Monday, December 16, 2024

Nước Mỹ đang bị nguyền rủa bởi một chính sách đối ngoại hoài niệm
Nguồn: Nancy Okail và Matthew Duss, “America Is Cursed by a Foreign Policy of Nostalgia,” Foreign Affairs, 03/12/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
16/12/2024
NghiencuuQT



Washington cần điều gì đó tốt hơn “Nước Mỹ trên hết” và “Nước Mỹ trở lại.”

Chính sách đối ngoại của Mỹ hiện đang trôi dạt giữa trật tự cũ và một trật tự mới vẫn chưa được xác định rõ ràng. Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã khiến nhiều người ở Washington thức tỉnh trước thực tế rằng: dù giới tinh hoa chính trị tin là có một sự đồng thuận không thể chối cãi về chính sách đối ngoại, nhiều người Mỹ vẫn đặt câu hỏi về những giả định đã định hướng cách mà Mỹ tiếp cận thế giới suốt hàng chục năm qua – đặc biệt là về giả định rằng một trật tự quốc tế được hậu thuẫn bởi bá quyền quân sự của Mỹ rõ ràng là đáng được duy trì, bất kể phải trả giá như thế nào. Cuộc bầu cử năm 2024 đã xác nhận rằng kết quả năm 2016 không phải là một điều bất thường. Sự đồng thuận cũ ở Washington đã chết.
Bài đang hot



Nhưng cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Trump không phải là một giải pháp thay thế khả thi. Dù thường bị dán nhãn sai là chủ nghĩa biệt lập, nhưng những gì Trump đưa ra thực chất là chủ nghĩa đơn phương hung hăng, hay cái mà nhà khoa học chính trị Barry Posen gọi là “bá quyền phi tự do”: một viễn cảnh về nước Mỹ không bị ràng buộc bởi các quy tắc và không biết xấu hổ vì các lợi ích cá nhân, không còn bị lợi dụng bởi chính giới ích kỷ và bảo thủ ở Washington, cũng như các đồng minh và khách hàng quốc tế ăn bám. Trong bài phát biểu của mình tại đại hội đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance đã sử dụng chủ đề này, đưa câu chuyện cá nhân của ông về sự vỡ mộng với cuộc chiến Iraq, nơi ông đã phục vụ, mở rộng thành một câu chuyện về sự thất bại nhưng không bị trừng phạt của giới tinh hoa. Đảng Dân chủ đã không phản ứng một cách thỏa đáng (thậm chí còn tung hô một cách khó hiểu một trong những kiến trúc sư chính của cuộc chiến Iraq, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney), tạo ra một con đường rộng mở cho Trump thể hiện mình như một ứng viên phản chiến, bất chấp những hoài nghi.

Người dân Mỹ cần một giải pháp thay thế cho sự lựa chọn giữa chủ nghĩa đơn phương “nước Mỹ trên hết” và sự hoài niệm “nước Mỹ trở lại.” Khoác một tấm áo mới lên chủ nghĩa quốc tế tự do cũ sẽ không hiệu quả – đối với người Mỹ cũng như đối với hầu hết các quốc gia và dân tộc trên thế giới, những người xem lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Mỹ về một trật tự “dựa trên luật lệ” chỉ là lớp áo mỏng bên ngoài một trật tự bị cai trị, và thường bị bẻ cong hoặc phá vỡ, mà không bị trừng phạt bởi Mỹ và các nước đồng minh của họ. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến và các đảng viên Dân chủ hiện có cơ hội – và nghĩa vụ – để vạch ra một con đường tốt hơn nhằm tiến về phía trước.

