Sunday, December 15, 2024

Vua tiếng Việt – Vẫn chuyện “Dĩ hư truyền hư”
Hoàng Tuấn Công
15-12-2024
Tiengdan

Vua Tiếng Việt số 21 (2024), chủ đề “Đậu”, cố vấn Chương trình, nhà thơ Lữ Mai chúc mừng phần thi của người chơi trước đó, và chủ động chọn từ “bón lót” để giải thích:

“Ở đây có những từ tôi thấy rất là khó với những người chơi mà chưa có nhiều trải nghiệm, đặc biệt là trong canh tác nông nghiệp, ví dụ như từ ‘bón lót’. Chúng ta luôn sử dụng chữ lót để chỉ các phần phụ, ví dụ như chúng ta mặc một cái áo thì có phần bên trong, và ‘bón lót’ cũng tương đương như thế. Tức là nó là một sự chăm sóc cho cái cây mạ hoặc cái cây lúa nào đó trước thời gian gieo cấy. Và đây là cái động thái giúp cho cây mạ nó khoẻ mạnh hơn trước khi cấy trồng. Bây giờ thì tôi thấy trong nông nghiệp ít khi người ta ‘bón lót’, bởi vì là các giống mới rất là khoẻ mạnh nên không có cái việc này nữa, nhưng mà xưa kia nếu nhà nông mà quên hay vì lý do nào đó không ‘bón lót’ cho cây thì cây nó không khoẻ mạnh được”.

Video Player
00:00
01:02

Tiengdan: Xem video

Có một số điểm cần đính chính:

1- “Lót” không phải để chỉ “các phần phụ”, mà là phần THÊM VÀO phía trong hoặc phía dưới, nhằm bổ sung vật, chất vốn không có, hoặc tạo ra sự ngăn cách, khiến vị trí đó trở nên êm, ấm, sạch sẽ, lâu bền, tốt, đẹp hơn.

2- “Bón lót” không phải chỉ áp dụng cho cây mạ và cây lúa, mà cho tất cả các loại cây trồng thâm canh. “Lót” ở đây chính là bổ sung chất dinh dưỡng xuống phía dưới trước khi cấy, trồng, để khi cây ra rễ là có thể hấp thu chất dinh dưỡng ngay, phân biệt với ‘bón thúc’ sau khi trồng, phân bón được rải trên mặt đất, phải qua quá trình tan ra và ngấm vào đất thì cây mới hấp thu được. Đáng tiếc là không ít người lầm tưởng điều này, kể cả các nhà biên soạn từ điển, ví như GS Nguyễn Lân:

– “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, mục “bón lót” được GS Nguyễn Lân giảng là: “Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa”, và lấy ví dụ: “Đã bón lót rồi nên cấy kịp thời”.

Trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu” (Hoàng Tuấn Công – NXB Hội Nhà văn Việt Nam – 2017) chúng tôi đã đính chính lại như sau:

“Bón lót” không phải là khâu kỹ thuật chỉ áp dụng cho cây lúa nước. Trong thâm canh cây trồng, từ đậu, lạc, ngô, khoai… đến các loại cây công nghiệp, mía, dứa, cà phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp, đều áp dụng biện pháp kỹ thuật “bón lót”. Về khâu “bón lót” nói chung, phải giải nghĩa là: bón phân trước khi cấy, trồng hoặc gieo hạt, nhằm tạo dự trữ, cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây. Cách giải nghĩa sai của GS. Nguyễn Lân giống “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “bón lót đg. Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa.” (hết trích).

Cũng cần lưu ý thêm, “chăm sóc cho cái cây mạ hoặc cái cây lúa nào đó trước thời gian gieo cấy” mà vị cố vấn nói, không có nghĩa là “bón lót”. Vì “bón lót” phải là bón TRƯỚC KHI GIEO TRỒNG, còn “chăm sóc” nói chung được hiểu là bón phân để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây sau khi ĐÃ GIEO TRỒNG.

3- Vị cố vấn nói: “Bây giờ thì tôi thấy trong nông nghiệp ít khi người ta ‘bón lót’ bởi vì các giống mới rất là khoẻ mạnh nên không có cái việc này nữa”, là sai và ngược hoàn toàn so với thực tế.

Một vài dẫn chứng:

– Xưa kia cấy trồng theo lối quảng canh, không tăng vụ, đất có thời gian tái tạo dinh dưỡng nên tương đối màu mỡ. Bởi thế, kể cả không ‘bón lót’ (với lúa gọi là “cấy chay”), thì cây vẫn cho năng suất khá. Riêng với mạ thì ít khi nông dân ‘bón lót’, vì đất chuyên mạ (“dược mạ”, Thanh Hoá gọi là “nác mạ”), sau khi nhổ cấy thường được luân canh bằng rau muống, ngô, khoai, đậu, lạc, đến mùa gieo mạ cho vụ mới thì đất đã được tái tạo, bổ sung chất dinh dưỡng (mạ cần, cây vụ trước không cần). Mặt khác, với giống cũ, thời gian cây mạ đứng chân trên ruộng tạm khá dài, đất lại màu mỡ nên mạ rất tốt, có khi mạ còn phải cắt bớt ngọn trước khi cấy. Đây chính là những lí do nếu không ‘bón lót’ cho mạ thì cũng không có vấn đề gì lớn.

Ngày nay, nhà nông có ý thức thâm canh cây trồng hơn nhiều, phân bón cũng sẵn nên hầu như cấy trồng bất cứ loại cây nào người ta đều ‘bón lót’. Riêng với cây mạ, cây lúa thì gần như 100% ‘bón lót’ trước khi gieo cấy.

Giống lúa mới rất khoẻ, nhưng chính vì khoẻ mạnh nên chúng phàm ăn. Mặt khác với giống lúa mới ngắn ngày thì sau khi bén rễ hồi xanh, cây lúa đã cần ngay dinh dưỡng để hấp thu và đẻ nhánh kịp thời, chạy đua với thời gian để sinh trưởng, chứ không thể đứng chờ bón bổ sung như giống lúa dài ngày xưa kia được. Hơn nữa, khi các chân đất đã bị thoái hoá, bạc màu rất nhiều so với trước kia, nếu không được ‘bón lót’ thì năng suất cây trồng sẽ rất thấp.

Như vậy, lời giảng của vị cố vấn chỉ đúng ở ý: “bón lót” là từ “rất là khó với những người chơi mà chưa có nhiều trải nghiệm, đặc biệt là trong canh tác nông nghiệp”.

Chúng tôi đề nghị Vua Tiếng Việt đính chính lỗi sai này.

__________

THAM KHẢO: Nếu độc giả có sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu” (Hoàng Tuấn Công – sách đã dẫn, tái bản 2018, có bổ sung 100 trang) trong tay, có thể giở các trang 187, 188, 189 sẽ thấy một loạt từ thuộc vần B, liên quan đến kỹ thuật canh tác nông nghiệp như: “bón đón đòng”, “bón lót”, “bón phân”, “bón thúc” đều bị GS Nguyễn Lân giảng sai (tất cả đều đã được chúng tôi đính chính).

No comments:

Post a Comment