Nông dân Việt Nam được khuyến khích sử dụng phân hữu cơThanh Phương
Đăng ngày: 28/12/2022 - 08:58
RFI
Ảnh minh họa: Phân hữu cơ do công ty của một sinh viên ở bang Utah, Hoa Kỳ, sản xuất, được trao giải thưởng năm 2017. AP - Steve GriffinSau hội nghị Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học ( COP15 ) tại Montréal, Canada, các nước trên toàn thế giới đã thông qua một thỏa thuận "lịch sử" để ngăn chận sự tàn phá hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta. Một trong những mục tiêu được đề ra là thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, không sử dụng thuốc trừ sâu, cũng như từ bỏ phân hóa học để chuyển sang phân hữu cơ. Nông dân Việt Nam cũng được khuyến khích đi theo hướng này.
Trong sản xuất nông nghiệp, để bảo vệ cây trồng và đạt năng suất cao, nông dân bắt buộc phải sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Riêng ở Việt Nam, nông dân sử dụng nhiều phân bón hơn nhiều nước khác.Tờ Tuổi Trẻ ngày 17/03/2022 trích dẫn số liệu của Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho thấy là trong giai đoạn 2017 - 2020 cả nước sử dụng bình quân 10,3 triệu tấn/năm, trong đó phân bón hóa học chiếm đến 7,6 triệu tấn, còn lại là phân bón hữu cơ. Lượng phân bón sử dụng trung bình cả nước như vậy là cao hơn so với mức trung bình trên thế giới.
Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học không chỉ tạo ra những sản phẩm thiếu an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.
Chưa kể là hiện nay trên thế giới, người tiêu dùng ngày càng chọn các thực phẩm “sạch”, tức là được sản xuất mà không dùng đến các hóa chất độc hại. Ngoài ra, nhiều nước hiện nay đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho hàng nông phẩm từ các nước, ví dụ như để chinh phục thị trường Nhật Bản với 126 triệu dân, nông sản Việt Nam phải đạt một trong những tiêu chuẩn khắt khe, đó là Organic JAS (nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản).
Chiến tranh Ukraina càng khiến cho giá các loại phân bón tăng cao hơn nữa, khiến chi phí sản xuất tăng thêm, trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại không tăng, thậm chí giảm, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Đây được xem là cơ hội để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam khuyến khích nông dân chuyển sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh, có nhiều mối lợi hơn.
Phân hữu cơ là gì?
Phân hữu cơ là những loại phân bón có nguồn gốc hình thành từ chất thải gia súc gia cầm, tàn dư thân lá cây, thụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ thải từ sinh hoạt, nhà bếp, nhà máy sản xuất thủy, hải sản…
Phân hữu cơ có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng những hợp chất hữu cơ và được dùng trong sản xuất nông nghiệp. Dựa vào các nguồn nói trên, phân hữu cơ có thể được CHIAthành hai nhóm chính: Thứ nhất là phân bón hữu cơ công nghiệp (phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hữu cơ khoáng) và thứ hai là phân bón hữu cơ truyền thống (phân rác, phân xanh, phân chuồng,…), tức là những loại phân bón mà cha ông chúng ta đã dùng từ bao đời nay.
Không chỉ đến bây giờ, mà từ lâu giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, vẫn hô hào nông dân Việt Nam nên thay đổi thói quen canh tác, từ bỏ việc sử dụng phân hóa học.
Trả lời báo Người Lao Động ngày 20/03/2022, giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại : “ Trong kỹ thuật trồng lúa của Việt Nam có đặc điểm là thích trồng lúa cao sản, ngắn ngày, 2-3 vụ/năm và có năng suất cao. Nếu nông dân vẫn còn bảo thủ với cách bón phân từ trước đến giờ thì sẽ phải tiếp tục bón nhiều phân hơn để cây cối đạt sản lượng bằng những năm trước, chi phí cho phân bón sẽ tăng đáng kể trong khi đầu ra của nông sản rất phập phù.”
Những mối lợi của phân hữu cơ
Tác động của chiến tranh Ukraina càng cho thấy là đã đến lúc nông dân Việt Nam nên dứt khoát chuyển qua sử dụng phân hữu cơ vi sinh, vì ngoài việc giúp làm giảm chi phí sản xuất, loại phân này mang lại rất nhiều mối lợi.
Cụ thể đó là những mối lợi nào? Khi bón vào đất phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ tơi xốp phì nhiêu cho đất bằng việc bổ sung, cung cấp các loại vi sinh vật, chất mùn, chất hữu cơ cho đất đai và cây trồng.