Mục tiêu của chính sách đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào cũng là thúc đẩy an ninh và thịnh vượng cho người dân của mình. Tuy nhiên, trong thế giới kết nối sâu sắc ngày nay, nơi những thách thức chính như biến đổi khí hậu và đại dịch được chia sẻ, cách tiếp cận toàn cầu của Mỹ cần bao gồm một ưu tiên khác: lợi ích chung. Điều này sẽ đòi hỏi một nước Mỹ hành động đoàn kết với những nước khác, xem xét tác động của chính sách đối ngoại Mỹ lên người dân trên toàn thế giới, và tìm cách thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của Mỹ trong khi không xuất khẩu bất an và bất ổn kinh tế sang nước khác. Một cách tiếp cận như vậy cũng sẽ có lợi hơn cho chính người Mỹ.

ĐOẠN TUYỆT

Dù hiện nay có sự thừa nhận rộng rãi rằng Washington cần phải thoát khỏi những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ, nhưng phần lớn giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ vẫn cam kết với bá quyền quân sự toàn cầu, bất kể phải trả giá như thế nào. Theo cách diễn đạt của nhạc sĩ Rick James, bá quyền là một thứ thuốc phiện kinh khủng. Nó là một thói quen cần phải loại bỏ, vì nuôi dưỡng nó đòi hỏi một cuộc đấu tranh giành quyền thống trị khiến chính quyền vừa bỏ bê các nhu cầu cấp thiết trong nước, vừa xâm phạm đến quyền tự do của người Mỹ. Nói một cách đơn giản, xây dựng một nền dân chủ lành mạnh và an toàn sẽ không tương thích với việc theo đuổi quyền thống trị toàn cầu không ngừng nghỉ.

Dù quyền lực tương đối của Mỹ đang giảm, nhưng nước này vẫn tự hào có nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới, với một loạt các liên minh, đối tác, và quan hệ có một không hai giúp định hình chương trình nghị sự toàn cầu. Điều quan trọng là Washington phải sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để ủng hộ các quy tắc chung thực sự có thể giúp định hướng các vấn đề toàn cầu, vượt ra ngoài phương trình thô bạo đơn giản rằng kẻ mạnh là kẻ đúng. Việc giải quyết các thách thức chung cấp bách đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế, trong đó thừa nhận rằng sự can dự toàn cầu không chỉ quan trọng đối với việc bảo vệ các giá trị tự do và an ninh con người, mà còn giúp đảm bảo sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Dù Tổng thống Joe Biden đã có một số bước tiến tới một cách tiếp cận mới, nhưng chúng vẫn chưa đủ. Minh chứng rõ ràng nhất cho việc chính quyền của ông tách khỏi mô hình toàn cầu hóa tân tự do đã được nêu rõ trong bài phát biểu vào tháng 04/2023 của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, qua đó đánh dấu sự thừa nhận quan trọng nhưng muộn màng, rằng trật tự kinh tế cũ đã thất bại. Làm giảm bất bình đẳng toàn cầu và bất ổn kinh tế bằng cách tuân thủ các quy tắc thương mại, lao động, và đầu tư công bằng có thể mang lại những hậu quả tích cực to lớn cho người lao động Mỹ – bao gồm cả những người bị thu hút bởi luận điệu kinh tế dân túy của Trump trong chiến dịch tranh cử lần này – cũng như các cộng đồng khác trên khắp thế giới.

