Một số nhận thức nhầm về đảng và Mác – Lênin (Phần cuối)Nguyễn Đình Cống
30-12-2022
Tiengdan
Tiếp theo phần 1 và phần 2
6. Nhầm của các ông tổ
Đây là nhầm lẫn của Mác và Lênin trong học thuyết của các ông. Những nhầm lẫn ấy được truyền bá ra khắp thế giới.
Cơ bản của CNML có ba nội dung chính.1- Triết học Mác – Lê gồm Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử (có tài liệu còn thêm phép biện chứng duy vật). 2- Kinh tế chính trị học Mác – Lê. 3- Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Các nội dung ấy được dạy khắp nơi, nhiều cấp. Người dạy, phần nhiều cứ dạy theo tài liệu mà không dám tin chắc vào bài giảng của mình. Tôi từng hỏi vài thầy dạy Mác – Lê, rằng thầy có thật hiểu và thật tin điều mình giảng hay không, thì thường không nhận được trả lời hoặc nói vòng vo. Người học cứ học theo bài giảng, chỉ được thảo luận để nhận thức, không được phản biện. Làm bài thi hoặc kiểm tra phải theo sát từng chữ của tài liệu, nếu thêm hay bớt đi một vài chữ, dù không làm thay đổi nội dung thì vẫn bị điểm kém.
Không phải toàn bộ ba nội dung của CNML đều nhầm lẫn, mà trong mỗi nội dung có những chỗ nhầm hoặc sai, còn phần lớn là chấp nhận được.
Sai cơ bản nhất là phần duy vật trong “Duy vật biện chứng”. Triết học duy vật Mác cho rằng cơ bản của vũ trụ là vật chất, nó có trước và vận động không ngừng. Ý thức, có sau, là sản phẩm bậc cao của vật chất, sinh ra trong não con người. Hiểu như vậy là chưa đúng vì Vũ trụ còn chứa Thông tin, nó không phải là vật chất, cũng không phải do vật chất sinh ra và nhiều nhà khoa học còn cho rằng Thông tin mới là phần cơ bản của vũ trụ.
Rồi những vấn đề liên quan đến ý thức. Nó được sinh ra như thế nào, nhân loại chưa biết, và thực tế thấy rằng có nhiều việc rõ ràng ý thức có trước hành động.
Nhưng sự hiểu biết đúng hay sai về mặt triết học ít quan trọng trong đời sống nhân loại. Điều rất quan trọng và nguy hiểm là khi vận dụng nó vào các đường lối, chính sách trong lãnh đạo và quản trị xã hội. Đó là những việc sau.
Trước hết là việc quá đề cao vật chất, chạy theo, tranh giành quyền lợi vật chất, (Quốc tế ca: Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình). Cuộc sống Con Người có nhu cầu vật chất và tinh thần. Nhu cầu vật chất là cần thiết, nhưng nó liên quan tới phần Con nhiều hơn là đến phần Người. Đấu tranh của Mác cho vô sản trước hết là tranh đoạt vật chất để sống (Đấu tranh này là trận cuối cùng – Quyết phen này sống chết mà thôi).
Tiếp theo, duy vật chủ trương vô thần, vô tôn giáo. Điều này làm cho người ta ít quan tâm đến đạo đức, không lo sợ, không chùn tay khi làm việc phi nghĩa, độc ác để kiếm lợi, nghĩ rằng có thể che giấu mọi người, tránh được luật pháp. Mác không biết rằng tôn giáo là một trong những nhu cầu tinh thần của nhân loại, là điều kiện để giúp con người trở thành lương thiện, để giữ gìn và giáo dục đạo đức.
Về khoa học, Mác tin vào thuyết tiến hóa Darwin. Hiện nay thuyết này đang bị đánh đổ (Nhiều ý kiến cho rằng nó đã bị đánh đổ hoàn toàn) (*). Mọi sinh vật được sinh ra từ giống (hạt giống), phát triển nhờ môi trường. Vậy môi trường là rất quan trọng, nhưng quyết định là ở giống. Thế nhưng, Mác đã đề cao môi trường, vì thế mới cho rằng: “Bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Cho như thế không sai, nhưng rất thiếu sót, dẫn đến những kết luận sai lạc về vai trò của các tầng lớp người trong các quan hệ xã hội. CNML cho rằng, công nhân là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, là giai cấp lãnh đạo. Điều này không đúng với thực tế, là bịa đặt.
Stalin lại quá đề cao vai trò của môi trường theo học thuyết của Missurin-Lưxencô và chống đối học thuyết Mendel về giống (gene), vì cho rằng đó là học thuyết phản động của tư bản. Thực ra Mendel (1822-1884), người phát hiện ra các định luật về di truyền, là cha đẻ của khoa sinh học hiện đại. Stalin đã hãm hại, tù đày nhiều nhà khoa học của Liên Xô vì họ nghiên cứu và truyền bá thuyết Mendel, việc này làm cho khoa sinh học của Liên Xô lạc hậu so với thế giới hàng trăm năm.