Trả lời phỏng vấn RFI ngày 18/03, giáo sư Võ Tòng Xuân giải thích thêm:
“Phân hữu cơ vi sinh dùng rất ít phân đạm hóa học, mà chủ yếu dùng đạm của thực vật và những chất hữu cơ trích ra từ phân bùn, rong biển, để lấy acic và các chất vi lượng. Những người nông dân dùng phân hữu cơ sinh học cũng vẫn đạt được năng suất gần tương đương, chứ không cao bằng, với năng suất dùng phân hóa học.
Khi đưa chất hữu cơ vi sinh vào trong đất thì đất sẽ phục hồi theo dạng nguyên sơ của nó, nên có đầy đủ các loại vi sinh vật trong đất, côn trùng cũng được phục hồi, thành ra rễ cây đưa được rất nhiều chất bổ lên thân cây và có đầy đủ các loại vi sinh vật.
Cây trồng sử dụng phân sinh học hữu cơ giống như là nó được tiêm vac-xin, bởi vì khi nông dân mình sử dụng phân hữu cơ sinh học này thì sẽ sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật, hầu như là không dùng đến, cho nên sản phẩm không chứa các chất hóa học, nên gạo ngon hơn, xoài ngọt hơn, các cây trồng khác cũng vậy.
Do đó những người nông dân đã đi đầu trong vấn đề này từ năm ngoái bây giờ họ đã thấy rõ ràng những mối lợi. Giá phân hóa học bây giờ có tăng lên thì họ cũng không màng tới, bởi vì họ đã chuyển quan phân hữu cơ sinh học rồi.
Nhờ sử dụng phân hữu cơ sinh học mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, cho nên giá thành một kg lúa bây giờ chỉ còn 2.500 đồng, còn những nông dân sử dụng phân hóa học thì một kg lúa luôn luôn tốn tới 4.000 đồng. Lý do là vì phân họ bỏ vào đó nhưng cây lúa không được xài hết, phân nửa lượng phân đó bị bốc lên vì bị oxy hóa thành khí nitơ NO2.
Đồng thời phân đạm hóa học khi vào trong đất rồi, nó không còn gì bổ dưỡng cho các loại vi sinh vật, nên trong đất, mà mà con mình gọi là đất chai, cây lúa và các cây trồng khác không có được các vi sinh vật đó để bảo vệ cho cây, thành ra bị sâu, bệnh phá hoại, do đó người ta phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trị sâu bệnh”
Chống biến đổi khí hậu
Ngoài những mối lợi nói trên, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, với việc sử dụng phân hóa học, nông dân Việt Nam cũng sẽ góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu:
“ Tôi chắc chắn mình cũng phải đạt được một phần những cam kết của chính phủ Việt Nam tại hội nghị khí hậu COP 26. Khi ta dùng phân hóa học rải lên mặt đất, thì dưới lớp nước ruộng với đất thì có một màng mỏng đất gọi là oxy hóa. Khi nông dân rải phân như thế thì ít nhất 15% lượng phân đó bị oxy hóa, bốc lên thành khí NO2, tức là khí độc gấp 310 lần khí CO2.
Thành ra khi chúng ta phát triển việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh thì bà con nông dân chúng ta cũng sẽ góp phần vào việc giảm thiểu lượng khí gây hiệu ứng nhà kính bay vào trong khí quyển, góp phần vào việc thực hiện các cam kết của chính phủ Việt Nam tại hội nghị khí hậu COP 26.”
Theo lời giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện ở Việt Nam mới có khoảng 10% nông dân chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, vì nông dân chỉ mới bắt đầu dùng loại phân bón này vào năm ngoái:
“ Các nhà nông, các nhà khoa học của Mỹ, Anh, Đức đều thấy là bây giờ phải thay đổi, không nên dùng phân hóa học nhiều, mà phải chuyển sang phân hữu cơ vi sinh. Năm ngoái khi mình bắt đầu là mình cũng bắt chước bên Mỹ, Anh, Đức, nhất là Ấn Độ bây giờ cũng dùng rất nhiều.
Bên mình tuy chỉ mới có 10% nông dân đi theo hướng này, nhưng họ rất là sung sướng khi thấy được kết quả. Cho nên bây giờ, bộ Nông Nghiệp cũng sẽ tính làm một hội nghị lớn, mời rất nhiều nông dân, đưa họ lên truyền hình trực tuyến, để cho bà con nông dân thấy những người đã đi đầu từ năm ngoái trình bày những kết quả của họ cho bà con nghe. Hy vọng làm như thế sẽ đưa tới một phong trào mới nông dân mình sử dụng phân hữu cơ vi sinh”.
Tờ Dân Việt ngày 25/11/2021 cho biết là theo tính toán, mỗi năm Việt Nam có khoảng 280 triệu tấn chất thải hữu cơ từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ có chi phí thấp. Đây là một trong những yếu tố có thể thúc đẩy việc sử dụng phân hữu cơ ở Việt Nam, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, thân thiện môi trường.
No comments:
Post a Comment