Nhiều nước đang phát triển đang theo dõi sát sao khi Mỹ rời xa logic tân tự do cũ trong khi nền kinh tế của họ vẫn bị mắc kẹt trong các biện pháp hà khắc của logic này. Điều cần thiết là phải cải cách các thể chế tân tự do như Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để nhường lại ảnh hưởng đối với việc ra quyết định cho các quốc gia có thu nhập thấp mà các thực thể này tuyên bố hỗ trợ phát triển. Mỹ và các đồng minh của mình cũng nên hỗ trợ một chương trình xóa nợ có mục tiêu để giải phóng người dân các nước khỏi khoản nợ khổng lồ do các chính phủ thường tham nhũng, phi dân chủ, và các tập đoàn đa quốc gia săn mồi của họ mắc vào, điều này sẽ giúp họ giải quyết các cuộc khủng hoảng cấp bách về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, bất kỳ lợi ích nào thu được từ việc tách khỏi nền kinh tế tân tự do sẽ bị lãng phí nếu Mỹ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận của mình thông qua lăng kính của cạnh tranh chiến lược. Không nơi nào là bằng chứng cho điều này rõ ràng hơn ở Trung Đông, nơi mà những luận điệu hòa bình và bình thường hóa của Washington chỉ đang che giấu một nỗ lực điên cuồng nhằm duy trì bá quyền của Mỹ. Trong cuộc đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc và chống lại vai trò nguy hiểm của Iran và Nga trong khu vực, Mỹ đã nuôi dưỡng chính động lực mà những tác nhân đó khai thác. Chẳng hạn như vai trò trung gian của Mỹ trong Hiệp định Abraham, trong đó Mỹ cung cấp vũ khí để bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các đối tác Ả Rập, hoặc cách Mỹ ủng hộ một cuộc chiến thảm khốc do Israel tiến hành đối với những người dân bị giam cầm ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023. Thay vì chấp nhận thay đổi các chính sách tồi tệ và sử dụng đòn bẩy đáng kể của mình để kiềm chế cuộc tấn công của Israel, Mỹ đã dành cả năm qua chủ yếu để cố gắng, và thất bại trong việc ngăn chặn xung đột lan rộng ra ngoài Gaza, theo đó đánh mất nguồn lực và uy tín quốc tế trong khi tiếp tay cho một thảm họa nhân đạo. Thay vì đưa ra một chính sách đối ngoại chân chính cho tầng lớp trung lưu, chứ chưa nói đến tầng lớp công nhân, Washington lại theo đuổi bá quyền quân sự toàn cầu cho tầng lớp thống trị.

Mỹ có thể thúc đẩy một trật tự toàn cầu công bằng hơn, hoặc có thể cố gắng duy trì bá quyền toàn cầu, nhưng không thể làm cả hai. Một trật tự toàn cầu tìm cách củng cố bá quyền của Mỹ là phi dân chủ trên quy mô toàn cầu, và sẽ không có lợi cho những nhóm dân số bên lề trong hệ thống quốc tế. Nhiều người ở Washington, vốn đã bám chặt vào hệ thống cũ, sẽ hiểu sai những lời kêu gọi rút lui khỏi bá quyền quân sự là sự thu hẹp (retrenchment), hoặc thậm chí tệ hơn, là chủ nghĩa biệt lập (isolationism). Sự thật là, các dự án của giới tinh hoa chính trị trong thế kỷ 21 – được định nghĩa bởi chủ nghĩa quân phiệt và việc ủng hộ các hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu ưu tiên lợi nhuận kinh doanh hơn phúc lợi kinh tế và xã hội – đã phải trả giá rất đắt. Các dự án đó không chỉ góp phần vào sự bất ổn toàn cầu mà còn dẫn đến sự trượt dốc về phía chủ nghĩa độc tài và sự tức giận phản kháng được thể hiện trong các cuộc bầu cử dân chủ gần đây. Sự an toàn và thịnh vượng của người Mỹ đòi hỏi Washington phải tham gia vào mọi đấu trường quốc tế có thể. Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ phải đặt người dân lên trên chính phủ – đặc biệt là các chính phủ độc tài mà Washington từ lâu đã xem là đối tác và đồng minh – và trên các tập đoàn và giới tinh hoa tài phiệt.