Mác cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội loài người, phóng đại và khoét sâu lòng hận thù của vô sản đối với người giàu, cho rằng nghèo khổ của vô sản là do bọn nhà giàu gây ra. Trong thực tế hình như chưa bao giờ tư bản xem công nhân là kẻ thù và rất ít cá thể vô sản xem tư bản, địa chủ là kẻ thù cần tiêu diệt, cần đào mồ để chôn, mà chỉ có cộng sản kêu gọi, xúi giục công nhân, bần cố nông làm việc trái đạo Trời như vậy.
Phần lớn tình trạng nghèo truyền đời qua vài thế hệ. Tôi chưa tìm thấy có chỗ nào Mác chỉ ra nguyên nhân cơ bản đầu tiên của tình trạng đó, trong khi ban đầu, ở các bộ lạc nguyên thủy, mọi người bình đẳng trong lao động và thụ hưởng kết quả. Phải chăng ngoài một số ít do tai nạn, rủi ro, còn tuyệt đại đa số trở thành vô sản là do bản thể của họ kém năng lực lao động, trí tuệ phát triển chậm, do lười nhác, thích ăn chơi, từ đó dẫn đến không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động, mà bán rẻ vì chỉ là lao động giản đơn. Có một thời gian dài nhiều người tự hào về xuất thân nghèo hèn, những người ở tầng lớp trên bị bắt buộc phải tôn trọng bần cố nông, chịu để họ làm lãnh đạo. Không có sự kém trí tuệ nào bằng.
Về duy vật lịch sử, Mác cho rằng lịch sử nhân loại cơ bản là sự thay đổi các phương thức sản xuất với khẳng định rằng sau phương thức tư bản là phương thức cộng sản (Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). Trước đó cần trải qua quá độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Đây thực ra là một dự đoán theo lối “ngoại suy”. Từ dự đoán đến khẳng định phải qua kiểm nghiệm chặt chẽ, nghiêm túc. Thế nhưng Mác không thể kiểm nghiệm và những người marxit, đáng ra phải làm kiểm nghiệm thì không làm mà khẳng định luôn. Người có trí tuệ không hành động như thế. Dự đoán đó đã sụp đổ, nhưng những người tin mù quáng vẫn cố bào chữa, níu kéo một cách đần độn.
Một số người quá tin vào Mác, cho rằng ông đã phát hiện ra rằng “Quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất” và cho đó là một quy luật quan trọng. Vì lực lượng phát triển nhanh nên đến một lúc sự phù hợp bị phá vỡ. Con người phải can thiệp để tạo ra sự phù hợp mới.
Tôi đoán, hình như Mác đưa ra ý kiến trên nhằm tạo cớ để làm cách mạng vô sản, nhằm xóa bỏ phương thức tư bản. Sau khi Mác chết thì người ta mới thêu dệt điều đó thành quy luật. Tôi chưa đủ chứng cứ để đánh đổ toàn bộ ý kiến của Mác và những người theo ông, chỉ xin nêu vài nghi ngờ.
Lực lượng sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Quan hệ sản xuất thuộc ý chí con người. Sự phù hợp giữa hai yếu tố này xảy ra như thế nào hình như chưa được bàn đến. Tại sao cần phù hợp chưa được giải thích. Từ PHẢI trong cụm “Phải phù hợp” hoặc “Phải thống nhất” là khách quan hay là do ý chí con người. a) Nếu là do khách quan thì mới có thể nói là quy luật và chúng phải tự động biến đổi để giữ sự phù hợp. b) Nếu do ý chí con người, cần có sự can thiệp thì đó không phải là quy luật.
Nên chăng sửa lại như sau: Khi quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất thì sản xuất phát triển, còn khi không phù hợp thì xảy ra trì trệ.
Tôi nghi ngờ sự phù hợp này do Mác bất chợt nghĩ ra, chưa được suy xét kỹ. Tôi cho rằng với một lực lượng giống nhau có thể chấp nhận các quan hệ khác nhau, đồng thời một quan hệ có thể ứng với các lực lượng. Hơn nữa, đây không phải là một phát hiện do tìm tòi, khảo sát nghiêm chỉnh mà cũng mới chỉ là dự đoán mà thôi. Không phải Mác phát hiện ra, mà là Mác đoán như thế. Trong lịch sử cũng đã có những dự đoán (tiên tri) được kiểm chứng, còn dự đoán của Mác chỉ mới dừng lại ở mức đoán mò.
Việc Mác tìm ra “Giá trị thặng dư” để giải thích tư bản bóc lột công nhân như thế nào là một ngụy biện đã được nhiều nhà nghiên cứu vạch ra, đó là Mác mới chỉ dùng một phần của chi phí, đã bỏ qua một phần khác là công sức của nhà tư bản trong tổ chức, điều hành, quản lý, công sức của các nhà sáng chế, phát minh, và còn có sự lớn lên của đồng tiền trong quá trình vận động.
