Monday, December 26, 2022

MỘT NĂM NHÌN LẠI VIỆT NAM

MỘT NĂM NHÌN LẠI VIỆT NAM
Phạm Trần

Một năm có 365 ngày, nhưng ngày nào đảng CSVN cũng phải đối phó với các chứng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và tham nhũng, tiêu cực.

Những vi trùng này không chỉ có trong nội bộ đảng mà đã lan qua “lực lượng võ trang nhân dân”, đặc biệt là Quân đội và Công an, và trong toàn xã hội.

Trong số này, Đảng nhìn nhận, “suy thoái tư tưởng chính trị” là nghiêm trọng nhất vì nó đe dọa sự sống còn của chế độ.  Chủ nghĩa Mác-Lênin  và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh chưa bao giờ bị bài bác và phủ nhận sâu rộng trong giới trẻ, sinh viên và học sinh như hiện nay.

Ban Tuyên giáo Trung ương, có nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng đảng viên và trong nhân dân đã vất vả trăm chiều trong công tác chống đỡ tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng , hai nguyên nhân đã làm tan rã liên bang Xô viết năm 1991.

Nhớ lại một năm sau ngày Nga tan rã, ông Nguyễn Phú Trọng, khi ấy là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Trung ương, đã viết bài trong số Tháng 4/1992 giải thích “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”.

Ông Trọng chí chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu:” Không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, buông lơi công tác xây dựng Đảng; phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng; Coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ; xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân ủng hộ;Từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi.

(báo QĐND, ngày 29/10/2021)

Vì vậy, từ đó về sau, trong tất cả bài nói và viết, ông Trọng đều không quên nhắc nhở đảng viên hãy lấy những bài học xương máu xẩy ra cho nước Nga để làm gương.

Những bài học này được kết lại thành Nghị quyết “xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị”  với mục tiêu:” Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá.” (Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII)

Việc làm đầu tiên là phải :” Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn Việt Nam.”

Thứ hai, “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.”

Thứ ba, “Nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội; tăng cường định hướng thông tin, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ.

Thứ bốn, “Quản lý và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội trên Internet.”

Về công tác “xây dựng Đảng về đạo đức”, Trung ương kết luận cần :”Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân. Kiên quyết chống biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm". 

NHỮNG CON SỐ SUY THOÁI

Tuy nhiên tại “Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII ngày 9/12/2021”, ông Nguyễn Phú Trọng đã than phiền:”Dù nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, “hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng”, nhưng:”Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.” (theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV, ngày 11/12/2021)

Nói vào chi tiết, Tổng Bí thư Trọng  kể rằng:”Nguy cơ từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện như: phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.”

VOV cũng cho hay:”Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại hội nghị này cho biết, nhiệm  kỳ khóa XII, từ năm 2016- 2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. 

“Trong số gần 8.300 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất là không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu...

Trong số hơn 15.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật vì suy thoái đạo đức, lối sống thì nhiều nhất là “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan", ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc...”

THAM NHŨNG MUÔN NĂM

Trong lĩnh vực chống Tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng thông báo sau 10 năm dưới quyền chỉ đạo của ông từ 2021-2022, đảng đã kỷ luật được:” 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; 29 Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.” (Báo Công an Nhân dân (CAND), ngày 30/6/2022)

Tuy nhiên, người cầm đầu đảng nhìn nhận:”Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu. Đó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”

Lý do Tham nhũng tồn tại mãi đã khiến ông Trọng ngạc nhiên. Ông thừa nhận với cử tri Hà Nội ngày 20/01/2022 rằng:”Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?" (theo báo Thanh Tra, ngày (20/01/2022)

QUÂN ĐỘI-CÔNG AN

Từ ba căn bệnh “tiêu cực” sang “suy thoái tư tưởng”  và “tham nhũng”, đảng phải dựa lưng vào Quân đội và Công an để bảo vệ chế độ không tan.  Vì vậy, sau 30 năm nước Nga tan hàng rã đám (1991-2021) báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã không ngừng cảnh giác về bài học sụp đổ của Liên Xô.

Báo này viết:”Bài học xương máu của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cho thấy, khi đảng cộng sản mất vai trò lãnh đạo, sự biến chất của nhà nước là không tránh khỏi và hậu quả tất yếu của nó là làm cho quân đội mất phương hướng chính trị. Mặc dù năm 1991, Hồng quân Liên Xô có quân số hơn 3 triệu người nhưng đã không bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Đó là bi kịch lớn của lịch sử!” (QĐND, ngày 19/12/2022)

Do đó, trong nhiều lần nói chuyện với Quân ủy Trung ương và đảng Ủy Công an, ông Trọng đã tái khẳng định “Quân đội và Công an phải là hai lực lượng nòng cốt, thực sự là "Thanh kiếm" và "Lá chắn", là hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.” (Diễn văn ngày 17/06/2022)

Về tình hình Biển Đông, ông Nguyễn Phú Trọng xác nhận vẫn “còn tiềm ẩn nhiều bất trắc.” (Diễn văn, ngày 20/12/2022), nhưng không nói vào chi tiết.

Sự thật thì Trung Quốc vẫn  tiếp tục đánh chiếm các vị trí chiến lược ở Biển Đông. Bằng chứng này đã được báo tài chính Bloomberg tiết lộ hôm 20/12/2022, theo đó quân Trung Quốc đã chiếm thêm các Đá Ba Đầu, An Nhơn, Tri Lễ và Đá Én Đất nằm trong vùng  của nhóm Sinh Tồn Đông, nơi có quân của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam không đăng tin về hoạt động của Trung Quốc khiến người ta lầm tưởng tình hình ổn định.

Như vậy, khi nhìn lại Việt Nam năm 2022, ngoài ổn định về kinh tế, Việt Nam sẽ khó được bình yên trong năm 2023 với những căn bệnh tiềm ẩn chưa có dấu hiệu suy giảm. -/-

 

Phạm Trần

(12/022)

 

No comments:

Post a Comment