Cần phải có một cuộc đại tu thực sự đối với các mô hình và nhân sự chính sách đối ngoại. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên bắt đầu bằng việc đoạn tuyệt với kỷ nguyên của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã dũng cảm chấm dứt chiến tranh Afghanistan, dù sự hỗn loạn của đợt rút quân cuối cùng vào năm 2021, kết hợp với việc Mỹ không tôn trọng các cam kết của mình với các đồng minh Afghanistan đang tìm kiếm một lối thoát an toàn, sẽ là nỗi xấu hổ dai dẳng. Chính quyền của ông cũng đã giảm đáng kể các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, và cùng với đó là thương vong của dân thường đi kèm với các cuộc tấn công kiểu này. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Dù Biden đã tuyên bố sai rằng ông là “tổng thống đầu tiên trong thế kỷ này báo cáo với người dân Mỹ rằng nước Mỹ không tham chiến ở bất kỳ nơi nào trên thế giới,” các lực lượng Mỹ vẫn đang can dự ở nhiều quốc gia ở Trung Đông và những nơi khác theo hai nghị quyết khác nhau của quốc hội về việc sử dụng vũ lực quân sự, được thông qua vào năm 2001 và 2002. Các nghị quyết này nên được bãi bỏ. Đạo luật Quyền hạn An ninh Quốc gia – được đề xuất vào năm 2021 bởi các Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Mike Lee, và Chris Murphy – là một dự luật toàn diện, một dự luật không chỉ hoàn thành mục tiêu kể trên, mà còn giúp khôi phục thẩm quyền của Quốc hội đối với việc tiến hành chiến tranh, một vai trò đã bị suy yếu sau nhiều năm lạm quyền của nhánh hành pháp. Ngoài ra, dự luật đề xuất cải cách quy trình kiểm soát xuất khẩu vũ khí, yêu cầu phải có phiếu thuận ở cả hai viện để phê duyệt một số loại hình bán vũ khí nhất định, đồng thời điều chỉnh quy trình tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ngăn tổng thống lợi dụng khủng hoảng để tăng thẩm quyền hành pháp.

NHỮNG LỰA CHỌN ĐỐI LẬP

Tuy nhiên, một khi Washington thực sự khép lại cuốn sách về cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, họ không nên chỉ đơn giản tìm cách giới thiệu một kẻ thù mới. Chấp nhận thế giới quan về cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, chính quyền Trump và Biden cùng phần lớn giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ đang tập trung vào việc giảm sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo Mỹ không nên đánh giá thấp những thách thức mà chính phủ Trung Quốc đặt ra. Nhưng mong muốn của họ – chống lại hoặc thậm chí đánh bại Trung Quốc ở từng khu vực trên toàn cầu – không chỉ mang tính phản động, mà còn gây hại cho lợi ích của Mỹ khi dấn thân vào một cuộc chiến làm cạn kiệt tài nguyên và thiện chí trong khi tước đi các cơ hội hợp tác và chung sống hòa bình. Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ không giúp phục hồi nền dân chủ trong bối cảnh toàn cầu hoặc trong nước. Bằng cách nuôi dưỡng sự thù địch và bài ngoại quốc tế, nhiều khả năng nó sẽ chỉ trao quyền cho các thế lực chính trị trong nước không thân thiện với nền dân chủ.

Mỹ cần phải nhận ra và bảo vệ lợi ích của mình giữa một thế giới đa cực, thay vì cố gắng trong vô ích để ngăn chặn đa cực thông qua một nỗ lực tốn kém và tự hủy để gây bất lợi cho Trung Quốc. Những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trên toàn cầu – bao gồm biến đổi khí hậu, di cư bất thường, trí tuệ nhân tạo không được kiểm soát, phổ biến vũ khí hạt nhân, bất ổn chính trị, và đại dịch – đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu; chúng không thể được giải quyết chỉ bằng sức mạnh quân sự. Mỹ nên tìm cách hợp tác về biến đổi khí hậu – chẳng hạn như hợp tác với Trung Quốc để tận dụng các khoản đầu tư tài chính khí hậu không tạo ra nợ, và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho các nước đang phát triển – như một cơ hội để xây dựng lòng tin và xác định các lĩnh vực cùng có lợi về các vấn đề khác.

