Đời sống dân sựThái Hạo
27-12-2022
Tiengdan
Xã hội dân sự là vô cùng phong phú. Và một xã hội bình thường là cái xã hội biết chấp nhận tất cả những sự muôn vàn bất tận ấy: mực thước, điên cuồng, say – tỉnh, ngốc nghếch, diêm dúa, lòe loẹt, đạo mạo, lập dị, khôn ngoan, ngớ ngẩn, v.v., miễn không vi phạm pháp luật và đạo đức.
Chính từ trong cái đời sống và sự chấp nhận đời sống ấy mà ta thấy con người được tôn trọng, xã hội vận hành, những tài năng xuất lộ, những rác rưởi cũng tự phơi bày. Con người cần được sống vui theo cách mà họ muốn.
Danh hiệu “nhà thơ thế giới” có lẽ được “trao” bởi Giải thưởng văn chương thế giới 2022 (The World Literature Award from Rahim Karim) – một tổ chức văn học tư nhân do nhà thơ, nhà văn, nhà báo, dịch giả Rahim Karim (người Kyrgyzstan) sáng lập. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều giải thưởng kiểu này. Ở Việt Nam cũng có nhiều “câu lạc bộ thơ”, từ Haiku, Lục bát đến câu lạc bộ thơ Facebook. Người ta chơi với nhau, cho vui. Có sao đâu!
Cái ảo tưởng của giới văn nghệ thì hay lớn hơn mức bình thường, kẻ có chút máu văn nghệ sĩ thường hay lập dị hoặc ngáo ngơ, có kẻ cực đoan, có người diêm dúa hoa hòe hoa sói lăng nhăng. Kệ họ.
Edgar Poe ngủ vỉa hè như một kẻ tâm thần; Rimbaud lang thang khắp thế giới, buôn bán cả súng ống, Tản Đà tự xưng là “trích tiên”, Bùi Giáng gọi mình là “trẫm”… Trong hàng vạn kẻ bị “ngáo văn chương” thì may mắn, mọc ra những nhân vật ấy. Đó là phúc của nhân loại.
Ông Hoài Thanh nhận định trong “Thi nhân Việt Nam”: “Khốn nỗi, cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải của riêng một thời nào và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy”. Phong trào Thơ mới sẽ chỉ là một đám bụi nếu những Thế Lữ, Huy Cận, Hàn mặc Tử, Xuân Sanh… không làm ra những bài thơ hay mà chỉ đứng ở đó chửi Thơ cũ là dở. Thơ cũ chết không phải bởi họ không chửi hăng, mà vì không làm được nữa những bài thơ cũ hay.
Sống là biểu đạt. Họa sĩ biểu đạt bằng màu sắc, vũ công biểu đạt bằng hình thể, nhạc sĩ biểu đạt bằng âm thanh, nhà văn biểu đạt bằng con chữ… Xã hội này sở dĩ đến mức đổ nát không phải bởi những biểu đạt vô giá trị, mà vì có một bọn đang bắt tất cả chỉ được biểu đạt theo một lối “tốt đẹp” duy nhất – gọi là độc tài. Càng bóp nghẹt, càng sinh ra lắm thứ quái thai dị dạng, như một sự đổ vỡ hay như một cách đào thoát bất thành.
Bàn về thơ, không gì đáng hơn nói về thơ hay; thơ dở thì kệ nó, nó sẽ tự chết. Nhưng trước khi chết ít ra nó cũng làm được một việc, là mang niềm vui tới cho kẻ đã sinh ra mình. Tại sao lại muốn tước đi cái niềm vui nhỏ nhoi ấy?
Dán logo của người khác lên, đó là tội của ban tổ chức. Còn thơ dở, cứ nhẹ nhàng lướt qua, để yên cho tác giả của nó vui với bài thơ của mình. Cuộc tổng sỉ vả một người thích làm thơ, dù thơ dở chăng nữa, thấy bất nhẫn làm sao. Một kẻ nói ngọng cũng có quyền hát kia mà…
No comments:
Post a Comment