoa Kỳ để bù đắp cho sự thiếu hụt du khách Trung Quốc.

Thị trường Ấn Độ

Trong bối cảnh này, ngành du lịch Việt Nam đang nhắm tới một thị trường đầy hứa hẹn vì quốc gia này có dân số ngang ngửa với Trung Quốc, đó là Ấn Độ ( 1,4 tỷ dân ).  Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã mở các chuyến bay Sài Gòn - New Delhi từ tháng 6 năm nay, còn hãng hàng không giá rẽ VietJet Air đã thông báo thêm 11 tuyến bay mới giữa Việt Nam và Ấn Độ, nâng tổng số lên 17 tuyến.

Tự biết là khó mà đạt con số cao hơn, Tổng cục Du lịch Việt Nam chỉ đề ra chỉ tiêu cho năm 2023 là thu hút 8 triệu du khách nước ngoài và vẫn phải tiếp tục đặt hy vọng vào du lịch nội địa. Lượng khách du lịch nội địa đạt đến 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra đầu năm là khoảng 60 triệu. Con số này cũng vượt xa thời điểm trước dịch Covid-19, với khoảng 85 triệu năm.

No comments:

Post a Comment