Để thoát khỏi cuộc cạnh tranh có tổng bằng không đang thống trị tư duy chiến lược ở cả hai bên, cần có một cách tiếp cận mới để xác định thế nào là thành công trong ảnh hưởng toàn cầu. Washington và Bắc Kinh đều nên tập trung vào các hàng hóa công toàn cầu, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng y tế công toàn dân và năng lượng xanh. Họ phải huy động một lượng đầu tư phát triển lớn hơn và có trách nhiệm hơn vào các quốc gia và khu vực đã bị thiếu vốn suốt nhiều thập kỷ, và phải liên tục bảo vệ các quyền con người, chính trị, và lao động trên toàn cầu. Xây dựng hợp tác quốc tế xung quanh một bước chuyển đổi như vậy của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp tái lập quan hệ Mỹ-Trung trên một nền tảng mới, bắt đầu hợp pháp hóa lại các chuẩn mực quốc tế bằng cách áp dụng chúng lên người dân của tất cả các quốc gia và giải quyết các mối đe dọa thực sự sống còn mà nhân loại đang phải đối mặt ngày nay.

Cuối cùng, người ta sẽ không thể sửa chữa chính sách đối ngoại của Mỹ nếu không sửa chữa nền chính trị Mỹ. Không có chương trình nghị sự chính sách đối ngoại nào, dù được xác định rõ ràng đến đâu, có thể tồn tại lâu dài trong bối cảnh đất nước đang phân cực, trong đó mọi vấn đề đều trở thành vũ khí trong cuộc chiến văn hóa giữa cánh tả và cánh hữu. Vượt qua thách thức này có nghĩa là phải đối mặt với thực tế rằng nền dân chủ Mỹ đang bị hạn chế, nếu không muốn nói là bị phá hoại, bởi một hệ thống tài trợ chiến dịch tranh cử tương đương với hối lộ hợp pháp. Chính quyền Biden đã hùng hồn tuyên bố chống tham nhũng như một mục tiêu an ninh quốc gia lớn, nhưng tham nhũng không phải là vấn đề chính của chính sách đối ngoại. Đây thực sự là vấn đề trong nước của Mỹ, vì nó củng cố quyền kiểm soát của giới tinh hoa và tước đi cơ hội lãnh đạo đất nước của những bộ óc đa dạng và tài năng trong những cuộc tranh luận công bằng. Lý do tại sao những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lại trở nên thu hút nhờ những tuyên bố rằng hệ thống này bị gian lận là bởi vì hệ thống này thực sự đã bị gian lận – dù thường là do chính những nhóm lợi ích tài trợ cho các chiến dịch của những người theo chủ nghĩa dân tộc đó.

Một thách thức chính trị cốt lõi khác là nhu cầu về trách nhiệm giải trình, cả trong nước và quốc tế, điều này rất quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ cải cách nào. Quan niệm cho rằng chính sách đối ngoại ưu tiên ngoại giao là một chính sách yếu bắt nguồn từ một sự hiểu lầm – cụ thể là ý tưởng cho rằng ngoại giao tìm cách chấm dứt xung đột mà không đòi bồi thường hoặc trách nhiệm giải trình, do đó gieo mầm cho các xung đột trong tương lai. May mắn thay, như đã nêu ở trên, có một giải pháp thay thế vượt qua sự chia rẽ tả-hữu lỗi thời này. Tầm nhìn được mô tả ở đây khó có thể thành hình trong ngắn hạn, nhưng thời điểm để bắt đầu con đường thay thế này là ngay bây giờ. Người Mỹ phải lựa chọn giữa liêm chính hay tham nhũng, trách nhiệm giải trình hay đồng lõa, miễn trừ hay pháp quyền. Những lựa chọn này rất rõ ràng và việc đưa ra những lựa chọn đúng đắn sẽ đòi hỏi lòng dũng cảm chính trị thực sự, cũng như khả năng lãnh đạo và xây dựng liên minh. Nhưng cuối cùng, đây là cách duy nhất để đảm bảo tương lai của nước Mỹ và của một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn, và tự do hơn.

Nancy Okail là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Quốc tế.

Matthew Duss là Phó giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Quốc tế. Từ năm 2017 đến năm 2022, ông là Cố vấn Chính sách Đối ngoại cho Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont.

Có thể bạn quan tâm:

No comments:

Post a Comment