Có thể thông cảm khi Mác không thấy phần còn lại, vì ông là nhà lý thuyết suông, chủ yếu đọc tài liệu trong thư viện. Đáng phê phán, chỉ trích nếu ông biết mà bỏ qua.
Lênin đã nói về vai trò nhà nước của giai cấp: “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với giai cấp khác”.
Quan niệm như vậy khác xa với rất nhiều nhà nước đã và đang tồn tại. Khi học CNML, người ta vẫn dạy và học như thế nhưng trong thực tế hình như việc trấn áp chỉ xảy ra đối với một số cá nhân, còn nhà nước phải làm nhiều việc về kinh tế, văn hóa, giáo dục, công ích, điều hòa quyền lợi giữa các tầng lớp, làm đối ngoại, gìn giữ biên cương v.v… Nhà nước giai cấp của Lênin là một quái thai không nên có.
CNML cho rằng trong tương lai, chế độ vô sản chuyên chính sẽ tạo lập ra được phương thức sản xuất cộng sản “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đó chỉ là một lời đoán, một mơ ước hão huyền, chứ không phải là lời tiên tri. Những người Marxit ca ngợi Mác là tiên tri thiên tài, nhưng có nhiều khả năng ông chỉ là một người hoang tưởng, rằng phương thức sản xuất và chế độ cộng sản chỉ là cái bánh vẽ để nhìn ngắm từ xa.
7. Lời cuối
Những nhầm lẫn về CS và Mác Lê có rất nhiều vì rất đông người đã bị tẩy não, bị nhồi sọ từ rất bé, lúc chưa có trí khôn, lúc chưa biết suy nghĩ. Lúc còn quá bé, hễ nghe được cái gì từ người hướng dẫn là nhận rằng đúng và ghi nhớ suốt đời. Phải là những người có bản lĩnh cao, khi lớn lên mới đủ trí tuệ và nghị lực xem xét lại những nhận thức từ bé và mạnh dạn từ bỏ những giáo điều sai lầm. Đây là điều mà hình như các nhà tâm lý học phục vụ cho Hitler phát hiện ra và ứng dụng rất có hiệu quả, đã tạo được những đội quân tuyệt đối trung thành với thủ lĩnh. Tuyên truyền của Liên Xô học được từ người Đức và dạy cho người Việt. Tuyên giáo Việt đã vận dụng khá thành công.
Rất nhiều người Việt bị nhầm từ rất bé. Lớn lên một số không nhỏ nhận ra sự khác biệt giữa thực tế và những điều đã được học, nhưng lại được tuyên giáo của đảng bày cho cách suy nghĩ lạc hướng, cho rằng chủ nghĩa đúng, đường lối vẫn đúng, chỉ vì người thực hiện thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyên hóa nên làm sai mà thôi.
Rất khó có thể kể ra hết các nhầm lẫn và dối trá trong cách mạng vô sản, trong chuyên chính vô sản. Tôi chỉ nhặt ra vài điều để chứng tỏ rằng một số sai lầm từ gốc rễ và lời bào chữa cho rằng chủ nghĩa và đường lối vẫn đúng, chỉ có cán bộ làm sai là một ngụy biện nguy hiểm.
Trước đây tôi hoạt động, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Kết cấu Xây dựng. Chỉ mới quan tâm lĩnh vực chính trị trong khoảng hai chục năm gần đây. Vì vậy, sự hiểu biết có thể chưa thật đầy đủ. Rất mong nhận được sự chỉ giáo của các vị phản biện, đặc biệt các vị có hiểu biết sâu sắc.
Để kết thúc xin kể chuyện vui về NGÀY MAI: Quán phở treo thông báo, ghi rõ: NGÀY MAI ĂN PHỞ KHÔNG CẦN TRẢ TIỀN. Hôm sau nhiều người đến ăn, ai cũng bị đòi tiền. Khách chỉ vào thông báo. Chủ giải thích rằng hôm nay ăn vẫn phải trả tiền vì chưa phải ngày mai.
Ngày mai, tưởng là hôm sau, rất gần, nhưng không bao giờ đến được.
_______
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Ngược lại với ý kiến của tác giả, trên thực tế, thuyết tiến hóa Darwin đã được cộng đồng khoa học công nhận rộng rãi bởi nó được chứng minh từ quan sát thực tế, từ sự không hoàn hảo trong các sinh vật ghi lại nguồn gốc chung trong lịch sử (những thay đổi được quan sát thấy ở các sinh vật qua các thế hệ kế tiếp, đối với nguồn gốc của chúng từ một tổ tiên chung và ở cấp độ kỹ thuật đối với sự thay đổi tần số gien theo thời gian)…
Các nhà khoa học chấp nhận thuyết tiến hóa khi trên thực tế có nhiều bằng chứng về sự tiến hóa đã được khám phá khi nó đang diễn ra trong tự nhiên, chẳng hạn như sự xuất hiện các loài côn trùng mới có thể kháng thuốc trừ sâu; hay như như việc sinh ra các biến thể mới của các loại virus; cũng như sự khám phá ra gien di truyền của ngành di truyền học…
No comments:
Post a Comment